
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Israel (Ảnh: IDF).
Cuộc tấn công kéo dài 5 giờ, với sự tham gia của trực thăng, xe bọc thép và lực lượng mặt đất, đã nhắm vào các mục tiêu gần thủ đô Damascus và khu vực lưu vực Yarmouk, thuộc tỉnh Deraa nhằm “đảm bảo an ninh từ xa”, nhất là các vùng giáp Syria.
Hoạt động này được truyền thông quốc tế mô tả là “lần đầu tiên có một không hai” trong khu vực, không chỉ bởi quy mô mà còn bởi bối cảnh chính trị phức tạp giữa Israel và chính quyền lâm thời Syria dưới sự lãnh đạo của Ahmad al-Sharaa.
Sự sụp đổ của chế độ Assad và cơ hội chiến lược cho Israel
Sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad vào tháng 12/2024 đã tạo ra “khoảng trống quyền lực” đáng kể tại Syria và mở ra cơ hội cho Israel củng cố ảnh hưởng của mình tại khu vực miền Nam, nơi giáp ranh với Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Theo Washington Post, sau khi ông Assad chạy sang Nga, lực lượng nổi dậy do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu; với Ahmad al-Sharaa (tức Abu Mohammed al-Jolani) nắm quyền, đã nhanh chóng kiểm soát Damascus; khiến Israel tăng cường hoạt động quân sự, bao gồm chiếm đóng vùng đệm được thiết lập bởi Thỏa thuận Ngừng bắn 1974 và mở rộng hiện diện quân sự tại tỉnh Quneitra, Daraa và Suwayda.
Cuộc đột kích ngày 3/7 tại Yaafour, Saysoun, Rakhlah, Ayn Dhakar là một phần trong chiến lược dài hạn của Israel nhằm đảm bảo an ninh biên giới và ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ các lực lượng thù địch, đặc biệt là các nhóm được Iran hậu thuẫn như Hezbollah.
Theo Al Mayadeen, các lực lượng đặc nhiệm Israel đã nhắm mục tiêu vào một địa điểm trước đây thuộc quyền sở hữu của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Syria, nơi được cho là có thể chứa các kho vũ khí hoặc cơ sở hạ tầng quân sự còn sót lại từ chế độ Bashar al-Assad.
Các nguồn tin địa phương nhấn mạnh cuộc đột kích không chỉ nhằm phá hủy các mục tiêu quân sự mà còn gửi thông điệp rõ ràng đến chính quyền mới của Syria rằng Israel sẽ không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện quân sự nào gần biên giới của mình.
Chuyên gia quân sự David Schenker từ Viện Washington nhận định: “Israel đang tận dụng sự hỗn loạn sau sự sụp đổ của chế độ Assad để thiết lập các vùng an ninh mới, đồng thời gửi tín hiệu đến cả Damascus và các thế lực khu vực như Iran rằng họ sẽ không cho phép bất kỳ khoảng trống quyền lực nào bị lấp đầy bởi các nhóm thù địch”.
Điều này phù hợp với tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin vào tháng 2 khi ông yêu cầu “hoàn toàn phi quân sự hóa” các tỉnh miền Nam Syria, bao gồm Quneitra, Daraa và Suwayda, để bảo vệ các khu định cư của Israel và ngăn chặn các mối đe dọa từ HTS hoặc các lực lượng khác.
Ngăn chặn mối đe dọa từ vũ khí và các nhóm phiến quân
Một trong những lý do chính khiến Israel tiến hành cuộc đột kích là để ngăn chặn nguy cơ vũ khí chiến lược rơi vào tay các nhóm phiến quân hoặc các lực lượng thù địch. Kể từ khi chế độ Assad sụp đổ, Israel đã thực hiện 480 cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự trên khắp Syria nhắm vào các kho vũ khí, căn cứ không quân và cơ sở sản xuất vũ khí tại Damascus, Homs, Tartus, Latakia và Palmyra.
