Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Khung chính sách đột phá và định hướng khác biệt

Bài viết phân tích cơ hội và tiềm năng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch tài chính toàn cầu và định hướng thể chế trong nước.

ThS. Đoàn Khưu Diễm Nga

Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Bài viết phân tích cơ hội và tiềm năng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch tài chính toàn cầu và định hướng thể chế trong nước. Dựa trên tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và chính sách trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế của Chính phủ năm 2025, bài viết nhấn mạnh các chính sách đột phá (sandbox, ưu đãi thuế, sàn giao dịch đa dạng, quản trị hiện đại) và đề xuất nhóm giải pháp nhằm bảo đảm khả thi khi triển khai mô hình Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Từ khóa: Chính sách thuế, sandbox, thể chế đặc thù, trung tâm tài chính quốc tế

Summary

The article analyzes the opportunities and potentials for building an international financial center in Vietnam in the context of global financial transition and domestic institutional orientation. Based on the synthesis of international experience and policies in the draft Resolution submitted to the National Assembly on the Government's international financial center in 2025, the article emphasizes breakthrough policies (sandbox, tax incentives, diversified trading floors, modern governance) and proposes a group of solutions to ensure feasibility when implementing the international financial center model in Vietnam.

Keywords: Tax policy, sandbox, special institutions, international financial center

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc hình thành một trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam không chỉ là mục tiêu chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 mà còn là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị tài chính toàn cầu. Với tiềm năng nội tại mạnh mẽ, vị trí địa lý thuận lợi, nền kinh tế ổn định và cam kết thể chế từ cấp cao nhất, Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa định hướng xây dựng TTTCQT đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Bài viết phân tích cơ sở hình thành, nội dung chính sách đột phá trong dự thảo Nghị quyết về TTTCQT tại Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị nhằm hiện thực hóa mô hình TTTC thế hệ mới, sáng tạo và bền vững.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu nhằm làm rõ các điều kiện và chính sách cần thiết để xây dựng thành công TTTCQT tại Việt Nam, phân tích các yếu tố thể chế, chính sách đột phá và kinh nghiệm quốc tế, từ đó đề xuất định hướng phát triển bền vững và khả thi. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp tài liệu thứ cấp từ các văn bản chính sách, báo cáo nghiên cứu trong nước và quốc tế, đặc biệt là Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế của Chính phủ năm 2025. Đồng thời, áp dụng phương pháp so sánh đối chiếu với mô hình TTTC thành công trên thế giới để rút ra các bài học và khuyến nghị chính sách phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

TỔNG QUAN VỀ TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ

Khái niệm

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF, 2017), TTTCQT (International Financial Centre - IFC) được định nghĩa là các thành phố hoặc khu vực có khả năng cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính như: ngân hàng, bảo hiểm, thị trường vốn và các dịch vụ tài chính khác; đồng thời là nơi tập trung các tổ chức tài chính lớn, có khả năng thu hút dòng vốn quốc tế và thúc đẩy giao dịch tài chính xuyên biên giới. Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2013) cho rằng, các TTTCQT đóng vai trò là hệ sinh thái tài chính phát triển, có năng lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kết nối các thị trường tài chính toàn cầu. Vai trò của TTTCQT cũng được nhấn mạnh trong việc huy động vốn và phân bổ nguồn lực trên phạm vi toàn cầu thông qua các hoạt động trung gian tài chính. Còn theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS, 2018), các TTTCQT hiện đại là những đầu mối giao dịch có quy mô lớn, được hỗ trợ bởi hệ thống pháp lý minh bạch và cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại.

