
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp năm 2018 (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi tin rằng cuộc gặp tất nhiên là cần thiết. Cuộc gặp cần được chuẩn bị phù hợp và điều này đòi hỏi nỗ lực ở nhiều cấp độ khác nhau", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 5/5, khi được hỏi liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Ả rập Xê út vào tháng 5 hay không.
"Điều này đòi hỏi phải tiếp tục các cuộc tiếp xúc giữa Moscow và Washington, vốn đã được khởi xướng và đang diễn ra. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết nào", ông Peskov nói thêm.
Tổng thống Trump hồi tháng 4 tuyên bố ông sẽ cân nhắc gặp Tổng thống Putin ở Ả rập Xê út trong chuyến thăm vào giữa tháng 5.
Khi được hỏi về những nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine, ông Trump cho biết: "Tôi nghĩ Nga đã sẵn sàng. Tôi nghĩ chúng tôi đã có thỏa thuận với Nga. Chúng tôi phải đạt được thỏa thuận với (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky. Tôi nghĩ có thể dễ dàng hơn khi giải quyết với ông Zelensky. Cho đến nay, mọi chuyện vẫn khó khăn, nhưng không sao cả".
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Trump sẽ đến Trung Đông vào ngày 13-16/5 để thăm Ả rập Xê út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Vào tháng 3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có thể gặp nhau tại Ả rập Xê út vào một thời điểm nào đó, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào được đưa ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Đặc phái viên Mỹ Steven Witkoff cũng gợi ý rằng hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ có thể được tổ chức tại Ả rập Xê út.
Nga sẵn sàng duy trì mối quan hệ với tất cả các nước
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Nga sẵn sàng duy trì mối quan hệ cùng có lợi với tất cả các quốc gia, bao gồm Đức, nơi một chính phủ mới sắp tuyên thệ nhậm chức.
"Tổng thống Putin liên tục nhắc lại thông điệp cốt lõi rằng chúng tôi cởi mở với các mối quan hệ mang tính xây dựng và tôn trọng với tất cả các quốc gia", ông nhấn mạnh.
"Chúng tôi cũng sẵn sàng mở rộng mối quan hệ theo cách rộng rãi và ý nghĩa, trong phạm vi mà các quốc gia khác sẵn sàng tham gia", người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.
Các nước phương Tây đã đơn phương cắt đứt quan hệ với Nga. Các quốc gia châu Âu và Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga trong những năm gần đây, bất chấp những lo ngại về an ninh và lợi ích chiến lược.
Tuy nhiên, chính phủ và nền kinh tế Nga tuyên bố vẫn chịu được áp lực, thậm chí còn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi Tây Âu đã trải qua tình trạng trì trệ kinh tế sau khi mất nguồn năng lượng giá rẻ của Nga.
Mặc dù vậy, Liên minh châu Âu (EU) vẫn khẳng định rằng hướng đi của các nước này là đúng đắn và vẫn cam kết cắt giảm hợp tác với Nga bất chấp hậu quả. Ngoài ra, EU tiếp tục vận động tăng cường hỗ trợ cho Ukraine với mục đích gây ra "thất bại chiến lược" cho Nga.