
Ông Valerii Zaluzhnyi, cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Đại sứ Ukraine tại Anh (Ảnh: BI).
Phát biểu tại Hội nghị Quốc phòng London do Trường King's College London tổ chức cuối tuần trước, ông Zaluzhnyi gửi thông điệp cảnh báo tới các đồng minh phương Tây của Ukraine về tốc độ thay đổi chóng mặt của hoạt động hiện đại.
"Không chỉ đơn giản là cập nhật ngành công nghiệp quốc phòng hay tái vũ trang. Các nước NATO cần một chính sách quốc gia hoàn toàn mới", cựu Tổng tư lệnh Ukraine cho biết.
Ông Zaluzhnyi nhấn mạnh rằng điều này đòi hỏi phải thay đổi toàn diện từ chiến thuật, tổ chức, học thuyết, đào tạo cho đến ngân sách quốc phòng.
"Tất cả những điều này không chỉ cần thêm nguồn lực, mà quan trọng hơn là cần thêm thời gian", ông nhấn mạnh.
Phương Tây ngày càng coi cuộc chiến ở Ukraine như một phòng thí nghiệm cho hoạt động tác chiến hiện đại, nơi cung cấp hàng loạt những bài học thực tế.
Các chuyên gia quân sự nói với Business Insider rằng hiệu suất tác chiến của Nga tại Ukraine cho thấy ưu thế tuyệt đối về không quân của NATO có thể bị thách thức trong các cuộc chiến tương lai.
Các quan chức quốc phòng NATO và phương Tây cũng thừa nhận rằng, bên cạnh những hệ thống vũ khí quy mô lớn và đắt đỏ vốn là trụ cột của sức mạnh liên minh, họ cần một số lượng lớn vũ khí giá rẻ, dễ tiêu hao như máy bay không người lái.
Tuy nhiên, theo ông Zaluzhnyi, những bài học như vậy vẫn chưa được áp dụng đủ nhanh tại phương Tây, khiến cho các nước NATO bị lỗi thời với chiến thuật tác chiến hiện đại.
Dù công nghệ UAV đã làm thay đổi cục diện phòng thủ ở Ukraine, ông cho biết vấn đề không chỉ dừng lại ở việc "UAV chiếm lĩnh chiến trường".
Ngay cả khi NATO từ bỏ xe tăng để chuyển sang các công nghệ chiến tranh hiện đại hơn, thì họ cũng sẽ cần tới 5 năm để bắt kịp với những gì đang diễn ra ở Ukraine.
"Nhưng công nghệ sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian đó. Và đối thủ cũng vậy", ông Zaluzhnyi cảnh báo.
Chiến trường Ukraine chứng kiến cuộc rượt đuổi như "mèo vờn chuột" về công nghệ giữa 2 bên. Khi một phía tung ra công nghệ mới, bên còn lại sẽ nhanh chóng học hỏi, tìm cách đối phó hoặc tung ra những vũ khí hiệu quả hơn. Sự thay đổi trên chiến trường diễn ra theo từng tuần, từng tháng một cách nhanh chóng, đòi hỏi các bên phải cập nhật và cải tiến liên tục.
Đó là lý do ông cho rằng NATO đang chậm chân và cần phải có sự thay đổi.
Ông Zaluzhnyi so sánh nhu cầu đổi mới này với thời kỳ con người tìm cách làm chủ năng lượng hạt nhân hoặc bước vào kỷ nguyên khám phá vũ trụ, và nhấn mạnh bước đi tiếp theo là phải "xây dựng một kiến trúc an ninh hoàn toàn mới cho châu Âu".
Ông cho rằng châu Âu cần Ukraine như một lá chắn, bởi Ukraine hiện sở hữu đội quân lớn nhất lục địa, và là "quốc gia duy nhất có quân đội thực sự biết cách tiến hành hoạt động tác chiến hiện đại, công nghệ cao".
Dù một số nước trong liên minh quân sự có thể sở hữu lợi thế công nghệ trong một vài lĩnh vực nhất định, ông nói rằng "không nước nào có thể tự đảm bảo độc lập hoàn toàn về mọi khía cạnh công nghệ quốc phòng hiện đại".
Bài phát biểu của ông tại London diễn ra trong lúc Vương quốc Anh chuẩn bị cải tổ chính sách quốc phòng. London cam kết sẽ nâng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP nếu điều kiện kinh tế cho phép.
NATO chưa đưa ra bình luận về các phát biểu của Zaluzhnyi.
Đây không phải lần đầu phía Ukraine cho rằng các học thuyết quân sự của NATO đã lỗi thời.
Vào đầu năm nay, một binh sĩ Ukraine phàn nàn rằng các huấn luyện viên phương Tây dựa vào các phương pháp cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu của tác chiến hiện đại khi huấn luyện các quân nhân Ukraine tại các căn cứ của họ.
"Hơn nữa, họ (phía NATO) lại cố gắng học từ chính những người họ đang huấn luyện", binh sĩ trên cho hay.