Vụ đứt dây cáp treo ngày 17/4 tại Italia làm 4 hành khách thiệt mạng, khiến nhiều người lo lắng về độ an toàn của loại hình vận chuyển vốn được xem là tiện lợi, hấp dẫn du khách.
Đây không phải là tai nạn hiếm gặp bởi trước đó, những sự cố nghiêm trọng liên quan đến cáp treo từng xảy ra trên khắp thế giới với nhiều nguyên nhân khác nhau, từ lỗi kỹ thuật, thiên tai đến sai sót của con người.
Khi dây cáp trở thành "lưỡi hái tử thần"
Trong phần lớn vụ tai nạn nghiêm trọng, dây kéo - phần quan trọng nhất của hệ thống cáp treo - chính là tác nhân gây thảm họa. Vụ việc ở Italia mới đây là một ví dụ khi cabin đang đi lên đỉnh Monte Faito thì bất ngờ rơi tự do, vì dây cáp đứt.

Hiện trường vụ tai nạn cáp treo ở Italia mới đây (Ảnh: AP).
Trước đó, năm 2021, tuyến cáp treo Stresa-Mottarone (miền Bắc Italia) cũng gặp sự cố tương tự khi dây kéo đứt và hệ thống phanh khẩn cấp bị vô hiệu hóa trái phép. Cabin trượt lùi với tốc độ cao, lao xuống sườn núi, khiến 14 người thiệt mạng.
Còn tại Thụy Sĩ năm 1972, dây cáp bị ăn mòn đến mức gãy lìa, khiến cabin trượt ngược và đâm vào nhà ga với tốc độ cao, làm 13 hành khách tử vong.
Hệ thống phanh khẩn cấp bị vô hiệu hóa
Một điểm chung đáng lo ngại trong nhiều vụ tai nạn cáp treo là hệ thống phanh khẩn cấp vốn được thiết kế để cứu mạng, nhưng lại bị vô hiệu hóa trong tình huống bất ngờ, thường là vì lý do kỹ thuật hoặc vận hành sai quy định.
Ví dụ như tai nạn năm 1990 tại Gruzia khiến 19 người thiệt mạng cũng cho thấy hệ thống phanh đã bị can thiệp, cabin trượt dốc không kiểm soát rồi rơi vào mái nhà cao tầng bên dưới.
Thảm kịch tại Pháp năm 1999 càng cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác bảo trì. Hệ thống phanh an toàn đã bị tháo bỏ từ hơn một thập kỷ mà không có sự đồng ý của nhà sản xuất. Khi tăng tốc quá mức, cabin bị rơi khỏi dây cáp và cướp đi mạng sống của 20 người.
Thiên tai và... lỗi con người
Một số tai nạn do yếu tố khách quan, như vụ cây đổ làm đứt dây cáp tại tuyến Gulmarg Gondola (Ấn Độ) năm 2017, khiến 7 người tử vong. Nhưng nhiều tai nạn lại đến từ sự chủ quan hoặc sai phạm của con người.

Cáp treo do dân làng tự lắp đặt để phục vụ nhu cầu đi lại ở địa hình rừng núi tại Pakistan (Ảnh: First Post).
Năm 2017, một cabin cáp treo tự chế tại Pakistan, vốn do dân địa phương tự lắp đặt, đã rơi xuống khe núi sâu khiến 12 người chết. Cabin chỉ được phép chở 8 người nhưng khi tai nạn xảy ra, có tới 14 người trên cabin.
Một trong những thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử là vụ máy bay quân sự Mỹ bay quá thấp, làm đứt dây cáp tại Cavalese (Italia) năm 1998, khiến cabin rơi từ độ cao 80m, giết chết 20 người.
Trước đó, vào năm 1983 tại Singapore, một tàu chở giàn khoan dầu qua eo biển Keppel, đã va chạm với hệ thống cáp treo nối giữa ga Jardine Steps trên đất liền và đảo Sentosa, khiến 2 cabin đang hoạt động rơi thẳng xuống biển từ độ cao khoảng 55m, làm 7 người thiệt mạng.
Vụ tai nạn cáp treo tại hẻm núi ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) vào năm 1999 cũng đến từ nguyên nhân cabin chở quá số lượng cho phép. Theo thiết kế, mỗi cabin hệ chỉ được chứa 10 người nhưng đã chở đến... 36 người.
Cabin ban đầu trượt trên dây cáp và khi đến độ cao khoảng 50-60m cách mặt đất thì dây cáp bị đứt, khiến cabin rơi tự do từ độ cao khoảng 100m xuống đáy hẻm núi, khiến 14 người thiệt mạng và 22 người bị thương.
Cabin bị va chạm
Không phải lúc nào sự cố cũng đến từ hệ thống dây cáp. Ngày 12/4/2024, tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), một cabin cáp treo va vào trụ, rơi xuống vách đá, làm 1 người chết và 7 người bị thương, trong khi gần 200 người khác bị mắc kẹt giữa không trung suốt gần 1 ngày.

Cabin rơi xuống khu vực vách đá ở Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters).
Va chạm cabin cũng từng xảy ra tại Ấn Độ năm 2022, khi hai cabin đâm vào nhau giữa lưng chừng đồi Trikut. Vụ việc khiến 2 người tử vong và hàng chục người bị mắc kẹt 45 tiếng vì hệ thống vận hành không kịp hãm cabin phía sau khi cabin trước bất ngờ dừng giữa đường.
Việc kiểm định định kỳ, bảo trì đúng chuẩn, không can thiệp trái phép vào hệ thống an toàn, vận hành đúng tải trọng và chủ động phòng tránh rủi ro từ thiên tai là những nguyên tắc không thể xem nhẹ.