Từ khóa: đào tạo nghề, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo
Summary
Recently, vocational training associated with enterprises across the country has had positive changes. The linked and coordinated activities between schools and businesses has contributed to improving the quality of vocational training, gradually meeting the requirements of businesses, improving efficiency and benefits to all parties. The article summarizes the current situation of cooperation between businesses and vocational training institutions, thereby proposing a number of solutions to promote this cooperation more effectively, in order to improve the quality of vocational human resources in our country today.
Keywords: vocational training, businesses, training institutions
GIỚI THIỆU
Hoạt động kết nối giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với DN được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, thể hiện qua việc tăng cường hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo cho DN. Tuy nhiên, dù đã phá bỏ được nhiều rào cản, công tác này vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa để nâng chất lượng nhân lực nghề.
THỰC TRẠNG HỢP TÁC GIỮA DN VỚI CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGHỀ
Kết quả đạt được
Để hỗ trợ và khuyến khích DN tham gia vào hoạt động GDNN, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho DN tham gia, như: các chính sách ưu đãi về thuế dành cho DN; DN được thành lập cơ sở GDNN, được đăng ký hoạt động GDNN để đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Ngoài ra, được liên kết với cơ sở GDNN để tổ chức đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng; tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tham gia vào hoạt động tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học.
Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021), đã nêu rõ một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đột phá, đó là: Gắn kết chặt chẽ GDNN với DN và thị trường lao động.
Gần đây, Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành theo Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ) cũng đưa ra giải pháp là: “Tăng cường các hoạt động hợp tác giữa cơ sở GDNN với DN một cách thực chất thông qua các hoạt động liên kết cụ thể. Xây dựng, triển khai các mô hình đào tạo theo chuỗi, gắn kết với các trung tâm khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo, gắn với các DN, hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hướng tới đổi mới sáng tạo”.
Có thể thấy, các cơ chế, chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường gắn kết GDNN với DN. Theo Báo cáo về một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2023) gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, về hiệu quả đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực, khoảng trên 80% người tốt nghiệp qua đào tạo nghề ở các cơ sở GDNN đã có việc làm, một số cơ sở GDNN có uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với DN có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%. Đã hình thành các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, bước đầu cũng đã phân tầng chất lượng chương trình đào tạo, có chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao (chuẩn cao hơn chuẩn đầu ra thông thường), chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, chương trình chuyển giao từ các nước phát triển hàng đầu về GDNN.
Đặc biệt, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, hoạt động ký kết hợp tác giữa GDNN với DN diễn ra theo nhiều hình thức, nội dung phong phú và ở nhiều địa phương trên cả nước. Đến nay, đã có hàng nghìn DN có các biên bản ghi nhớ và kế hoạch triển khai cụ thể các hoạt động hợp tác với cơ sở GDNN trong đào tạo và sử dụng lao động ổn định và lâu dài. Trong số này, có nhiều DN lớn, sử dụng nhiều lao động và ứng dụng công nghệ tiên tiến, như: Daikin, Denso, Panasonic, FPT, BIM, Vingroup, Samsung Việt Nam, Tập đoàn Dệt May…
Nhiều DN đã tự thành lập các cơ sở dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình và cho xã hội. Đây là một mô hình gắn kết truyền thống giữa DN với cơ sở dạy nghề. Những cơ sở dạy nghề thuộc DN lớn, chủ yếu đào tạo nhân lực cho DN, bao gồm cả các DN trong các khu công nghiệp. Điển hình như: Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore (Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore, Bình Dương), Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất (Khu Kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi), Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải (Khu Phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, Quảng Nam)…
Sự tham gia của DN vào đào tạo nghề còn thể hiện ở nhiều hình thức khác, như: trao đổi, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở dạy nghề và DN; trao đổi thông tin giữa cơ sở dạy nghề và DN; hỗ trợ của DN với sinh viên học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của DN, đưa học sinh đến thực tập tại DN.
Ngoài ra, còn có các hình thức hợp tác như: tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề GDNN thăm quan tìm hiểu về DN, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp, mời chuyên gia DN về giảng dạy; DN cấp học bổng cho sinh viên, tài trợ thiết bị dạy nghề đào tạo nghề cho nhà trường; hợp tác xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo; tham gia xây dựng chương trình đào tạo...
Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua, việc phối hợp giữa cơ sở GDNN và DN vẫn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đạt như kỳ vọng. Theo Tổng cục GDNN, trong giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ DN có đào tạo nghề cho lao động chiếm rất thấp (tỷ lệ chung là 36,29% và thấp nhất là các DN ngoài nhà nước 30,18%) (Nguyễn Thị Hải Yến, 2022).
Hình thức tiếp nhận học viên thực tập tại DN và của lao động của DN đến học tại cơ sở GDNN được nhiều DN thực hiện hơn là các hình thức hợp tác khác. Tuy nhiên, chỉ có gần 5% số DN thực hiện và cao nhất là DN nhà nước cũng chỉ có gần 14% số DN nhà nước thực hiện (Viết Phương, 2021).
Việc DN tham gia xây dựng tiêu chuẩn nghề, chuẩn đầu ra, danh mục ngành/nghề đào tạo và xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở GDNN còn rất hạn chế. Hơn nữa, mặc dù đã có các chính sách khuyến khích các DN tham gia vào công tác dạy nghề, tuy nhiên, trên thực tế, có những DN không hề biết đến chính sách này.
