
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước hệ thống phòng không Patriot trong chuyến thăm Đức (Ảnh: Getty).
Báo Bild của Đức cảnh báo, nếu không có nguồn cung tên lửa của Mỹ, hệ thống phòng không của Ukraine có thể ngừng hoạt động trong một tuần và hệ thống tên lửa có độ chính xác cao HIMARS sẽ trở nên vô dụng vào tháng 9.
Chuyên gia quân sự Đức Thomas Theiner nhấn mạnh nếu không có tên lửa Patriot với khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga, Ukraine sẽ gần như không có khả năng phòng thủ.
Theo ước tính của chuyên gia, với các cuộc tấn công dữ dội của Nga, kho tên lửa này có thể cạn kiệt trong vòng một đến hai tuần.
Trong trường hợp này, Ukraine sẽ phải rút các hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung khỏi Kiev, chẳng hạn IRIS-T của Đức, để tránh bị tên lửa đạn đạo phá hủy. Nếu không có sự bảo vệ của Patriot, các hệ thống này sẽ trở nên dễ bị tổn thương, điều này sẽ làm giảm mạnh khả năng của Ukraine trong việc đối phó với các cuộc không kích của Nga.
Báo Bild dẫn lời chuyên gia quân sự Carlo Masalu cho biết, kho vũ khí của phương Tây tại Ukraine có thể cạn kiệt vào cuối mùa hè, sau đó tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng với Kiev.
Trước đó, một số hãng truyền thông Mỹ cho biết Washington đã tạm dừng việc chuyển giao nhiều loại vũ khí quan trọng cho Kiev, bao gồm tên lửa Patriot và Hellfire, rocket dẫn đường GMLRS và hàng nghìn quả đạn pháo 155mm.
Nhà Trắng sau đó xác nhận một số loại vũ khí đã bị ngưng cung cấp, tuyên bố rằng “quyết định này được đưa ra nhằm ưu tiên lợi ích nước Mỹ.”
Bild mô tả tình trạng thiếu hụt năng lực phòng không là một “vấn đề cấp bách” với Ukraine, vốn hiện chỉ còn 4 hệ thống Patriot còn hoạt động và không đủ tên lửa đánh chặn. Nếu Kiev hết đạn, các cuộc không kích của Nga sẽ càng trở nên “nguy hiểm” hơn nữa.
Politico đưa tin, chính quyền Ukraine “bị bất ngờ hoàn toàn” trước việc Mỹ đóng băng viện trợ quân sự và đã đề nghị Washington “cho phép châu Âu mua vũ khí Mỹ rồi chuyển cho Ukraine". Một số nước châu Âu hiện xem xét khả năng thay mặt Ukraine thực hiện các thương vụ mua sắm này, theo nguồn tin từ Politico.
Khoản chi tiêu này có thể được tính vào cam kết ngân sách quốc phòng trong NATO, nhưng hiện chưa có cam kết cụ thể nào. Thương vụ này vẫn cần có sự chấp thuận từ chính phủ Mỹ, và các điều khoản đang được đàm phán, theo một nguồn tin am hiểu quá trình này.
Ukraine, Mỹ hợp tác phát triển UAV
Vào ngày 5/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố một thỏa thuận với Mỹđể tăng đáng kể sản xuất chung các loại máy bay không người lái (UAV).
Theo ông Zelensky, Ukraine sẽ nhận được hàng trăm nghìn máy bay không người lái trong năm nay, bao gồm các mẫu máy bay đánh chặn ưu tiên được thiết kế để tiêu diệt UAV và tên lửa của đối phương. Vào năm 2026, khối lượng sản xuất dự kiến tăng hơn nữa.
Ông Zelensky cho biết thỏa thuận với công ty Swift Beat của Mỹ, được ký kết trong chuyến thăm Đan Mạch của ông, sẽ là một bước quan trọng trong việc tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine.
Ngoài ra, ông Zelensky cũng công bố thỏa thuận đầu tiên với Đan Mạch, cho phép triển khai sản xuất vũ khí của Ukraine ra nước ngoài, bao gồm máy bay không người lái và các loại vũ khí khác.
Sự hợp tác này đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, đưa Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên sản xuất công nghệ quân sự của Ukraine phục vụ nhu cầu của Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU).
Thỏa thuận của Ukraine với Mỹ quy định về việc sản xuất hàng trăm nghìn máy bay không người lái, bao gồm cả máy bay không người lái đánh chặn.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov từng tuyên bố nước này có khả năng sản xuất tới 4 triệu máy bay không người lái mỗi năm và với nguồn tài trợ bổ sung, con số này có thể lên tới 10 triệu.
Theo European Pravda, theo thỏa thuận hợp tác với công ty Swift Beat của Mỹ và các đối tác khác, Ukraine sẽ được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất.