Huỳnh Thanh Tuấn
Ngân hàng Thương mại cổ phần - Sài Gòn Hà Nội, Chi nhánh Đồng Tháp
Email: tuanht.dth@gmail.com
Tóm tắt
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp và đóng góp đáng kể vào GDP quốc gia. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại, vẫn là thách thức lớn đối với DNVVN. Tại tỉnh Đồng Tháp, dù chính quyền địa phương đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực tế nhiều DNVVN vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, nhất là doanh nghiệp mới thành lập hoặc quy mô nhỏ. Nghiên cứu tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn như năng lực tài chính doanh nghiệp, tài sản bảo đảm, chất lượng hồ sơ tín dụng, cũng như chính sách và quy trình cho vay của các tổ chức tín dụng. Qua khảo sát và đánh giá thực trạng tại địa phương, nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ rào cản tiếp cận vốn cho DNVVN, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Từ khóa: Tiếp cận vốn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉnh Đồng Tháp, nghiên cứu tài chính.
Abstract
Small and medium-sized enterprises (SMEs) play a key role in Vietnam's socio-economic development, accounting for more than 97% of the total number of enterprises and contributing significantly to the national GDP. However, access to capital, especially credit capital from commercial banks, remains a major challenge for SMEs. In Dong Thap province, although the local government has made efforts to improve the business environment and connect banks and enterprises, in reality many SMEs still face difficulties in accessing capital, especially newly established or small-scale enterprises. The study focuses on analyzing factors affecting access to capital such as enterprise financial capacity, collateral, quality of credit records, as well as lending policies and procedures of credit institutions. Through surveying and assessing the local situation, the topic proposes solutions to remove barriers to capital access for SMEs, thereby contributing to promoting the sustainable development of the private economic sector in Dong Thap province.
Keywords: Access to capital, small and medium enterprises, Dong Thap province, financial research.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, DNVVN đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ bởi số lượng chiếm tỷ lệ áp đảo trong cơ cấu doanh nghiệp cả nước, mà còn bởi những đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tạo việc làm và thu hút lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNVVN chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp đó, DNVVN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, trong đó nổi bật nhất là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn tín dụng từ các tổ chức tài chính chính thức như ngân hàng thương mại, đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm tính liên tục và khả năng mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, DNVVN thường gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận các nguồn vốn này. Nguyên nhân có thể đến từ cả phía doanh nghiệp (thiếu tài sản bảo đảm, hồ sơ tài chính thiếu minh bạch, năng lực quản trị hạn chế…) và phía tổ chức tín dụng (chính sách tín dụng chặt chẽ, quy trình xét duyệt phức tạp, thiên lệch về tài sản thế chấp hơn là đánh giá tín nhiệm…). Đồng thời, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức trung gian tài chính cũng chưa thực sự hiệu quả trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và tổ chức cho vay.
Tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương năng động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có môi trường đầu tư ngày càng cải thiện và chính sách phát triển doanh nghiệp tương đối thuận lợi. Trong những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng đến công tác hỗ trợ phát triển DNVVN, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ đổi mới công nghệ và kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phản ánh từ thực tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập hoặc quy mô nhỏ. Mặc dù các ngân hàng thương mại đã mở rộng mạng lưới chi nhánh và tăng cường cho vay đối với khu vực kinh tế tư nhân, nhưng tỷ lệ tiếp cận tín dụng thành công của DNVVN vẫn còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển của khu vực này.
Xuất phát từ bối cảnh và yêu cầu thực tiễn đó, tác giả thực hiện nghiên cứu khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhằm góp phần nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân tại địa phương trong giai đoạn tới.
CƠ SỞ LÝ LUẬN
Khái niệm và vai trò của DNVVN
Khái niệm DNVVN
Doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có quy mô công nhân dưới 50 người, doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp có quy mô dưới 250 người.
