TS. Phan Thị Thái Hà
1Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên
Email: phanhakt@tueba.edu.vn
Trương Phúc Duy
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn
Tóm tắt
Quản lý tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo cho các ngân hàng hoạt động lành mạnh, an toàn, hiệu quả, ít rủi ro, đảm bảo tăng trưởng phát triển và bảo vệ lợi ích của người gửi tiền. Bên cạnh những kết quả tích cực ngành ngân hàng đạt được trong công tác quản lý hoạt động tín dụng thì vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt động quản lý tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tỉnh, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng.
Từ khóa: Ngân hàng Nhà nước, quản lý tín dụng, tổ chức tín dụng
Summary
The credit management of the State Bank of Vietnam over credit institutions plays a crucial role in ensuring that banks operate in a sound, safe, efficient, and low-risk manner, thereby supporting sustainable growth and protecting depositors’ interests. Despite positive outcomes achieved by the banking sector in credit management, there remain several limitations that need to be addressed. Based on an analysis and evaluation of the current state of credit management activities conducted by the SBV Branch in Bac Kan Province over local credit institutions, this article proposes several solutions to enhance the effectiveness of the SBV’s credit management toward credit institutions.
Keywords: State Bank of Vietnam, credit management, credit institutions
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn là một chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc NHNN Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo ủy quyền của Thống đốc NHNN Việt Nam. Quản lý của NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) giữ vai trò quan trọng nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng lành mạnh, an toàn, hiệu quả, ít rủi ro, tăng trưởng và phát triển tốt, tránh được đổ vỡ và bảo vệ lợi ích của người gửi tiền. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động của các TCTD vẫn còn một số tồn tại vi phạm các quy định của NHNN trong thực hiện quy trình, thủ tục vay vốn, lãi suất nhằm cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm về đạo đức nghề nghiệp…, dẫn đến tổ chức tín dụng có nguy cơ bị mất khả năng thanh khoản, nguy cơ thất thoát tiền và tài sản của nhân dân phải đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, mất uy tín đối với hoạt động ngành ngân hàng. Chính vì vậy, cần thiết phải có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tín dụng của NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đối với các TCTD trên địa bàn Tỉnh.
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH TỈNH BẮC KẠN ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Về nguồn huy động vốn của các TCTD
Tính đến hết năm 2024, vốn huy động đã đáp ứng được hơn 100% dư nợ cho vay toàn địa bàn, đây là một thành tựu đáng kể của các TCTD trong hoạt động huy động vốn. Nguồn vốn huy động của các TCTD tăng qua các năm là do chính sách điều hành linh hoạt của NHNN; niềm tin của người gửi tiền được củng cố và lãi suất huy động cạnh tranh; tăng trưởng kinh tế ổn định, thu nhập dân cư cải thiện có nhiều dòng tiền nhàn rỗi. Chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng giúp duy trì thanh khoản, tạo lòng tin và khuyến khích gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Tiền gửi VNĐ chiếm tới 99,88% trong tổng nguồn vốn huy động.
Về quản lý đảm bảo an toàn tiền gửi
- Lãi suất tiền gửi: Theo kết quả tổng hợp từ quá trình giám sát, thanh tra và báo cáo thực tế của NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn: Các ngân hàng chạy đua huy động để đạt chỉ tiêu giao, nên xu hướng rút tiền trước hạn của khách hàng vẫn xảy ra thường xuyên để đến với nguồn lãi cao hơn.
- Về các sai phạm xảy ra trong quản lý tiền gửi giai đoạn 2022-2024: Các sai phạm về niêm yết lãi suất và khuyến mãi vượt trần không xuất hiện trong 2 năm 2022 và 2023, nhưng bắt đầu phát sinh vào năm 2024, với mỗi loại có một trường hợp vi phạm. Không có trường hợp nào vi phạm về vượt lãi tiền gửi trong cả 3 năm, nhưng vẫn phát hiện sai phạm mới vào năm 2024, đặc biệt là liên quan đến niêm yết lãi suất và khuyến mãi (Bảng 1).
