Thanh toán không tiền mặt và ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ Việt Nam

Nghiên cứu phân tích thực trạng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, đánh giá tác động của thanh toán không tiền mặt đến doanh thu, chi phí và hành vi tiêu dùng trong ngành bán lẻ, từ đó đề xuất giải pháp để phát triển thanh toán không tiền mặt, góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam bền vững.

TS. Trần Thị Diên1*,

ThS. Nguyễn Thúy Hằng1

1 Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tân Trào - Tuyên Quang

* Tác giả liên hệ: Email: tranthidien1979@gmail.com

Tóm tắt

Thanh toán không tiền mặt đang phát triển mạnh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. Nghiên cứu cho thấy từ năm 2020 đến 2024, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong ngành bán lẻ tăng từ 16,5% lên khoảng 40%, kéo theo doanh thu bán lẻ tăng từ 5.059,8 nghìn tỷ đồng lên 6.391,0 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp khó khăn về hạ tầng, thói quen tiêu dùng tiền mặt, nhất là ở vùng nông thôn. Nghiên cứu phân tích thực trạng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam, đánh giá tác động của thanh toán không tiền mặt đến doanh thu, chi phí và hành vi tiêu dùng trong ngành bán lẻ, từ đó đề xuất giải pháp để phát triển thanh toán không tiền mặt, góp phần thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam bền vững.

Từ khóa: Thanh toán không tiền mặt, thị trường bán lẻ, hành vi tiêu dùng, Việt Nam, công nghệ tài chính.

Summary

Cashless payment is growing strongly in Vietnam, especially in the retail sector. Research shows that from 2020 to 2024, the proportion of cashless payment in the retail industry increased from 16.5% to about 40%, leading to an increase in retail revenue from VND 5,059.8 trillion to VND 6,391.0 trillion. The strong positive correlation (r ≈ 0.92) between cashless payment and retail revenue affirms the important role of cashless payment in promoting industry growth. However, implementation still faces difficulties in infrastructure and cash consumption habits, especially in rural areas. The study proposes solutions to develop cashless payment, contributing to promoting a sustainable Vietnamese retail market.

Keywords: Cashless Payment, Retail Market, Consumer Behavior, Vietnam, Fintech.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mạnh mẽ, thanh toán không tiền mặt (TTKTM) đang trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu, và Việt Nam cũng tích cực triển khai nhiều chính sách thúc đẩy hình thức thanh toán này nhằm giảm tỷ trọng tiền mặt, minh bạch giao dịch và phát triển kinh tế số. Đến cuối năm 2024, giao dịch TTKTM tại Việt Nam tăng hơn 50% mỗi năm, với sự phát triển mạnh của ví điện tử, mobile banking, QR code và thẻ ngân hàng. TTKTM mang lại nhiều lợi ích cho ngành bán lẻ như tăng tính tiện lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí vận hành và tạo điều kiện khai thác dữ liệu khách hàng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra thách thức về đầu tư hạ tầng, bảo mật dữ liệu và thay đổi thói quen tiêu dùng, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, nghiên cứu về TTKTM và ảnh hưởng của nó đến thị trường bán lẻ Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, nhằm đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững ngành bán lẻ.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu dựa trên phân tích và tổng hợp tài liệu thứ cấp từ các báo cáo chính thống và tổ chức nghiên cứu uy tín nhằm phân tích thực trạng TTKTM tại Việt Nam. Đánh giá tác động của TTKTM đến doanh thu, chi phí và hành vi tiêu dùng trong ngành bán lẻ. Phương pháp định lượng được dùng để tính hệ số tương quan giữa tỷ lệ TTKTM và doanh thu bán lẻ. Đồng thời, nghiên cứu áp dụng phân tích SWOT để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của TTKTM đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tình hình thanh toán không dùng tiền mặt trong tiêu dùng bán lẻ ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, TTKTM tại Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tính đến cuối năm 2024, cả nước đã thực hiện khoảng 5,5 tỷ giao dịch TTKTM với tổng giá trị đạt xấp xỉ 40 triệu tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Các phương thức thanh toán hiện đại như mobile banking, internet banking, ví điện tử và đặc biệt là QR code đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 40% đến hơn 100% về số lượng và giá trị giao dịch (NHNN, 2024). Tỉ lệ các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với ngành hàng bán lẻ ở Việt Nam được thể hiện qua Hình 1.