Vai trò của DNVVN trong nền kinh tế
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là thành phần thiết yếu của nền kinh tế quốc dân trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới và năng lực nội sinh. Với quy mô linh hoạt, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, DNVVN có khả năng thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, ổn định xã hội và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
DNVVN đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, đặc biệt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với mô hình sản xuất quy mô nhỏ, không đòi hỏi tay nghề cao và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, DNVVN trở thành kênh thu hút lao động hiệu quả. Theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp này đang sử dụng trên 50% lực lượng lao động xã hội, góp phần giảm thất nghiệp, nâng cao thu nhập và duy trì an sinh xã hội tại địa phương.
DNVVN là tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Với sự linh hoạt và nhanh nhạy, các doanh nghiệp này chủ động thử nghiệm mô hình mới, ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm đặc thù, đồng thời giữ vai trò cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, dịch vụ cho các doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, DNVVN còn giúp huy động nguồn lực xã hội, phân bổ đầu tư hợp lý tại các khu vực rủi ro, góp phần phát triển kinh tế vùng và thực hiện mục tiêu bền vững.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn
Năng lực tài chính và quy mô doanh nghiệp
Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thường có lợi thế trong việc chứng minh khả năng trả nợ và khả năng quản lý dòng tiền, từ đó dễ dàng đáp ứng các điều kiện tín dụng của tổ chức tài chính. Ngược lại, nhiều DNVVN có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, vốn tự có thấp, không có tài sản đảm bảo hoặc lịch sử tín dụng yếu, nên gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay chính thức.
Chất lượng quản trị và minh bạch tài chính
Một hệ thống quản trị tốt, minh bạch về kế toán – tài chính sẽ tạo niềm tin cho tổ chức cho vay. Tuy nhiên, phần lớn DNVVN hiện nay chưa xây dựng được hệ thống quản trị chuyên nghiệp, báo cáo tài chính còn đơn giản, thiếu minh bạch, dẫn đến khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ vay vốn từ phía các tổ chức tín dụng.
Mối quan hệ tín dụng và lịch sử vay vốn
Các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng tốt, đã từng vay và trả nợ đúng hạn, có mối quan hệ tín nhiệm với ngân hàng sẽ dễ được xét duyệt vay vốn hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp mới thành lập hoặc chưa từng có giao dịch tín dụng chính thức thường bị xếp vào nhóm rủi ro cao và bị hạn chế về mức vay cũng như lãi suất.
Chính sách và môi trường thể chế
Hệ thống chính sách tài chính – ngân hàng, mức độ hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với DNVVN (như bảo lãnh tín dụng, quỹ phát triển DNVVN), và mức độ hoàn thiện của khung pháp lý đều ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn. Tại các địa phương có chính sách khuyến khích tín dụng cho DNVVN, tỷ lệ tiếp cận vốn thường cao hơn.
Năng lực của tổ chức tài chính
