Nguyễn Anh Vũ
Trường Đại học Hải Phòng
Tóm tắt
Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của chỉ số Lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) trong việc sàng lọc cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Sử dụng dữ liệu từ 135 doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2022-2025, các danh mục gồm cổ phiếu có ROIC cao được xây dựng và so sánh với chỉ số VN-Index. Kết quả cho thấy, các danh mục này đạt lợi nhuận tích lũy và hàng năm cao hơn thị trường, đặc biệt trong các giai đoạn phục hồi. Phân tích CAPM cho thấy, hệ số Beta xấp xỉ 1 và có ý nghĩa thống kê, phản ánh mức biến động tương đồng với thị trường. Tuy nhiên, hệ số Alpha không có ý nghĩa thống kê, cho thấy không có lợi nhuận bất thường bền vững. ROIC là chỉ số hữu ích trong xây dựng danh mục đầu tư, nhưng nên kết hợp thêm các yếu tố khác để nâng cao hiệu quả đầu tư trong thực tiễn.
Từ khóa: Lợi nhuận trên vốn đầu tư, Return on Invested Capital, ROIC
Summary
This study evaluates the effectiveness of the Return on Invested Capital (ROIC) indicator in stock screening on the Vietnamese stock market. Using data from 135 listed companies during the 2022–2025 period, portfolios consisting of high-ROIC stocks were constructed and compared with the VN-Index. Results indicate that these portfolios yielded higher cumulative and annual returns than the market, particularly during recovery periods. CAPM analysis reveals a Beta coefficient close to 1 with statistical significance, reflecting market-level volatility. However, the Alpha coefficient lacks statistical significance, suggesting no sustainable abnormal returns. ROIC is a valuable metric for portfolio construction, but should be combined with other factors to enhance investment effectiveness in practice.
Keywords: Return on Invested Capital, ROIC
ĐẶT VẤN ĐỀ
Chỉ số Lợi nhuận trên vốn đầu tư – ROIC (Return on Invested Capital) là một công cụ quan trọng trong phân tích tài chính, phản ánh khả năng tạo ra giá trị từ việc tái đầu tư vốn. ROIC giúp đánh giá mức độ hiệu quả trong việc sử dụng và phân bổ vốn của doanh nghiệp, đồng thời là căn cứ để đo lường khả năng sinh lợi vượt trội so với chi phí vốn (đặc biệt nếu vượt chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền trên 2 điểm phần trăm). Dù vậy, chỉ số này vẫn chưa được khai thác đầy đủ trong nghiên cứu tại Việt Nam.
ROIC còn giúp xác định lợi thế cạnh tranh bền vững (moat), đánh giá khả năng doanh nghiệp duy trì biên lợi nhuận và thị phần trước các đối thủ mới. Đây là chỉ số được nhiều nhà đầu tư và tổ chức tài chính sử dụng để sàng lọc cổ phiếu và xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn. ROIC được tính theo tỷ lệ phần trăm, thường biểu thị theo chu kỳ 12 tháng. Một công ty có ROIC cao nhưng vốn đầu tư thấp có thể cho thấy hạn chế trong năng lực tăng trưởng tương lai. Việc nghiên cứu ROIC cung cấp một thước đo hiệu quả để phân tích hoạt động kinh doanh và hỗ trợ ra quyết định đầu tư chính xác hơn.
Nghiên cứu này nhằm kiểm tra khả năng sử dụng ROIC như một chỉ tiêu thay thế trong lựa chọn cổ phiếu có hiệu suất vượt trội trên thị trường Việt Nam, đại diện bởi chỉ số VNIndex. Các danh mục đầu tư được xây dựng và phân tích thông qua hồi quy, so sánh lợi nhuận tích lũy, lợi nhuận hàng năm và rủi ro với chỉ số chuẩn, từ đó đánh giá xem các chiến lược có tạo ra mức sinh lời vượt trội mà không chấp nhận rủi ro quá mức hay không.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Chỉ tiêu ROIC và hiệu quả của ROIC trong hoạt động đầu tư chứng khoán tại thị trường Việt Nam
Phạm vi nghiên cứu: Một số doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (100-150 doanh nghiệp); Trong khoảng thời gian 3 năm gần nhất: 2022-2025.