Hình 1: Tỷ lệ các phương thức TTKTM ngành bán lẻ ở Việt Nam năm 2024

Nguồn: Bộ Công Thương, 2024

Trong ngành bán lẻ, tỷ lệ khách hàng sử dụng TTKTM ngày càng gia tăng, không chỉ tại các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà còn dần phổ biến ở chợ truyền thống và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Ví dụ, hệ thống Co.opmart đến cuối năm 2023 đã đạt tỷ lệ TTKTM khoảng 10%, với sự tham gia của nhiều đối tác ví điện tử và ngân hàng nhằm gia tăng tiện ích cho khách hàng (SGGP, 2024). Bên cạnh những lợi ích về tốc độ giao dịch, tính tiện lợi và an toàn, TTKTM còn hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ quản lý dòng tiền, kiểm soát dữ liệu giao dịch và triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc triển khai TTKTM vẫn gặp một số thách thức, như chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ, rào cản thói quen dùng tiền mặt của một bộ phận người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn (Statista, 2024). Dẫu vậy, với các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ và sự hưởng ứng của người tiêu dùng, TTKTM được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh, góp phần định hình lại thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm tới (Visa, 2024).

Ảnh hưởng của thanh toán không dùng tiền mặt đến doanh thu ngành bán lẻ của Việt Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức TTKTM đã tác động rõ rệt tới doanh thu ngành bán lẻ tại Việt Nam trong những năm gần đây. Các nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng TTKTM, đặc biệt là thanh toán bằng mã QR, ví điện tử và mobile banking, giúp khách hàng mua sắm thuận tiện, nhanh chóng và ít bị giới hạn bởi yếu tố tiền mặt, từ đó kích thích hành vi chi tiêu nhiều hơn (Visa, 2024). Theo NHNN (2024), doanh thu bán lẻ của nhiều doanh nghiệp đã tăng trung bình từ 15–25% sau khi đẩy mạnh các kênh TTKTM, nhờ tận dụng các chính sách khuyến mãi, hoàn tiền (cashback) và ưu đãi liên kết với ngân hàng hoặc ví điện tử. Bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng, TTKTM còn giúp doanh nghiệp bán lẻ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, như chi phí kiểm đếm, vận chuyển tiền mặt, đồng thời giảm rủi ro thất thoát hay gian lận. Ngoài ra, dữ liệu thu thập được từ các giao dịch không tiền mặt trở thành nguồn thông tin giá trị, giúp các nhà bán lẻ phân tích hành vi mua sắm, tối ưu chiến lược marketing và xây dựng các chương trình chăm sóc khách hàng phù hợp, qua đó tiếp tục gia tăng doanh thu (World Bank, 2020). Tuy nhiên, ảnh hưởng này chưa đồng đều, bởi tại các vùng nông thôn và nhóm người tiêu dùng lớn tuổi, thói quen dùng tiền mặt vẫn còn phổ biến, dẫn đến mức độ tác động của TTKTM tới doanh thu bán lẻ chưa thật sự đồng nhất trên phạm vi toàn quốc (Visa, 2024). Dù vậy, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, TTKTM được dự báo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy doanh thu ngành bán lẻ Việt Nam trong những năm tới (NHNN, 2024).

