Tác động của đổi mới sáng tạo đến thương mại quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam

Việt Nam đang đứng trước cơ hội tận dụng tối đa tiềm năng của đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguyễn Minh Phương

Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương

Tóm tắt

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, đổi mới sáng tạo đang ngày càng trở thành động lực then chốt định hình lại cấu trúc và phương thức vận hành của thương mại quốc tế. Bài viết phân tích các tác động của đổi mới sáng tạo đến hoạt động thương mại toàn cầu, từ đó đề xuất một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Từ khóa: Đổi mới sáng tạo, thương mại quốc tế, công nghệ số, chuyển đổi số, Việt Nam

Summary

In the context of deep globalization and the rapid development of digital technology, innovation is increasingly becoming a key driver reshaping the structure and operational methods of international trade. The article analyzes the impacts of innovation on global trade activities and proposes several policy recommendations for Viet Nam.

Keywords: Innovation, international trade, digital technology, digital transformation, Viet Nam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tái cấu trúc chuỗi giá trị và chuyển đổi mô hình thương mại quốc tế. Việt Nam đang đứng trước cơ hội tận dụng tối đa tiềm năng của ĐMST để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả ĐMST trong thương mại quốc tế, Việt Nam cần có chiến lược toàn diện, đồng bộ về thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nhận thức đầy đủ những tác động của ĐMST đến thương mại quốc tế, từ đó xác định chính sách nâng cao hiệu quả ĐMST và thương mại quốc tế của Việt Nam có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc.

TÁC ĐỘNG CỦA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ĐẾN THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Hiện nay, ĐMST nhận được sự quan tâm, nghiên cứu đa chiều từ các học giả và tổ chức quốc tế. Schumpeter (1942) coi đổi mới là động lực nội sinh của phát triển kinh tế, diễn ra qua “phá hủy sáng tạo”, tức sự thay thế cái cũ bằng cái mới tiên tiến hơn. Theo OECD (2005), ĐMST là việc triển khai một sản phẩm, quy trình, phương pháp tiếp thị hoặc tổ chức mới. Quan niệm này nhấn mạnh đến tính ứng dụng và giá trị thực tiễn của ĐMST. WIPO (2023) cho rằng, ĐMST là quá trình biến tri thức thành giá trị, có thể thông qua việc tạo ra sản phẩm, dịch vụ hay những cải tiến mới, hướng tới mục đích thương mại hóa và tác động đến đời sống xã hội. UNESCO (2015) đã mở rộng khái niệm này, nhấn mạnh ĐMST không chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, mà còn bao gồm sáng kiến xã hội, quản trị và giáo dục.

Tóm lại, ĐMST không chỉ là kết quả của nghiên cứu khoa học mà còn là quá trình kinh tế - xã hội phức hợp, phản ánh khả năng của con người trong việc kiến tạo tri thức, hướng tới phát triển bền vững. Trong hoạt động thương mại quốc tế, ĐMST có tác động đa chiều, toàn diện.

Thứ nhất, ĐMST làm thay đổi cơ cấu hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế. ĐMST đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới có hàm lượng công nghệ và tri thức cao. Nếu như trước đây, thương mại quốc tế chủ yếu tập trung vào hàng hóa hữu hình như nông sản, khoáng sản, hàng tiêu dùng... thì ngày nay, dịch vụ số, phần mềm, dữ liệu và sản phẩm công nghệ cao đang ngày càng chiếm ưu thế. Theo OECD (2024), giá trị thương mại dịch vụ số toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2010-2022, chiếm khoảng 25% tổng thương mại dịch vụ toàn cầu. Các nền tảng kỹ thuật số, sản phẩm công nghệ cao hiện đang thay thế vai trò của những ngành hàng truyền thống, mở rộng biên giới thương mại ra khỏi không gian vật lý. Điều này cho thấy, ĐMST không chỉ tạo ra sản phẩm mới, mà còn làm thay đổi căn bản cấu trúc của hoạt động thương mại quốc tế.

Thứ hai, ĐMST đang trở thành yếu tố then chốt trong tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu của Schwellnus và cộng sự (2023) khẳng định ĐMST, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và kỹ thuật số, là chìa khóa giúp các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài và nâng cao khả năng phục hồi sản xuất nội địa. Việc khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo đã giúp nhiều nền kinh tế chuyển sang sử dụng năng lượng xanh, giảm rủi ro gián đoạn từ nhiên liệu hóa thạch. Các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big data) đã tạo ra một mô hình sản xuất phi tập trung, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng tính linh hoạt và tối ưu hóa phân phối toàn cầu. Nghiên cứu của Xu và cộng sự (2024) chứng minh rằng các quốc gia có độ tập trung cao và kết nối mạnh trong mạng sáng tạo thường giữ vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt ở các nước phát triển. Điều này cho thấy, tham gia sâu vào mạng lưới ĐMST giúp các nước gia tăng năng lực tri thức và cải tiến, từ đó cải thiện chuỗi giá trị. Nhìn chung, ĐMST đã tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu thông qua: giảm rủi ro cung ứng, tăng tự chủ theo hướng xanh và linh hoạt; thúc đẩy kỹ thuật số hóa, tối ưu hóa hiệu quả và tái phân bố sản xuất toàn cầu; nâng cao vị thế các quốc gia thông qua kết nối tri thức toàn cầu.