Năng lực thẩm định, quy trình xét duyệt và sự linh hoạt của các tổ chức tài chính cũng là yếu tố quyết định. Các tổ chức có mô hình hoạt động phù hợp với DNVVN, chẳng hạn như tổ chức tài chính vi mô hoặc quỹ tín dụng nhân dân, thường có tỷ lệ giải ngân cao hơn do hiểu rõ nhu cầu và đặc thù của doanh nghiệp nhỏ.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra khảo sát bằng bảng hỏi đối với các DNVVN tại Đồng Tháp; phỏng vấn chuyên sâu một số đại diện ngân hàng thương mại và hiệp hội doanh nghiệp. Nghiên cứu khảo sát 128 DNVVN đang hoạt động tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đồng Tháp. Sử dụng phần mềm SPSS để xử lý dữ liệu khảo sát. Các phương pháp phân tích: thống kê mô tả nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Thực trạng tiếp cận vốn của DNVVN tỉnh Đồng Tháp
Tiến hành khảo sát đối với 128 DNVVN đang hoạt động tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đồng Tháp về thực trạng tiếp cận vốn của DNVVN tỉnh Đồng Tháp thu được kết quả như sau:
Bảng 1: Thực trạng tiếp cận vốn của DNVVN tỉnh Đồng Tháp
Nội dung |
Mức độ lựa chọn |
ĐTB |
ĐLC |
|||||||||
Rất không hài lòng |
Không hài lòng |
Bình thường |
Hài lòng |
Rất hài lòng |
||||||||
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
|||
Quy trình xét duyệt cho vay |
19 |
14,8 |
24 |
18,8 |
31 |
24,2 |
36 |
28,1 |
18 |
14,1 |
3,08 |
0,94 |
Thời gian giải ngân |
17 |
13,3 |
21 |
16,4 |
29 |
22,7 |
39 |
30,5 |
22 |
17,1 |
3,21 |
0,89 |
Lãi suất vay vốn |
21 |
16,4 |
29 |
22,7 |
33 |
25,8 |
28 |
21,9 |
17 |
13,3 |
2,93 |
0,92 |
Điều kiện và thủ tục vay |
20 |
15,6 |
26 |
20,3 |
30 |
23,4 |
34 |
26,6 |
18 |
14,1 |
3 |
0,99 |
Mức độ hỗ trợ tư vấn từ tổ chức tín dụng |
13 |
10,2 |
17 |
13,3 |
32 |
25 |
41 |
32 |
25 |
19,5 |
3,37 |
1,02 |
Thái độ và năng lực cán bộ tín dụng |
10 |
7,8 |
14 |
10,9 |
27 |
21,1 |
44 |
34,4 |
33 |
25,8 |
3,6 |
0,84 |
Nguồn: Kết quả tính toán của tác giả
Qua bảng 1, ta thấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) tại tỉnh Đồng Tháp đối với các yếu tố liên quan đến tiếp cận vốn có sự phân hóa rõ rệt. Trong sáu nội dung khảo sát, yếu tố “Thái độ và năng lực cán bộ tín dụng” được đánh giá cao nhất với điểm trung bình (ĐTB) là 3,60 và độ lệch chuẩn (ĐLC) là 0,84. Điều này cho thấy phần lớn doanh nghiệp cảm thấy hài lòng hoặc rất hài lòng với sự hỗ trợ từ cán bộ tín dụng. Tiếp theo là “Mức độ hỗ trợ tư vấn từ tổ chức tín dụng” với ĐTB là 3,37, phản ánh nỗ lực nhất định của các tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, yếu tố “Lãi suất vay vốn” lại có điểm trung bình thấp nhất là 2,93, cho thấy đây là nội dung khiến nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng, khi phần lớn phản hồi rơi vào mức “bình thường” hoặc “không hài lòng”. Các yếu tố khác như “Quy trình xét duyệt cho vay”, “Thời gian giải ngân” hay “Điều kiện và thủ tục vay” cũng dao động quanh mức trung bình (từ 3,00 đến 3,21), cho thấy vẫn còn những rào cản nhất định khiến quá trình tiếp cận vốn chưa thực sự thuận lợi. Từ đó, có thể rút ra kết luận rằng mặc dù có một số yếu tố tích cực, nhưng nhìn chung, DNVVN tại Đồng Tháp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là liên quan đến chi phí vay và thủ tục hành chính.