Hình 2: Doanh thu và tỷ lệ TTKTM ngành bán lẻ ở Việt Nam 2020-2024

Nguồn: NHNN, 2024; Tổng cục Thống kê, 2024

Trong giai đoạn 2020–2024, cả doanh thu ngành bán lẻ và tỷ lệ TTKTM tại Việt Nam đều ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực, phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi tiêu dùng và sự chuyển đổi số của nền kinh tế. Cụ thể, doanh thu ngành bán lẻ tăng từ 5.059,8 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên 6.391,0 nghìn tỷ đồng năm 2024, trong khi tỷ lệ TTKTM cũng tăng mạnh từ 16,5% lên 40,0%. Đáng chú ý, dù năm 2021 ghi nhận sự sụt giảm doanh thu do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, tỷ lệ TTKTM vẫn tăng lên 21,5%, cho thấy xu hướng người dân ưu tiên các phương thức thanh toán hiện đại để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Từ năm 2022 trở đi, sự đồng pha tăng trưởng giữa hai chỉ tiêu càng rõ nét khi các phương thức TTKTM, như ví điện tử, quét QR và ngân hàng số, không chỉ góp phần duy trì giao dịch trong bối cảnh khó khăn mà còn trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh thu bán lẻ nhờ tăng tính tiện lợi và mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng. Phân tích thống kê cho thấy giữa tỷ lệ TTKTM và doanh thu bán lẻ tồn tại mối tương quan dương rất mạnh, với hệ số tương quan ước tính lên tới 0,92, khẳng định rằng sự phát triển của các phương thức TTKTM có vai trò quan trọng trong việc kích thích tiêu dùng và tăng trưởng bền vững cho ngành bán lẻ Việt Nam.

Chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Nghiên cứu tổng hợp những chính sách chủ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm thúc đẩy TTKTM.

Bảng 1: Các chính sách thúc đẩy TTKTM

STT

Chính sách/Chương trình

Nội dung chính

1

Đề án TTKTM 2021–2025 (QĐ 1813/QĐ-TTg)

Đẩy mạnh TTKTM toàn diện; kết nối với dịch vụ công, kinh tế số; mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt, tăng số giao dịch số.

2

Chỉ thị 22/CT-TTg (26/5/2020)

Tăng cường TTKTM trong thanh toán dịch vụ công, thương mại, hạn chế dùng tiền mặt.

3

Hoàn thiện khung pháp lý

Sửa đổi Luật TCTD, bổ sung quy định bảo mật, e-KYC, định danh sinh trắc học, bảo vệ dữ liệu.

4

Ứng dụng dữ liệu dân cư (Đề án 06)

Kết nối dữ liệu dân cư với hệ thống thanh toán, tạo thuận lợi xác thực giao dịch TTKTM

5

Chính sách thuế, hóa đơn điện tử

Áp dụng mức thanh toán không dùng tiền mặt để khấu trừ thuế, đẩy mạnh chứng từ điện tử

6

Sự kiện “Ngày không tiền mặt”

Tổ chức thường niên, nâng cao nhận thức xã hội, thay đổi hành vi người tiêu dùng

7

Phát triển VietQR, NAPAS 24/7

Chuẩn hóa mã QR toàn quốc, chuyển tiền tức thời 24/7, giảm lệ phí giao dịch

Nguồn: Tổng hợp các văn bản pháp luật từ Thư viện pháp luật

Các chính sách trên tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật tiên tiến và khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển sang TTKTM. Chính sách có tác động rõ rệt, thể hiện qua tăng trưởng mạnh mẽ của các hình thức thanh toán số (ví điện tử, QR code, mobile banking…).

Phân tích SWOT

TTKTM trong ngành bán lẻ Việt Nam có nhiều điểm mạnh như phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ, giúp giao dịch nhanh, giảm chi phí vận hành và hỗ trợ doanh nghiệp quản lý dữ liệu khách hàng để tối ưu marketing và tăng doanh thu.

Bảng 2: Phân tích SWOT trong TTKTM và ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ Việt Nam

Điểm mạnh

Điểm yếu

- Xu thế tất yếu, phù hợp định hướng Chính phủ.

- Phân hóa vùng miền, tập trung chủ yếu ở đô thị.

- Tiện lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian giao dịch.

- Thói quen dùng tiền mặt còn phổ biến, nhất là nhóm lớn tuổi.

- Tăng doanh thu bán lẻ nhờ kích thích chi tiêu, khuyến mãi.

- Lo ngại bảo mật thông tin cá nhân.

- Giúp doanh nghiệp quản lý dữ liệu khách hàng, tối ưu marketing.

- Chi phí đầu tư hạ tầng TTKTM còn cao đối với doanh nghiệp nhỏ.

- Giảm chi phí vận hành.

Cơ hội

Thách thức

- Hạ tầng số phát triển mạnh, chuẩn VietQR kết nối toàn quốc.

- Rủi ro an ninh mạng, lừa đảo online tinh vi.

