Tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ

Để có cái nhìn chính xác về tỷ giá hối đoái lên cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, một nghiên cứu đầy đủ kiểm chứng về tác động của tỷ giá hối đoái thực giữa VND và USD Mỹ lên cán cân thương mại giữa 2 đối tác là hết sức cần thiết.

ThS. Hà Vũ Khải

Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Tóm tắt

Nghiên cứu sử dụng mô hình kinh tế lượng, cụ thể là mô hình đồng liên kết và mô hình vectơ hiệu chỉnh sai số (VECM), để nghiên cứu tác động của tỷ giá hối đoái thực giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ (USD) lên cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Kết quả phân tích cho thấy, tỷ giá hối đoái thực và cán cân thương mại có mối quan hệ cùng chiều, hay sự mất giá của đồng Việt Nam tác động tích cực đến trạng thái thương mại.

Từ khóa: Tỷ giá hối đoái, cán cân thương mại, đồng liên kết, vectơ hiệu chỉnh sai số (VECM)

Summary

This study employs an econometric approach, specifically the cointegration model and the Vector Error Correction Model (VECM), to investigate the impact of the real exchange rate between the Vietnamese Dong and the US Dollar on the trade balance between Vietnam and the United States. The analysis reveals a positive relationship between the real exchange rate and the trade balance, indicating that a depreciation of the Vietnamese Dong has a favorable effect on trade performance.

Keywords: Exchange rate, trade balance, cointegration, Vector Error Correction Model (VECM)

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cán cân thương mại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ kể từ khi Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được ký kết vào ngày 14/7/2000. Đặc biệt, trong năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đạt 134.6 tỷ USD (chiếm 17.66% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam), trong đó xuất khẩu sang Mỹ đạt 119.5 tỷ USD (chiếm đến 30.4% giá trị xuất khẩu của Việt Nam), cho thấy Mỹ là quốc gia quan trọng nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa. Để có cái nhìn chính xác của tỷ giá hối đoái lên cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, một nghiên cứu đầy đủ kiểm chứng về tác động của tỷ giá hối đoái thực giữa đồng Việt Nam (VND) và đồng Đô la Mỹ (USD) lên cán cân thương mại giữa hai đối tác là hết sức cần thiết. (Các số liệu trong nghiên cứu được viết theo chuẩn quốc tế)

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Tổng quan về tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái danh nghĩa là giá cả của một đồng tiền được biểu thị thông qua một số lượng đơn vị tiền tệ khác mà không tính đến yếu tố lạm phát. Tỷ giá hối đoái danh nghĩa được sử dụng hàng ngày trong các giao dịch ngoại hối và được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tỷ giá hối đoái thực là tỷ giá danh nghĩa đã được điều chỉnh tương quan giá cả trong và ngoài nước, thể hiện khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế của nước đó. Tỷ giá hối đoái thực được chia ra làm 2 loại: tỷ giá thực song phương và tỷ giá thực đa phương.

Trong phạm vi nghiên cứu về tác động tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ, tác giả chọn tỷ giá thực song phương làm đề tài nghiên cứu.

Tỷ giá thực song phương là tỷ giá danh nghĩa đã được điều chỉnh bởi tỷ lệ lạm phát giữa trong nước và ngoài nước, do đó, nó là chỉ số phản ánh tương quan sức mua giữa nội tệ và ngoại tệ (Nguyễn Văn Tiến, 2013).

Công thức tỷ giá thực song phương ở trạng thái tĩnh:

Er = E. (1)

Trong đó:

Er: Tỷ giá thực song phương tại một thời điểm

E: Tỷ giá danh nghĩa

P*: Mức giá nước ngoài tính bằng ngoại tệ

P: Mức giá trong nước tính bằng nội tệ

Công thức (1) chỉ tồn tại và có ý nghĩa về mặt lý thuyết, vì hiện nay, các quốc gia không tính toán và công bố mức giá của một rổ hàng hóa nào, thay vào đó là công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Vì vậy, để khắc phục nhược điểm này, các quốc gia sử dụng chỉ số CPI để tính tỷ giá thực song phương tại một thời điểm t so với thời điểm gốc.