Các rào cản trong tiếp cận vốn
Tiến hành khảo sát đối với 128 DNVVN đang hoạt động tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đồng Tháp về các rào cản trong tiếp cận vốn thu được kết quả như sau:
Bảng 2. Các rào cản trong tiếp cận vốn
Nội dung |
Mức độ lựa chọn |
ĐTB |
ĐLC |
|||||||||
Rất khó khăn |
Khó khăn |
Bình thường |
Ít gặp khó khăn |
Không gặp khó khăn |
||||||||
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
|||
Thiếu tài sản bảo đảm |
25 |
19,5 |
39 |
30,5 |
31 |
24,2 |
18 |
14,1 |
15 |
11,7 |
3,32 |
0,86 |
Thủ tục vay vốn phức tạp |
21 |
16,4 |
41 |
32 |
36 |
28,1 |
17 |
13,3 |
13 |
10,2 |
3,31 |
0,95 |
Thiếu minh bạch tài chính |
19 |
14,8 |
35 |
27,3 |
33 |
25,8 |
21 |
16,4 |
20 |
15,6 |
3,09 |
0,99 |
Hạn chế năng lực quản lý doanh nghiệp |
21 |
16,4 |
36 |
28,1 |
34 |
26,6 |
19 |
14,8 |
18 |
14,1 |
3,18 |
1,03 |
Phương án kinh doanh chưa thuyết phục |
30 |
23,4 |
41 |
32 |
29 |
22,7 |
16 |
12,5 |
12 |
9,4 |
3,47 |
1,01 |
Nguồn: Kết quả tính toán của tác giả
Qua Bảng 2, ta thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đồng Tháp đang phải đối mặt với nhiều rào cản khi tiếp cận vốn. Trong năm yếu tố được khảo sát, “Phương án kinh doanh chưa thuyết phục” là rào cản lớn nhất với điểm trung bình cao nhất là 3,47 và độ lệch chuẩn 1,01. Điều này cho thấy phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng phương án kinh doanh đủ sức thuyết phục các tổ chức tín dụng. Xếp sau là “Thiếu tài sản bảo đảm” và “Thủ tục vay vốn phức tạp” với điểm trung bình lần lượt là 3,32 và 3,31. Đây là những vấn đề mang tính cố hữu trong hệ thống tài chính, khi doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có đủ tài sản để thế chấp, đồng thời quy trình vay vốn còn rườm rà, phức tạp. “Hạn chế năng lực quản lý doanh nghiệp” cũng là rào cản đáng kể với ĐTB là 3,18, cho thấy vai trò quan trọng của năng lực quản trị trong việc thuyết phục các ngân hàng. Cuối cùng, “Thiếu minh bạch tài chính” có điểm trung bình thấp nhất (3,09), song vẫn phản ánh một vấn đề nghiêm trọng khi nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được hệ thống tài chính minh bạch, đầy đủ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn
Tiến hành khảo sát đối với 128 DNVVN đang hoạt động tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đồng Tháp về các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn thu được kết quả như sau:
Bảng 3: Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn
Nội dung |
Mức độ lựa chọn |
ĐTB |
ĐLC |
|||||||||
Không ảnh hưởng |
Ít ảnh hưởng |
Bình thường |
Ảnh hưởng |
Rất ảnh hưởng |
||||||||
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
SL |
% |
|||
Chất lượng phương án kinh doanh |
5 |
3,9 |
8 |
6,3 |
22 |
17,2 |
49 |
38,3 |
44 |
34,4 |
3,93 |
0,88 |
Tài sản bảo đảm |
6 |
4.7 |
11 |
8.6 |
25 |
19.5 |
52 |
40.6 |
34 |
26.6 |
3.76 |
0.94 |
Kinh nghiệm quản lý của chủ doanh nghiệp |
9 |
7 |
13 |
10,2 |
26 |
20,3 |
47 |
36,7 |
33 |
25,8 |
3,64 |
0,99 |
Minh bạch thông tin tài chính |
10 |
7,8 |
15 |
11,7 |
28 |
21,9 |
45 |
35,2 |
30 |
23,4 |
3,55 |
1,07 |
Quy trình tín dụng của ngân hàng phức tạp |
12 |
9,4 |
19 |
14,8 |
31 |
24,2 |
42 |
32,8 |
24 |
18,8 |
3,36 |
0,81 |
Nguồn: Kết quả tính toán của tác giả
Bảng 3 cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của DNVVN tỉnh Đồng Tháp có sự tác động khá mạnh, được thể hiện qua điểm trung bình cao ở tất cả các tiêu chí. Trong đó, “Chất lượng phương án kinh doanh” là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất với ĐTB lên tới 3,93 và ĐLC thấp 0,88, chứng tỏ rằng các doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng phương án khả thi, rõ ràng. “Tài sản bảo đảm” cũng là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể với điểm trung bình 3,76, cho thấy việc sở hữu tài sản thế chấp vẫn là điều kiện then chốt để được chấp thuận vay vốn. Kế đến là “Kinh nghiệm quản lý của chủ doanh nghiệp” (3,64) và “Minh bạch thông tin tài chính” (3,55), phản ánh sự đánh giá cao từ phía các tổ chức tín dụng về yếu tố con người và độ tin cậy tài chính. Mặc dù “Quy trình tín dụng của ngân hàng phức tạp” có điểm trung bình thấp nhất là 3,36, nhưng vẫn ở mức ảnh hưởng khá, cho thấy đây là yếu tố ngoài doanh nghiệp nhưng vẫn tác động đáng kể. Từ kết quả khảo sát, có thể kết luận rằng khả năng tiếp cận vốn không chỉ phụ thuộc vào yếu tố khách quan từ phía ngân hàng mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ nội tại doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực quản trị, minh bạch tài chính và tính khả thi trong kế hoạch kinh doanh.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO KHẢ NĂNG TIẾP CẬN VỐN CHO DNVVN TẠI ĐỒNG THÁP
