Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) yêu cầu Khu Quản lý đường bộ, Sở Xây dựng được giao quản lý quốc lộ (chưa bàn giao về địa phương quản lý), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các nhà đầu tư đang quản lý hay khai thác quốc lộ hoặc đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) ký hợp đồng dự án... cần khẩn trương tổng rà soát, xử lý các tồn tại hay bất cập về báo hiệu đường bộ và đèn tín hiệu giao thông.
Cơ quan này yêu cầu các đơn vị báo cáo bổ sung tình hình và kết quả rà soát, cũng như khắc phục các tồn tại về biển báo hiệu đường bộ , đèn tín hiệu giao thông và các bất cập khác. Đối với các hư hỏng, bất cập phức tạp ngoài phạm vi công tác bảo dưỡng thường xuyên thì cần khẩn trương lập phương án, ước lượng kinh phí thực hiện để báo cáo cấp có thẩm quyền tiến hành sửa chữa đột xuất, hoặc đưa vào kế hoạch bảo trì năm nay hoặc năm 2026 cho phù hợp.

Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu xử lý dứt điểm các tồn tại về biển báo hiệu đường bộ trong tháng 4. Ảnh: Tạ Hải.
Đối với hệ thống đường địa phương (bao gồm cả đường cao tốc , quốc lộ đã bàn giao cho địa phương quản lý, đường cao tốc hay quốc lộ địa phương ký kết hợp đồng PPP), Cục ĐBVN đề nghị Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục báo cáo bổ sung nếu trước đó đã có báo cáo gửi về Cục ĐBVN.
Với các Sở Xây dựng chưa gửi báo cáo về Cục ĐBVN hoặc có báo cáo nhưng chưa đầy đủ (Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Hậu Giang, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và một số Sở Xây dựng khác chưa hoàn thành công tác này) cần hoàn thiện báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và Cục ĐBVN.
Cục ĐBVN yêu cầu rà soát và khắc phục ngay các tồn tại, bất cập về biển báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông trên đường bộ thuộc phạm vi quản lý nếu có. Ngoài ra phải tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khác có liên quan khắc phục ngay các tồn tại, bất cập ngoài phạm vi Sở Xây dựng quản lý.
Các báo cáo và nội dung vừa nêu cần gửi về Cục ĐBVN trước ngày 5/5.
Theo thống kê hồi tháng 3 của Cục ĐBVN, cả nước có hơn 5.960 biển báo hiệu có bất cập trên toàn bộ mạng lưới đường bộ. Trong đó, số biển báo đường bộ bất cập nhưng chưa được xử lý 1.576 biển và đã xử lý xong 4.386 biển báo đường bộ bất cập.
Các biển báo hiệu đường bộ còn tồn tại là do một số biển báo lắp đặt tại các vị trí không hợp lý, cần di chuyển sang vị trí khác để đảm bảo hợp lý về tổ chức giao thông; một số vị trí đã bố trí đủ biển báo trên các cột biển báo, nhưng hiện nay lưu lượng và mật độ phương tiện tham gia giao thông càng tăng, do đó người điều khiển phương tiện khó quan sát biển báo hiệu nên cần đưa các biển báo này lên các giá long môn hoặc cần vươn để người tham gia giao thông dễ quan sát.
Đáng nói, không ít trường hợp biển báo đã sử dụng nhiều năm, bề mặt biển báo và các ký hiệu, hình vẽ trên biển báo bị mờ, độ phản quang giảm, do đó cần sửa lại bề mặt biển báo, dán lại màn phản quang để tăng cường việc nhận biết; biển báo bị cây, chướng ngại vật che khuất; một số vị trí đặt biển báo phụ có nhiều thông tin, gây khó khăn cho người tham gia giao thông đọc các thông tin trên biển báo phụ.