
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 28/2 (Ảnh: AFP).
"Hôm nay, chúng ta đã đạt được một thỏa thuận. Theo đó, chúng ta nhận được, nhiều hơn về mặt lý thuyết, so với 350 tỷ USD, nhưng tôi muốn được bảo vệ", Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn NewsNation về thỏa thuận khoáng sản mà Mỹ và Ukraine vừa ký kết ngày 30/4.
Ông một lần nữa tuyên bố rằng Mỹ đã chi 350 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine, trong hơn 3 năm qua, vượt xa những gì các quan chức và chuyên gia Ukraine xác nhận.
Theo Viện Kinh tế Quốc tế Kiel, một tổ chức nghiên cứu chính sách kinh tế toàn cầu, Washington đã cung cấp cho Ukraine 114,6 tỷ euro (130 tỷ USD).
Khi được hỏi liệu thỏa thuận này có thể cản trở chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine hay không, ông Trump trả lời: "Có thể".
Sau khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump đã nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Ông cũng tìm cách đạt được một thỏa thuận khai thác khoáng sản với Ukraine, coi đó là thỏa thuận giúp Washington thu hồi lại số tiền đã viện trợ cho Kiev trong suốt cuộc chiến với Nga.
Quá trình đàm phán một thỏa thuận như vậy giữa Washington và Kiev khá căng thẳng. Đỉnh điểm là cuộc trao đổi nảy lửa giữa ông Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng hồi tháng 2. Khi đó, ông Trump quyết định tạm đóng băng viện trợ đến chừng nào Kiev sẵn sàng đàm phán trở lại.
Tại cuộc gặp bên lề lễ tang Giáo hoàng Francis tuần trước, ông Trump cho biết ông đã nói với Tổng thống Zelensky rằng "sẽ rất tốt" nếu ông ấy ký thỏa thuận vì "Nga lớn hơn và mạnh hơn nhiều".
Sau những bất đồng căng thẳng, hôm 30/4, Mỹ và Ukraine thông báo ký kết thỏa thuận khoáng sản.
Theo đó thỏa thuận cho phép thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine do Ukraine và Mỹ cùng quản lý "trên cơ sở 50/50" và "không bên nào nắm giữ quyền bỏ phiếu áp đảo".
Các quan chức Mỹ coi thỏa thuận này là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ lâu dài của Washington dành cho Ukraine. Theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, viện trợ quân sự trong tương lai từ Mỹ có thể được tính là đóng góp vào quỹ, nhưng viện trợ trước đó không được tính.
Thỏa thuận không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào cho Ukraine. Thay vào đó, nó khẳng định "sự liên kết chiến lược dài hạn" giữa hai quốc gia và cam kết Mỹ "hỗ trợ cho an ninh, thịnh vượng, tái thiết và hội nhập của Ukraine vào khuôn khổ kinh tế toàn cầu".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nhấn mạnh, thỏa thuận có lợi cho cả hai quốc gia. Bà Bruce nói thêm rằng sự hiện diện của Mỹ tại Ukraine cũng sẽ tăng cường an ninh của quốc gia này.
"Khi nước Mỹ là bạn và là đối tác, quốc gia của bạn sẽ tốt đẹp hơn, công dân của bạn sẽ tốt đẹp hơn và sẽ có yếu tố an ninh ngay trong sự hiện diện của chúng tôi", bà nói.
Bà Bruce nhấn mạnh rằng thỏa thuận này "tách biệt" với cuộc xung đột đang diễn ra và các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Nga, nhưng cho biết công việc đàm phán đang tiến triển, với việc Moscow và Kiev dự kiến sẽ đệ trình các đề xuất "trong vài ngày tới".