
Giáo hoàng Leo XIV quỳ gối cầu nguyện trước mộ cố Giáo hoàng Francis hôm 10/5 (Ảnh: Reuters).
Giáo hoàng Leo XIV đã vẫy tay chào khi tới Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ở Rome. Trong tiếng hô "Viva il papa" (Vạn tuế Đức Giáo hoàng), ông chậm rãi bước đến nơi an nghỉ của cố Giáo hoàng Francis, đặt một bông hoa trắng lên mộ và quỳ gối cầu nguyện trong vài phút.
Cùng ngày, trong cuộc gặp đầu tiên với toàn thể hồng y kể từ khi được bầu làm giáo hoàng hôm 8/5, Giáo hoàng Leo XIV tuyên bố sẽ tiếp tục tầm nhìn và các cải cách của cố Giáo hoàng Francis, nhấn mạnh rằng vị Giáo hoàng quá cố đã để lại một "di sản quý giá" cần được duy trì.
Tân Giáo hoàng cho rằng cố Giáo hoàng Francis, người qua đời vào ngày 21/4, đã để lại một "tấm gương về sự tận hiến trọn vẹn cho sứ mệnh phục vụ", với tầm nhìn rộng mở nhằm đưa Giáo hội Công giáo, hiện có 1,4 tỷ tín đồ, đến gần hơn với thế giới hiện đại.
"Chúng ta hãy tiếp nối di sản quý giá ấy và tiếp tục cuộc hành trình", tân Giáo hoàng nói với các hồng y. Ông cũng kêu gọi các chức sắc cùng nhau "đổi mới hoàn toàn cam kết" đối với những cải cách của Cộng đồng, trong đó có việc cho phép cử hành Thánh lễ bằng ngôn ngữ bản địa thay vì tiếng Latinh, và thúc đẩy đối thoại với các tôn giáo khác.
Ông đã dẫn lại trọng tâm của cố Giáo hoàng Francis về "một cuộc đối thoại can đảm và đầy tin tưởng với thế giới đương đại, trong mọi khía cạnh và hoàn cảnh khác nhau".

Giáo hoàng Leo XIV phát biểu khi tới thăm Genazzano, Rome, Italy ngày 10/5 (Ảnh: Reuters).
Cùng ngày, tân Giáo hoàng đã viếng thăm đền thánh Đức Mẹ ở thị trấn Genazzano, cách Rome khoảng một giờ lái xe, nơi thuộc quyền điều hành của dòng tu Augustinô mà ông là thành viên.
Tại đó, Giáo hoàng Leo XIV đã bắt tay, ban phép lành cho một số tín đồ trong đám đông trước khi bước vào bên trong.
Phát biểu trước cộng đoàn, tân Giáo hoàng chia sẻ rằng bản thân muốn đến đây để cầu xin sự soi sáng trong những ngày đầu tiên của triều đại giáo hoàng, theo thông cáo từ Vatican.
Cố Giáo hoàng Francis từng nhiều lần bất ngờ viếng thăm các địa điểm Công giáo gần Rome. Ông đã yêu cầu được an táng tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, trong một ngôi mộ đơn sơ, chỉ khắc duy nhất dòng chữ "Franciscus", tên của ông bằng tiếng Latinh.
Trong những ngày đầu sau khi an táng, hơn 30.000 người đã đến nhà thờ này để viếng mộ vị Giáo hoàng được yêu mến.