Các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới

Báo cáo GFCI 37 (tháng 3/2025) của tổ chức Long Finance và China Development Institute xếp hạng 119 TTTC toàn cầu dựa trên 140 chỉ số định lượng từ các tổ chức uy tín (World Bank, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD, Cơ quan Tình báo Kinh tế - EIU, Liên hợp quốc - UN...) và hơn 31.000 đánh giá chuyên gia. Báo cáo xác định 5 trụ cột chính tạo nên sức cạnh tranh của một TTTCQT gồm: (i) môi trường kinh doanh (ổn định, minh bạch, quy định thuận lợi); (ii) nguồn nhân lực (chất lượng, kỹ năng, đào tạo); (iii) cơ sở hạ tầng (vật lý và số hóa); (iv) mức độ phát triển ngành tài chính (đa dạng dịch vụ, đổi mới tài chính); (v) uy tín và thương hiệu (niềm tin, chuẩn mực pháp lý). Kết quả GFCI 37 cho thấy, New York tiếp tục dẫn đầu với 769 điểm, theo sau là London (762 điểm), Hồng Kông - Trung Quốc (760 điểm) và Singapore (750 điểm). Các trung tâm khác trong top 10 bao gồm: San Francisco, Chicago, Los Angeles, Thượng Hải, Thâm Quyến và Seoul (Hàn Quốc), phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thu hút vốn, nhân lực và đổi mới công nghệ. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh được xếp hạng lần đầu và nằm trong nhóm các trung tâm mới nổi nhanh của châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh Hàng Châu, New Delhi, GIFT City (Ấn Độ)...

Các TTTC không chỉ dựa vào yếu tố truyền thống mà ngày càng chú trọng phát triển công nghệ tài chính, cải thiện môi trường pháp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh. Sự phân hóa và đa dạng hóa địa lý trong xếp hạng cũng phản ánh xu hướng chuyển dịch dòng vốn và tái cấu trúc hệ thống tài chính toàn cầu hậu đại dịch và bất ổn địa chính trị. Một số mô hình TTTC thành công có thể kể đến như: Singapore (trung tâm tích hợp chính sách và đổi mới công nghệ tài chính), Thượng Hải (mô hình TTTC với vai trò dẫn dắt cải cách thị trường vốn và mở cửa dịch vụ tài chính) và Hồng Kông (TTTC truyền thống kết nối Đông - Tây). Những mô hình này đều dựa trên nền tảng thể chế vượt trội, cơ chế thu hút vốn, nhân lực chất lượng cao và kết nối sâu rộng với thị trường toàn cầu.

Các tài liệu nghiên cứu và báo cáo về hệ sinh thái công nghệ tài chính (fintech) tại Singapore đều nhất quán nhấn mạnh vai trò trung tâm của chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ tài chính do Cơ quan quản lý tài chính tổng hợp và ngân hàng trung ương của Singapore (MAS) dẫn dắt. Tác động của fintech đối với ngành tài chính Singapore, đặc biệt là các sáng kiến như Fintech Regulatory Sandbox, giúp thúc đẩy thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường kiểm soát rủi ro chặt chẽ, đồng thời khuyến khích hợp tác giữa các công ty fintech và tổ chức tài chính truyền thống. Lin (2019) tập trung vào khía cạnh pháp lý, làm rõ cách MAS xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển fintech nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro hiệu quả, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng. Chiến lược phát triển Singapore thành TTTC thông minh, với trọng tâm là phát triển hạ tầng số hiện đại và xây dựng hệ sinh thái fintech năng động, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Các báo cáo cập nhật năm 2023 cũng cho thấy, Singapore dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng công ty fintech, đặc biệt trong các lĩnh vực thanh toán điện tử, blockchain, regtech và đầu tư số, đồng thời thúc đẩy các dự án thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực và phát triển các công nghệ mới như tiền kỹ thuật (CBDC). Tổng thể, các tài liệu này khẳng định, Singapore đã xây dựng thành công một mô hình tích hợp chính sách và đổi mới công nghệ tài chính, tạo nền tảng vững chắc để duy trì vị thế trung tâm tài chính hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Thượng Hải nổi lên như một mô hình tiêu biểu trong quá trình xây dựng TTTCQT của Trung Quốc, với vai trò then chốt trong việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (RMB) và hiện đại hóa hạ tầng tài chính. Thượng Hải đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập các cơ chế thanh toán và bù trừ xuyên biên giới cho RMB, qua đó mở rộng phạm vi sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch quốc tế và nâng cao khả năng kết nối với thị trường tài chính toàn cầu. Quá trình này được hỗ trợ mạnh mẽ bởi chính sách phát triển thị trường tài chính đa tầng và thu hút đầu tư quốc tế. Fung và Lau (2016) chỉ ra rằng, chính quyền Thượng Hải đã triển khai loạt chính sách mở cửa, thúc đẩy vai trò của các sàn giao dịch chứng khoán và hàng hóa, đồng thời thiết lập các nền tảng đổi mới như bảng Sci-tech Innovation nhằm nâng cao tính cạnh tranh và khả năng thích ứng với chuẩn mực quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ góp phần giúp Thượng Hải nâng cao vị thế tài chính của ở trong nước, mà còn tạo điều kiện hội nhập sâu với hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, dù đã hình thành vai trò trung tâm trong đổi mới, giao dịch và thanh toán sản phẩm tài chính gắn với RMB, Thượng Hải vẫn cần tiếp tục mở rộng mức độ quốc tế hóa và khả năng lan tỏa toàn cầu để đạt được tầm vóc của một TTTCQT hoàn chỉnh. Điều này đòi hỏi cải cách thể chế sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường liên kết với các dòng vốn và chuẩn mực toàn cầu. Thông qua việc đồng thời phát triển hạ tầng tài chính hiện đại, chính sách mở cửa linh hoạt và chiến lược quốc tế hóa đồng nội tệ, Thượng Hải đã thể hiện mô hình tích hợp giữa đổi mới thể chế và hội nhập tài chính toàn cầu - một kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với các TTTC đang nổi.