Bảng 1: Các sai phạm trong quản lý tiền gửi
Nội dung |
2022 |
2023 |
2024 |
So sánh |
|
2023/2022 |
2024/2023 |
||||
1. Số cuộc kiểm tra, thanh tra |
7 |
9 |
4 |
28,57 |
- 55,56 |
2. Sai phạm niêm yết |
0 |
0 |
1 |
- |
100% |
3. Sai phạm khuyến mãi vượt trần |
0 |
0 |
1 |
- |
- |
4. Vượt lãi tiền gửi |
0 |
0 |
0 |
- |
- |
Nguồn: NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn
Quản lý của NHNN về quy trình cấp tín dụng
Quy trình cấp tín dụng của các TCTD trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được NHNN quy định cụ thể về mặt văn bản để đảm bảo việc áp dụng được tuân thủ theo đúng quy định, trong đó phân biệt rõ quy trình đối với đối tượng khách hàng cá nhân và đối tượng khách hàng doanh nghiệp, quy định rõ nhiệm vụ của các cá nhân, bộ phận có liên quan xuyên suốt quá trình vay vốn. Quy trình được đánh giá là khá chặt chẽ, đầy đủ, các bước thực hiện có liên kết mật thiết với nhau, có tính định hướng khá rõ ràng và cụ thể cho các cán bộ tín dụng.
Quản lý của NHNN về cơ cấu và lĩnh vực cấp tín dụng
Đối tượng cấp tín dụng
Trong giai đoạn 2022-2024, Chi nhánh NHNN tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo phát triển tín dụng tăng trưởng cao đặc biệt là đối tượng khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh. Các món vay tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, khí đốt và thủy điện, cho vay tiêu dùng, chăn nuôi trang trại, xây dựng…
Bảng 2: Dư nợ tại các TCTD trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Dư nợ |
2022 |
2023 |
2024 |
So sánh |
|
2023/2022 |
2024/2023 |
||||
1. Các chi nhánh NHTM nhà nước (Tỷ đồng) |
7.633,518 |
8.212,479 |
8.813,376 |
7,58 |
7,32 |
- Doanh nghiệp |
4.274,77 |
4.319,76 |
4.424,31 |
1,05 |
2,42 |
- Cá nhân |
3.358,75 |
3.892,72 |
4.389,06 |
15,90 |
12,75 |
2. Các chi nhánh ngân hàng TMCP (Tỷ đồng) |
780,278 |
845,908 |
748 |
8,41 |
-11,53 |
- Doanh nghiệp |
569,60 |
575,22 |
471,46 |
0,99 |
-18,04 |
- Cá nhân |
210,68 |
270,69 |
276,89 |
28,49 |
2,29 |
3. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (Tỷ đồng) |
2302,18 |
2795,63 |
3290,56 |
21,43 |
17,70 |
- Doanh nghiệp (theo chương trình Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn KFW) |
414,39 |
615,04 |
822,64 |
48,42 |
33,75 |
- Cá nhân |
1887,79 |
2180,59 |
2467,92 |
15,51 |
13,18 |
4. Tổng dư nợ (Tỷ đồng) |
10.715,98 |
11.854,01 |
12.852,28 |
10,62 |
8,42 |
- Doanh nghiệp |
5.258,77 |
5.510,02 |
5.718,41 |
4,78 |
3,78 |
- Cá nhân |
5.457,21 |
6.343,99 |
7.133,87 |
16,25 |
12,45 |
Nguồn: NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn
Thời hạn cấp tín dụng
Trong tổng dư nợ phân theo thời hạn cấp tín dụng của các TCTD trên địa bản tỉnh Bắc Kạn, dư nợ ngắn hạn chiếm 40%-45%, đóng vai trò chủ đạo vẫn là nhóm các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước (Bảng 1).
