
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul tại Kiev ngày 30/6 (Ảnh: Reuters).
Thông tin trên được Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul đưa ra ngày 30/6 nhân chuyến thăm Kiev. Theo đó, Đức sẽ giúp Ukraine đẩy nhanh tốc độ sản xuất vũ khí, nhằm tăng cường vị thế đàm phán của Kiev trong các cuộc thảo luận hòa bình với Moscow để chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm qua.
Phát biểu trong chuyến thăm thủ đô Kiev cùng đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Đức, ông Wadephul nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ Ukraine để họ có thể đàm phán từ thế mạnh".
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực hòa bình quốc tế do Mỹ dẫn đầu chưa đạt tiến triển, khi Nga bác bỏ kêu gọi ngừng bắn và không nhượng bộ các mục tiêu trong cuộc chiến.
Cuộc xung đột tiếp tục leo thang với chiến thuật tiêu hao của Nga dọc chiến tuyến dài 1.000km. Trước tình hình này, viện trợ quốc tế trở thành yếu tố sống còn giúp Ukraine đối mặt với đối thủ vượt trội về quân số và tiềm lực kinh tế.
Với tư cách nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai sau Mỹ, Đức đề xuất thành lập các liên doanh sản xuất vũ khí tại Ukraine. "Chúng tôi muốn hợp tác để Ukraine tự sản xuất nhanh hơn, nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phòng thủ khổng lồ của nước này", ông Wadephul giải thích, đồng thời đánh giá đây là bước phát triển hợp lý sau các gói viện trợ trang thiết bị trước đó.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Đức diễn ra sau khi Nga mở đợt không kích lớn nhất từ đầu năm vào Ukraine. Theo báo cáo từ Lực lượng Không quân Ukraine, 107 máy bay không người lái Shahed và mồi nhử của Nga đã vào không phận nước này chỉ trong một đêm.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington nhận định các cuộc tấn công dồn dập bằng đường không hiện nay là một phần trong chiến lược của Nga nhằm gây áp lực và buộc Ukraine phải chấp nhận điều kiện của họ. Moscow đang gia tăng sử dụng UAV nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng không Ukraine, tạo điều kiện cho các đòn tấn công bằng tên lửa tiếp theo.
"Sự gia tăng số lượng UAV và tên lửa đạn đạo thời gian gần đây cho thấy Nga đã mở rộng đáng kể năng lực sản xuất công nghiệp quốc phòng", báo cáo viết.
Ngoại trưởng Andrii Sybiha cảm ơn Đức về hỗ trợ phòng không và kêu gọi Berlin cung cấp thêm hệ thống chống tên lửa.
Tuy nhiên, Đức vẫn do dự trước đề nghị của Tổng thống Volodymyr Zelensky về việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus có khả năng tấn công lãnh thổ Nga, do lo ngại làm leo thang căng thẳng với Kremlin và kéo NATO vào cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.
Trước đó vào tháng 5, Thủ tướng Friedrich Merz đã cam kết hỗ trợ Ukraine phát triển hệ thống tên lửa tầm xa riêng, không chịu ràng buộc về mục tiêu sử dụng như vũ khí phương Tây.