DN FDI đất Phú Thọ: 'Vua xe điện' Trung Quốc kiếm 2,8 tỷ USD từ máy tính bảng, 'đại gia' Modun, ổ cứng Hàn Quốc xuất khẩu 13,4 tỷ USD

07/04/2025 06:00

Có thể kể tên nhiều dự án FDI lớn tại Phú Thọ như Dự án sản xuất điện tử của Công ty BYD (Trung Quốc) với số vốn đầu tư 269 triệu USD, Dự án sản xuất tấm Cell pin năng lượng mặt trời của Công ty VSUN (Nhật Bản) 200 triệu USD...

Phú Thọ là một trong những địa phương tại Việt Nam sớm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cuối năm 1992, Công ty TNHH Pangrim Neotex là doanh nghiệp FDI đầu tiên đặt chân vào Phú Thọ với dự án nhà máy dệt nhuộm có 100% vốn Hàn Quốc.

Lũy kế đến năm 2023, Phú Thọ đã thu hút hơn 200 dự án FDI với tổng số vốn khoảng 3,1 tỷ USD. Năm 2024, tỉnh thu hút mới, bổ sung 32 dự án FDI với vốn đăng ký 270,5 triệu USD (tăng 10 dự án, 31 triệu USD so năm 2023).

Có thể kể tên nhiều dự án FDI lớn tại Phú Thọ như Dự án sản xuất điện tử của Công ty BYD (Trung Quốc) với số vốn đầu tư 269 triệu USD, Dự án sản xuất tấm Cell pin năng lượng mặt trời của Công ty VSUN (Nhật Bản) 200 triệu USD, Dự án của Công ty TNHH dệt REGENT Việt Nam 180 triệu USD; Dự án nhà máy may thời trang cao cấp Yida gần 113 triệu USD của Công ty TNHH Yida Việt Nam...

Bên cạnh đó là sự hiện diện lâu năm của các doanh nghiệp như Công ty TNHH Paldo Vina - doanh nghiệp mì ăn liền 100% vốn Hàn Quốc, Công ty TNHH Miwon Việt Nam...

"Vua xe điện" Trung Quốc BYD xây nhà máy làm máy tính bảng

BYD Electronic (International) Company Limited, có trụ sở tại Hồng Kông, đã đầu tư vào Khu Công nghiệp Phú Hà với dự án Nhà máy điện tử BYD Việt Nam.

DN FDI đất Phú Thọ: 'Vua xe điện' Trung Quốc kiếm 2,8 tỷ USD từ máy tính bảng, 'đại gia' Modun, ổ cứng Hàn Quốc xuất khẩu 13,4 tỷ USD- Ảnh 1.

Công ty TNHH điện tử BYD Việt Nam.

Tháng 8/2021, Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam được thành lập 115,75 tỷ đồng (tương đương 5 triệu USD), lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất, lắp ráp máy tính bảng. Đến năm 2024, BYD Việt Nam tăng vốn gấp 10 lần, lên 50 triệu USD.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ, BYD Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 25/8/2021 và điều chỉnh lần thứ nhất ngày 22/7/2022, với tổng số với đăng ký đầu tư 269 triệu USD.

Nhà máy chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 8/2022 với hoạt động chủ yếu là lắp ráp máy tính bảng. Ngày 28/2/2023 Công ty đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh lần thứ hai với một số ngành nghề sản xuất là chip, module, modem 4G-5G, flycam.

Năm 2023, BYD đầu tư mở rộng, tăng vốn tại nhà máy này thêm gần 184 triệu USD, để sản xuất linh kiện điện tử. Diện tích nhà máy là 26 ha tại lô CN-2A, KCN Phú Hà.

Theo thông tin trên báo Phú Thọ, BYD Việt Nam hiện có trên 11.000 lao động, ước tính năm 2024 đạt doanh thu 2,8 tỷ USD, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD.

Khi nhà máy thứ ba đi vào hoạt động khoảng giữa năm 2025, sản lượng sản xuất sẽ tăng từ 10 triệu chiếc Ipad/năm lên 15 triệu chiếc Ipad/năm, đồng thời mở rộng thêm sản xuất dòng sản phẩm flycam, robot... đưa tổng số lao động của Công ty lên trên 15.000 người.

