“Đội quân Lego”: Vũ khí lợi hại giúp Ukraine đối phó Nga trên chiến trường

() - Ukraine đang sử dụng robot "giống như Lego" được lắp ráp theo nhiều cách khác nhau để sử dụng cho hàng loạt nhiệm vụ, từ sơ tán đến tấn công.
“Đội quân Lego”: Vũ khí lợi hại giúp Ukraine đối phó Nga trên chiến trường - 1

Robot THeMIS được cải tiến để làm nhiệm vụ sơ tán trên chiến trường (Ảnh: BI).

Oleksandr Yabchanka, chỉ huy hệ thống robot của Tiểu đoàn Da Vinci Wolves của Ukraine, nói với hãng tin Business Insider rằng đơn vị của ông không có nhiều loại robot khác nhau. Thay vào đó, họ trang bị và lắp ráp chúng dựa trên các nhu cầu cụ thể.

Theo ông Yabchanka, lực lượng Ukraine có thể sử dụng robot để chở một binh sĩ bị thương ra khỏi khu vực giao tranh, nhưng sau đó, nếu cần phá hủy một vị trí của Nga, họ sẽ gắn bom vào robot và biến nó thành vũ khí tự sát.

Ông Yabchanka mô tả robot, phương tiện không người lái trên mặt đất, là hệ thống có khả năng thích ứng mà các binh sĩ Ukraine có thể tự lắp ráp trên chiến trường.

"Chúng ta đều nhớ Lego. Chúng ta đã lớn lên với những bộ đồ chơi đó", ông nói, so sánh việc sử dụng robot với trò chơi lắp ráp Lego.

Ông Yabchanka cũng mô tả đây là một bước phát triển tích cực cho Ukraine. Theo ông, trong một cuộc chiến mà chiến thuật và công nghệ liên tục thay đổi, việc giúp binh sĩ ứng phó linh hoạt có thể là chìa khóa quan trọng.

Robot được cải tiến

“Đội quân Lego”: Vũ khí lợi hại giúp Ukraine đối phó Nga trên chiến trường - 2

Robot D-21-11 được trang bị súng (Ảnh: BI).

Ông Vadym Yunyk, Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn FRDM Group, đơn vị sản xuất tổ hợp hậu cần robot D-21, cho biết "khả năng thích ứng của D-21 là một trong những lợi thế chính của robot này”.

Robot có thể được sử dụng để vận chuyển các nhu yếu phẩm như đạn dược, cũng như để sơ tán khẩn cấp những người bị thương, hoặc thậm chí làm bệ để gắn vũ khí.

Theo ông Yunyk, với khả năng thích ứng này có nghĩa là các đơn vị có thể "nhanh chóng tích hợp nền tảng vào chiến thuật của riêng họ".

FRDM Group vẫn tìm cách  điều chỉnh hệ thống robot. Để đáp ứng các yêu cầu, họ đã gắn một mô-đun chiến đấu vào D-21, biến D-21-12R thành một robot có thể bắn trong khi di chuyển giữa các vị trí khác nhau. Họ cũng đang nghiên cứu để lắp thêm súng phóng lựu.

"Điều này mở đường cho việc bổ sung các ứng dụng linh hoạt hơn nữa cho D-21 và D-21-12R. Nói cách khác, chúng tôi không chỉ cung cấp một sản phẩm, chúng tôi đang cung cấp một công cụ thích ứng với nhu cầu thực tế của tiền tuyến", ông Yunyk xác nhận.

“Đội quân Lego”: Vũ khí lợi hại giúp Ukraine đối phó Nga trên chiến trường - 3

Robot mặt đất không người lái THeMIS của Milrem Robotics đang được sử dụng ở Ukraine (Ảnh: Business Wire).

Trong khi đó, Milrem Robotics, một công ty của Estonia, mô tả robot THeMIS, sản phẩm do họ sản xuất và đang được sử dụng ở Ukraine, là "một nền tảng phòng thủ đa năng tiên tiến được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ tác chiến khác nhau".

Công ty cho biết "thiết kế mô-đun và linh hoạt của robot cho phép nó tùy chỉnh theo nhu cầu của khách hàng". Robot THeMIS có thể thu thập thông tin tình báo, xử lý vũ khí và di tản quân lính. Chúng cũng có thể được trang bị nhiều loại vũ khí tùy thuộc vào những gì binh lính có sẵn và muốn sử dụng.

Kuldar Vaarsi, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Milrem Robots, dự đoán sự đổi mới trên chiến trường thậm chí còn tiến xa hơn nữa. Ông cho biết các binh ĩ đã sử dụng công nghệ theo những cách mà công ty thậm chí không ngờ tới.

"Quân đội Ukraine thực sự sáng tạo và họ thực sự tìm ra những cách rất đơn giản để tận dụng tối đa thiết bị", ông nói.

Loại hình tác chiến mới

Robot mặt đất không phải là vũ khí mới mẻ trong chiến tranh, nhưng quy mô sử dụng của chúng ở Ukraine, các hình thức sử dụng khác nhau và số lượng công ty nhanh chóng đưa chúng ra chiến trường là những điểm đáng chú ý.

Robot mặt đất cũng có tiềm năng trở thành vũ khí quan trọng của Ukraine, vì nước này có quân số ít hơn đáng kể so với Nga. Trong khi đó, Nga cũng đang nghiên cứu các phiên bản robot của riêng mình.

Tốc độ đổi mới cũng đáng chú ý, khi các quốc gia nhanh chóng triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ mới để giúp họ trở nên tự chủ hơn và mạnh mẽ hơn.

Chỉ huy Yabchanka cho biết các binh sĩ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống vũ khí mới như robot mặt đất.

Ông cho biết các binh sĩ Ukraine trong đơn vị của ông thường tự điều chỉnh và nâng cấp các robot mặt đất trong khi giữ liên lạc với nhà sản xuất.

Ông Yunyk của FRDM Group cho biết robot của tập đoàn cũng phải liên tục được cập nhật dựa trên phản hồi và cách binh sĩ sử dụng chúng.

"Vòng đời sản phẩm trong cuộc chiến này cực kỳ ngắn. Những gì hiệu quả cách đây một tháng có thể đã lỗi thời vào thời điểm hiện tại. Do đó, các nhà phát triển không có đủ khả năng làm việc theo các khuôn mẫu cũ", ông Yunyk cho biết.

Ông thừa nhận nếu các công ty dành hai năm để phát triển một sản phẩm, "sẽ có nguy cơ cao là sản phẩm đó sẽ trở nên không còn phù hợp ngay cả trước khi quá trình phát triển hoàn tất".

"Đây là một thực tế mới, mà ở đó những người thích nghi nhanh hơn, chứ không phải những người lập kế hoạch lâu hơn, sẽ giành chiến thắng", ông nói thêm.