Hồng Kông định vị mình là TTTCQT thông qua sự kết hợp độc đáo giữa vị trí địa chiến lược, ổn định tiền tệ, khuôn khổ pháp lý theo thông lệ Anh và chính sách kinh tế cởi mở. Nhờ lợi thế cảng biển nước sâu và vai trò “cửa ngõ” Đông - Tây, Hồng Kông sớm hình thành môi trường kinh doanh tự do, thu hút dòng vốn ngoại và phát triển các dịch vụ tài chính đa dạng. Cơ chế neo đồng Đô la Hồng Kông (HKD) vào đồng USD đã giúp duy trì sự ổn định tiền tệ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, thị trường chứng khoán và ngành quản lý tài sản của Hồng Kông không ngừng phát triển về quy mô và thanh khoản, góp phần giữ vững vị trí hàng đầu của đặc khu hành chính này trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Là trung tâm trung gian tài chính quan trọng của Trung Quốc, Hồng Kông là nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Điều này giúp Hồng Kông vừa duy trì sự tự chủ trong giám sát tài chính, vừa đóng vai trò là cầu nối đưa dòng vốn và các sản phẩm tài chính của Trung Quốc ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế cảnh báo rằng, biến động tài chính toàn cầu và sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong khu vực đặt ra thách thức mới; vì vậy, Hồng Kông cần tăng cường quản trị rủi ro, thúc đẩy công nghệ tài chính và mở rộng hợp tác khu vực (IMF, 2008).

Trên thực tế, Hồng Kông đã chủ động triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện, tập trung vào 2 trụ cột chính. Thứ nhất, Đặc khu đã thúc đẩy phát triển hệ sinh thái fintech, đặc biệt trong các lĩnh vực như fintech xanh (green fintech), công nghệ quản lý tài sản (wealthtech), công nghệ đầu tư (investtech), công nghệ bảo hiểm (insurtech) và công nghệ tuân thủ quy định (regtech), được ghi nhận trong Hong Kong Fintech Ecosystem Report 2025 (InvestHK, 2025). Thứ hai, sáng kiến “FinTech 2025” do Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) khởi xướng, kêu gọi toàn ngành tài chính đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sổ cái phân tán (DLT) và các tiêu chuẩn phát triển bền vững nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nhờ đó, Hồng Kông không chỉ bảo vệ thành công các lợi thế lịch sử - môi trường pháp lý minh bạch, tự do dòng vốn, dịch vụ tài chính đa tầng - mà còn thích ứng nhanh với những xu hướng toàn cầu, khẳng định vai trò TTTCQT năng động và bền vững.

PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM TÀI CHÍNH QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

Cơ hội và lợi thế của Việt Nam

Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, môi trường chính trị - xã hội vững chắc và chính sách hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Các yếu tố này đang tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành TTTCQT trong khu vực.

Thứ nhất, Việt Nam sở hữu vị trí địa lý chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, nằm trên trục giao thương hàng hải quốc tế, dễ dàng kết nối với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực ASEAN. Điều này giúp giảm chi phí logistics và tăng tính hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư tài chính xuyên biên giới.