Công thức tỷ giá thực song phương ở trạng thái động:

(2)

Trong đó:

ert: Tỷ giá thực song phương tại thời điểm t so với kỳ gốc

et: Tỷ giá danh nghĩa tại thời điểm t so với kỳ gốc

CPIt' : Chỉ số giá tiêu dùng của nước ngoài tại thời điểm t so với kỳ gốc

CPIt: Chỉ số giá tiêu dùng trong nước tại thời điểm t so với kỳ gốc

Lý thuyết về cán cân thương mại

Cán cân thương mại là một bộ phận quan trọng của cán cân vãng lai, ghi lại hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định bằng cách tính chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu. Chênh lệch này còn được gọi là giá trị xuất khẩu ròng.

Công thức tính giá trị của cán cân thương mại như sau:

TB = EX - IM

Trong đó:

TB: Cán cân thương mại; EX: Giá trị xuất khẩu; IM: Giá trị nhập khẩu.

Cán cân thương mại của quốc gia có 3 trạng thái: Thặng dư, thâm hụt và cân bằng. Trong đó:

- TB = 0: Cán cân thương mại cân bằng, nghĩa là giá trị xuất khẩu bằng giá trị nhập khẩu

- TB

- TB > 0: Cán cân thương mại thặng dư, trong trường hợp này, đồng ngoại tệ chảy vào nhiều hơn chảy ra, làm cho cung ngoại tệ trong nước tăng lên, dẫn đến giá trị ngoại tệ giảm xuống và giá trị nội tệ tăng lên

Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả đo lường cán cân thương mại bằng tỷ số xuất khẩu trên nhập khẩu, nghĩa là: TB = EX/IM.

- TB = 1: Cán cân thương mại cân bằng

- TB

- TB > 1: Cán cân thương mại thặng dư

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Thời gian lựa chọn để đánh giá sự tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại tính từ quý I/2008 đến quý IV/2024. Dữ liệu thu thập theo quý, với số quan sát tiến hành phân tích và chạy mô hình là 68 quan sát. Việc lựa chọn thời gian từ năm 2008 là do thời điểm này đánh dấu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đây là khoảng thời gian không quá xa so với hiện tại, việc thu thập số liệu cũng dễ dàng hơn, phù hợp với các tiêu chí đề ra.

Bảng 1: Mô tả các biến và nguồn thu thập dữ liệu

Tên biến

Mô tả

Đo lường các biến

Nguồn

thu thập

Kỳ vọng

Các biến mô hình

- Biến phụ thuộc

EX_IM

CCTM đo lường bằng tỷ số thương mại EX/IM

Chỉ số EX/IM

GSO

- Biến độc lập

GDP_VN

GDP Việt Nam

Chỉ số tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam

GSO

-

GDP_USA

GDP Mỹ

Chỉ số tốc độ tăng trưởng GDP thế giới

IMF

+

RER

Tỷ giá thực song phương

Chỉ số RER, được tính từ công thức (2)

IMF, GSO

+

Số liệu để tính các biến mô hình

CPI

Chỉ số

giá tiêu dùng

Lấy theo quý, được điều chỉnh về kỳ gốc (quý IV/2007)

IMF

Nguồn: Phân tích sữ liệu của tác giả

Sau khi thu thập số liệu, tác giả kiểm tra, điều chỉnh tính mùa vụ một số biến theo phương pháp Census X-13 và tính mùa vụ các biến trong mô hình để phân tích đều được chuyển sang dạng logarit tự nhiên (Ln).

Trong nghiên cứu này, tác giả áp dụng mô hình đồng liên kết và vector hiệu chỉnh sai số (VECM) để tìm kiếm bằng chứng thực nghiệm về sự tác động của tỷ giá thực song phương đến cán cân thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thông qua phần mềm Eviews 12.

Dựa trên các mô hình nghiên cứu trước, tác giả xây dựng mô hình biểu diễn theo phương trình dưới đây:

Ln(EX/IMt) = α0 + α1ln(GDP_VNt) + α2ln(GDP_USAt) + α3ln(RERt) + εt (3)

Trong đó:

EX/IMt: Chỉ số giữa tổng giá trị xuất khẩu trên nhập khẩu tại thời điểm t

GDP_VNt: Tổng thu nhập quốc dân của Việt Nam tại thời điểm t

GDP_USAt: Tổng thu nhập quốc dân của Hoa Kỳ tại thời điểm t

RERt: Tỷ giá thực song phương tại thời điểm t

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Kiểm định tính dừng

Nghiên cứu thực hiện kiểm định tính dừng của chuỗi dữ liệu bằng phương pháp phổ biến là Augmented Dickey - Fuller (ADF, 1979) để tìm ra sự tồn tại nghiệm đơn vị (Unit Root Test) của tất cả các chuỗi dữ liệu.