Phương pháp nghiên cứu
Để đạt mục tiêu kiểm tra vai trò của ROIC trong việc sàng lọc cổ phiếu có hiệu suất vượt trội so với thị trường, nghiên cứu sử dụng hệ thống phương pháp định lượng, bao gồm: thu thập dữ liệu thứ cấp, xử lý thống kê, xây dựng mô hình tài chính và hồi quy kinh tế lượng. Cách tiếp cận này đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy của kết quả.
Thu thập và xử lý dữ liệu. Dữ liệu được thu thập từ các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, với điều kiện là có đầy đủ thông tin về ROIC và giá đóng cửa hằng ngày. Mẫu gồm khoảng 135 doanh nghiệp, đảm bảo tính đại diện và chất lượng. Dữ liệu từ năm 2022 đến năm 2025 được sử dụng để tính toán lợi nhuận và độ biến động ở tần suất cao. VN-Index là chỉ số chuẩn để so sánh, trong khi lãi suất phi rủi ro được xác định bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Phân loại và xây dựng danh mục đầu tư. Cổ phiếu được xếp hạng theo ROIC; nhóm có ROIC cao nhất được chọn vào danh mục đầu tư mẫu. Danh mục được cân bằng đều nhằm loại bỏ tác động thiên lệch từ cổ phiếu vốn hóa lớn, đảm bảo phân tích khách quan hơn.
Chỉ tiêu đánh giá hiệu suất đầu tư. Nghiên cứu đo lường và so sánh lợi nhuận hàng ngày, tích lũy và hàng năm của danh mục so với VN-Index, nhằm đánh giá hiệu suất và sự ổn định theo thời gian.
Phân tích điều chỉnh rủi ro: Mô hình CAPM. Mô hình Định giá Tài sản Vốn (CAPM) được áp dụng để kiểm định lợi nhuận vượt trội của danh mục, thông qua hồi quy lợi nhuận hàng ngày của từng cổ phiếu và danh mục so với lợi nhuận thị trường.
Thiết kế nghiên cứu
Bài viết này nhằm kiểm tra liệu ROIC có thể đóng vai trò là một tiêu chí để sàng lọc cổ phiếu, nhằm tìm kiếm các cổ phiếu có tiềm năng tạo ra lợi nhuận điều chỉnh rủi ro vượt trội so với mức tăng trưởng chung của thị trường Việt Nam hay không. Đầu tiên, cổ phiếu được xác định bằng các tiêu chí đã chọn. Sau đó, số liệu ROIC hàng năm được thu thập cho các công ty trong mẫu. Tiếp theo, các cổ phiếu được sắp xếp theo ROIC và các danh mục đầu tư được hình thành. Cuối cùng, lợi nhuận của các chiến lược được tính toán và các hồi quy OLS đối với mô hình CAPM.
Lợi nhuận hàng ngày của từng cổ phiếu được tính bằng công thức:
|
Trong đó:
Ri,t là lợi nhuận hàng ngày của cổ phiếu
Pi,t là giá đóng cửa điều chỉnh của cổ phiếu
Lợi nhuận danh mục đầu tư là trung bình của tất cả cổ phiếu trong danh mục (cân bằng đều).
|
Trong đó :
n là số cổ phiếu trong danh mục
Lợi nhuận tích lũy sau một khoảng thời gian:
|
Mô hình CAPM :
![]() |
Trong đó:
α: Phần lợi nhuận không thể giải thích bằng CAPM (Alpha - lợi nhuận bất thường).
β: Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Nếu α > 0 và có ý nghĩa thống kê, danh mục đã tạo ra lợi nhuận vượt trội không do rủi ro thị trường.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Phân tích thống kê kết quả vận dụng ROIC trong việc đánh giá biến động giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Lợi nhuận tích lũy
Hình 1: So sánh lợi nhuận tích lũy của nhóm cổ phiếu được chọn so với lợi nhuận tích lũy của thị trường
|
Nguồn : Sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE)
Lợi nhuận tích lũy bình quân của danh mục cổ phiếu đạt +26,23%, trong khi chỉ số thị trường giảm -12,91%, cho thấy sự vượt trội rõ rệt. Biểu đồ đi kèm minh họa sự phân kỳ giữa 2 đường lợi nhuận, phản ánh hiệu quả của chiến lược lựa chọn cổ phiếu và tầm quan trọng của quản lý danh mục chủ động.