Thứ hai, Việt Nam có múi giờ lệch so với 21 TTTC lớn nhất thế giới, tạo ra khoảng trống thời gian lý tưởng cho các giao dịch tài chính và đầu tư diễn ra liên tục 24/7 trên phạm vi toàn cầu. Đây là lợi thế đặc thù mà ít quốc gia trong khu vực sở hữu, giúp tăng khả năng thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian ngoài khung giờ hoạt động của các TTTC khác.

Thứ ba, tốc độ phát triển fintech và mức độ số hóa cao của Việt Nam được đánh giá là một trong những nhân tố dẫn đầu trong ASEAN. Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật số, tỷ lệ sử dụng ví điện tử và dịch vụ ngân hàng số ngày càng phổ biến, tạo nền tảng quan trọng để phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại và các mô hình TTTC thế hệ mới.

Thứ tư, Việt Nam thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc phát triển TTTCQT thông qua hàng loạt văn bản chỉ đạo cấp cao như: Nghị quyết số 31-NQ/TW về phát triển TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết 26-NQ/TW về vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Kết luận số 47-TB/TW của Bộ Chính trị về xây dựng TTTCQT. Đặc biệt, Tờ trình số 456/TTr-CP ngày 30/5/2025 của Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về TTTCQT tại Việt Nam với nhiều cơ chế chính sách đột phá (Dự thảo Nghị quyết).

Đây là nền tảng chính sách pháp lý then chốt, thể hiện sự chủ động, nhất quán và quyết tâm thể chế hóa mô hình TTTC tại Việt Nam trong tương lai gần.

Các chính sách đột phá

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2025 về TTTCQT tại Việt Nam đã đề xuất một số cơ chế, chính sách mang tính đột phá, nhằm tạo lập một môi trường tài chính cạnh tranh quốc tế, linh hoạt và tiên tiến. Các chính sách này được xây dựng trên cơ sở tham chiếu thông lệ quốc tế, đồng thời có tính thích ứng cao với điều kiện thực tiễn trong nước, điển hình như:

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox): Chính sách sandbox là một trong những nội dung quan trọng nhất trong dự thảo, cho phép thử nghiệm các mô hình, sản phẩm và công nghệ tài chính mới trong khuôn khổ pháp lý giới hạn và được giám sát chặt chẽ. Cơ chế này giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực fintech, đồng thời hạn chế rủi ro hệ thống trong quá trình thử nghiệm. Sandbox không chỉ là công cụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo mà còn là phương tiện để xây dựng khung pháp lý linh hoạt, thích ứng với tốc độ phát triển nhanh của thị trường tài chính hiện đại.

Ưu đãi về thuế và tài chính: Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho TTTC là cơ chế thuế ưu đãi dài hạn và có tính cạnh tranh cao so với các TTTC lớn trong khu vực. Dự thảo Nghị quyết đề xuất mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% kéo dài đến 30 năm, miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, thu nhập cá nhân của chuyên gia, nhà đầu tư và quản lý tại TTTC được miễn thuế đến năm 2030. Khi so sánh với các mức thuế hiện hành tại Singapore (17%), Hong Kong (16,5%), hay Thượng Hải (25%), chính sách thuế trong Dự thảo được đánh giá là vượt trội và có khả năng thu hút mạnh dòng vốn và nhân lực chất lượng cao quốc tế.

Bảng 1: So sánh ưu đãi thuế ở Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải

Chính sách thuế

TTTC Việt Nam

(Dự thảo)

Singapore

Hồng Kông

Thượng Hải

Thuế TNDN

10% kéo dài 30 năm. Miễn 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp

17% (ưu đãi còn

16,5% (chỉ tính thu nhập trong lãnh thổ)

25% (ưu đãi còn 15% trong FTZ hoặc công nghệ cao)

Thuế TNCN

Miễn thuế đến năm 2030 (áp dụng cho chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý tại TTTC)

0-22% (lũy tiến) Không đánh thuế cổ tức, lãi vốn

2-17% (lũy tiến) Không đánh thuế thu nhập ngoài lãnh thổ

3-45% (lũy tiến) Đánh thuế thu nhập toàn cầu với cư dân thuế

Cách tiếp cận ưu đãi

Ưu đãi có thời hạn, tập trung vào TTTC chiến lược

Ưu đãi theo ngành/lĩnh vực ưu tiên và trụ sở khu vực

Ưu đãi theo nguyên tắc “thuế lãnh thổ”

