Hoàn thiện pháp luật về an toàn thực phẩm tại Việt Nam: Từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng

Nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dựa trên việc hệ thống hóa các quy định trong Luật An toàn thực phẩm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả thực thi, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường tiêu dùng thực phẩm an toàn, minh bạch và góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

ThS. Nguyễn Thuận An

Giảng viên Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Văn Hiến

Email: AnNT2@vhu.edu.vn

Kiều Tiến Nhật, Bùi Nhật Hào

Sinh viên, Trường Đại học Văn Hiến

Tóm tắt

An toàn thực phẩm là một vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề này, nhưng thực tiễn vẫn còn những tồn tại đáng kể như các quy định phân tán và chồng chéo, chưa theo kịp với sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử; hiệu quả công tác giám sát và thực thi pháp luật còn thấp, chế tài chưa đủ sức răn đe. Nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dựa trên việc hệ thống hóa các quy định trong Luật An toàn thực phẩm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả thực thi, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường tiêu dùng thực phẩm an toàn, minh bạch, góp phần vào sự phát triển bền vững.

Từ khóa: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; an toàn thực phẩm; quy định pháp luật

Summary

Food safety is a critical issue that directly impacts public health and socio-economic development. Although Viet Nam has enacted various legal documents regulating this area, several shortcomings persist in practice. These include fragmented and overlapping regulations, inadequacy in addressing emerging business models such as e-commerce, and low effectiveness in monitoring and law enforcement, with sanctions lacking deterrent effect. This study focuses on analyzing the legal framework for protecting consumer rights in the field of food safety by systematizing the provisions of the Law on Food Safety 2010 and the Law on Protection of Consumer Rights 2023. Based on this analysis, the authors propose recommendations to improve the legal framework and enhance enforcement efficiency, aiming to build a safe and transparent food consumption environment that contributes to the sustainable development.

Keywords: Consumer rights protection, food safety, legal regulations

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thực phẩm không chỉ cần đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người tiêu dùng mà còn phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu, sản xuất, chế biến đến phân phối và bảo quản, mọi quy trình đều cần tuân thủ các tiêu chuẩn nhằm loại bỏ nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng. Trong những năm qua, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện khung pháp lý, trong đó Luật An toàn thực phẩm 2010 đóng vai trò quan trọng. Dù Luật đã tạo hành lang pháp lý cơ bản, nhưng các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm tại nước ta vẫn diễn ra phức tạp. Những hạn chế trong thực thi pháp luật, giám sách việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này. Việc hoàn thiện pháp luật không chỉ tập trung vào việc bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng mà còn hướng tới việc tạo lập một thị trường tiêu dùng thực phẩm minh bạch, an toàn và bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ TÌNH HÌNH THỰC THI

Khung pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Tại Việt Nam, Luật An toàn thực phẩm 2010 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 là 2 văn bản pháp luật quan trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cụ thể:

Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Điều 9 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định người tiêu dùng có các quyền như: được cung cấp thông tin trung thực về sản phẩm; được biết về các nguy cơ gây mất an toàn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và quyền được bồi thường thiệt hại nếu sử dụng thực phẩm không an toàn. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ tuân thủ các hướng dẫn về an toàn, kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ...

Thứ hai, về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Theo Điều 3 và Điều 8 của Luật An toàn thực phẩm 2010, các chủ thể này phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn trong suốt chuỗi cung ứng. Có trách nhiệm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, không dùng phụ gia hay hóa chất cấm. Khi có sự cố, phải lập tức truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bồi thường thiệt hại và có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ ba, về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã nêu rõ các nguyên tắc cốt lõi, bao gồm: bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội; quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng được công nhận và tôn trọng; việc bảo vệ phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch; không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hay các tổ chức, cá nhân khác.

Một số bất cập và tồn tại trong thực thi pháp luật

Thứ nhất, cơ chế quản lý còn phân tán, chồng chéo. Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm hiện nay thuộc về 3 cơ quan, bao gồm: Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch, Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý khâu sản xuất nông sản, Bộ Công Thương giám sát hoạt động thương mại, phân phối. Sự phân chia này tuy có logic nhưng lại tạo ra một số "khoảng trống" trách nhiệm trong thực tế, đặc biệt khi một sản phẩm là thực phẩm thường trải qua nhiều giai đoạn từ sản xuất đến tiêu thụ.