Ban đầu, cả 2 đường đều dao động nhẹ, do ảnh hưởng từ tâm lý thị trường và các yếu tố vi mô. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, danh mục cổ phiếu nhanh chóng bứt phá, trong khi thị trường giảm đều, tạo khoảng cách ngày càng lớn. Điều này chứng minh lợi thế khi tập trung vào cổ phiếu có nền tảng tài chính vững chắc và tiềm năng tăng trưởng.
Một điểm nổi bật là độ ổn định và khả năng duy trì đà tăng của danh mục cổ phiếu. Dù có điều chỉnh ngắn hạn, xu hướng chung vẫn là tăng đều, phản ánh khả năng kiểm soát biến động tốt. Ngược lại, chỉ số thị trường chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố vĩ mô như lãi suất, chính sách tiền tệ và rủi ro toàn cầu.
Danh mục cũng cho thấy khả năng phục hồi nhanh hơn sau các pha điều chỉnh, thu hút dòng vốn thông minh và củng cố vai trò của phân tích cơ bản trong đầu tư. Kết quả này gợi ý rằng danh mục được xây dựng có chọn lọc, dựa trên các tiêu chí định lượng và định tính, có thể mang lại hiệu quả vượt trội so với đầu tư thụ động. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng vì hiệu suất trong quá khứ không đảm bảo kết quả tương lai. Biến động kinh tế vĩ mô, chính sách toàn cầu và rủi ro địa chính trị vẫn là các yếu tố cần theo dõi sát sao.
Lợi nhuận hằng năm
Hình 2: So sánh lợi nhuận hằng năm của nhóm cổ phiếu được chọn so với lợi nhuận hằng năm của thị trường
|
Nguồn : Sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE)
Năm 2022: Hiệu suất yếu kém, danh mục cổ phiếu giảm ít hơn thị trường
Lợi nhuận cổ phiếu: -21,98%
Lợi nhuận thị trường: -32,81%
Năm 2022 là giai đoạn khó khăn với hiệu suất âm ở cả danh mục cổ phiếu và thị trường, phản ánh tác động tiêu cực từ lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và bất ổn địa chính trị. Tuy nhiên, mức sụt giảm thấp hơn gần 10 điểm phần trăm của danh mục cho thấy, chiến lược chọn lọc cổ phiếu đã giúp giảm thiểu rủi ro và vượt trội hơn đầu tư thụ động.
Năm 2023: Phục hồi mạnh, danh mục tăng trưởng vượt bậc
Lợi nhuận cổ phiếu: +28,02%
Lợi nhuận thị trường: +12,20%
Nhờ kiểm soát lạm phát và chính sách nới lỏng hơn, năm 2023 ghi nhận sự hồi phục rõ rệt. Danh mục cổ phiếu tăng gần 2,3 lần so với thị trường, thể hiện hiệu quả của việc tập trung vào các doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt và triển vọng tăng trưởng rõ nét. Đây là minh chứng cho ưu thế của đầu tư chủ động trong bối cảnh thị trường phân hóa.
Năm 2024: Tăng trưởng ổn định, tiếp tục vượt thị trường
Lợi nhuận cổ phiếu: +27,55%
Lợi nhuận thị trường: +12,11%
Danh mục duy trì hiệu suất vượt trội với khoảng cách hơn 15 điểm phần trăm. Kết quả tích cực này nhờ vào việc chọn đúng các cổ phiếu hưởng lợi từ xu thế tăng trưởng dài hạn, như: chuyển đổi số, đầu tư công và dòng vốn ngoại. Điều này cho thấy năng lực dự báo và thích ứng tốt của chiến lược đầu tư chủ động có chọn lọc trong bối cảnh kinh tế thay đổi.