Bảng 2: Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị theo ADF

LNEX_IM

LNGDP_VN

LNWGDP_USA

LNRER

Level

t-statistic

-3.543007

-2.370789

-2.065294

-1.508507

α = 1%

-4.100935

-4.110440

-4.100935

-4.100935

α = 5%

-3.478305

-3.482763

-3.478305

-3.478305

α = 10%

-3.166788

-3.169372

-3.166788

-3.166788

Sai phân bậc 1

t-statistic

-8.222121

-4.120122

-8.818661

-8.355361

α = 1%

-3.534868

-3.538362

-3.533204

-3.533204

α = 5%

-2.906923

-2.908420

-2.906210

-2.906210

α = 10%

-2.591006

-2.591799

-2.590628

-2.590628

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ kết quả Eview 12

Ngoại trừ biến LNEX_IM có chuỗi dừng ở bậc gốc tại mức ý nghĩa 5%, 10%, tất cả các biến đều còn lại đều có giá trị |t-statistic|

Tại mức sai phân bậc 1, tất cả các biến đều có giá trị |t-statistic| đều > thống kê τ ở các mức ý nghĩa 1%, 5%, 10%, nghĩa là tất cả các biến đều không có nghiệm đơn vị hay là chuỗi dừng sau khi lấy sai phân ở bậc 1.

Chọn độ trễ mô hình

Tác giả thực hiện quan sát là 6 trễ để tìm kiếm độ trễ tối ưu cho mô hình với mức ý nghĩa thích hợp nhất. Để chọn độ trễ tối ưu của mô hình, tác giả dựa trên kiểm định Likelihooh Ratio (LR) và các tiêu chuẩn lựa chọn thường được sử dụng là FPE (Final Prediction Error), AIC (Akaike Information Criterion), SC (Schwarz Information Criterion) và HQ (Hannan-Quinn). Kết quả từ Hình 1 cho thấy, độ trễ thích hợp của mô hình là 4.

Hình 1: Chọn độ trễ cho mô hình

Tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam   Hoa Kỳ

Nguồn: Xử lý bằng Eview 12

Kiểm định đồng liên kết theo Johansen

Kiểm định đồng liên kết theo Johansen thực hiện bằng 2 loại kiểm định: Trace và Maximum Eigenvalue (Max-Eig) với độ trễ tối ưu là 4 thu được kết quả ở Bảng 3.

Bảng 3: Tổng hợp kết quả kiểm định đồng liên kết theo Johansen

Kiểm định Trace

Kiểm định Max-Eig

H0

H1

Thống kê Trace

Trị bác bỏ tại

mức ý nghĩa 5%

H0

H1

Thống kê Max-Eig

Trị bác bỏ tại

mức ý nghĩa 5%

r 1

r > 1

73.50104*

55.24578

r = 0

r = 1

51.29634*

30.81507

r 2

r > 2

22.20470

35.01090

r = 1

r = 2

11.73390

24.25202

r 3

r > 3

10.47080

18.39771

r = 2

r = 3

8.110893

17.14769

r 4

r > 4

2.359905

3.841465

r = 3

r = 4

2.359905

3.841465

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả Eview 12

Giữa các biến có tồn tại ít nhất 1 mối quan hệ đồng liên kết, chắc chắn được sử dụng mô hình VECM để xác định mối quan hệ dài hạn giữa các biến.