Để cải thiện khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở phân tích thực trạng và những rào cản hiện hữu, tác giả đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, nâng cao năng lực quản trị tài chính và minh bạch hóa thông tin của DNVVN
Một trong những nguyên nhân chính khiến DNVVN khó tiếp cận vốn tín dụng là do hồ sơ tài chính thiếu minh bạch, không đáp ứng yêu cầu thẩm định của tổ chức tín dụng. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực lập và quản lý báo cáo tài chính, sử dụng phần mềm kế toán hiện đại và tuân thủ chuẩn mực kế toán là rất cần thiết. Chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp nên tổ chức các khóa đào tạo về quản trị tài chính, lập kế hoạch dòng tiền và đánh giá hiệu quả đầu tư để DNVVN cải thiện khả năng tự chứng minh tính khả thi và hiệu quả của dự án vay vốn.
Hai là, đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn và thiết kế sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù DNVVN
Các tổ chức tín dụng cần phát triển các gói sản phẩm tài chính linh hoạt, đặc biệt là các sản phẩm tín dụng không yêu cầu thế chấp hoặc có tài sản đảm bảo linh hoạt (tài sản hình thành từ vốn vay, dòng tiền kinh doanh). Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hình thức cấp tín dụng dựa trên đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp thay vì quá phụ thuộc vào tài sản thế chấp. Việc thúc đẩy phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN tại địa phương, hoặc mở rộng quy mô, hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển DNVVN hiện có, cũng là một giải pháp khả thi để chia sẻ rủi ro với ngân hàng, đồng thời tăng khả năng vay vốn của doanh nghiệp.
Ba là, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kết nối ngân hàng – doanh nghiệp
Chính quyền tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục phát huy vai trò trung gian trong việc kết nối giữa DNVVN và các tổ chức tín dụng thông qua các chương trình gặp gỡ, đối thoại, ngày hội kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hình thành các tổ công tác liên ngành hỗ trợ giải đáp vướng mắc trong hồ sơ vay vốn, đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp dùng chung để hỗ trợ ngân hàng có thêm kênh đánh giá uy tín, lịch sử tín dụng, qua đó rút ngắn thời gian xét duyệt và tăng cơ hội cấp tín dụng.
Bốn là, ứng dụng công nghệ số trong cung cấp và tiếp cận dịch vụ tài chính
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số là giải pháp quan trọng giúp giảm chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả và mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho DNVVN. Các ngân hàng nên khuyến khích DNVVN sử dụng ngân hàng số, ví điện tử, hệ thống quản lý tài chính tự động. Chính quyền địa phương cũng có thể phối hợp với doanh nghiệp công nghệ để triển khai cổng thông tin tích hợp hỗ trợ DNVVN tra cứu, đăng ký hồ sơ vay vốn và theo dõi tiến trình xét duyệt một cách minh bạch, hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2023). Báo cáo thường niên năm 2022.
2. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2017). Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14.
3. Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp (2023). Báo cáo công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp (2023). Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023.
5. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp (2023). Báo cáo hoạt động kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2023.
Ngày nhận bài: 10/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 19/7/2025; Ngày duyệt đăng: 23/7/2025 |