Hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

29/12/2024 06:00

Những năm gần đây, bên cạnh những mặt tích cực mà các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại cho Việt Nam, thì quá trình hoạt động của các DN này còn bộc lộ những hạn chế cần được xem xét, trong đó là vấn đề chuyển giá. Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn...

Từ khóa: hoạt động chuyển giá, doanh nghiệp FDI, kiểm tra, thanh tra, giám sát

Summary

In recent years, besides the positive aspects that foreign direct investment (FDI) enterprises have brought to Vietnam, the operating process of these enterprises also reveals some issues that is needed to be considered, including the issue of transfer pricing. Transfer pricing is understood as the implementation of pricing policy for goods, services and assets transferred cross-border between members of a corporation that does not follow the market price to minimize the tax amount of multinational companies globally. The article clearly states the current situation of transfer pricing activities taking place at FDI enterprises in recent times and proposes some solutions to limit this phenomenon.

Keywords: transfer pricing activities, FDI enterprises, checking, inspection, monitoring

GIỚI THIỆU

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã áp dụng nhiều quy định và chính sách thuận lợi để thu hút FDI. Đây là nguồn vốn quan trọng góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và sự phát triển bền vững, vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế cần giải quyết. Một trong số đó là hiện tượng chuyển giá tại các loại hình DN FDI gây thất thoát không nhỏ đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHUYỂN GIÁ CÁC CÁC DN FDI TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ TÁC ĐỘNG

Khái quát tình hình chuyển giá của các DN FDI

Tổng hợp từ báo cáo tài chính của các DN FDI các năm 2020-2021 của Tổng cục Thuế cho thấy, trong năm 2020, số lượng DN FDI tại Việt Nam báo lỗ là 14.108 DN, tức là chiếm đến 56% tổng số DN FDI. Trong đó, có không ít DN ghi nhận tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn kê khai thua lỗ. Tổng mức thua lỗ của các DN FDI năm 2020 lên tới 151.064 tỷ đồng. Trong đó phải nhắc tới, 2 công ty là Shopee và Airpay với doanh thu lần lượt là 4.555 tỷ đồng và 2.329 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm ngành viễn thông và phần mềm. Đây là mức tăng trưởng mạnh, đạt 2.964 tỷ đồng.

Năm 2021, nợ phải trả của DN FDI cũng tăng tới 14,7% so với năm 2020, lên 5,261 triệu tỷ đồng. Một số lĩnh vực có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn như thông tin truyền thông là trên 4 lần; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 3,85 lần; sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí là 2,93 lần. Điều đáng chú ý là số DN FDI báo lỗ là 14.293, chiếm 55% tổng số DN FDI của cả nước, với giá trị lỗ 168.334 tỷ đồng. Số DN FDI có lỗ lũy kế là 16.258; DN FDI lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402, đều tăng so với năm 2022. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, sự tăng trưởng nguồn vốn của DN FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài. Các chỉ tiêu sinh lời một số lĩnh vực vẫn còn âm, chưa được cải thiện. Số nộp ngân sách vẫn chưa tương xứng với tổng mức đầu tư. Số DN FDI báo lỗ, DN FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ. Các sản phẩm mà nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, công nghệ chưa cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Quy mô tài sản mặc dù tăng, nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu cho thấy, sự mở rộng của tài sản đến từ các khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư.

Báo cáo về tình hình kinh doanh của DN FDI tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN đầu tư nước ngoài: Đồng hành và phát triển vào ngày 16/10/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2022, có 28.963 DN FDI, chiếm 3,27% số lượng DN đang hoạt động tại Việt Nam. Tổng hợp từ báo cáo của các DN cho thấy, kết quả sản xuất, kinh doanh của DN FDI năm 2022 ghi nhận sự sụt giảm nhẹ so với năm 2021 với lợi nhuận sau thuế. Cụ thể, doanh thu khối DN FDI đạt khoảng 9.727.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 2,1% so với năm 2021, đạt 386.673 tỷ đồng. Cũng theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2021, có 37% DN FDI tại Việt Nam có lãi, tỷ lệ này tăng nhẹ vào năm 2022, lên mức 38,79%. Dù tỷ lệ DN FDI có lãi cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước, nhưng có tới 53,83% số DN FDI báo lỗ, trong khi tỷ lệ DN báo lỗ nói chung chỉ khoảng 50%. Về đóng góp cho ngân sách, khối DN FDI nộp ngân sách đạt 237.777 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng số nộp ngân sách của các DN tại Việt Nam nói chung (Trâm Anh, 2023).

