Không làm giám đốc ngân hàng hay CEO startup công nghệ vẫn thành triệu phú đô la, lọt top 1% giàu nhất nước Mỹ, đi siêu xe, nghỉ hè 1 tháng: ‘Chúng tôi bán những thứ ai cũng cần’

Các chuyên gia gọi họ là “những người giàu thầm lặng”.

Từ thuở nhỏ, ông Derek Olson đã mơ được làm chủ một doanh nghiệp. Vài chục năm sau, giấc mơ ấy thành hiện thực. Ông trở nên giàu có nhưng không theo cách mà ông từng hình dung. Olson hiện kiếm bộn tiền nhờ sản xuất máy móc dùng để cào bóc sàn nhà, chẳng hạn như thảm trải sàn ở các trường tiểu học.

Ông Olson, CEO của công ty National Flooring Equipment, chia sẻ đầy hài hước: “Nghe thì chẳng hấp dẫn gì đâu: Một trường tiểu học ở Mỹ trung bình có khoảng 11 km thảm. Và bọn trẻ thì cực kỳ bừa bộn. Thế nên hè nào cũng phải thay thảm mới. Đây là một thị trường ngách mà chẳng ai để ý, nhưng lại có nhu cầu rất lớn”.

Làm giàu nhờ thị trường ngách

Ngành tài chính và công nghệ nổi tiếng là con đường dẫn đến sự giàu có. Nhưng trên thực tế, một phần lớn số của cải khổng lồ ở Mỹ lại được làm ra từ những ngành nghề truyền thống như cung cấp hàng hóa và dịch vụ bình dân.

Nhà kinh tế học tế Owen Zidar tại Đại học Princeton và nhà kinh tế Eric Zwick của Đại học Chicago cho biết: “Chúng tôi gọi họ là những người giàu thầm lặng”.

Công ty chuyên sản xuất thiết bị bóc sàn nhà của Olson dự kiến thu về khoảng 50 triệu USD trong năm nay, sau khi vừa mua lại một nhà sản xuất tại Australia. Thu nhập hàng năm của Olson đủ để đưa ông vào nhóm 1% giàu nhất nước Mỹ, tức là những người có thu nhập ít nhất 550.000 USD/năm tính đến năm 2022. Gia đình ông sở hữu hai chiếc Land Rover, cho con học trường tư và nghỉ hè một tháng tại châu Âu.

Theo Zidar và Zwick, nhóm người giàu này không phải là các lãnh đạo ngân hàng đầu tư hay nhà sáng lập startup công nghệ triệu đô. Phần lớn họ là chủ của các doanh nghiệp cỡ vừa, hoạt động trong phạm vi địa phương. Ví dụ như đại lý ô tô, công ty phân phối đồ uống, cửa hàng tạp hóa, phòng khám nha khoa hay công ty luật. Những công việc nghe có vẻ “buồn tẻ” này lại mang về lợi nhuận cực kỳ lớn.

Dữ liệu thuế từ năm 2000 đến 2022 cho thấy vai trò của nhóm doanh nghiệp này trong nền kinh tế Mỹ ngày càng tăng. Với nhóm 1% người có thu nhập cao nhất, tỷ trọng thu nhập đến từ việc sở hữu doanh nghiệp đã tăng từ 30,3% năm 2014 lên 34,9% vào năm 2022. Với nhóm 0,1% giàu nhất (thu nhập từ 2,3 triệu USD trở lên), con số này còn cao hơn là từ 37,3% lên 43,1% trong cùng kỳ.

CEO Greg Fleming của công ty quản lý Rockefeller Capital Management chia sẻ: “Tôi vẫn thường ngạc nhiên khi chứng kiến có người gây dựng một doanh nghiệp nhỏ nhưng lại tạo ra khối tài sản khổng lồ cho cả gia đình. Và rồi doanh nghiệp ấy trở thành một phần trong nền kinh tế Mỹ”.

Trong hơn 30 năm làm việc, Fleming từng chứng kiến nhiều người giàu lên nhờ... trạm rửa xe, công ty làm đèn chiếu sáng dân dụng hay doanh nghiệp phân phối linh kiện cho thiết bị công nghiệp.

Hai nhà kinh tế Zidar và Zwick cho rằng sự trỗi dậy của nhóm doanh nhân kiểu này một phần là nhờ các đợt cắt giảm thuế và môi trường lãi suất thấp, giúp định giá doanh nghiệp tăng mạnh. Tính đến năm 2022, nước Mỹ có khoảng 1,6 triệu người sở hữu doanh nghiệp, gấp đôi con số năm 2001.

Tấm thảm cao su và doanh nghiệp trăm triệu USD

David MacNeil (66 tuổi), người sáng lập hãng phụ kiện ô tô WeatherTech, đã đổi đời nhờ tấm thảm lót sàn xe.

Ông từng làm thợ máy, bỏ dở đại học rồi đi bán xe sang. Trong chuyến đi Scotland năm 1989, MacNeil thuê một chiếc xe và ngay lập tức bị ấn tượng bởi tấm thảm cao su dày dặn, có viền chống tràn nước và bùn. Trở về Mỹ, ông liên lạc với nhà sản xuất tại Anh và chốt đơn mua một container toàn thảm. Ông đã thế chấp nhà để có tiền đặt hàng.

“Cuối năm 1991 tôi kiếm được 40.000 USD. Năm 1992 là 160.000 USD. Năm 1993 thì lên 400.000 USD. Lúc đó tôi đã có vợ con. Mà nếu bạn gọi đến số tổng đài của tôi lúc 3 giờ sáng, đoán xem ai sẽ nhấc máy? Là tôi”, ông MacNeil nhớ lại.

Khởi đầu từ garage, công ty WeatherTech của ông hiện có 1.800 nhân viên tại Illinois. Công ty sản xuất gần như toàn bộ sản phẩm tại Mỹ và dự kiến đạt doanh thu khoảng 800 triệu USD trong năm nay. Là chủ sở hữu duy nhất, MacNeil sở hữu nhiều biệt thự triệu đô, sưu tập xe cổ và thỉnh thoảng di chuyển bằng máy bay riêng.

Từ burger đến bia

Ông Larry Fleming (80 tuổi) từng là một trong những chủ nhượng quyền thương hiệu thức ăn nhanh Wendy’s.

Bước ngoặt đến khi công ty phân phối bia mà ông mua năm 1977 ở Muskogee (Oklahoma) bắt đầu mang lại lợi nhuận vượt xa chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh. Năm 2017, ông bán toàn bộ 43 cửa hàng Wendy’s, bao gồm cả bất động sản, với giá hơn 50 triệu USD.

Giờ đây, công ty LDF Sales and Distributing của ông phân phối các nhãn hiệu như bia Coors và Miller, phục vụ nửa phía đông của hai bang Oklahoma và Kansas. Ông đã mở rộng LDF nhờ mua lại quyền phân phối và thâu tóm các đối thủ. Doanh thu hàng năm của công ty đã tiệm cận mốc 250 triệu USD, chiếm tới 64% thị phần tại Oklahoma.

“Khi cứ 3 cốc bia bán ra mà 2 cốc là của mình, thì mọi chuyện đang rất tốt đẹp”, ông Fleming nói.

Theo WSJ