
“Tổn thất do kiệt sức (burnout) toàn cầu ước tính lên đến 332 tỷ USD mỗi năm, là một vấn đề nghiêm trọng và mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê chính thức ở quy mô quốc gia, các khảo sát bước đầu và trao đổi với bác sĩ trong nước mà Brain-Life thực hiện cho thấy tỷ lệ người gặp tình trạng kiệt sức cũng đang ở mức đáng báo động”, ông Vi Chí Thành – founder của Brain-Life chia sẻ mới đây.
Ông cho biết thêm, thực tế những hệ luỵ do áp lực công việc, cuộc sống tại Việt Nam còn nghiêm trọng hơn mức trung bình toàn cầu. Nguyên nhân, ở các nước phát triển họ thừa nhận vấn đề này, theo đó rất nhiều nghiên cứu được đưa ra để có giải pháp cũng như gói hỗ trợ theo từng mức độ. Còn tại Việt Nam, bệnh lý này chưa được định nghĩa.
Theo giới thiệu, Brain-Life là công ty đầu tiên dùng AI để chuẩn đoán sức khoẻ tinh thần. Trên thế giới, việc dùng công nghệ EEG (điện não đồ)… để đo sức khoẻ tinh thần không mới, nhưng họ chỉ mới dừng lại ở việc chất lượng giấc ngủ, chất lượng hít thở hay khả năng thiền định. Còn Brain-Life tập trung vào mức độ stress để đưa ra những cảnh báo, lời khuyên cho người dùng.
Tương tự với đồng hồ thông minh đeo tay để đo nhịp tim…, sản phẩm Brain-Life được thiết kế để người dùng có thể đo và lấy dữ liệu vào thời điểm cảm thấy thuận tiện nhất trong ngày. Từ đó, thiết bị bắt đầu thu thập dữ liệu sinh lý và truyền tải lên nền tảng điện toán đám mây. Tại đây, dữ liệu được xử lý, tối ưu hóa và cá nhân hóa để phù hợp với từng người dùng.
Thiết bị đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ ban đầu, giúp người dùng và bác sĩ có thể (i) theo dõi tình trạng sức khỏe một cách liên tục và khách quan, (ii) đưa ra cảnh báo hoặc lời khuyên sơ bộ ở giai đoạn đầu nếu phát hiện dấu hiệu bất thường.
Giá bán 3-5 triệu đồng, hiện chỉ bán cho cá nhân yêu công nghệ, phòng thí nghiệm....
Hiện tại, sản phẩm được bán mức giá từ 3–5 triệu đồng. Trong giai đoạn hiện tại, Công ty cho biết đang tập trung vào việc hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, bệnh viện – cung cấp sản phẩm theo hình thức đặt hàng trước (pre-order) với mức giá ưu đãi để phục vụ mục đích đo lường, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả công nghệ.
Brain-Life đã có 20 đơn hàng lẻ là những người đam mê công nghệ và các đơn hàng cho các phòng thí nghiệm, đơn vị nghiên cứu. Công ty cũng đang làm việc với bệnh viện tại Tp.HCM (y dược) phối hợp triển khai cung cấp sản phẩm. Trên thế giới, Công ty cũng hợp tác với một số bệnh viện như Boston Medical Center (Manchester, Anh Quốc), một bệnh viện tại Pháp (chưa thể công bố tên do đang thương thảo)…

Dù vậy, chiến lược của Công ty là từ Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh tiềm năng của thị trường, việc chọn Việt Nam là thị trường đầu tiên còn xuất phát vì đây là “sân nhà”, quê hương của ông Thành. Nhờ đó, Việt Nam mang lại lợi thế hiểu rõ văn hóa, nhu cầu và hành vi người dùng bản địa, giúp tối ưu hóa sản phẩm trong giai đoạn đầu.
“Việc mở rộng ngay ra thị trường quốc tế, dù hấp dẫn, sẽ đi kèm nhiều rào cản như pháp lý, y tế, đội ngũ chi nhánh, hậu cần... Trong khi đó, giải pháp chúng tôi đang phát triển là một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, và chúng tôi tin rằng khi đã chứng minh được hiệu quả và quy mô tại Việt Nam, việc mở rộng ra thị trường toàn cầu sẽ bền vững hơn và mạnh mẽ hơn”, ông nói.
Ông Thành tiết lộ thêm, Công ty đã tiến tới khâu cuối bàn bạc về địa điểm đặt dây chuyền sản xuất trong tương lai. Dự kiến, dây chuyền sản xuất chính thức sẽ được triển khai vào năm 2026.
Du học sinh quyết định về nước, vì tiềm năng "ứng dụng công nghệ não-máy" tại Việt Nam còn rất lớn
Về bản thân nhà sáng lập, ông Vi Chí Thành sinh năm 1984 tại Phú Thọ, ông tốt nghiệp Cử nhân ngành Điện tử và Viễn thông tại Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2006.
Hai năm sau, ông nhận học bổng Thạc sĩ Khoa học Máy tính (Công nghệ Internet và An ninh) tại Đại học Bristol, Vương quốc Anh. Giai đoạn 2010 - 2014, ông học bậc Tiến sĩ cùng trường và sau đó làm Trợ lý Nghiên cứu tại Nhóm Tương tác và Đồ họa Bristol.
Đến năm 2021, ông Thành quyết định trở về Việt Nam với niềm tin: “Tiềm năng ứng dụng công nghệ não-máy tại Việt Nam còn rất lớn, nhưng chúng ta cần người Việt tiên phong làm cầu nối giữa nghiên cứu và thực tiễn”.
Ông giữ vị trí Giảng viên tại Trường Khoa học Máy tính và Kỹ thuật, Đại học Quốc tế – ĐHQG-HCM. Cùng lúc, ông đặt nền móng cho Brain-Life, công ty khởi nghiệp chuyên về giải pháp BCI kết hợp AI phục vụ sức khỏe tinh thần, chăm sóc stress, cải thiện tập trung và nâng cao chất lượng sống.
Là một startup trong lĩnh vực khá mới mẻ, Brain-Life cũng đang trong quá trình gọi vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư thiên thần để hỗ trợ giai đoạn khởi đầu. Ông Thành cho biết khi công ty phát triển hơn, sẽ tiếp tục mở rộng vòng gọi vốn với các nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn.
Tại Việt Nam, Công ty đang tìm hiểu thêm các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư trong nước có thể hỗ trợ hoặc đồng hành trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.