Cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam

Quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học, nếu biết tận dụng những cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, thì sẽ diễn ra thuận tiện và hiệu quả hơn.

ThS. Nguyễn Tiến Mạnh

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên

Email: ntmanh@ictu.edu.vn

Tóm tắt

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. Để thăng hạng trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và quản lý, thu hút người học, các trường đại học phải tiến hành chuyển đổi. Chuyển đổi số chính là để đáp ứng yêu cầu mới của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng sáng tạo, tiếp thu nhanh trình độ khoa học - công nghệ trên thế giới phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bài viết phân tích thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay, chỉ ra những cơ hội và thách thức nhằm giúp các nhà quản trị kịp thời điều chỉnh các chiến lược, chính sách giáo dục, thúc đẩy giáo dục đại học phát triển.

Từ khóa: Chuyển đổi số, cơ sở giáo dục đại học, đào tạo trực tuyến

Summary

Digital transformation is an inevitable trend in higher education in Vietnam today. To improve national and international rankings, enhance education, training and management quality, and attract learners, universities must undergo digital transformation. This shift is essential to meet new demands for developing high-quality human resources capable of innovation and quickly absorbing global scientific and technological advancements to serve national development in the current period. This paper analyzes the current state of digital transformation in higher education, identifies opportunities and challenges, and provides insights for university administrators to timely adjust strategies and educational policies, thereby promoting the advancement of higher education.

Keywords: Digital transformation, higher education institutions, online training

ĐẶT VẤN ĐỀ

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế diễn ra gần như trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Giáo dục đại học, một bộ phận trong nền giáo dục quốc dân, tất yếu không phải ngoại lệ. CĐS trong giáo dục giúp tạo ra môi trường học tập nơi mà mọi thứ kết nối với nhau. Sự kết hợp mới mẻ của công nghệ, bảo mật nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý để tạo ra trải nghiệm trong học tập, đồng thời tăng cường sự tương tác giữa mọi người. CĐS được nhiều nhà nghiên cứu kỳ vọng như một hệ sinh thái đào tạo hiện đại với nhiều thách thức mới, cơ hội mới.

Mục tiêu của giáo dục đại học được khẳng định trong Luật Giáo dục đại học năm 2012 là “để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo”. Để bảo đảm được yêu cầu theo Khung trình độ quốc gia cũng như hướng tới mục tiêu chung của giáo dục đại học, các trường, học viện luôn luôn phải tìm tòi, đổi mới cách thức tổ chức hoạt động chuyên môn, trong đó quan trọng nhất là giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khi các hoạt động chuyên môn có sự chuyển mình, thì lãnh đạo các trường cũng phải thay đổi phương thức quản trị. Trong bối cảnh đó, CĐS đóng vai trò là yếu tố quan trọng tham gia và ảnh hưởng đáng kể tới những thay đổi bên trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HIỆN NAY

Về chính sách và định hướng

CĐS trong giáo dục đại học luôn nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết định số 131/QĐ-TTg, ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó nhấn mạnh đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; đến năm 2030, 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.

Hay Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT, ngày 30/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá CĐS cơ sở giáo dục đại học với mục tiêu thúc đẩy CĐS ở các cơ sở giáo dục đại học; Theo dõi đánh giá khách quan, thực chất, công bằng kết quả CĐS trong các cơ sở giáo dục đại học; Phát hiện các điển hình, mô hình CĐS làm tốt để nhân rộng, tạo phong trào thực hiện CĐS trong giáo dục đại học.

Gần nhất, ngày 14/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4324/BGDĐT-CNTT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS và thống kê giáo dục năm học 2024-2025. Trong đó nêu cụ thể nhiệm vụ trọng tâm khi ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS và thống kê giáo dục năm học 2024-2025 gồm: CĐS trong dạy, học và đánh giá; CĐS trong quản trị các cơ sở giáo dục và xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục; Tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục.

Về hạ tầng công nghệ và dữ liệu

Đến năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đại học (HEMIS) với 470 cơ sở đào tạo, hơn 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ và gần 3 triệu hồ sơ người học. Trong khuôn khổ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022, dữ liệu ngành giáo dục đã được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia như: cơ sở dữ liệu dân cư (xác thực 98% hồ sơ giáo viên, học sinh), cơ sở dữ liệu bảo hiểm (đồng bộ thông tin việc làm của hơn 97.000 sinh viên mỗi năm) và cơ sở dữ liệu công chức, viên chức (gần 18.000 hồ sơ viên chức).

