Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp nông nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

Huy động vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp. Có nhiều kênh huy động vốn khác nhau, trong đó, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên sàn giao dịch của các doanh nghiệp đã niêm yết là một kênh đáng chú ý.

Đào Thị Hồng

Nguyễn Văn Quân

Trường Đại học Lâm nghiệp

Tóm tắt

Nghiên cứu đánh giá thực trạng hoạt động huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp nông nghiệp niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2020-2024. Trên cơ sở phân tích một số hạn chế còn tồn tại, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng huy động vốn cho các doanh nghiệp này trong thời gian tới.

Từ khóa: Huy động vốn, doanh nghiệp nông nghiệp, cổ phiếu, thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu

Summary

This study assesses the current state of capital mobilization through stock issuance by agricultural enterprises listed on the Ho Chi Minh City Stock Exchange during the period 2020–2024. Based on the analysis of existing limitations, the authors propose several solutions to enhance capital mobilization capabilities for these enterprises in the coming years.

Keywords: Capital mobilization, agricultural enterprises, stocks, stock market, stock issuance

GIỚI THIỆU

Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, mà còn đóng góp nguồn thu ngoại tệ lớn. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 của Việt Nam đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023 (Chu Khôi, 2025) (Thùy Anh, 2025), cho thấy tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính hạn chế khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp (DNNN) gặp nhiều khó khăn trong đầu tư mở rộng mặt bằng, máy móc thiết bị, quy trình sản xuất hiện đại và mua sắm nguyên nhiên vật liệu (Nguyễn Thị Huyền Châm và Phạm Bảo Dương, 2023).

Trong bối cảnh đó, việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK), mà chủ yếu là qua hoạt động phát hành cổ phiếu là một kênh huy động đầy tiềm năng và hiệu quả. Hiện nay đã có một số nghiên cứu trong nước phân tích việc huy động vốn của các doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng (Dương Ngân Hà, 2023; Đào Thị Hồng và cộng sự, 2024). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá tổng thể khả năng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu của các DNNN niêm yết trên sàn HOSE. Nghiên cứu này nhằm phân tích và đánh giá thực trạng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu của 54 DNNN niêm yết trên sàn HOSE giai đoạn 2020-2024, qua đó đề xuất một số giải pháp để tăng cường khả năng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu cho các DNNN này trong thời gian tới.

THỰC TRẠNG NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG CỦA CÁC DNNN NIÊM YẾT TRÊN SÀN HOSE GIAI ĐOẠN 2020-2024

Thực trạng huy động vốn của một số DNNN trên sàn HOSE giai đoạn 2020-2024

Nguồn vốn huy động của các DNNN niêm yết trên sàn HOSE giai đoạn 2020-2024 có xu hướng giảm trong năm 2021, sau đó tăng dần lên và đạt tốc độ phát triển bình quân trong cả giai đoạn là 103,3% (tăng bình quân 3,3%/năm). Cơ cấu nguồn vốn huy động bao gồm vốn tiếp cận tín dụng và phát hành chứng khoán, trong đó chiếm tỷ trọng lớn vẫn là nguồn vốn tiếp cận tín dụng (Chiếm từ 85%-92% trong giai đoạn 2020-2024) (Bảng 1).

Bảng 1: Tổng hợp nguồn vốn huy động của các DNNN niêm yết trên sàn HOSE giai đoạn 2020-2024

Đơn vị: Đồng

TT

Chỉ tiêu

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Tốc độ phát triển bình quân (PTBQ) (%)

1

Vốn huy động qua phát hành chứng khoán

12.528,5

13.327,94

10.481,66

7.936,23

10.842,34

96,5

1.1

Phát hành cổ phiếu thường

729,84

1.766,9

2.132,21

96,68

3.226,05

145,0

1.2

Phát hành trái phiếu

11.798,66

10.561,03

8.172,95

7.663,06

7.439,8

89,1

1.3

Phát hành cổ phiếu ưu đãi

-

1.000

176,5

176,5

176,5

-

2

Vốn huy động qua tiếp cận tín dụng

90.567,42

78.235,21

83.137,44

95.294,17

106.621,69

104,2

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu (CafeF, 2025)

