Mặt trận không tiếng súng giữa Nga và Ukraine

() - Cuộc chiến thực sự giữa Nga và Ukraine hiện nay không chỉ là những cuộc tấn công trên chiến trường mà ở nỗ lực nhằm giành được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mặt trận không tiếng súng giữa Nga và Ukraine - 1

Từ trái qua phải: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Cuộc chiến thực sự giữa Nga và Ukraine hiện nay không nằm trên bầu trời Kiev hay Dnipro, nơi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga gia tăng đáng kể trong những ngày gần đây.

Cũng không phải là những bước tiến chậm chạp, mệt mỏi của quân đội Nga tại các mặt trận khốc liệt ở miền Đông Ukraine sẽ quyết định cục diện của cuộc xung đột đã bước sang năm thứ tư này.

Cuộc chiến then chốt hiện nay chính là cuộc đấu tranh ngầm giữa các bên tham chiến và các đồng minh của họ để giành lấy sự lắng nghe từ Tổng thống Mỹ Donald Trump - người dường như ngày càng mất kiên nhẫn với những nỗ lực kiến tạo hòa bình.

Đó là lý do vì sao cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay 19/5 có thể mang ý nghĩa bước ngoặt quan trọng.

Moscow và Kiev đều đang nỗ lực chứng minh rằng phía bên kia mới là bên cản trở hòa bình thực sự, với hy vọng xoay chuyển lập trường thất thường của ông Trump về phía mình dù chỉ trong một thời gian ngắn.

Các quan chức châu Âu cho biết họ cũng sẽ trao đổi với ông Trump trước cuộc gọi với ông Putin, do lo ngại rằng quan điểm của ông Trump về cuộc xung đột có thể bị ảnh hưởng bởi người cuối cùng mà ông trò chuyện.

Chỉ mới tháng trước, sau khi nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại tang lễ Đức Giáo hoàng Francis, ông Trump chỉ trích việc Nga tấn công tên lửa vào Kiev, và nói thêm rằng ông không thể chắc chắn liệu Moscow có nghiêm túc trong việc chấm dứt xung đột hay không.

Tuy nhiên, với cuộc điện đàm hôm nay, ông Putin có thể tận dụng cơ hội để đưa ra những lời mời gọi về kinh tế hay những lời lẽ mà ông cho là hiệu quả nhất để có được sự đồng thuận của chủ nhân Nhà Trắng.

Ông Trump và ông Putin dường như đã cùng chia sẻ niềm tin vững chắc rằng chỉ có họ mới đủ thẩm quyền và năng lực cá nhân để giải quyết xung đột Ukraine, trong khi Ukraine và các đối tác châu Âu cuối cùng sẽ phải làm theo những gì họ sắp đặt.

Cuộc đàm phán không mấy khả quan tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tuần trước dường như càng củng cố cảm giác của ông Trump rằng ông là nhân tố trung tâm trong một thỏa thuận hòa bình. Điều đó đã thúc đẩy ông chủ động can thiệp trở lại bằng cuộc gọi trực tiếp cho ông Putin, một bước đi trái ngược với tuyên bố trước đó rằng ông có thể sẽ rút khỏi các nỗ lực hòa bình.

Mối lo lớn nhất của Ukraine là hai nhà lãnh đạo có thể đưa ra một thỏa thuận hòa bình riêng qua điện thoại, sau đó tìm cách áp đặt các điều kiện của Moscow với cảnh báo rằng Washington sẽ cắt viện trợ quân sự và kinh tế quan trọng cho Kiev nếu họ không chấp thuận.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng có khả năng sử dụng đòn bẩy với Nga nếu ông muốn. Với tổn thất không nhỏ sau hơn 3 năm xung đột, Điện Kremlin chắc chắn không muốn làm ông Trump phật ý hay phớt lờ bởi vì điều đó có thể khiến Mỹ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Vấn đề vẫn là: cả Nga lẫn Ukraine hiện đều không sẵn sàng chấp nhận những điều kiện tối thiểu của đối phương, và không bên nào chịu nhượng bộ đủ để làm hài lòng bên kia.

Điều đó cũng có thể đồng nghĩa với việc, ngay cả dưới sức ép từ Mỹ, và ngay cả sau một cuộc gọi trực tiếp với Tổng thống Trump, cả Moscow và Kiev vẫn sẽ tiếp tục chọn con đường chiến đấu.