Mập mờ nguồn gốc phụ phẩm động vật

09/05/2025 12:17

Các loại lòng trắng như phèo, bao tử, lá sách, khăn lông... bị cấm nhập khẩu nhưng vẫn bán đầy thị trường

Những ngày đầu tháng 5-2025, mạng xã hội xôn xao bởi đoạn clip trên TikTok về một bộ lòng heo dài đến 40 m, khiến món "lòng xe điếu" - tên gọi dân dã của ruột già heo - bỗng trở thành "hiện tượng".

Buôn bán tràn lan

Nhiều người bày tỏ sự bất ngờ vì loại lòng này vốn hiếm thấy tại chợ truyền thống lại xuất hiện phổ biến trong các quán nhậu, nhà hàng, với mức giá không hề rẻ. Từ đây, một loạt nghi vấn về nguồn gốc thực phẩm, quy trình bảo quản và tính an toàn được đặt ra. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để kiểm tra nhằm tìm ra chân tướng vụ việc.

Ngày 7-5, đoàn kiểm tra của Sở An toàn thực phẩm TP HCM có mặt tại quán Lòng Chát (quận Tân Bình), nơi nổi danh với món lòng xe điếu. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra gặp khó khăn vì chủ quán không ký vào biên bản. Đến sáng 8-5, cơ quan chức năng tiếp tục làm việc để hoàn tất hồ sơ, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu như hàn the, formol.

Mập mờ nguồn gốc phụ phẩm động vật- Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy, TP Hà Nội kiểm tra đột xuất cơ sở lòng xe điếu “Lòng chát quán” tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu .Ảnh: THU HÀ

Một đoàn công tác khác đã kiểm tra khu kinh doanh đầu lòng (phụ phẩm) tại chợ đầu mối Hóc Môn nhưng không phát hiện lòng xe điếu. Đại diện Phòng Kinh doanh - Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết khu vực kinh doanh đầu lòng của chợ chỉ bán lòng tươi, được giết mổ trong ngày; không kinh doanh hàng đông lạnh. "Chợ không có bán lòng xe điếu" - người đại diện này xác nhận.

Trong khi đó, tại TP Hà Nội, ngày 8-5, đoàn kiểm tra liên ngành quận Cầu Giấy cũng kiểm tra cơ sở "Lòng chát quán" của ông Ngô Quyền Thế - người được biết đến trên TikTok với biệt danh "Thế Lòng Se Điếu". Ông Thế đã xin lỗi vì phóng đại độ dài bộ lòng trong clip quảng cáo.

Ông Thế cho rằng bộ lòng xe điếu nặng 1 - 2 kg, tùy từng thời điểm nhưng chưa thể xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Đến nay, cơ sở này chỉ có hợp đồng nhập thực phẩm từ một cá nhân ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội nhưng chưa có hồ sơ cơ sở giết mổ. Do đó, đoàn kiểm tra yêu cầu "Lòng chát quán" cung cấp đầy đủ hồ sơ năng lực của cơ sở cung cấp nội tạng heo theo quy định trước 16 giờ ngày 9-5.

Câu chuyện về lòng xe điếu nhanh chóng làm dấy lên lo ngại rộng hơn: các loại phụ phẩm heo, bò, gà, dê như lòng, nầm, chân gà, trứng gà non…, đặc biệt là hàng đông lạnh, đang tràn ngập thị trường, trong khi người tiêu dùng gần như không thể truy xuất nguồn gốc. Trên Facebook, hàng loạt hội nhóm buôn bán thực phẩm đông lạnh như "Tổng kho thực phẩm đông lạnh", "Chợ đầu mối hàng đông lạnh"... thu hút hàng trăm ngàn thành viên, hoạt động mua bán sôi động.

Trên các chợ online, người bán nội tạng heo, gà theo thùng với giá siêu rẻ từ vài chục ngàn đồng 1 kg cũng ngập tràn. Đa số người bán đều quảng cáo có tổng kho bảo quản lạnh, ship tận nơi, "hàng nhập khẩu bảo đảm chất lượng, uy tín".

Một người bán trên mạng, bà Trần Thị Thủy (TP HCM), tiết lộ hàng được nhập từ nhiều nguồn, cả trong và ngoài nước, càng mua nhiều giá càng rẻ. Bà Thủy giới thiệu một số mặt hàng như dồi trường (có cuống) giá 102.000 đồng/kg cho đơn hàng 50 kg, tràng heo 129.000 đồng/kg, dạ dày 107.000 đồng/kg, nõn đuôi heo 89.000 đồng/kg, tùy số lượng mua...

Một nhà phân phối khác, bà Nguyễn Minh, bán chân gà rút xương với giá 90.000 đồng/kg nếu mua từ 5 kg, giảm còn 84.000 đồng/kg với đơn 50 kg; 82.000 đồng/kg nếu mua từ 100 kg… Bà cho biết chỉ cần đơn từ 70 - 80 kg là có thể giao hàng tận nơi, đầy đủ chứng từ hóa đơn.

Hàng lậu len lỏi

Tuy nhiên, theo giám đốc một doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu tại TP HCM, nhiều lô nội tạng đông lạnh thực chất là hàng tồn kho từ nước ngoài - nơi người dân ít tiêu thụ, nhà cung cấp tìm cách đẩy qua các thị trường giá rẻ như Việt Nam. Điều này càng đặt ra nghi vấn về chất lượng sản phẩm nếu không được kiểm soát chặt từ đầu vào.