Năm 2023, Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Thuế cho biết, tính đến ngày 27/10/2023, ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 599 DN có hoạt động giao dịch liên kết. Kết quả, đã truy thu, truy hoàn và phạt 1.226,3 tỷ đồng; giảm lỗ 10.429,4 tỷ đồng; giảm khấu trừ 39,7 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.004,5 tỷ đồng (trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 465 tỷ đồng, giảm lỗ 8.753,8 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.827,1 tỷ đồng) (Văn Tuấn, 2023).

Nhiều năm qua, tình hình hoạt động kinh doanh của khối DN này ghi nhận sự chuyển biến tích cực về quy mô tài sản, vốn đầu tư, số nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhìn chung, số nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế cho thấy, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của các DN FDI.

Tác động của tình trạng chuyển giá của các DN FDI tại Việt Nam

Với việc các DN FDI thực hiện các thủ thuật chuyển giá, chuyển lãi thành lỗ để tránh thuế, khiến cho Việt Nam thất thu một khoản lớn ngân sách đáng lẽ có được từ nguồn thuế thu nhập DN của các DN FDI. Những vi phạm ngày càng nhiều với quy mô trốn, tránh nghĩa vụ thuế lớn gây ra những bức xúc không nhỏ trong xã hội và tạo ra những nghi ngại có cơ sở về hiệu quả đích thực của chính sách thu hút vốn FDI mà Việt Nam đang thực hiện.

Với lợi thế về tài chính thông qua chuyển giá, DN FDI có nhiều lợi thế hơn so với DN nội địa, làm nảy sinh cạnh tranh bất bình đẳng, khiến DN “nội địa” mất thị phần, thậm chí có những DN liên doanh bị thôn tính và trở thành DN 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Chuyển giá làm cho hiệu quả đầu tư của các dự án FDI trở nên kém đi (nhìn từ bên ngoài, qua tình trạng báo lỗ), điều này tạo ra những sai lệch về chỉ số đo lường hiệu quả đầu tư ICOR, làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam bị “khúc xạ”, ảnh hưởng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chuyển giá với hình thức khai tăng giá trị tài sản góp vốn làm mất cân đối cơ cấu vốn trong nền kinh tế Việt Nam; khai tăng giá trị nguyên vật liệu đầu vào làm gia tăng giá trị nhập khẩu dẫn đến những tiêu cực trong cán cân thương mại...

Một số vấn đề xã hội nảy sinh, trong đó có việc DN FDI duy trì chế độ tiền lương ở mức thấp, hạn chế việc tăng lương, làm cho thu nhập của người lao động trong khối này không cao như kỳ vọng, thậm chí, còn thấp hơn so với DN tư nhân và DN nhà nước. Mặt khác, việc cải thiện môi trường làm việc cho người lao động cũng chưa được quan tâm đúng mức. Thực trạng này có thể là một trong những nguyên nhân khiến người lao động bất bình, đình công, lãn công hoặc khi bị kích động có thể dẫn đến hành vi đập phá chính nhà máy mà mình làm việc. Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Chính phủ về tình hình đình công và việc giải quyết đình công 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, cả nước xảy ra 67 cuộc đình công, thì trong đó có đến 82,1% xảy ra tại các DN FDI. Số vụ đình công xảy ra nhiều nhất ở DN Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc (Dũng Hiếu, 2019).

Những phân tích trên đây cho thấy, chuyển giá trong DN FDI có tác động tiêu cực trên nhiều mặt đối với Việt Nam. Nếu không có biện pháp ứng phó với chuyển giá tốt hơn, để hiện tượng này ngày càng phổ biến, quy mô ngày càng lớn, thì nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị phức tạp có thể nảy sinh, nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ bị chi phối, phụ thuộc.

CHÍNH SÁCH KIỂM SOÁT CHUYỂN GIÁ CỦA VIỆT NAM

Quy định về định giá chuyển giá của Việt Nam được đề cập lần đầu tiên tại Thông tư số 74-TC/TCT-1997, ngày 20/10/1997 của Bộ Tài chính, với 3 phương pháp định giá chuyển giao giữa các công ty liên kết, sau đó là các văn bản được sửa đổi, bổ sung là: Thông tư số 89/1999/TT-BTC, ngày 16/7/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 13/2001/TT-BTC, ngày 8/3/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ở giai đoạn đầu thiết lập thể chế, các quy định về định giá chuyển giao nhìn chung ở mức độ sơ sài, thiếu hướng dẫn chi tiết và chưa sát với thực tế, nên thực tế dù được ban hành từ khá lâu, nhưng các thông tư này vẫn chưa được triển khai áp dụng.