BYD là nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc. Năm 2024, BYD ghi nhận doanh thu 777,1 tỷ NDT (107,2 tỷ USD) vượt qua Tesla - hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk (97,7 tỷ USD). Lợi nhuận ròng đạt 40,3 tỷ nhân dân tệ (5,6 tỷ USD), tăng 34%.

Đầu năm 2023, Reuters cho hay Tập đoàn này có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng xe hơi.

Paldo Vina

Công ty TNHH Paldo Vina, thuộc Tập đoàn Paldo của Hàn Quốc, đi vào hoạt động từ năm 2013, chuyên sản xuất mì ăn liền (thương hiệu Koreno) và đồ uống (thương hiệu Pororo). Nhà máy đặt tại Khu Công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, với diện tích khoảng 3ha.

Công suất nhà máy là 270 triệu gói mì/năm, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 500 lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách tỉnh và thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm.

DN FDI đất Phú Thọ: 'Vua xe điện' Trung Quốc kiếm 2,8 tỷ USD từ máy tính bảng, 'đại gia' Modun, ổ cứng Hàn Quốc xuất khẩu 13,4 tỷ USD- Ảnh 2.

Nhà máy Paldo Vina tại Phú Thọ.

Theo giấy đăng ký kinh doanh mới nhất, công ty đã tăng vốn hồi tháng 8/2024 lên gần 710 tỷ đồng.

Công ty mở nhà máy thứ 2 tại Tây Ninh vào năm 2023 với công suất 17 triệu tấn mì gói/năm và 19 triệu lít đồ uống/năm

Miwon Việt Nam

Công Ty TNHH Miwon Việt Nam ra đời năm 1994 với tiền thân là công ty TNHH Miwon WidJaJa Việt Nam do sự góp vốn của Công ty Bánh Kẹo Hải Hà VN, công ty Miwon, Daihan Venture Investment Corporation, công ty PT Miwon Indonesia, PT Indo Managerial Corporation. Năm 2003, trở thành Công ty TNHH Miwon Việt Nam 100% vốn nước ngoài thuộc tập đoàn Daesang Hàn Quốc.

Đây là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên tại Phú Thọ.

Tháng 3/2022, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Daesang Việt Nam. Theo giấy đăng ký kinh doanh mới nhất tại tháng 10/2024, công ty có vốn điều lệ hơn 1.050 tỷ đồng, do Tập đoàn Daesang sở hữu 93,1%.

Nhà máy tại Phú Thọ có diện tích khoảng 5 ha, với công suất sản xuất hàng chục nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Sản phẩm chính của công ty bao gồm: Bột ngọt, hạt nêm, nước chấm và các loại gia vị khác.

Công ty tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội tại địa phương.

HangYang Digitech Vina đóng góp 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh

Cũng là một trong những dự án lớn, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của Phú Thọ, Công ty TNHH HangYang Digitech Vina- doanh nghiệp Hàn Quốc là doanh nghiệp đầu tiên ở Phú Thọ được Tổng cục Hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên.

Đây là công ty chuyên sản xuất và gia công modun bộ nhớ cho máy chủ, máy tính cá nhân, sản xuất và gia công ổ cứng SSD hoạt động tại KCN Phú Hà từ năm 2019 với trên 1.700 cán bộ, công nhân viên cũng đang xúc tiến các thủ tục mở rộng sản xuất tại Phú Thọ.

Sau 5 năm kể từ khi chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy, từ kim ngạch xuất, nhập khẩu 1,1 tỷ USD năm 2019, công ty tăng lên 13,4 tỷ USD năm 2024.

Theo Báo Phú Thọ, tính chung trong 3 tháng đầu năm 2025, Phú Thọ đã thu hút mới được 5 dự án vốn FDI, vốn đăng ký gần 8 triệu USD.

Phú Thọ là địa phương có các chỉ số phản ánh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản trị và phục vụ Nhân dân được xếp trong tốp đầu cả nước. Trong đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 14 bậc - thuộc nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 9/63 địa phương, tăng 9 bậc so với năm 2022.

Bạn đang đọc bài viết "DN FDI đất Phú Thọ: 'Vua xe điện' Trung Quốc kiếm 2,8 tỷ USD từ máy tính bảng, 'đại gia' Modun, ổ cứng Hàn Quốc xuất khẩu 13,4 tỷ USD" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.