Ưu đãi theo khu vực FTZ và lĩnh vực công nghệ cao

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Sàn giao dịch đa năng: Khác với mô hình TTTC truyền thống vốn tập trung vào các dịch vụ ngân hàng và chứng khoán, dự thảo Nghị quyết cho phép phát triển hệ thống sàn giao dịch đa dạng, bao gồm: phái sinh tài chính, tín chỉ carbon, sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, hàng hóa kim loại quý và tài chính xanh. Đây là hướng đi thể hiện tầm nhìn dài hạn nhằm xây dựng TTTC thế hệ mới, vừa duy trì các chức năng cốt lõi của thị trường tài chính, vừa thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững. Việc đa dạng hóa công cụ và lĩnh vực giao dịch còn tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu hơn với các thị trường chuyên biệt và hướng tới thị trường vốn khu vực.

Tổ chức quản trị hiện đại: Mô hình quản trị TTTC tại Việt Nam được thiết kế theo hướng chuyên trách và tinh gọn, với 2 cơ quan chính là Cơ quan điều hành và Cơ quan giám sát TTTC. Cả 2 cơ quan đều có cơ chế hoạt động độc lập, áp dụng quy trình quản lý hành chính riêng, rút gọn thời gian xử lý thủ tục đầu tư và kinh doanh. Đặc biệt, dự thảo cũng đề xuất thành lập hệ thống trọng tài thương mại quốc tế tại TTTC, đóng vai trò giải quyết tranh chấp tài chính - thương mại một cách hiệu quả, công khai và đạt chuẩn quốc tế. Đây là điểm mới nổi bật, góp phần tăng cường tính minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và củng cố lòng tin đối với môi trường đầu tư tại TTTC Việt Nam.

KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Một chiến lược phát triển TTTCQT tại Việt Nam chỉ có thể thành công nếu gắn liền với định vị chức năng rõ ràng, nền tảng thể chế ổn định, nguồn nhân lực ưu tú, liên kết toàn cầu sâu rộng và cơ chế giám sát rủi ro đương đại. Dưới đây là 5 cụm giải pháp, tương ứng với các trụ cột nêu trong lý luận và kinh nghiệm so sánh, được diễn đạt theo ngôn ngữ học thuật và nhất quán về lập luận.

Định vị chiến lược và chuyên môn hóa chức năng

Kinh nghiệm của Singapore, Thượng Hải và Hồng Kông cho thấy năng lực cạnh tranh của một TTTC bắt nguồn từ định vị chiến lược đặc thù, gắn với lợi thế so sánh địa phương, đồng thời tránh trùng lặp chức năng trong nội bộ quốc gia. TP. Hồ Chí Minh nên được định hướng thành “TTTC tích hợp” với trụ cột đổi mới fintech và khung thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) nhằm thúc đẩy các mô hình dịch vụ mới. Ngược lại, Đà Nẵng có thể đóng vai trò “TTTC xanh kết hợp dịch vụ logistics tài chính” phục vụ trục kinh tế miền Trung và chuỗi hàng hải quốc tế. Cách tiếp cận phân tầng này tối ưu hóa nguồn lực vùng và hạn chế hiện tượng cạnh tranh bất cân xứng giữa các địa phương.

Ổn định thể chế và hoàn thiện khung pháp lý tiên tiến

Niềm tin của nhà đầu tư quốc tế phụ thuộc trước hết vào khả năng dự báo của thể chế. Do đó, các cơ chế ưu đãi, sandbox và chính sách thuế đặc thù cần được thiết kế trên cơ sở luật hóa hoặc cơ chế “vượt luật” có thời hạn rõ ràng dưới sự giám sát của Quốc hội. Việc thành lập một trung tâm trọng tài thương mại quốc tế ngay trong TTTC sẽ đóng góp vào minh bạch hóa tranh chấp, gia tăng khả năng thực thi phán quyết và bảo vệ hữu hiệu quyền lợi nhà đầu tư, phù hợp với chuẩn mực của Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) và Phòng Thương mại Quốc tế (ICC).

Xây dựng hệ sinh thái nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực được xác lập là trụ cột cạnh tranh then chốt trong GFCI 37. Chính phủ cần hình thành mạng lưới liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo song bằng, hướng đến các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế (Chứng chỉ Phân tích tài chính - CFA, Chứng chỉ Quản trị rủi ro tài chính - FRM, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc - ACCA). Đồng thời, chính sách thị thực linh hoạt, tương tự “Global Talent Visa” của Úc hoặc “Golden Visa” của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ thu hút chuyên gia tài chính, luật và công nghệ cao, bảo đảm tính đa dạng và khả năng lan tỏa tri thức trong nước.