Theo thống kê sơ bộ từ Cục Hải quan, trong quý I/2025, Việt Nam nhập khẩu hơn 214.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá hơn 437 triệu USD. Trong đó, phụ phẩm động vật chiếm gần 20% về khối lượng. Nguồn gốc chủ yếu là từ các thị trường như: Ấn Độ, Úc, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Brazil, Hàn Quốc… Tuy vậy, theo khảo sát trên thị trường, nhiều loại nội tạng đông lạnh từ heo, gia cầm được người bán giới thiệu là hàng Trung Quốc.

Chị T.H. (ở Hải Dương) cho hay tất cả sản phẩm nội tạng như tràng heo, trứng gà non, mề gà mà chị bán có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, lòng non, tràng heo Trung Quốc được bán theo thùng 10 kg. "Tôi chỉ bán cho khách mua số lượng lớn, từ 2 thùng trở lên, giá 108.000 đồng/kg" - chị nói. Với trứng gà non, tùy loại lòng đỏ hay lòng vàng, giá dao động 68.000 - 78.000 đồng/kg.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, khẳng định Việt Nam không cho phép nhập nội tạng trắng của heo, gà như lòng, tràng, mề gà đông lạnh… Các sản phẩm lòng, tràng, mề… mà người bán quảng cáo trên thị trường là hàng nhập lậu.

"Trong chức năng nhiệm vụ của mình, Cục Chăn nuôi và Thú y đang nỗ lực tối đa để ngăn chặn sản phẩm nhập lậu, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân" - ông Thắng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng về phòng chống buôn lậu thì một đơn vị không thể làm được. Do vậy, cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan.

Một cán bộ cơ quan thú y cũng cho biết hiện chỉ có tim, cật là nội tạng đỏ được phép nhập khẩu. Trong khi đó, các loại lòng trắng như phèo, bao tử, lá sách, khăn lông... bị cấm do nguy cơ nhiễm vi khuẩn E.Coli, Salmonella, Campylobacter. Tuy nhiên, trên thị trường, mặt hàng này vẫn xuất hiện phổ biến thông qua đường nhập lậu.

Tăng cường kiểm soát, minh bạch nguồn gốc

Việc nội tạng và thịt giá rẻ, nguồn gốc không rõ tràn lan khiến các DN sản xuất và người chăn nuôi chân chính điêu đứng.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lo ngại: "Thịt trâu nhập khẩu đang được bán tràn lan với mác thịt bò, giá chỉ 70.000 - 90.000 đồng/kg - bằng nửa giá thịt bò trong nước". Hệ quả là giá bò hơi rớt mạnh, người nuôi lỗ hàng chục triệu đồng mỗi con; nhiều trang trại phải đóng cửa hoặc giảm đàn.

Không chỉ người nuôi đối mặt khó khăn mà ngành chế biến thực phẩm cũng chịu ảnh hưởng từ vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Giám đốc một DN thực phẩm tại TP HCM bày tỏ bức xúc khi cho biết số lượng hàng không đạt tiêu chuẩn hiện chiếm áp đảo, gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm có thương hiệu được kiểm soát nghiêm ngặt, song giá chỉ 30.000 - 50.000 đồng/kg vì nguyên liệu chủ yếu là phụ phẩm cá, bột, hương liệu hóa học. Nguồn phụ phẩm này thường không bảo đảm an toàn vì thu gom từ nhà máy thủy sản, bảo quản kém, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn.

Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước - Bộ Công Thương nhấn mạnh việc xác minh nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát an toàn thực phẩm với các sản phẩm nội tạng động vật được xem là hết sức cần thiết trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng lo ngại về độ an toàn, vệ sinh trong chế biến và bảo quản thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cần minh bạch nguồn gốc thịt nhập khẩu, tương tự mô hình truy xuất thịt heo tại TP HCM. Ông đề xuất hàng đông lạnh khi bán xé lẻ phải có nhãn phụ ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản... Ông Công cũng lưu ý các bộ phận như lòng, chân, cánh... vốn ít được tiêu thụ ở phương Tây nên có giá rẻ, dễ bị đẩy sang các thị trường như Việt Nam - nơi vẫn có thói quen tiêu dùng phụ phẩm.

Việc hội nhập khiến hàng giá rẻ nhập về là điều tất yếu nhưng cần kiểm soát nghiêm ngặt vì đây là nhóm dễ mất an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Trí Công đề nghị nâng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm, tương tự các quy định mới trong lĩnh vực giao thông; đồng thời tăng cường hậu kiểm, lấy mẫu ngẫu nhiên để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. 

Vú heo, lòng bò được tẩy trắng?

Theo ghi nhận tại nhiều chợ ở TP HCM, các loại vú dê, ngọc dương được bày bán công khai. Tuy nhiên, phần lớn trong số này thực chất là vú heo, được vận chuyển từ nhiều nơi về thành phố. Do quá trình vận chuyển kéo dài, không bảo đảm vệ sinh, vú heo thường bị hư hỏng, rỉ nhớt và được "làm mới" lại bằng hóa chất độc hại trước khi đến tay người tiêu dùng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các quán lẩu bò bình dân, vốn mọc lên ngày càng nhiều với giá chỉ 100.000-200.000 đồng/nồi, thu hút đông đảo thực khách. Ông Trương Quang Dũng, người từng có hơn 20 năm cung cấp ngũ tạng bò cho các quán ăn, cho biết ông đã ngưng kinh doanh và không dám ăn lẩu bò ngoài quán hàng chục năm qua. Bởi lẽ, đa số lòng bò bán ở quán đều nhập khẩu, trữ lâu ngày trong kho lạnh và không được bảo quản đúng cách, dẫn đến rỉ nhớt, hôi thối, đổi màu. Để tẩy mùi và làm trắng, các cơ sở thường dùng hóa chất - tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe người tiêu dùng.


Bạn đang đọc bài viết "Mập mờ nguồn gốc phụ phẩm động vật" tại chuyên mục Thị trường. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.