Thứ hai, hạn chế trong giám sát và chế tài xử phạt thiếu tính răn đe. Năng lực giám sát và thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm tại Việt Nam còn nhiều bất cập, chủ yếu do đội ngũ thanh tra chuyên ngành thiếu hụt cả về số lượng và chuyên môn. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2024, ngành Y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm, chiếm khoảng 6,22% tổng số cơ sở được kiểm tra. Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Y tế ghi nhận 44.739 cơ sở vi phạm, nhưng chỉ 16.429 cơ sở bị xử lý, trong đó 14.274 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt lên đến 66,7 tỷ đồng, tương đương mức phạt trung bình khoảng 4,67 triệu đồng/ cơ sở. Các biện pháp bổ sung như đình chỉ hoạt động được áp dụng cho 136 cơ sở và chỉ 16 vụ liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm hoặc hàng giả được chuyển sang cơ quan Công an. Có thể thấy, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm còn rất thấp so với lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm, điều này làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Thứ ba, quy định pháp luật chưa theo kịp các mô hình kinh doanh mới. Sự bùng nổ của thương mại điện tử, đặc biệt là hoạt động mua bán thực phẩm qua hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội, đang tạo ra thách thức lớn cho các cơ quan chức năng và với người tiêu dùng vì rất khó để truy xuất được nguồn gốc của các loại thực phẩm này. Mặc dù Luật An toàn thực phẩm 2010 đã quy định rõ trách nhiệm của chủ thể kinh doanh trong việc bảo đảm và công khai nguồn gốc sản phẩm, nhưng một cuộc điều tra của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 cho thấy, hơn 60% sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo qua livestream không có nhãn mác rõ ràng hoặc giấy chứng nhận an toàn. Ngoài ra, các quy định về quản lý bếp ăn tập thể cũng bộc lộ lỗ hổng lớn mà hậu quả là nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập trung của nhà máy, trường học đã liên tục xảy ra thời gian qua.

Thứ tư, nhận thức và khả năng tự bảo vệ của người tiêu dùng còn hạn chế. Đa số người tiêu dùng vẫn mang tâm lý e ngại, không chủ động sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo dù luật đã quy định cụ thể, rõ ràng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý e ngại, thiếu hiểu biết về pháp luật, khó khăn trong việc thu thập bằng chứng vi phạm hoặc thủ tục hành chính phức tạp. Thêm vào đó, các chiến dịch cộng đồng về nâng cao nhận thức trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng cho người tiêu dùng để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ từ thực phẩm không an toàn.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Từ những bất cập nói trên, nhóm tác giải đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện nay:

Về hoàn thiện pháp luật

Cần bổ sung các quy định pháp luật về điều chỉnh hoạt động kinh doanh thực phẩm của cá nhân, tổ chức trên các nền tảng thương mại điện tử. Đối với bếp ăn tập thể quy mô lớn, cần sửa đổi quy định theo hướng bắt buộc phải có “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” thay vì chỉ ký cam kết. Ngoài ra, phải siết chặt việc tiền kiểm duyệt nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng để ngăn chặn tình trạng “thổi phồng” công dụng.

Về tổ chức quản lý

Việt Nam cần nghiên cứu lộ trình xây dựng một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quốc gia duy nhất, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản, Thái Lan, và Trung Quốc. Cơ quan này cần có đủ thẩm quyền để chỉ đạo và chịu trách nhiệm xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng, khắc phục triệt để sự phân tán hiện nay. Đồng thời, cần sớm tổng kết mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm thí điểm ở các địa phương để có khung pháp lý chính thức, đồng bộ trên cả nước.

Về giám sát và chế tài xử lý vi phạm

Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh tra, kiểm tra. Tăng cường đầu tư nguồn lực thành lập Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm ở các địa phương trên cả nước để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực này. Cần tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm về an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Pháp luật cần sửa đổi quy định theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt hành chính và có hướng dẫn cụ thể để việc truy cứu trách nhiệm hình sự trở nên khả thi hơn, đặc biệt đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc thiết lập và công khai một cơ sở dữ liệu quốc gia về các chủ thể kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng là một công cụ giám sát hữu hiệu để người tiêu dùng cùng tham gia.

Về nâng cao năng lực tự bảo vệ cho người tiêu dùng

Trước hết, cần đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm trong cộng đồng, tập trung vào kỹ năng, giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm an toàn; hiểu rõ các quyền và lợi ích được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, việc xây dựng các nền tảng khiếu nại trực tuyến với giao diện đơn giản, dễ tiếp cận là yếu tố then chốt trong việc khuyến khích người tiêu dùng thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình, từ đó khuyến khích người dân tham gia tích cực vào việc giám sát và bảo vệ quyền lợi của chính mình, góp phần xây dựng một thị trường thực phẩm minh bạch, lành mạnh và an toàn.

KẾT LUẬN

An toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sự ổn định kinh tế - xã hội của quốc gia. Sự thiếu đồng bộ trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm cùng những bất cập của quy định pháp luật, những hạn chế trong thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực nói trên là những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và sự ổn định của nền kinh tế. Việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là điều thiết yếu để bảo bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, xây dựng môi trường tiêu dùng thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế (2024). Báo cáo tổng kết công tác an toàn thực phẩm năm 2024, truy cập tại https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/-/asset_publisher/T6QFLQ4p2r7X/content/hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-an-toan-thuc-pham-nam-2024-va-trien-khai-nhiem-vu-trong-tam-nam-2025

2. Minh (2025). Năm 2025 tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm. https://baophapluat.vn/nam-2025-tiep-tuc-nghien-cuu-hoan-thien-the-che-quan-ly-an-toan-thuc-pham-post536857.html

3. Quốc hội (2010). Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010.

4. Quốc hội (2023). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023.

Ngày nhận bài: 1/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 8/10/2026; Ngày duyệt xuất bản: 9/7/2025