Cuộc đột kích ngày 3/7, với sự tham gia của lực lượng đặc nhiệm Shaldag Unit (Unit 5101), là một phần của chiến dịch này, tập trung vào việc phá hủy các kho vũ khí còn sót lại hoặc ngăn chặn chúng bị chiếm giữ bởi các nhóm như HTS hoặc các lực lượng thân Iran.
Các nguồn tin từ Al Mayadeen cho biết lực lượng Israel đã sử dụng ba trực thăng để triển khai chiến dịch đổ bộ tại Yaafour, cách Damascus 10 km và tiến hành các cuộc tấn công mặt đất tại Saysoun và Ayn Dhakar ở lưu vực Yarmouk. Hoạt động này được mô tả là “tìm kiếm và phá hủy”, với mục tiêu loại bỏ các cơ sở hạ tầng quân sự có thể được sử dụng bởi các nhóm phiến quân hoặc các lực lượng ủy nhiệm của Iran.
Một nguồn tin giấu tên từ Damascus nói với Al-Akhbar rằng các địa điểm bị tấn công có thể liên quan đến các kho vũ khí từng thuộc về “Vệ binh Cộng hòa Syria”, vốn là lực lượng ủy nhiệm được Iran hỗ trợ mạnh mẽ trong thời kỳ Assad còn tại vị.
Theo chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Tel Aviv, Eyal Zisser, “Israel lo ngại rằng sự hỗn loạn ở Syria có thể dẫn đến việc các nhóm phiến quân, đặc biệt là những nhóm có liên hệ với Iran, tiếp cận được các loại vũ khí tiên tiến như tên lửa chống hạm hoặc hệ thống phòng không. Cuộc đột kích này là biện pháp phòng ngừa để đảm bảo rằng những vũ khí này không rơi vào tay kẻ thù”. Điều này cũng giải thích tại sao Israel đã nhắm vào các mục tiêu ở Rakhlah và Ayn Dhakar, nơi được cho là có các cơ sở lưu trữ vũ khí hoặc các trung tâm chỉ huy quân sự.
Gây áp lực lên chính quyền Ahmad al-Sharaa
Ngoài mục tiêu quân sự, cuộc đột kích còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh Israel và Syria đang tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp và trực tiếp về thỏa thuận bình thường hóa.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Tzachi Hanegbi, Israel đang tham gia các cuộc giao tiếp trực tiếp hàng ngày với chính quyền lâm thời Syria. Mục tiêu của các cuộc đàm phán là thiết lập một thỏa thuận an ninh, có thể mở đường cho bình thường hóa quan hệ, tương tự như Hiệp định Abraham giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công quân sự, bao gồm cả cuộc đột kích ngày 3/7, được xem là phương thức để Israel gây áp lực lên ông Ahmad al-Sharaa và chính quyền Syria mới của ông. Theo Times of Israel, Israel đã tuyên bố sẽ không chấp nhận sự hiện diện của các lực lượng HTS hoặc bất kỳ nhóm quân sự nào khác ở khu vực phía Nam Damascus. Cuộc đột kích này có thể được hiểu như lời cảnh báo Israel sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để đảm bảo các yêu cầu an ninh của mình, đặc biệt là trong bối cảnh al-Sharaa đang cố gắng cân bằng giữa việc xây dựng quan hệ với Israel và duy trì sự ủng hộ từ các nhóm trong nước.
Robin Yassin-Kassab, chuyên gia về Syria, nhận định trên Al Jazeera: “Ahmad al-Sharaa đang ở trong tình thế khó khăn. Ông ta cần sự hỗ trợ từ các cường quốc khu vực và quốc tế để tái thiết Syria nhưng bất kỳ động thái nào tiến gần đến bình thường hóa với Israel đều có thể gây ra phản ứng dữ dội từ người dân Syria, đặc biệt khi Israel mở rộng sự hiện diện quân sự”. Cuộc đột kích không chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự mà còn là một cách để Israel khẳng định vị thế mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán.