- Bùng nổ thương mại điện tử, cần TTKTM để phát triển.

- Cạnh tranh khốc liệt giữa các ví điện tử, fintech.

- Nhiều cơ hội hợp tác đa kênh (fintech, ngân hàng, bán lẻ).

- Chênh lệch tiếp cận công nghệ giữa các nhóm dân cư.

- Chính sách khuyến khích TTKTM mạnh mẽ của Nhà nước.

- Rủi ro pháp lý, chính sách chưa đồng bộ.

Nguồn: NHNN, 2024; Visa, 2024;

Tuy nhiên, TTKTM vẫn tồn tại điểm yếu như thói quen dùng tiền mặt còn phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi và vùng nông thôn, cùng với chi phí đầu tư hạ tầng cao và lo ngại về bảo mật thông tin. Bối cảnh phát triển mạnh của hạ tầng số, thương mại điện tử và chính sách khuyến khích TTKTM tạo ra nhiều cơ hội, song cũng tiềm ẩn thách thức như rủi ro an ninh mạng, cạnh tranh giữa các fintech và bất cập trong khung pháp lý. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ để khai thác lợi thế và hạn chế các rủi ro, giúp TTKTM phát triển bền vững trong ngành bán lẻ Việt Nam.

KHUYẾN NGHỊ

Để thúc đẩy TTKTM và phát triển thị trường bán lẻ bền vững, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ sau:

Đối với Nhà nước:

- Hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt về bảo mật dữ liệu và an toàn giao dịch TTKTM.

- Điều chỉnh phí giao dịch giữa các ngân hàng, ví điện tử để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán lẻ áp dụng TTKTM.

- Đầu tư phát triển hạ tầng số tại khu vực nông thôn, miền núi, thu hẹp khoảng cách số.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lợi ích và cách sử dụng an toàn TTKTM, đặc biệt cho nhóm người lớn tuổi và khu vực nông thôn, miền núi.

Đối với doanh nghiệp bán lẻ:

- Đa dạng hóa phương thức TTKTM (QR code, ví điện tử, POS không tiếp xúc), giúp khách hàng dễ lựa chọn.

- Tận dụng dữ liệu TTKTM để phân tích hành vi tiêu dùng, xây dựng các chương trình marketing cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

- Tăng cường hợp tác với ngân hàng, fintech để chia sẻ chi phí khuyến mãi và bảo mật hệ thống.

- Đào tạo nhân viên về TTKTM để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, an toàn.

Đối với người tiêu dùng:

- Chủ động tiếp cận, học hỏi và sử dụng các phương thức TTKTM an toàn.

- Tận dụng các ưu đãi từ TTKTM để tiết kiệm chi phí mua sắm.

- Nâng cao cảnh giác, bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ mã OTP hay dữ liệu tài khoản với người lạ.

Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn từng nhóm ngành bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử để có giải pháp phù hợp, đồng thời đo lường tác động dài hạn của TTKTM đối với cấu trúc ngành bán lẻ, nhất là trong bối cảnh tự động hóa và chuyển đổi số diễn ra ngày càng nhanh.

* Lời cảm ơn: Tác giả xin chân thành cảm ơn Trường Đại học Tân Trào đã hỗ trợ cho nghiên cứu này.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (2024). Báo cáo thường niên thương mại điện tử Việt Nam 2024. https://www.moit.gov.vn

2. Deloitte. (2024). Vietnam Retail Industry Report. Deloitte Vietnam.

3. KPMG. (2023). Vietnam’s Retail Sector: Digital Transformation and Consumer Trends. KPMG Vietnam.

4. Ngân hàng Nhà nước (2024). Báo cáo tổng kết hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

5. Statista. (2024). Digital Payments Vietnam – Statistics & Facts.

5. Tổng cục Thống kê (2024). Niên giám Thống kê Việt Nam.

5. Visa. (2024). Consumer Payment Attitudes Study in Vietnam. Truy cập tại: https://www.visa.com.vn

6. World Bank. (2020). Global Findex Database: Measuring Financial Inclusion and the Fintech Revolution. Washington, DC: World Bank.

Ngày nhận bài: 25/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 07/7/2025; Ngày duyệt đăng: 09/7/2025