Kinh nghiệm giữ mạng sống khi đổ đèo ở Tam Đảo, nên đi xe số hay xe ga?

23/04/2025 08:14

() - Anh Tiến Đức, kỹ thuật viên trưởng về hướng dẫn dịch vụ của một hãng xe nhận định, di chuyển trên những đoạn cua tay áo, xe ga không có số để ghìm tốc nên thường xảy ra nhiều tình huống nguy hiểm.

Ngày 20/4, đoạn video ghi cảnh 2 cô gái chở nhau trên chiếc xe tay ga đổ đèo ở Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) bất ngờ đâm vào hộ lan, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Hình ảnh từ video cho thấy, đó là khoảnh khắc cả hai xuống dốc nhưng dường như phanh xe không hoạt động khiến chiếc xe tiếp tục chạy với tốc độ cao. Cú va chạm mạnh khiến nạn nhân văng ra ngoài. Một số bộ phận trên xe cũng bắn ra xung quanh vì lực đâm mạnh.

Rất may mắn, cả hai cô gái đều không bị thương nặng sau tai nạn. Các nạn nhân được người đi đường nhìn thấy và hỗ trợ đưa tới trạm y tế tại địa phương để sơ cứu vết thương.

Được biết, đây không phải là lần đầu cung đường này xảy ra tai nạn. Dù quãng đường từ chân núi lên trung tâm khu du lịch Tam Đảo dài khoảng 14km nhưng lòng đường nhỏ, nhiều khúc cua tay áo tiềm ẩn mối nguy hiểm.

Kinh nghiệm giữ mạng sống khi đổ đèo ở Tam Đảo, nên đi xe số hay xe ga? - 1Du khách nên chọn xe số khi chinh phục cung đường ở Tam Đảo (Ảnh cắt từ clip).

Cùng với đó, video lập tức trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Trong đó không ít các thành viên trong những hội nhóm du lịch về phượt bằng xe máy cũng lên tiếng chia sẻ kinh nghiệm của mình khi đi đường đèo núi.

Chia sẻ với phóng viên , anh Nguyễn Thế Ngọc, người có kinh nghiệm nhiều năm di chuyển trên các cung đường ở Tam Đảo, cho rằng việc sử dụng xe ga để đổ đèo có thể gây nguy hiểm cho bất cứ ai, không chỉ riêng nữ giới.

"Do đặc thù công việc, có những thời điểm tôi di chuyển lên Tam Đảo 4 lần/tuần. Dù quá quen thuộc với các cung đường tại đây, nhưng lựa chọn hàng đầu của tôi vẫn là xe số. Cho dù nhiều kinh nghiệm tới đâu, có nhiều lý do để bạn cần chọn loại xe này thay vì xe ga nhằm đảm bảo an toàn tính mạng", anh Ngọc nói.

Theo vị khách này, khu vực nguy hiểm nhất ở đường đèo Tam Đảo thường là đoạn ở giữa, hướng từ trên xuống có rất nhiều khúc cua tay áo. Ngay cả người dày dặn kinh nghiệm, tới khu vực này đều phải sớm chủ động cho xe về số và giảm tốc vì nguy hiểm.

Khi lên dốc, do những đoạn quanh co nhiều, du khách nên chuyển xe sang số 2, số 3 để leo dần. Ngược lại lúc xuống dốc, nên sử dụng số 2 hoặc số 1 kết hợp với phanh để điều khiển những đoạn dốc dài, cao, cua gấp.

Tốc độ an toàn nên để ở ngưỡng từ 20 đến 25km/h. Gặp các đoạn có độ dốc thấp, du khách có thể chuyển sang số 3 hoặc số 4. Đặc biệt, nguyên tắc sống còn cần nhớ là "lên số nào thì xuống số đó".

Trong khi đó, nếu đổ dốc bằng xe tay ga sẽ rất nguy hiểm bởi đặc thù loại xe này không có số để ghìm tốc như xe số thông thường. Gặp những đoạn dốc dài và góc cua, du khách có thói quen bóp và giữ phanh suốt thời gian dài. Điều này dễ dẫn tới hiện tượng cháy phanh.

Ngoài ra, anh Ngọc cũng lưu ý du khách lần đầu phượt Tam Đảo không nên đổ đèo lúc chiều tối. Thời tiết ở Tam Đảo khá thất thường nhưng tới lúc chiều tối sẽ có sương mù rơi xuống làm ướt đường, gây trơn trượt bánh xe khiến độ nguy hiểm tăng cao hơn.

Kinh nghiệm giữ mạng sống khi đổ đèo ở Tam Đảo, nên đi xe số hay xe ga? - 2

Cung đường đèo ở Tam Đảo (Ảnh: Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc).

Nếu trong trường hợp khách vẫn muốn sử dụng xe ga để đổ đèo, anh Tiến Đức, kỹ thuật viên trưởng về hướng dẫn dịch vụ của một hãng xe cho biết, nguyên tắc cần nhớ đó là không nên chỉ dùng một phanh mà cần phối hợp cả phanh trước và phanh sau.

Trong đó, phanh sau giúp ổn định thân xe còn phanh trước giúp tạo lực hãm mạnh. Việc người lái kết hợp cả 2 phanh khiến lực hãm được phân bổ đều, tránh mài mòn má phanh khiến bộ phận này bị mất tác dụng.

"Việc bóp phanh phải được xử lý từ tốn với tốc độ nhấn nhả hợp lý, không bóp đột ngột làm trượt bánh nhất là lúc đi qua khu vực mặt đường trơn trượt, nhiều sỏi đá.

Bên cạnh đó, khách cần lưu ý tuyệt đối không tắt máy để xe tự trôi khiến xe mất hoàn toàn lực hãm từ động cơ.

Nếu di chuyển ở đoạn dốc dài có thể dừng lại nghỉ ngơi giữa chặng. Điều này giúp người lái phục hồi và để hệ thống phanh có thời gian hạ nhiệt", anh Tiến phân tích.

Số lượng khách du lịch quý I đến thị trấn Tam Đảo ước khoảng hơn 77.600 lượt, đạt 20,4% kế hoạch năm, trong đó, khách lưu trú qua đêm hơn 41.200 lượt, tăng 93% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, khách nước ngoài là 1.204 lượt, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2024.

Từ Hà Nội, bạn có thể đi đến Tam Đảo bằng ô tô, xe máy cá nhân. Xe khách, xe limousine, taxi cũng đưa đón tuyến Hà Nội - Tam Đảo, vé khứ hồi khoảng 200.000-300.000 đồng một người. Thời gian di chuyển từ Hà Nội, khoảng 2 tiếng.

Bạn đang đọc bài viết "Kinh nghiệm giữ mạng sống khi đổ đèo ở Tam Đảo, nên đi xe số hay xe ga?" tại chuyên mục Khám phá. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.