Ngành nghề kinh tế
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, trong giai đoạn 2022-2024, dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đối với các ngành nghề kinh tế đều có xu hướng đều tăng về mặt quy mô. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng trong ngành thương mại - dịch vụ lớn nhất ở nhóm chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước với tốc độ bình quân 26,83%/năm. Nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng về quy mô cũng như cơ cấu dư nợ tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ, do đây là ngành có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và số lượng doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia ngành dịch vụ, thương mại cũng ngày càng nhiều.
Mức độ tài sản đảm bảo
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, hầu hết các món cho vay đều có thế chấp tài sản, giá trị tài sản đảm bảo được xác định trên cơ sở khung giá do TCTD, TCTD cấp trên quy định toàn hệ thống, như: về nhà đất dựa trên khung định sẵn, chỉ bằng 70%-80% giá trị thực tế, chi nhánh TCTD cho vay khách hàng thông thường 80% giá trị tài sản giám định, nghĩa là chỉ cho vay từ 50%-65% giá trị thực của tài sản. Tuy nhiên, qua công tác đối chiếu của Chi nhánh vẫn thấy còn nhiều trường hợp cho vay có giá trị cao hơn tài sản đảm bảo hoặc cho vay không có tài sản đảm bảo.
Phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, tính đến hết năm 2024, tổng nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 75,78 tỷ đồng, giảm gần 0,1% so với năm 2023. Nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tập trung tại các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, năm 2024n nợ xấu các chi nhánh các ngân hàng này chiếm 66,7% tổng dư nợ xấu toàn địa bàn. Năm 2022 và 2023, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,6%, đến năm 2024 tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 0,5%. Tỷ lệ nợ xấu trong giai đoạn 3 năm qua vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 3%) của NHNN Việt Nam định hướng chung toàn ngành.
Một số hạn chế trong công tác quản lý tín dụng của NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đối với các TCTD
Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phức tạp và thay đổi liên tục, có thể gây khó khăn cho các TCTD trong quá trình thực hiện. Việc tiếp nhận và triển khai các văn bản qua nhiều hình thức (hội nghị, công văn, chỉ thị) đòi hỏi nhiều thời gian và công sức từ phía các TCTD.
Thứ hai, chất lượng và thời gian báo cáo thống kê chưa đảm bảo.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thực sự hiệu quả. Sự chồng chéo giữa các đợt thanh tra, kiểm tra và việc phối hợp giữa các phòng ban chưa thực sự tối ưu, gây khó khăn cho các TCTD trong quá trình hoạt động.
Thứ tư, giám sát từ xa chưa cập nhật kịp thời. Hệ thống báo cáo thống kê phục vụ công tác giám sát vẫn gặp nhiều lỗi kỹ thuật, dữ liệu của các TCTD chưa được cập nhật thường xuyên, đội ngũ thanh tra, giám sát tại NHNN chi nhánh Bắc Kạn còn hạn chế về số lượng và trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu phân tích số liệu phức tạp.
Thứ năm, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn bất cập. NHNN đã thực hiện tốt việc hướng dẫn người dân nộp đơn đúng thẩm quyền, nhưng vẫn cần cải thiện công tác kiểm tra trách nhiệm của các TCTD trong tiếp nhận và xử lý khiếu nại.
Thứ sáu, công tác điều chỉnh quy định về cấp tín dụng chưa thực sự linh hoạt.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tín dụng của NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đối với các TCTD trên địa bàn Tỉnh, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện quản lý của NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn về hoạt động cấp tín dụng
- Hỗ trợ các chi nhánh TCTD trong tăng trưởng tín dụng về chất và lượng. Theo đó, Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chế độ báo cáo, khi vay vốn ngân hàng phải được kiểm toán. Cần đề xuất với UBND Tỉnh chỉ đạo các sở ngành phối hợp cùng Chi nhánh trong việc phân tích tài chính các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đảm bảo cung cấp thông tin thật sự tin cậy về doanh nghiệp để các TCTD làm căn cứ cho vay. Bên cạnh đó, chỉ đạo các TCTD thay đổi phong cách ứng xử đối với doanh nghiệp về cho vay không có tài sản đảm bảo.