Kết quả ước lượng mô hình

Hình 2: Kết quả VECM

Tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại Việt Nam   Hoa Kỳ

Nguồn: Xử lý bằng Eview 12

Từ kết quả ước lượng mô hình VECM, xác định phương trình mối quan hệ trong dài hạn giữa các biến ảnh hưởng đến cán cân thương mại như sau:

LNEX_IM = 4.114975*LNGDP_VN - 7.451809*LNGDP_USA + 5.583409*LNRER

- 0.011071*Trend + 19.18920

Giá trị thống kê t (t-statistic) so sánh với giá trị t (n-k, α), từ hàm TINV trong Excel với 68 quan sát và số biến nghiên cứu trong mô hình là 4 (k = 4), ta có: t5% = TINV(5%, 64) = 1.99773; các hệ số ước lượng có giá trị tuyệt đối của LNGDP_VN, LNGDP_USA và LNRER đều > t5% = 1.993943, nên có ý nghĩa thống kê với mức ý nghĩa 5% và có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc LNEX_IM trong mô hình nghiên cứu.

Kết quả phương trình cho thấy, biến RER có mối quan hệ cùng chiều với cán cân thương mại, tức là một sự tăng của tỷ giá thực song phương sẽ tác động làm cải thiện chỉ số cán cân thương mại. Khi RER tăng lên 1% tác động làm chỉ số EX/IM tăng 5.58%, cho thấy mức độ tác động của biến RER tương đối cao. Bên cạnh đó, ta thấy biến GDP_VN có quan hệ cùng chiều với cán cân thương mại, tức là khi GDP_VN tăng 1%, thì sẽ làm chỉ số EX/IM tăng 4.11%; còn biến GDP_USA có quan hệ ngược chiều với cán cân thương mại, tức là khi GDP_USA tăng 1%, thì sẽ làm chỉ số EX/IM giảm 7.45%. Điều này cũng thể hiện rõ chất lượng hàng hóa Việt Nam nhập vào thị trường Mỹ có giá trị thấp, phù hợp với lý thuyết, vì khi thu nhập của người dân Mỹ tăng lên, họ có xu hướng ưa chuộng sử dụng hàng có giá trị chất lượng hơn, dẫn đến xuất khẩu trong nước sang Mỹ sẽ khó khăn.

Như vậy, trong dài hạn, VND có tác động ảnh hưởng đến cán cân thương mại, từ đó có thể kết luận rằng, phá giá nội tệ góp phần cải thiện cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu cho thấy, việc phá giá có thể cải thiện được cán cân thương mại, nhưng đây không phải là giải pháp tốt giúp cải thiện trong thời gian ngắn, mà cần phải kết hợp với các chính sách kích thích xuất khẩu của chính phủ mới làm cán cân thương mại thay đổi một cách rõ rệt. Ngoài ra, việc phá giá có thể làm nợ nước ngoài của chính phủ và các tổ chức trong nước gia tăng, gây khó khăn cho hoạt động và quá trình trả nợ.

Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay, việc phá giá không phải là giải pháp tối ưu. Vì vậy, bên cạnh việc phá giá, cần áp dụng các chính sách khác để hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu để có thể làm nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

Tài liệu tham khảo:

1. Hà Thị Thiều Dao và Phạm Thị Tuyết Trinh (2013). Mối quan hệ tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán. Tạp chí Khoa học đào tạo ngân hàng, 103, 17-24.

2. Hồ Hải Yến, Nguyễn Tuấn Linh (2016). Ảnh hưởng của tỷ giá đến cán cân thương mại giai đoạn 2005-2015. Tạp chí Ngân hàng, 7, tháng 4/2016.

3. Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Huỳnh Minh Nguyệt, Mai Diễm Phương, Dương Thảo Nguyên, Đỗ Thanh Hà và Lâm Phương Ngọc Thảo (2014). Tác động tỷ giá hối đoái và thu nhập quốc dân đến cán cân thương mại: Tiếp cận theo mô hình VECM. Tạp chí Phát triển & Hội nhập, 15(25), tháng 3-4/2014.

4. Thanh Hoan Phan and Ji Young Jeong (2015). Vietnam Trade Balance and Exchange Rate: Evidence from Panel Data Analysis. Journal of Applied Economics and Business Research, 5, 220-232.

5. Trần Thị Hà (2018). Tác động của tỷ giá đến cán cân thương mại Việt Nam - Mỹ giai đoạn 2008-2017. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và Chính trị thế giới, 10(270), 52-62.

6. Tô Trung Thành (2016). Các yếu tố tác động đến cán cân thương mại Việt Nam giai đoạn 1997-2015 - Thực nghiệm từ mô hình VECM. Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 234, 21-30.

Ngày nhận bài: 2/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 7/7/2025; Ngày duyệt đăng: 8/7/2025