Thúc đẩy kết nối quốc tế và hội nhập tiêu chuẩn

Một TTTC thế hệ mới cần tham gia sâu vào các khuôn khổ hợp tác đa phương (Tổ chức quốc tế của các ủy ban chứng khoán - IOSCO, Mạng lưới phát triển hạ tầng tài chính thuộc APEC - APEC FIDN) cũng như ký kết các kênh hợp tác song phương với Hồng Kông, Frankfurt và Dubai nhằm hội tụ Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động doanh nghiệp về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và Basel III. Việc công nhận chéo sản phẩm, chia sẻ dữ liệu giao dịch và đồng bộ hóa quy trình giám sát sẽ rút ngắn khoảng cách pháp lý, tạo điều kiện cho dòng vốn luân chuyển hiệu quả.

Hoàn thiện cơ chế giám sát và quản trị rủi ro

Phát triển bền vững đòi hỏi khung giám sát tích hợp, đa ngành, đáp ứng các chuẩn mực của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF) về phòng chống rửa tiền và các biện pháp pháp lý, hành chính và kỹ thuật nhằm ngăn chặn việc tài trợ cho các hoạt động khủng bố (CFT), đồng thời tuân thủ khuyến nghị về an toàn hệ thống của BIS và Hội đồng Ổn định tài chính (FSB). Việc thành lập cơ quan giám sát độc lập với chức năng cảnh báo sớm, phân tích căng thẳng (stress-testing) và điều phối khủng hoảng sẽ tăng khả năng phản ứng trong bối cảnh thị trường biến động nhanh. Cơ quan này nên vận hành trên nền tảng dữ liệu số thời gian thực (regtech/suptech) để phát hiện rủi ro công nghệ và bảo vệ an ninh mạng.

Những đề xuất trên, khi được triển khai đồng bộ, sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị tài chính toàn cầu và tạo nền tảng cho một TTTC “thế hệ mới” - sáng tạo, xanh và hội nhập sâu, đáp ứng yêu cầu bền vững và khả năng chống chịu trước các cú sốc địa - kinh tế đang ngày càng phức tạp.

KẾT LUẬN

Việc xây dựng TTTCQT tại Việt Nam không chỉ là bước đi mang tính đột phá về chính sách, mà còn là động lực chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển đổi mô hình kinh tế và nâng tầm vị thế quốc gia. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, nhân lực và hạ tầng, cùng các chính sách vượt trội và phù hợp thông lệ quốc tế, Việt Nam có cơ hội thực sự để trở thành một TTTC thế hệ mới, sáng tạo, xanh và hội nhập sâu vào hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

Tài liệu tham khảo:

1. BIDV Research (2025). Báo cáo phân tích chính sách tài chính và mô hình trung tâm tài chính quốc tế.

2. Bộ Chính trị (2024). Kết luận số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

3. Bộ Tài chính (2025). Tờ trình số 456/TTr-CP ngày 30/5/2025 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

4. Fung, H. G., & Lau, S. T. (2016). Shanghai as an international financial center: Policy and development,.Asia Pacific Journal of Finance, 28(3), 215-234.

5. International Monetary Fund (2008). Hong Kong SAR: Financial system stability assessment. IMF Country Report No. 08/XX.

6. International Monetary Fund (2017). International financial integration in the aftermath of the global financial crisis, IMF Working Paper No. 17/115. https://www.imf.org//media/Files/Publications/WP/2017/wp17115.ashx

7. InvestHK (2025). Hong Kong fintech ecosystem report.

8. Lin, L (2019). Regulating fintech: The case of Singapore. NUS Law Working Paper, 19(04).

9. Long Finance & China Development Institute (2025). Global Financial Centres Index 37. https://www.longfinance.net/documents/4057/GFCI_37_Report_2025.03.20_v1.2.pdf

10. World Bank (2013). Global financial development report 2013: Rethinking the role of the state in finance. Report No. 11848.

Ngày nhận bài: 1/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 7/7/2025; Ngày duyệt đăng: 8/7/2025