- Giải quyết nợ xấu của các TCTD. Quá trình xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến các sở, ngành trên địa bàn và UBND Tỉnh nên Chi nhánh cần phải phối hợp, chủ động làm vai trò đầu mối trong việc phân định khả năng giải quyết của các đơn vị trên trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao; cần phát huy vai trò trong việc xử lý nợ xấu là đôn đốc các TCTD trên địa bàn phát sinh nợ xấu và giải quyết các vướng mắc xảy ra giữa doanh nghiệp, cá nhân với các sở, ngành, các TCTD trên địa bàn.
Hai là, hoàn thiện pháp chế ngân hàng
Chi nhánh cần chỉ đạo các TCTD hoàn thiện bộ máy pháp chế ngân hàng nhằm giải quyết nhanh chóng những vấn đề còn tồn đọng như các tranh chấp về tài sản thuế chấp với khách hàng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiền tệ và hoạt động qua nhiều kênh thông tin nhằm tạo điều kiện cho cán bộ ngân hàng cũng như mọi người dân nắm bắt thông tin về hoạt động ngân hàng, nhất là hoạt động của Chi nhánh.
Ba là, hoàn thiện công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng
- Kết hợp thanh tra, giám sát tuân thủ và thanh tra, giám sát rủi ro. Cần hoàn thiện nội dung thanh tra và kết hợp quy trình thanh tra.
- Tăng cường giám sát rủi ro qua các chỉ tiêu tài chính. Để chủ động trong việc đánh giá rủi ro, giám sát các TCTD trên địa bàn, Chi nhánh cần xây dựng một bộ phận chuyên nghiên cứu tập trung về việc phân tích và đánh giá từng chỉ tiêu, thực hiện quản lý, thanh tra, giám sát hiệu quả hơn đối với các hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
- Phối hợp giữa Thanh tra, giám sát ngân hàng Chi nhánh và kiểm soát nội bộ các TCTD. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm ngân hàng. Đẩy mạnh xử phạt vi phạm hành chính về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Hoàn thiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Thiết lập đường dây nóng, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo; Tăng cường tính chủ động của Bộ phận giải quyết khiếu nại tố cáo của Chi nhánh bằng biện pháp niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng và của cán bộ được giao trách nhiệm xử lý ở các chi nhánh/phòng giao dịch TCTD; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức đối thoại với khách hàng.
Bốn là, phát triển, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực
- Phối hợp với các phòng, ban chức năng về các nghiệp vụ tiền tệ - tín dụng - thanh toán - ngoại hối để thực hiện các cuộc thanh tra, nhằm đưa dần trình độ năng lực các cán bộ thanh tra lên từ giác độ tiếp cận thực tế và trao đổi ý kiến.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể theo hướng có một chuyên gia tư vấn thường trú có kinh nghiệm để hướng dẫn và đào tạo trực tiếp cho các cán bộ thanh tra tại chỗ và các cán bộ phận giám sát; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn, trau dồi kinh nghiệm cho các cán bộ và thực hiện đánh giá cán bộ định kỳ hàng năm.
Năm là, giải pháp hỗ trợ khác
- Nâng cao chất lượng thu thập thông tin và tổng hợp báo cáo trên địa bàn.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và hoạt động của NHNN Chi nhánh Tỉnh./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2017). Nghị định số 16/2017/NĐ-CP, ngày 17/02/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN Việt Nam.
2. NHNN Việt Nam (2017). Quyết định số 699/QĐ-NHNN, ngày 12/4/2024 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn (2022-2024), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, 2023, 2024.
4. Quốc hội (2024). Luật Các TCTD, số 32/2024/QH15, ngày 18/01/2024.
5. Quốc hội (2010). Luật NHNN Việt Nam, số 46/2010/QH12, ngày 16/6/2010.
Ngày nhận bài: 04/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 19/5/2025; Ngày duyệt đăng: 21/5/2025 |