Cho đến ngày 19/12/2005, trên cơ sở phân tích những hạn chế của các văn bản hiện hành và tham khảo kinh nghiệm các nước, chuyển giá đã được nhắc lại tại Thông tư số 117/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh hẹp lại chưa quy định rõ ràng cơ sở sự nghi ngờ của cơ quan thuế về tính trung thực trong kê khai các giao dịch của đối tượng nộp thuế nên hiệu quả áp dụng còn hạn chế. Sau đó, Thông tư số 66/2010/TT-BTC, ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết ra đời kế thừa Thông tư số 117/2005/TT-BTC và có một số điều chỉnh chính xác hơn về thuật ngữ, được xem là văn bản pháp lý điều chỉnh một cách chi tiết về xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết tính tới thời điểm này.

Dù có nhiều nỗ lực, nhưng việc chống chuyển giá vẫn là 1 khâu rất yếu của ngành thuế. Hoạt động chống chuyển giá gặp nhiều khó khăn ngay từ việc xây dựng các quy định, khuôn khổ pháp lý vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24/2/2017 quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017 và Thông tư số 41/2017/TT-BTC, ngày 28/4/2017 hướng dẫn thi hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được đánh giá là có những bước tiến lớn trong việc xây dựng khung pháp lý kiểm soát chuyển giá, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách thuế mang tính nhất quán đối với khung chính sách thuế toàn cầu về tính minh bạch và nỗ lực chống né thuế.

Nhằm tiếp tục hoàn thiện các chính sách về kiểm soát chuyển giá ở các DN FDI, ngày 05/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập DN năm 2020. Mục tiêu của việc ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là nhằm chống chuyển giá đối với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có giao dịch liên kết.

Gần đây nhất, ngày 15/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP, theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, đánh giá để đề xuất việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng kiến nghị của DN.

Nhìn chung, các văn bản pháp luật hiện hành về kiểm soát tình trạng chuyển giá còn tồn tại một số bất cập như sau:

Một là, căn cứ pháp lý về chống chuyển giá chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Quy định phương pháp xác định giá rất phức tạp, nên nhiều DN lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp, nếu có xác định được thì cũng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Trong quá trình xử lý kết quả thanh tra còn gặp nhiều vướng mắc, vì thiếu thông tin, cơ sở pháp lý, căn cứ để áp dụng ấn định thuế đã có, nhưng chưa rõ ràng. Cơ quan thuế không có chức năng điều tra thuế, nên không xử lý được các trường hợp vi phạm có tính phức tạp, phạm vi rộng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Hai là, thiếu một chế tài xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe đối với các vi phạm về giá thị trường. Mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đối với các trường hợp chuyển giá hiện hành còn quá nhẹ, quy định chung với các hành vi vi phạm khác về thuế, mà chưa có hình thức xử phạt riêng, nghiêm khắc hơn, nên chưa đủ sức răn đe đối với DN có hành vi chuyển giá tránh thuế.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong những nội dung quan trọng của Hiệp định này là cơ quan thuế các nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhau phục vụ phân tích rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại nằm ở chỗ vì mục tiêu bảo vệ quyền đánh thuế mỗi quốc gia, nên sự phối hợp cung cấp thông tin còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tìm kiếm thông tin để xác định giá thị trường. Hay thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) được coi là công cụ chống chuyển giá hiệu quả đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, là thỏa thuận dài hạn giữa người nộp thuế với cơ quan thuế, theo đó người nộp thuế sẽ xác định trước về giá tính thuế cho các giao dịch liên kết trong một khoảng thời gian nhất định. Dưới góc độ quản lý thuế, APA được kỳ vọng là một trong những công cụ ngăn chặn thủ đoạn khai gian giá tính thuế để tránh thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cơ chế này tại Việt Nam thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế làm giảm khả năng chống chuyển giá của cơ quan thuế. Hơn nữa, APA cũng là một quá trình phức tạp và mất rất nhiều thời gian, nên chỉ phù hợp với các DN có quy mô lớn và có mô hình kinh doanh ổn định.