Một số chỉ tiêu đánh giá hiệu quả huy động vốn qua phát hành cổ phiếu của các DNNN niêm yết trên sàn HOSE

Trong giai đoạn 2020-2024, chỉ có 19/54 DNNN niêm yết trên sàn HOSE huy động được nguồn vốn qua kênh phát hành cổ phiếu. Do vậy, nhóm tác giả thực hiện việc đánh giá hiệu quả huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp này, làm cơ sở so sánh đánh giá với toàn bộ 54 DNNN niêm yết trên sàn HOSE.

Bảng 2: Một số chỉ tiêu đánh giá hiệu quả huy động vốn qua phát hành cổ phiếu của các DNNN niêm yết trên sàn HOSE giai đoạn 2020-2024

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Tốc độ PTBQ (%)

1

Tổng doanh thu của 19 DNNN

tỷ đồng

72.226,5

79.349,6

96.916,7

76.767,1

77.344,3

101,7

2

Tổng lợi nhuận sau thuế của 19 DNNN

tỷ đồng

1.662,2

4.351,3

5.729,5

4.087,3

5.248,7

133,3

3

Tổng tài sản của 19 DNNN

tỷ đồng

104.479,0

99.924,7

111.630,2

119.197,8

121.114,7

103,8

4

Tổng vốn chủ sở hữu của 19 DNNN

tỷ đồng

42.037,8

42.479,5

48.264,7

51.844,6

57.551,7

108,2

5

Nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu

tỷ đồng

729,8

2.766,9

2.308,7

273,2

3.402,5

146,9

6

ROE 19 DNNN

%

3,8

10,3

12,6

8,2

9,6

7

ROA 19 DNNN

%

1,6

4,3

5,4

3,5

4,4

8

ROS 19 DNNN

%

2,3

5,5

5,9

5,3

6,8

9

ROE 54 DNNN

%

6,39

8,95

8,64

5,26

6,10

10

ROA 54 DNNN

%

3,57

5,74

6,50

3,17

3,30

11

ROS 54 DNNN

%

6,98

11,17

12,29

6,03

6,35

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu (CafeF, 2025)

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của 19 DNNN có sự gia tăng liên tục, nhờ sự đóng góp lớn từ nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu, tăng trưởng bình quân 46,9%/năm trong giai đoạn 2020-2024, qua đó đóng góp vào sự gia tăng của tổng tài sản. Nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu được sử dụng nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư thêm vào tài sản và năng lực hoạt động. Mặc dù doanh thu có sự gia tăng nhẹ, nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng bình quân là 33,3%/năm trong giai đoạn nghiên cứu. Sự chênh lệch rõ rệt giữa tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng doanh thu cho thấy chất lượng tăng trưởng của các doanh nghiệp đã có sự cải thiện đáng kể.

Các chỉ tiêu sinh lời ROA, ROE và ROS của 19 DNNN cũng phản ánh hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời ngày càng có sự cải thiện rõ rệt và tốt hơn so với mặt bằng chung của toàn bộ 54 DNNN niêm yết trên sàn HOSE. Nếu như các chỉ tiêu này của nhóm 19 DNNN đều thấp thấp hơn mặt bằng chung của 54 DNNN trong giai đoạn 2020-2022 thì từ năm 2023 đến nay, các chỉ tiêu của nhóm này lại đều ổn định và vượt trội hơn hẳn. Như vậy, việc huy động vốn qua phát hành cổ phiếu mặc dù có độ trễ nhất định trong việc mang lại hiệu quả, nhưng rõ ràng đã giúp nhóm 19 DNNN có sự tăng trưởng vốn chủ sở hữu cũng như lợi nhuận nhanh và mạnh hơn, đồng thời khả năng sử dụng vốn chủ sở hữu, quản trị chi phí và khai thác quy mô cũng ngày càng tốt hơn.