Thứ ba, ĐMST thúc đẩy thương mại điện tử và giao dịch xuyên biên giới. Sự bùng nổ của các công nghệ số như AI, blockchain, Internet vạn vật, điện toán đám mây (cloud computing) đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình giao thương quốc tế theo hướng hiệu quả, minh bạch và linh hoạt hơn. Điều này cho thấy tác động trực tiếp của ĐMST đến việc mở rộng không gian thị trường, vượt qua các rào cản địa lý và chi phí giao dịch truyền thống.

Báo cáo của Evan (2023) ghi nhận 87% doanh nghiệp quốc tế đã sử dụng công cụ kỹ thuật số để xử lý chứng từ thương mại, 74% đã số hóa việc lập hóa đơn thuế và phí hải quan. Những cải tiến này không chỉ rút ngắn thời gian giao dịch mà còn nâng cao độ tin cậy, minh bạch cho cả người bán và người mua. Đặc biệt, các công nghệ đổi mới đang thúc đẩy sự phát triển của mô hình thanh toán DDP (giao đã trả thuế) giúp người tiêu dùng biết rõ chi phí cuối cùng khi mua hàng xuyên biên giới, qua đó gia tăng trải nghiệm mua sắm. Rõ ràng, ĐMST không chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ mà còn là yếu tố nền tảng làm thay đổi phương thức, quy mô của thương mại điện tử toàn cầu, nhất là trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hiện nay.

Thứ tư, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia ĐMST hiệu quả. Những quốc gia triển khai ĐMST hiệu quả thường có khả năng tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, chất lượng vượt trội, từ đó nâng cao năng lực xuất khẩu và vị thế trên thị trường toàn cầu. Nghiên cứu của Grewal và cộng sự (2025) cho thấy, các quốc gia đứng đầu như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc không chỉ vượt trội về ĐMST mà còn nằm trong nhóm dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu công nghệ cao, chiếm hơn 50% giá trị thương mại của họ trong các ngành công nghiệp nền tảng.

Bên cạnh đó, ĐMST thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, blockchain, robot tự động, logistics thông minh… giúp doanh nghiệp tối ưu chuỗi cung ứng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo Filippucci và cộng sự (2024), doanh nghiệp ứng dụng AI có thể gia tăng năng suất từ 20-50% so với mô hình truyền thống và có khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế cao hơn. Đồng thời, các mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới có đóng góp lớn trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa kỹ thuật số của các quốc gia. Báo cáo của FedEx (2024) cho thấy nền tảng thương mại điện tử Tmall Global - một thành viên thuộc hệ sinh thái Alibaba đã chiếm khoảng 37,6% thị phần thị trường thương mại điện tử B2C (cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng) xuyên biên giới của Trung Quốc trong năm 2023. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt, các quốc gia có năng lực ĐMST mạnh còn chứng tỏ khả năng thích ứng linh hoạt trước biến động kinh tế và địa chính trị, duy trì tăng trưởng thương mại ổn định. Những kết quả đó cho thấy, ĐMST không chỉ là công cụ tăng trưởng mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững trong thương mại quốc tế hiện đại.

Thứ năm, ĐMST tạo ra sự phân hóa và thách thức mới trong thương mại toàn cầu. Các thách thức nổi bật gồm: phân tầng trong chuỗi giá trị, chênh lệch năng lực đổi mới giữa doanh nghiệp và quốc gia, chính sách bảo hộ gây gián đoạn liên kết thương mại…

OECD (2024) chỉ ra rằng, nếu không quản lý tốt quá trình ĐMST, khoảng cách giữa các doanh nghiệp và quốc gia sẽ ngày càng rộng. Nhiều tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) đã cảnh báo rằng, nỗ lực điều chỉnh mang lại “sự bền vững và bao trùm” trong thương mại toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi xu hướng “friend‑shoring”, bảo hộ địa phương và cạnh tranh công nghệ. Do đó, những quốc gia có chiến lược đầu tư cho ĐMST, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ có cơ hội lớn để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngược lại, các quốc gia thụ động sẽ đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu cả về kinh tế lẫn thương mại.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