Ba là, mục tiêu của việc ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là nhằm chống chuyển giá đối với DN FDI có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, quy định này đang khiến nhiều DN Việt Nam, nhất là các DN theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty holding, công ty mẹ - con bị ảnh hưởng. Theo đó, quy định về trần chi phí lãi vay từ 10% - 30% là mức khống chế ở các nước phát triển. Việc áp dụng “thước đo” này với thực tiễn của Việt Nam là chưa thực sự phù hợp. Bởi, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với hầu hết các DN đều có vốn mỏng, đang trong giai đoạn khởi nghiệp và cần phải sử dụng nhiều vốn vay, việc thực hiện quy định này đang gây khó khăn cho DN.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Nhằm hạn chế hành vi chuyển giá của các DN FDI, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá. Trước mắt, cần sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP theo hướng cho phép các DN chứng minh giao dịch cho vay theo nguyên tắc giao dịch độc lập bằng cách kê khai và lập hồ sơ so sánh với các giao dịch cho vay khác và/hoặc với mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trong trường hợp giao dịch này đúng nguyên tắc giao dịch độc lập, thì DN được trừ toàn bộ chi phí tính thuế, kể cả trường hợp chi phí đó vượt 30% thu nhập của DN trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao (EBITDA). Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới cũng áp dụng nguyên tắc này.

Tuy nhiên, để phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, cần thiết phải có Luật Chống chuyển giá để có những quy định, chế tài cụ thể về vấn đề này. Theo đó, Luật nên quy định thời hạn thanh tra đối với hoạt động chuyển giá dài hơn so với thời hạn thanh tra thông thường để phù hợp theo tính chất phức tạp cùa hoạt động này; bổ sung quyền điều tra cho cơ quan thuế để đảm bảo việc thu thập thông tin và giá trị của các thông tin khi xử lý đối với các DN cố tình vi phạm; bổ sung thêm quy định về ngững kê khai thông tin giao dịch liên kết để đơn giản hóa cho DN trong việc kê khai và giảm bớt sức ép về nguồn nhân lực cho cơ quan thuế; xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh đảm bảo tính răn đe đối với các trường hợp cố tình vi phạm nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN làm ăn chân chính…

Thứ hai, ngành thuế cần có quy định và chế tài xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe đối với các vi phạm về giá thị trường, cùng với đó là nâng cao trình độ của công chức ngành thuế nhằm kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Theo đó, trường hợp xác định có hiện tượng chuyển giá, cơ quan thuế có thẩm quyền có thể áp dụng các hình phạt thuế đối với DN vi phạm.

Ngoài ra, ngành thuế cần hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người nộp thuế (các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập). Theo đó cần, mở rộng nguồn thu nhập thông tin bằng các hoạt động nghiệp vụ của các bộ phận chức năng trong cơ quan thuế mà đặc biệt là của bộ phận tình báo thuế (nếu được thành lập) và đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa các cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác như: công an, kiểm sát, địa chính, kế hoạch - đầu tư.

Trên cơ sở thông tin dữ liệu trên hiện có, ngành thuế cần khẩn trương rà soát lại các DN FDI, các tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực xây dựng kế hoạch, xác định rõ phạm vi cần tiến hành các cuộc kiểm tra, thanh tra đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm theo nội dung yêu cầu của chuyên đề chống chuyển giá.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu: Do hiện tượng chuyển giá đã diễn ra tương đối phổ biến và ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn, nên đội ngũ ngành thuế cần được đào tạo về chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ, trang bị phương tiện làm việc tốt nhằm nắm bắt và cập nhật kịp thời giá cả thị trường thế giới. Công việc kiểm soát giá cả phải được thực hiện thường xuyên, nhằm tránh tình trạng các DN FDI lách luật.