Bên cạnh đó, còn thiếu các phương pháp và công cụ để các cơ sở dạy nghề tổ chức theo dõi, thu thập thông tin về học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp cũng như tiếp nhận thông tin từ phía các DN để thay đổi phương pháp và nội dung đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của DN. Việc phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động vẫn còn hạn chế.
Một số chương trình hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với DN tuy đã được ký kết, nhưng chưa có nhiều hoạt động, chưa tìm ra được cơ chế hoạt động hiệu quả. Phần lớn các DN chưa được tham gia và đóng góp ý kiến vào xây dựng chương trình đào tạo, hoạt động dạy nghề còn nhiều hạn chế…
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Nhằm nâng cao sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo nghề và DN, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
- Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách mới hoặc bất cập trong các văn bản luật có liên quan đến GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên, tạo điều kiện tốt nhất để thanh niên dễ dàng học nghề và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Xây dựng cơ chế phối hợp và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là chính sách phổ cập nghề cho thanh niên; công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học tại các trường trung cấp, trường cao đẳng. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích DN tham gia hoạt động GDNN, như: ưu đãi về tài chính, thuế, ưu đãi đầu tư, xếp hạng DN, phúc lợi xã hội…
- Quy hoạch ổn định các cơ sở đào tạo nghề cho phù hợp yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Chú trọng sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở đào tạo nghề DN nơi sử dụng nguồn nhân lực. Cung cấp thông tin về thị trường lao động; Xây dựng dự báo nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo theo cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương theo từng giai đoạn.
- Chỉ đạo rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN theo các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau khi được sắp xếp lại; thúc đẩy phát triển cơ sở GDNN có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo.
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên.
Đối với các cơ sở đào tạo nghề
- Chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên giảng dạy đủ về số lượng, đạt về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao về trình độ và chất lượng chuyên môn lẫn kỹ năng giảng dạy; đáp ứng hiệu quả yêu cầu cả về quy mô lẫn chất lượng đào tạo. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao chất lượng đào tạo thu hút học sinh.
- Bổ sung nghiệp vụ sư phạm cho các chuyên gia, kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao đã và đang làm việc tại các DN để trở thành nhà giáo, GDNN.
Ngoài ra, tăng cường các hình thức liên kết, trao đổi giảng viên giữa các trường danh tiếng nhằm nâng cao phương pháp sư phạm, kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy của giảng viên. Ký các hợp đồng “đặt hàng” cho giảng viên tham gia giảng dạy tại các DN trong các chuyên đề nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, cập nhật kiến thức, huấn luyện đào tạo kinh doanh… cho nhân viên của DN.
- Cần thiết phải có sự tham gia của DN trong hoạt động biên soạn, sửa đổi chương trình đào đạo vì chỉ có DN mới hiểu rõ mình cần những kiến thức, kỹ năng gì ở nhân viên mình để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Từ đó, các cơ sở đào tạo nghề có thể nắm bắt sát hơn những yêu cầu và nhu cầu tìm việc trên thị trường để có các giải pháp tích cực nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của DN góp phần giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
- Kết nối sự tham gia của đoàn thanh niên và hội liên hiệp thanh niên vào chương trình sinh viên khởi nghiệp. Thương mại hóa các ý tưởng, phát minh sáng chế công nghệ của sinh viên cho DN khi các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên có tính ứng dụng cao, từ đó nâng cao uy tín của cơ sở đào tạo và sinh viên có nhiều hơn các cơ hội gắn kết ngày càng chặt chẽ với DN.
Đối với các DN
Việc hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề là cách hữu hiệu để tuyển dụng được nguồn lao động tốt đáp ứng yêu cầu sử dụng và thể hiện trách nhiệm xã hội của DN, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho sinh viên, đồng thời quảng bá thương hiệu cho DN. Từ đó có thể thu hút được nhân tài đến với DN và nhận được lòng trung thành của nhân viên hơn. Vì vậy, các DN cần:
- Chủ động cử chuyên viên, chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành nghề tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành tại cơ sở GDNN hoặc tại DN. Đồng thời đưa các giảng viên, cán bộ quản lý đến DN học tập, học hỏi kinh nghiệm hoặc trao đổi những vướng mắc giữa chương trình đào tạo và yêu cầu của thực tế, nâng cao hơn nữa kỹ năng lao động cho sinh viên, góp phần đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của DN.
- Tham gia cùng với các cơ sở đào tạo nghề biên soạn chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, bảo vệ đồ án, luận văn tốt nghiệp... để chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của DN và xã hội.
- Tập trung nguồn lực để thu hút nhân tài theo hướng quan tâm đúng mức tới lợi ích kinh tế và danh dự cá nhân gắn với tinh thần dân tộc; thay đổi tiêu chí, chế độ tuyển dụng, đãi ngộ; thực hiện dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân lực chất lượng cao, công bằng trong việc chọn lựa, thu dụng, giao việc cho người tài./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2023), Báo cáo về một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, truy cập từ https://www.molisa.gov.vn/baiviet/239158.
2. Nguyễn Thị Hải Yến (2022), Hoàn thiện cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/hoan-thien-co-che-thuc-day-doanh-nghiep-tham-gia-dao-tao-nghe.html.
3. Quốc hội (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp, số 74/2014/QH13, ngày 27/11/2014.
4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
5. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 10/2/2023 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6. Viết Phương (2021), Gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/gan-ket-chat-che-giua-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-va-doanh-nghiep.html.
Nguyễn Đức Thịnh
Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)đa