PGS,TS. Bùi Quang Hùng
PGS,TS. Nguyễn Thị Hồng Nhâm
Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ thể hiện ở việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, mà còn trong việc tạo ra các mô hình kinh tế mới, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Qua việc phân tích kinh nghiệm thực tiễn từ một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nghệ An, nghiên cứu làm rõ những yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế. Những kinh nghiệm trong nước này mang lại bài học giá trị cho tỉnh Hà Nam trong việc định hình chiến lược phát triển.
Từ khóa: Kinh nghiệm, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế, Hà Nam
Summary
In the context of globalization and the Fourth Industrial Revolution, science, technology, and innovation have emerged as core drivers of economic growth and sustainable development. Their role is not only reflected in improving labor productivity and product quality but also in fostering new economic models, enhancing national competitiveness, and improving people’s quality of life. By analyzing practical experiences from selected localities such as Hanoi, Vinh Phuc, and Nghe An, this study identifies the key success factors in applying science, technology, and innovation to economic development. These domestic experiences offer valuable lessons for Ha Nam Province in shaping its development strategy.
Keywords: Experience, science, technology and innovation, economic growth, Ha Nam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những trụ cột quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ chính trị đã thể hiện tinh thần quyết liệt về đột phá phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia và xác định: “Phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Tuy nhiên, việc ứng dụng và phát triển KHCN&ĐMST ở cấp độ địa phương, đặc biệt tại các tỉnh như Hà Nam, vẫn còn nhiều thách thức (các thông tin địa danh trong nghiên cứu là thông tin trước ngày 1/7/2025).
Do đó, việc phân tích các kinh nghiệm thành công từ các địa phương tiêu biểu như Hà Nội, Vĩnh Phúc và Nghệ An, từ đó rút ra những bài học phù hợp cho tỉnh Hà Nam là cần thiết để Tỉnh tận dụng tiềm năng, khắc phục hạn chế và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh mới.
KINH NGHIỆM VỀ ĐÓNG GÓP KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TẠI MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG
Tại TP. Hà Nội
Hà Nội là một trong những thành phố lớn, trọng điểm, dẫn đầu của quốc gia về đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế. Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm ĐMST, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KHCN&ĐMST của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn, rà soát và lựa chọn những sản phẩm tiềm năng, sản phẩm đã được công nhận OCOP để hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ như: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, Hà Nội chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển, trong đó tập trung vào hoàn thiện nội dung đề xuất, triển khai chuyển đổi số cấp Thành phố. Công nghệ số đã giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất từ thiết kế, đặt hàng, gia công, lắp ráp và kiểm tra chất lượng đến giao hàng.
Nhờ đó, những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của TP. Hà Nội đã thực hiện KHCN&ĐMST tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết để cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau Cuối Quý (huyện Đan Phượng) đã đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động cho gần 5ha trồng trọt, không sử dụng thuốc và phân bón hóa học trong quy trình sản xuất, vừa giúp hạn chế tác động của thời tiết, bớt công chăm sóc, vừa đem lại năng suất và chất lượng cho sản phẩm. Sản lượng hằng năm đạt từ 50 tấn đến 80 tấn rau, củ, quả các loại… Tính đến tháng 7/2023, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh ứng dụng KHCN&ĐMST để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm (Uyên Hương, 2023).
Tại Vĩnh Phúc
Tỉnh Vĩnh Phúc luôn có tư duy, tầm nhìn đổi mới sáng tạo với quan điểm nhất quán và chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, khởi nghiệp rõ ràng, coi trọng phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển. Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ khởi nghiệp, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp trên địa bàn với 11 nhiệm vụ, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Năm 2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Một năm sau khi Nghị quyết này được ban hành, UBND tỉnh, Bộ KHCN đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu cụ thể là hình thành và phát triển Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, các lãnh đạo tỉnh đã tạo sự nối kết mật thiết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu trong tỉnh. Từ năm 2020-2022, Sở KHCN tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức triển khai 109 nhiệm vụ KHCN. Các nhiệm vụ tập trung vào 5 lĩnh vực chính: xã hội nhân văn, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, y - dược, bảo vệ môi trường, công nghiệp và dịch vụ.
Nhiều tiến bộ KHCN đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất tại tỉnh Vĩnh Phúc. Trong lĩnh vực công nghiệp, toàn tỉnh có các sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh như: bộ sản phẩm sữa ong chúa - mật ong hoa quả - mật ong nano curcumin; bộ sản phẩm phân bón Phú Điền bón lót; thực phẩm bảo vệ sức khỏe TACUMIN; trà hoa vàng Tam Đảo… Trong lĩnh vực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở y tế được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; nhân lực y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân với các kỹ thuật công nghệ cao như tán sỏi ngoài cơ thể, kỹ thuật phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu, phương pháp phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ bằng công nghệ PPH và HCPT... Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu KHCN, đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp. Từ năm 2020-2022, Quỹ phát triển KHCN tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn mua sắm máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ với tổng nguồn vốn 5,1 tỷ đồng. Năm 2021-2022, Sở KHCN đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động nghiên cứu khoa học với tổng số tiền 9,14 tỷ đồng; triển khai thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã năm theo 7 nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng số tiền 7,4 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác chuyển giao công nghệ được các doanh nghiệp chú trọng, nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết và đăng ký với cơ quan quản lý. Trong 2 năm 2021-2022, có 8 hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại Sở KHCN với thời hạn thực hiện từ 5-10 năm, tổng kinh phí 874,27 tỷ đồng (Hồng Yến, 2022).