Một số hạn chế trong huy động vốn của các DNNN niêm yết trên sàn HOSE

Thứ nhất, nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chiếm tỷ trọng rất nhỏ, các DNNN niêm yết trên sàn HOSE vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là tín dụng ngắn hạn. Việc lạm dụng vốn vay ngắn hạn trong khi nhu cầu sử dụng vốn mang tính dài hạn sẽ làm mất cân đối cơ cấu tài chính, khiến doanh nghiệp có khả năng đối mặt với gánh nặng chi phí lãi vay lớn và rủi ro thanh khoản cao.

Thứ hai, tính thanh khoản của các cổ phiếu nông nghiệp trên sàn HOSE chưa đồng đều, nhiều cổ phiếu có tính thanh khoản rất thấp, tính ổn định kém khiến các nhà đầu tư e ngại khi tham gia đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức. Tính thanh khoản yếu cũng làm giảm cơ hội thành công trong việc phát hành chứng khoán mới và gây khó khăn trong việc tìm kiếm các tổ chức bảo lãnh phát hành.

Thứ ba, chi phí phát hành chứng khoán cao, nhiều các thủ tục, quy trình cũng đang là rào cản lớn trong việc phát hành cổ phiếu đối với DNNN niêm yết trên sàn HOSE. Các doanh nghiệp phải gánh chịu nhiều khoản chi phí từ tư vấn, kiểm toán, bảo lãnh phát hành cho tới chi phí niêm yết và công bố thông tin.

Thứ tư, sản phẩm huy động vốn của các DNNN niêm yết trên sàn HOSE chưa theo kịp sự phát triển của thị trường tài chính. Trong số 54 DNNN niêm yết trên sàn HOSE thì chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào tuân thủ đủ bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), tức là chưa có sản phẩm cổ phiếu xanh được phát hành từ nhóm này; trong khi vấn đề biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn và hệ sinh thái ESG phát triển vượt bậc là tất yếu.

Thứ năm, quy mô của nhiều DNNN niêm yết trên sàn HOSE vẫn còn nhỏ, tổng tài sản và vốn hóa thị trường hạn chế, dẫn tới việc cổ phiếu không đáp ứng được kỳ vọng của các quỹ đầu tư lớn và nhà đầu tư tổ chức. Trong số 54 DNNN niêm yết trên sàn HOSE, có 37 doanh nghiệp (68,52%) sở hữu quy mô nguồn vốn > 1.000 tỷ đồng, 9 doanh nghiệp (16,67%) thuộc nhóm vốn trung bình từ 500 –1.000 tỷ đồng và 8 doanh nghiệp (14,81%) quy mô vốn từ 100–500 tỷ đồng. Điều này tạo ra sự phân hóa rõ rệt trong khả năng huy động vốn, khi các doanh nghiệp lớn có thể thuận lợi và dễ dàng hơn nhờ tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu uy tín và hiệu quả kinh doanh tích cực, còn các doanh nghiệp nhỏ gần như rất khó có cơ hội huy động vốn qua phát hành cổ phiếu do không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng sinh lời và mức độ an toàn.

Thứ sáu, mức độ hấp dẫn của các cổ phiếu nông nghiệp với nhà đầu tư còn hạn chế. Ngành nông nghiệp với đặc thù chu kỳ kinh doanh phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, mùa vụ và biến động giá nông sản thế giới khiến các cổ phiếu này có mức độ rủi ro cao hơn so với các ngành nghề khác. Ngoài ra, hoạt động quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin ở nhiều doanh nghiệp chưa thực sự bài bản, chuyên nghiệp, làm giảm độ tin cậy trong mắt nhà đầu tư.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG VỐN CỦA CÁC DNNN NIÊM YẾT TRÊN SÀN HOSE