Thứ ba, hoàn thiện chuẩn mực kế toán Việt Nam. Do ngày càng nhiều DN FDI có mặt ở Việt Nam, trong đó có rất nhiều công ty đa quốc gia và công ty xuyên quốc gia, nên việc hòa hợp các chuẩn mực kế toán trong nước với quốc tế là một yêu cầu quan trọng phù hợp với xu thế hội nhập đang hết sức sâu rộng hiện nay ở Việt Nam. Đồng thời, cần thiết lập thêm các bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá ở các địa phương/vùng. Ngoài 4 bộ phận chuyên trách chống chuyển giá đã được thiết lập ở 4 cục thuế thuộc 4 địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương), Bộ Tài chính cũng cần cân nhắc thành lập thêm các bộ phận chuyên trách tương tự như vậy ở các địa phương khác cũng có số lượng và quy mô DN FDI lớn và phức tạp, như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Long An… tùy theo nhu cầu và thách thức thực tế của từng địa phương.

Thứ tư, mở rộng và khuyến khích áp dụng APA. Mặc dù bản thân nguyên tắc APA vẫn có nhiều hạn chế nhất định, nhưng đây vẫn là một trong số ít những phương thức được áp dụng phổ biến ở rất nhiều nước nhằm hạn chế hành vi chuyển giá của các DN FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Để mở rộng và khuyến khích áp dụng APA, từ phía các cơ quan thuế cần nỗ lực khắc phục các hạn chế từ phía nội tại của mình. Đối với các DN FDI, cần có chính sách khuyến khích tham gia APA bằng các lợi ích cụ thể, giảm chi phí tuân thủ.

Thứ năm, giảm chi phí tuân thủ thuế và chế tài hữu hiệu. Chi phí tuân thủ thuế quá cao cũng là một yếu tố làm giảm động cơ tuân thủ thuế của DN. Trong rất nhiều trường hợp, để tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế DN phải bỏ ra khá nhiều chi phí chính thức lẫn không chính thức, bao gồm cả chi phí thời gian. Chính vì vậy, nhiều DN đã lựa chọn đánh đổi, tức là chấp nhận không tuân thủ thuế để tiết kiệm các khoản chi phí này. Vì vậy, để giảm động cơ chuyển giá, một mặt cần phải giảm chi phí tuân thủ thuế cho DN, như: giảm các thủ tục, quy định rườm rà và phức tạp; giảm thời gian kê khai và nộp thuế cho DN. Đồng thời, chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế cũng phải đủ mức răn đe và trừng phạt thích đáng, đồng thời có ý nghĩa ngăn ngừa các hành vi dự kiến vi phạm.

Thứ sáu, hợp tác chống chuyển giá. Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như cơ quan thuế Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với chính phủ, bộ tài chính và cơ quan thuế các nước trong công tác chống chuyển giá trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia và hài hòa lợi ích của các bên có quyền và lợi ích liên quan. Các khuôn khổ hợp tác cần được thiết lập một cách bài bản, từ tầm nhìn, chiến lược cho đến các chương trình và kế hoạch hành động hợp tác cụ thể. Ngoài việc hợp tác với cơ quan thuế các nước theo các hiệp định hợp tác chống chuyển giá chính thức, cơ quan thuế Việt Nam cũng cần chủ động hợp tác với các chuyên gia thuế quốc tế có kinh nghiệm và uy tín trong một số tình huống phức tạp; đặc biệt có thể hợp tác với các công ty kiểm toán lớn, như: KPMP, EY, PwC, Deloitte… nhằm nhận được sự hỗ trợ về mặt chuyên môn, nhân lực, kỹ thuật, thông tin… từ các đối tác có kinh nghiệm này./.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2020), Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, ngày 05/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết.

2. Dũng Hiếu (2019), Trên 82% vụ đình công xảy ra tại DN FDI, truy cập từ https://vneconomy.vn/tren-82-vu-dinh-cong-xay-ra-tai-doanh-nghiep-fdi.htm.

3. Tổng cục Thuế (2020-2021), Báo cáo tài chính của các DN FDI các năm, từ năm 2020 đến năm 2021.

4. Trâm Anh (2023), Lợi nhuận khối DN FDI sụt giảm, gần 54% số DN báo lỗ, truy cập từ https://vneconomy.vn/loi-nhuan-khoi-doanh-nghiep-fdi-sut-giam-gan-54-so-doanh-nghiep-bao-lo.htm.

5. Văn Tuấn (2023), Xem xét sửa quy định về giao dịch liên kết tạo thuận lợi cho DN, truy cập từ https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xem-xet-sua-quy-dinh-ve-giao-dich-lien-ket-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-139490.html.

TS. Nguyễn Thị Thương

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 03, tháng 02/2024)

Bạn đang đọc bài viết "Hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" tại chuyên mục Bài báo khoa học. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.