Mỹ, Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản

01/05/2025 08:14

() - Thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine trong bối cảnh Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự và căng thẳng gia tăng về sáng kiến hòa bình của Washington.

Mỹ, Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau tại Vatican hồi tùan trước (Ảnh: AFP).

Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko thông báo, Ukraine và Mỹ đã ký một thỏa thuận khoáng sản được mong đợi từ lâu vào ngày 30/4.

Theo đó thỏa thuận cho phép thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine do Ukraine và Mỹ cùng quản lý "trên cơ sở 50/50" và "không bên nào nắm giữ quyền bỏ phiếu áp đảo".

"Quyền sở hữu và kiểm soát hoàn toàn vẫn thuộc về Ukraine," Bộ trưởng nói thêm. Chính phủ Ukraine sẽ quyết định khai thác gì và ở đâu. Đất dưới lòng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của Ukraine, điều này được xác lập rõ ràng trong thỏa thuận", bà Svyrydenko nêu rõ.

"Tôi biết ơn tất cả mọi người đã làm việc vì thỏa thuận và làm cho nó có ý nghĩa hơn. Bây giờ, văn bản này có thể đảm bảo thành công cho cả hai quốc gia của chúng ta, Ukraine và Mỹ", bà Svyrydenko cho biết thêm.

Bà Svyrydenko đã đến Washington hôm 30/4 để ký thỏa thuận khung thay mặt cho Ukraine. Bà ký tài liệu này cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bessent cho biết: "Tổng thống Donald Trump thúc đẩy mối quan hệ đối tác này giữa người dân Mỹ và người dân Ukraine để thể hiện cam kết của cả hai bên đối với hòa bình và thịnh vượng lâu dài ở Ukraine".

Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản diễn ra sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng. Mỹ và Ukraine đã chuẩn bị ký thỏa thuận vào cuối tháng 2, nhưng kế hoạch đổ vỡ sau cuộc tranh cãi nảy lửa tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Trump.

Các quan chức Mỹ coi thỏa thuận này là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ lâu dài của Washington dành cho Ukraine.

"Thỏa thuận này gửi tín hiệu rõ ràng tới Nga rằng chính quyền Tổng thống Trump cam kết theo đuổi tiến trình hòa bình tập trung vào một nước Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng trong dài hạn", ông Bessent cho biết trong thông cáo báo chí của Bộ Tài chính Mỹ.

Ông Bessent nói, thỏa thuận sẽ không cho phép bất kỳ "quốc gia hoặc cá nhân nào hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga" được hưởng lợi từ quá trình tái thiết Ukraine.

Ngay trước khi thỏa thuận được ký kết, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố chính phủ Ukraine đã chấp thuận thỏa thuận.

"Nhờ thỏa thuận này, chúng ta sẽ có thể thu hút được nguồn lực đáng kể cho việc tái thiết, khởi động tăng trưởng kinh tế và tiếp nhận các công nghệ mới nhất từ các đối tác và nhà đầu tư chiến lược tại Mỹ", ông Shmyhal cho biết.

"Quỹ đầu tư tái thiết" sẽ được Kiev và Washington cùng quản lý trong quan hệ đối tác bình đẳng, với cả hai bên đóng góp vào quỹ. Theo ông Shmyhal, viện trợ quân sự trong tương lai từ Mỹ có thể được tính là đóng góp vào quỹ, nhưng viện trợ trước đó không được tính.

"Thỏa thuận không quy định bất kỳ nghĩa vụ nợ nào", ông Shmyhal nhấn mạnh.

Ông cho biết Ukraine sẽ giữ lại "quyền kiểm soát hoàn toàn đối với lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên". Việc thành lập quỹ này cũng sẽ không ảnh hưởng đến con đường trở thành thành viên của Ukraine trong Liên minh châu Âu.

Bà Svyrydenko nói, quỹ này sẽ chỉ được cung cấp bằng nguồn doanh thu từ các giấy phép mới được cấp.

"Chúng ta đang nói đến 50% số tiền từ các giấy phép mới cho các dự án trong lĩnh vực vật liệu quan trọng và dầu khí sẽ được đưa vào ngân sách sau khi quỹ được thành lập. Doanh thu từ các dự án đã triển khai hoặc doanh thu theo ngân sách không được đưa vào Quỹ. Thỏa thuận này đề cập đến sự hợp tác chiến lược sâu hơn", bà cho hay.

Bà nói thêm rằng thu nhập và đóng góp của quỹ sẽ không bị đánh thuế ở Ukraine và Mỹ. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ giúp thu hút thêm đầu tư và công nghệ vào Ukraine.

Ngoài ra, theo Washington Post, thỏa thuận không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào cho Ukraine. Thay vào đó, nó khẳng định "sự liên kết chiến lược dài hạn" giữa hai quốc gia và cam kết Mỹ "hỗ trợ cho an ninh, thịnh vượng, tái thiết và hội nhập của Ukraine vào khuôn khổ kinh tế toàn cầu".

Thỏa thuận cũng không đề cập đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) mà Nga đang kiểm soát. Các quan chức Mỹ trước đây đã đề xuất nắm quyền kiểm soát cơ sở này như một phần của thỏa thuận hòa bình trong tương lai.

Bạn đang đọc bài viết "Mỹ, Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.