Một là, hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST gắn với xuất khẩu. Đây là chìa khóa giúp Việt Nam nâng cao năng lực xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển bền vững trong kỷ nguyên ĐMST. Hệ sinh thái này không chỉ bao gồm công nghệ, mà là tổ hợp đa chiều của thể chế, chính sách, nguồn nhân lực, hạ tầng, sự liên kết giữa các chủ thể: nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức trung gian và thị trường quốc tế. Để xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp: (1) hoàn thiện thể chế và chính sách hỗ trợ ĐMST gắn với xuất khẩu, đặc biệt trong thuế, tín dụng, sở hữu trí tuệ; (2) đầu tư phát triển hạ tầng nghiên cứu và phát triển (R&D), các khu công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm; (3) tăng cường kết nối doanh nghiệp - viện, trường - Nhà nước để hình thành chuỗi giá trị sáng tạo; (4) thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong thương mại quốc tế; (5) tích hợp tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Hai là, đầu tư hoàn thiện hạ tầng số và logistics thông minh. Đây là một trong những định hướng quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế ở Việt Nam. Cần chú trọng hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ đầu tư công, tư trong phát triển hạ tầng số, đặc biệt là trong các lĩnh vực như Big data, trung tâm dữ liệu quốc gia, mạng 5G, an toàn an ninh mạng. Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo bằng cách cung cấp ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng và quỹ phát triển hạ tầng số cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có chính sách huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển mạng lưới logistics thông minh như trung tâm phân phối tự động, kho thông minh, ứng dụng công nghệ số vào quản lý chuỗi cung ứng.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐMST và thương mại quốc tế. Cần tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục đại học và dạy nghề theo hướng tích hợp công nghệ số, tư duy đổi mới, kỹ năng toàn cầu. Đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như thương mại điện tử, logistics thông minh, AI, phân tích dữ liệu và quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu. Có chính sách thúc đẩy tự học, học tập suốt đời, tăng cường kỹ năng số và năng lực ngoại ngữ cho lực lượng lao động hiện hữu. Tạo môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút chuyên gia trong và ngoài nước, khuyến khích chuyển giao tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm quốc tế cho nhân lực trong nước.

Bốn là, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện hoạt động thương mại quốc tế. Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, định hình lại cách thức giao dịch và kết nối toàn cầu. Việc ứng dụng công nghệ số như AI, blockchain, Big Data và điện toán đám mây giúp tăng hiệu suất giao dịch, giảm chi phí, rủi ro trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn góp phần nâng cao minh bạch, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về thuế, môi trường, lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường toàn cầu. Do vậy, cần chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thương mại số, bao gồm luật hóa các quy trình số trong hải quan, logistics, thanh toán điện tử, chữ ký số và bảo vệ dữ liệu xuyên biên giới. Chú trọng xây dựng các “hành lang số” kết nối Việt Nam với các trung tâm logistics và tài chính quốc tế. Nâng cao năng lực số cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh hợp tác công - tư và quốc tế trong phát triển thương mại số.

KẾT LUẬN

ĐMST đang ngày càng tác động sâu sắc đến cấu trúc và động lực của thương mại quốc tế. Các công nghệ số, AI, Big data... đang mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả những cơ hội này, Việt Nam cần chủ động hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST gắn với xuất khẩu, đầu tư hạ tầng số và logistics thông minh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong thương mại. Những giải pháp này không chỉ giúp nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu mà còn mở rộng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

1. Evan Wright (2023). The State of Global Cross‑Border E‑commerce 2023-24, https://www.avalara.com/.

2. FedEx (2024). Tapping into Cross-border e‑commerce in China.

3. Filippucci, F., Gal, P., Jona‑Lasinio, C., Leandro, A. & Nicoletti, G. (2024). The Impact of Artificial Intelligence on Productivity, Distribution and Growth: Key Mechanisms, Initial Evidence and Policy Challenges, OECD Artificial Intelligence Papers No. 15, Paris: OECD Publishing.

4. Grewal, A. K., Rivera Léon, L., Wunsch-Vincent, S., Brasher, D., Yurdakul, A. A. E., & Miller, J. W. (2025). High-tech exports surge 9% in 2024, but uncertainty looms amid trade tensions, WIPO.

5. OECD & Eurostat (2005). Oslo Manual: Guidelines for Collecting and Interpreting Innovation Data (3rd ed.), Paris: OECD Publishing.

6. OECD (2024). OECD Digital Economy Outlook 2024 (Volume 1): Embracing the Technology Frontier, Paris: OECD Publishing.

7. Schumpeter, J. A. (1942). Capitalism, Socialism and Democracy, New York: Harper & Brothers.

8. Schwellnus, C., Haramboure, A., & Samek, L. (2023). Policies to strengthen the resilience of global value chains: Empirical evidence from the COVID‑19 shock, OECD Science, Technology and Industry Policy Papers No. 141.

9. UNESCO (2015). UNESCO Science Report: Towards 2030 - Global Overview.

10. WIPO (2023). Global Innovation Index 2023: Innovation in the Face of Uncertainty.

11. Xu, Shenyi, Ganghui Lian, Miaoyuan Song, and Aiting Xu (2024). Do Global Innovation Networks Influence the Status of Global Value Chains? Based on a Patent Cooperation Network Perspective, Humanities and Social Sciences Communications, 11.

Ngày nhận bài: 18/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 10/7/2025; Ngày duyệt đăng: 24/7/2025