Phân tích chi tiết kết quả mô hình CAPM
Kết quả hồi quy mô hình CAPM cho nhiều mã cổ phiếu, với các thông số chính bao gồm: Alpha, Beta, R-squared, và p-value, tương ứng cho từng hệ số. Những chỉ tiêu này cho phép đánh giá mức độ phù hợp của mô hình, cũng như kiểm tra khả năng sinh lời vượt trội của từng cổ phiếu so với thị trường. Dưới đây là phân tích chi tiết từng khía cạnh quan trọng của kết quả này.
Bảng 3: Kết quả mô hình CAPM
| Alpha | Beta | R square | Alpha p-value | Beta p-value |
Trung bình | 0,001021 | 1,000159 | 0,9994812 | 0,506842705 | 0 |
Cao nhất | 0,010329 | 1,003129 | 0,9998442 | 0,997895455 | 0 |
Thấp nhất | -0,00476 | 0,997848 | 0,9978684 | 6,37651E-05 | 0 |
Nguồn: Tính toán của tác giả
Hệ số Beta – phản ánh mức độ nhạy cảm với thị trường
Một trong những điểm nổi bật của bộ dữ liệu là hệ số Beta của các cổ phiếu đều dao động quanh giá trị 1. Cụ thể, nhiều mã có Beta rất gần 1 như ABT (0,9997), ADP (0,9997), AST (0,9995), BAF (1,001), BCE (1,0009)... Điều này cho thấy, các cổ phiếu này có mức biến động tương ứng với thị trường, tức là khi thị trường biến động 1%, lợi suất của các cổ phiếu này cũng biến động khoảng 1% theo cùng chiều. Không có cổ phiếu nào trong danh sách cho thấy mức độ rủi ro hệ thống quá cao (Beta > 1,2) hoặc quá thấp (Beta
Điều đáng chú ý là tất cả các Beta đều có p-value bằng 0, nghĩa là hệ số này có ý nghĩa thống kê rất mạnh trong mô hình. Với mức ý nghĩa thống kê như vậy, có thể tin cậy rằng Beta là yếu tố chính trong việc giải thích sự biến động lợi suất của các cổ phiếu trong danh sách.
Alpha – chỉ báo về hiệu suất vượt trội so với thị trường
Alpha là một chỉ tiêu rất được nhà đầu tư quan tâm, vì nó cho biết liệu cổ phiếu có tạo ra lợi nhuận vượt kỳ vọng (hoặc kém hơn kỳ vọng) so với thị trường hay không. Tuy nhiên, khi xem xét dữ liệu, phần lớn các cổ phiếu có giá trị Alpha nhỏ và không có ý nghĩa thống kê.
Ngay cả những mã có Alpha lớn hơn một chút như BAF hay BCE thì p-value vẫn > mức ý nghĩa 10%, đồng nghĩa với việc không thể khẳng định chắc chắn rằng các Alpha này là khác biệt đáng kể so với 0. Chỉ có một vài mã tiệm cận ngưỡng có thể được xem xét thêm, nhưng tổng thể không có cổ phiếu nào trong danh sách có Alpha mang ý nghĩa thống kê thực sự mạnh.
Điều này dẫn đến một kết luận rõ ràng: không có cổ phiếu nào trong danh sách thể hiện khả năng sinh lời vượt trội so với kỳ vọng từ mô hình CAPM trong khoảng thời gian nghiên cứu. Từ góc nhìn đầu tư, đây là một chỉ báo rằng thị trường hoạt động khá hiệu quả, và nhà đầu tư khó có thể tìm thấy cơ hội “ăn trên thị trường” nếu chỉ dựa vào dữ liệu quá khứ và CAPM.
R-squared – mức độ phù hợp của mô hình
R-squared trong mô hình hồi quy CAPM phản ánh mức độ giải thích của biến độc lập (tức là thị trường) đối với biến phụ thuộc (lợi suất cổ phiếu). Trong dữ liệu, các R-squared đều rất cao, phần lớn nằm trong khoảng 0,997 đến 0,9997.