Nhằm tăng cường khả năng huy động vốn của các DNNN niêm yết trên sàn HOSE trong thời gian tới, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, mở rộng đối tượng phát hành cổ phiếu. Các DNNN cần mở rộng đối tượng phát hành cổ phiếu, ngoài việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, các doanh nghiệp này nên đẩy mạnh việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên trong công ty, các đối tác chiến lược, các Quỹ đầu tư.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, minh bạch thông tin và tình hình tài chính. Để gia tăng khả năng huy động vốn và thu hút dòng tiền đầu tư thông minh trên TTCK, các DNNN cần chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo sự minh bạch, trung thực trong công bố thông tin tài chính.

Thứ ba, xây dựng chiến lược phát hành cổ phiếu hợp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Các DNNN niêm yết trên sàn HOSE nên chọn thời điểm thích hợp để phát hành cổ phiếu, nhằm tăng tỷ lệ thành công trong các đợt phát hành như khi TTCK thuận lợi hoặc khi các doanh nghiệp này có tin tức tích cực. Đồng thời, các DNNN này cần ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn trong việc chào bán cổ phiếu, như tận dụng mạng xã hội và nền tảng số để marketing cho đợt phát hành, thực hiện hình thức chào bán trực tuyến (E-IPO) nhằm đưa việc mua cổ phiếu đến gần hơn với nhiều nhà đầu tư cá nhân và làm giảm chi phí so với các chiến dịch quảng cáo truyền thống.

Thứ tư, xây dựng các phương án phát hành và phương án sử dụng vốn khả thi để tăng tính hấp dẫn trong các đợt phát hành chứng khoán. Các DNNN trước tiên phải xác định rõ chiến lược huy động và sử dụng vốn mang tính dài hạn, gắn với định hướng phát triển tổng thể của doanh nghiệp. Các phương án phát hành và sử dụng vốn cần được xây dựng một cách đầy đủ, rõ ràng, có cơ sở, để doanh nghiệp có thể tự tin thuyết trình, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về tính khả thi, độ tin cậy và mức độ hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn huy động được.

Thứ năm, nghiên cứu phát hành cổ phiếu xanh (ESG). Việc đẩy mạnh phát hành cổ phiếu xanh cho các DNNN là một giải pháp vừa giúp huy động vốn bền vững, vừa thúc đẩy phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường. Các DNNN vừa huy động được nguồn vốn dài hạn, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, vừa có cơ hội tiếp cận dòng vốn xanh đang gia tăng toàn cầu./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. CafeF (2025). Báo cáo tài chính của 54 doanh nghiệp nông nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, truy cập từ https://cafef.vn/.

2. Chu Khôi (2025). Năm 2024 xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng, truy cập từ https://vneconomy.vn/nam-2024-xuat-khau-nong-san-tang-truong-an-tuong.htm.

3. Đào Thị Hồng, Nguyễn Văn Quân, Đào Lan Phương (2024). Tăng cường huy động vốn cho các doanh nghiệp nông nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí Kinh tế dự báo, số 24/2024.

4. Dương Ngân Hà (2023). Thực trạng huy động vốn của doanh nghiệp niêm yết thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Tạp chí kinh tế tài chính Việt Nam, Số 1- tháng 02/2023.

5. Nguyễn Thị Huyền Châm, Phạm Bảo Dương (2023). Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và lời giải bài toán vốn trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Nội, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/quy-phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-va-loi-giai-bai-toan-von-trong-linh-vuc-nong-nghiep-o-ha-noi.html.

6. Thùy Anh (2025). Giữ vững thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực, truy cập từ https://nhandan.vn/giu-vung-thi-truong-xuat-khau-nong-san-chu-luc-post859141.html.

Ngày nhận bài: 14/3/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 5/5/2025; Ngày duyệt đăng: 17/5/2025