Đối phó với Iran và củng cố liên minh với Mỹ
Cuộc đột kích phản ánh chiến lược rộng lớn hơn của Israel trong đối phó ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông. Cuộc xung đột Iran-Israel đã leo thang đáng kể trong năm 2024 và 2025, với các cuộc tấn công trực tiếp giữa hai bên, bao gồm chiến dịch “Sư tử Trỗi dậy” của Israel vào tháng 6 nhằm phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran. Mặc dù Iran đã mất đi một đồng minh quan trọng là chế độ Assad, các nhóm ủy nhiệm của họ như Hezbollah vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể tại Syria.
Cuộc đột kích vào các mục tiêu gần Damascus và Deraa có thể được xem là một nỗ lực của Israel để ngăn chặn bất kỳ sự tái thiết lập nào của các lực lượng thân Iran trong khu vực.
Theo Reuters, cuộc không kích của Israel vào tháng 12/2024 đã giết chết Salman Jumaa, nhân vật cấp cao Hezbollah phụ trách liên lạc với quân đội Syria. Điều này cho thấy Israel tích cực nhắm vào các mạng lưới hậu cần và chỉ huy của Hezbollah tại Syria và cuộc đột kích ngày 3/7 có thể là một phần của chiến dịch này.
Chuyên gia an ninh khu vực Lina Khatib từ Chatham House nhận xét: “Israel đang tận dụng thời điểm Syria yếu đi để triệt tiêu bất kỳ dấu vết nào của sự hiện diện Iran gần biên giới. Động thái này không chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà còn củng cố vị thế của Israel trong các cuộc đàm phán với Mỹ và các đồng minh Ả Rập”.
Hơn nữa, cuộc đột kích diễn ra trước chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu tới Mỹ để gặp Tổng thống Trump, dự kiến diễn ra vào tuần sau. Theo The Wall Street Journal, mối quan hệ giữa ông Netanyahu và ông Trump đã cải thiện đáng kể; Israel đang tìm cách tận dụng sự ủng hộ của Mỹ để củng cố các hành động quân sự của mình tại Syria. Cuộc đột kích này có thể là cách để Israel chứng minh sự quyết tâm của mình trong duy trì, đảm bảo an ninh khu vực, đồng thời gửi tín hiệu đến Mỹ rằng họ cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong việc đối phó với các mối đe dọa từ Syria và Iran.
Cuộc đột kích đã gây ra những phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế, trước hết bị chỉ trích bởi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, người cho rằng các hành động này vi phạm chủ quyền của Syria. Các quốc gia Ả Rập như Ả Rập Xê Út, Qatar và UAE lên án Israel, gọi đây là “nỗ lực có chủ đích để mở rộng chiếm đóng”.
Tuy nhiên, chính quyền lâm thời Syria dưới sự lãnh đạo của Ahmad al-Sharaa đã phản ứng một cách thận trọng. Theo Al Jazeera, ông al-Sharaa nhấn mạnh rằng Syria cam kết tuân thủ Thỏa thuận Ngừng bắn năm 1974 và không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột mới với Israel. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích các hành động quân sự của Israel, gọi chúng là “những cái cớ giả tạo” để mở rộng sự kiểm soát lãnh thổ. Điều này cho thấy sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Damascus và Tel Aviv, ngay cả khi hai bên đang đàm phán về bình thường hóa.
Chuyên gia địa chính trị Frederic Hof từ Trung tâm Wilson nhận định: “Cuộc đột kích của Israel là bước đi táo bạo nhưng đầy rủi ro. Nó có thể làm suy yếu các cuộc đàm phán với Syria, làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia Ả rập, đặc biệt là khi họ đang tìm cách xây dựng lại quan hệ với Damascus”.