Giá trị cao như vậy cho thấy mô hình CAPM đang giải thích gần như toàn bộ biến động lợi suất của các cổ phiếu này, và phần sai số là rất nhỏ. Đây là một dấu hiệu tích cực về mặt kỹ thuật, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng R-squared cao bất thường có thể do các yếu tố như dữ liệu có tính đồng bộ quá mức, khung thời gian phân tích đặc biệt ngắn hoặc dài, hoặc dữ liệu đã được xử lý, làm mượt trước khi mô hình hóa. Trong điều kiện thực tế, giá trị R-squared trong các mô hình CAPM thường không đạt đến mức này nếu lấy dữ liệu thị trường thực.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu này đã kiểm chứng vai trò của chỉ số ROIC trong việc sàng lọc và xây dựng danh mục cổ phiếu có hiệu suất vượt trội trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả thực nghiệm từ dữ liệu của khoảng 135 doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn 2022–2025 cho thấy, danh mục cổ phiếu có ROIC cao không chỉ đạt mức lợi nhuận tích lũy đáng kể (26,23%), mà còn duy trì hiệu suất vượt trội so với chỉ số thị trường qua từng năm, đặc biệt là trong các giai đoạn phục hồi (2023-2024).
Phân tích mô hình CAPM cho thấy, hệ số Beta của các cổ phiếu trong danh mục tập trung quanh mức 1 và có ý nghĩa thống kê cao, phản ánh mức độ biến động tương đồng với thị trường. Tuy nhiên, Alpha – chỉ báo về lợi nhuận vượt kỳ vọng – nhìn chung không mang ý nghĩa thống kê rõ ràng, cho thấy không có cổ phiếu nào tạo ra lợi nhuận bất thường vượt thị trường một cách bền vững trong thời gian nghiên cứu. R-squared của mô hình lại rất cao (> 0,997), cho thấy thị trường Việt Nam trong giai đoạn phân tích mang tính đồng bộ cao và biến động cổ phiếu phần lớn được giải thích bởi các yếu tố thị trường chung.
Từ những kết quả này, có thể kết luận rằng, ROIC là một tiêu chí hữu ích trong việc xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả và ổn định, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động. Tuy nhiên, lợi nhuận vượt trội theo nghĩa thống kê (Alpha dương có ý nghĩa) vẫn chưa được xác nhận rõ ràng, đòi hỏi cần kết hợp thêm các yếu tố định lượng và định tính khác để tăng cường hiệu quả phân tích đầu tư trong thực tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anderson, K. and Brooks, C., (2006). The Long‐Term Price‐Earnings Ratio. Journal of Business Finance & Accounting, 33(7‐8), 1063-1086.
2. Aswath Damodaran (2007). Return on Capital (ROC), Return on Invested Capital (ROIC) and Return on Equity (ROE): Measurement and Implications. New York University - Stern School of Business
3. Banz, R.W. (1981). The Relationship Between Return and Market Value of Common Stocks. Journal of Financial Economics, 9(1), 3-18.
4. Barras, L., Scaillet, O. and Wermers, R. (2010). False Discoveries in Mutual Fund Performance: Measuring Luck in Estimated Alphas. The Journal of Finance, 65(1), 179-216.
5. Elton, E.J., Gruber, M.J. and Blake, C.R. (1996). Survivorship Bias and Mutual Fund Performance. Review of Financial Studies, 9(4), 1097–1120.
6. Fama, E.F. and French, K.R. (1993). Common Risk Factors in the Returns on Stocks and Bonds. Journal of Financial Economics, 33(1), 3-56.
7. Graham, B. and Dodd, D.L. (2005). Security Analysis. The 3rd edition (facs.-ed.). New York, NY: McGraw-Hill.
8. Hanson, D. and Dhanuka, R. (2015). The “Science” and “Art” of High Quality Investing. Journal of Applied Corporate Finance, 27(2), 73-86.
9. Michael J. Mauboussin and Dan Callahan, CFA (2022), Return on Invested Capital: How to Calculate ROIC and Handle Common Issues, Consilient Observer, Counterpoint Global Insights, Morgan Stanley Investment Management
10. Novy-Marx, R. (2013). The Other Side of Value: The Gross Profitability Premium. Journal of Financial Economics, 108(1), 1-28.
Ngày nhận bài: 10/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 17/5/2025; Ngày duyệt đăng: 21/5/2025 |