Tại Nghệ An
Ngày 22/7/2020, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND Quy định về một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An và ngày 14/1/2021 UBND tỉnh Nghệ An Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND về quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị với mức hỗ trợ 30% tổng đầu tư của dự án, và với số tiền được hỗ trợ không quá 1 tỷ đồng/1 dự án (hỗ trợ sau đầu tư) đối với các huyện miền núi điều kiện khó khăn (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu) và đối với các huyện còn lại không quá 700 triệu đồng. Theo báo cáo của Sở KHCN tỉnh Nghệ An, các chương trình, dự án được hỗ trợ bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, với việc một số mô hình đã được nhân rộng ra nhiều địa bàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chế biến quả trám đen, trồng cây Sâm Thổ Hào, nhân giống và trồng bưởi cát ngạn, chuỗi giá trị sản xuất lúa Japonika J02 trên địa bàn các huyện miền Tây… đến nay đã mở rộng ra nhiều huyện trên địa bàn tỉnh (Trần Trung Thành, 2023).
Để phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần khơi dậy sức sáng tạo của người lao động. Hàng năm, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đều ban hành kế hoạch, phát động phong trào thi đua, đặc biệt là ban hành Kế hoạch “Phát động các phong trào thi đua trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025” nhằm tiếp tục phát huy tính sáng tạo của cán bộ, đảng viên và người lao động trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp; thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Một số phong trào đã được xây dựng như “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ”; “Xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh”; “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”…
BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO TỈNH HÀ NAM
Với vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng kinh tế đa dạng và sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, Hà Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình thành một địa phương tiên phong trong việc ứng dụng KHCN&ĐMST vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỉnh vẫn đối mặt với những thách thức như thiếu hụt nguồn lực nghiên cứu và phát triển (R&D), hệ thống ĐMST chưa hoàn thiện và sự kết nối hạn chế giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới.
Qua tìm hiểu kinh nghiệm của một số địa phương ở Việt Nam trong việc nâng cao đóng góp của KHCN vào tăng trưởng kinh tế, có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm cho tỉnh Hà Nam trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Một là, ban hành các văn bản chính sách phục vụ cho việc triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển KHCN&ĐMST. Nhìn chung, các địa phương đều đã ban hành các văn bản pháp lý tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.
Hai là, xây dựng các điều kiện cho phát triển KHCN, ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế như xây dựng hệ sinh thái ĐMST, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm tạo…
Ba là, tích cực triển khai các hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Nhiều tỉnh đã có các sản phẩm đặc trưng được đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể sẽ mang lại hiệu quả cao trong thời gian đầu (thể hiện ở sản lượng tiêu thụ tăng lên, giá sản phẩm tăng, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn…).
Bốn là, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KHCN, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Kinh nghiệm cho thấy, phần lớn các địa phương đều thực hiện theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước như giảm thuế, giảm tiền thuê đất, vay vốn ưu đãi…
Năm là, tổ chức các cuộc thi về công nghệ thông tin, ĐMST cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Tỉnh, tổ chức các hội chợ, hội thảo về ý tưởng khởi nghiệp, ĐMST vừa nhằm mục đích phát triển đội ngũ nhân lực cho KHCN, vừa thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, quỹ đầu tư…
Sáu là, chú trọng các đề tài, nhiệm vụ KHCN, R&D. Ưu tiên các đề tài có hiệu quả thực tiễn và ứng dụng triển khai kết quả đề tài vào sản xuất. Nhìn chung, các tỉnh đều đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN.
Tài liệu tham khảo:
1. Diệu Anh (2023). Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa. https://thanglong.chinhphu.vn/dong-hanh-ho-tro-doanh-nghiep-ap-dung-ky-thuat-nang-cao-chat-luong-hang-hoa-103230613113215704.htm
2. Hồng Yến (2022). Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống. https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/KinhTe.
3. Nguyễn Mai (2018, August 26). Nông dân Chúc Sơn thời “công nghệ”. https://hanoimoi.vn/nong-dan-chuc-son-thoi-cong-nghe-563835.html
4. Trần Trung Thành (2023, June 20). Nghệ An: Chính sách về hoạt động KHCN (KHCN) đã mang lại nhiều hiệu quả. https://khuyennongnghean.com.vn/index.php/thong-tin-huan-luyen/nghe-an-chinh-sach-ve-hoat-dong-khoa-hoc-va-cong-nghe-kh-cn-da-mang-lai-nhieu-hieu-qua-1480.html
5. Uyên Hương (2023). Ứng dụng hiệu quả công nghệ cao tại các hợp tác xã Hà Nội. https://bnews.vn/ung-dung-hieu-qua-cong-nghe-cao-tai-cac-hop-tac-xa-ha-noi/301728.html
Ngày nhận bài: 1/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 2/7/2025; Ngày duyệt đăng: 8/7/2025 |