Về tuyển sinh và văn bằng số

Từ năm 2020, quy trình tuyển sinh đại học được thực hiện trực tuyến với quy mô khoảng 700.000 thí sinh và hơn 3,5 triệu nguyện vọng mỗi năm. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thí điểm triển khai học bạ số và văn bằng điện tử, hướng tới số hóa toàn diện dữ liệu học tập.

Về ứng dụng công nghệ trong đào tạo

Hiện nay, nhiều trường đại học đã và đang tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hệ thống quản lý học tập và giảng dạy trực tuyến thông qua nền tảng và công cụ kỹ thuật số (như: Coursera, edX, Udemy…) ngày càng phổ biến, giúp sinh viên có thể học tập linh hoạt hơn, ở mọi lúc mọi nơi. Các giáo trình điện tử thay thế sách giáo khoa truyền thống giúp tiết kiệm giấy và dễ dàng cập nhật nội dung. Các ứng dụng như: Kindle, iBooks, Google Play Books hỗ trợ đọc sách điện tử trên các thiết bị di động. Bên cạnh đó, các hệ thống phần mềm quản lý học tập như: Moodle, Blackboard, Canvas..., hỗ trợ giáo viên quản lý khóa học, đánh giá và theo dõi tiến độ của học viên một cách dễ dàng và hiệu quả.

Các công cụ hợp tác trực tuyến sử dụng các ứng dụng như: Google Classroom, Microsoft Teams, Zoom... giúp giáo viên và học viên tương tác, học tập cùng nhau một cách linh hoạt và hiệu quả. Các ứng dụng hỗ trợ học tập như: Quizlet, Duolingo..., giúp học viên rèn luyện kỹ năng và kiến thức thông qua các bài tập và hoạt động trực tuyến thú vị. Ngoài ra, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy để phân tích dữ liệu học tập, đưa ra gợi ý cá nhân hóa, cải thiện chất lượng giảng dạy và hỗ trợ quá trình học tập của học viên cũng được đẩy mạnh. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) vào giáo dục, giúp học viên trải nghiệm môi trường học tập sinh động, tương tác và gần gũi hơn với thực tế.

Cho đến nay, nhiều trường đại học trên cả nước như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh… đã đẩy mạnh CĐS trong công tác dạy và học trong nhà trường và đã thu được những kết quả nhất định.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Cơ hội

CĐS trong giáo dục đại học là sự kết hợp giữa công nghệ và chiến lược đào tạo. Đây không chỉ là xu hướng phát triển, mà còn là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, tối ưu hóa quản lý và đáp ứng nhu cầu của người học trong kỷ nguyên số. Theo đó, CĐS trong giáo dục đại học mở ra các cơ hội như:

- Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho người học ở mọi vùng miền. Điều này giúp phá vỡ rào cản địa lý và tạo điều kiện cho sinh viên ở các khu vực nông thôn, miền núi được tiếp cận với chương trình đào tạo hiện đại, giảng viên giỏi và học liệu quốc tế, từ đó nâng cao bình đẳng trong giáo dục.

- Nâng cao hiệu quả quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học thông qua công nghệ số. Các công cụ quản lý học tập (LMS), dữ liệu lớn (Big Data), AI giúp giảng viên và nhà trường đánh giá chính xác năng lực người học, tối ưu hóa chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ nguồn lực học liệu số giữa các trường. Môi trường số tạo điều kiện thuận lợi để các trường hợp tác đào tạo từ xa, chia sẻ bài giảng, học liệu và thực hiện các dự án nghiên cứu liên kết, góp phần nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trên bản đồ giáo dục toàn cầu.

- Phát triển năng lực số cho sinh viên và đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động toàn cầu. CĐS không chỉ thay đổi phương pháp giảng dạy, mà còn đòi hỏi sinh viên và giảng viên phải thành thạo các công cụ kỹ thuật số, kỹ năng học tập suốt đời và năng lực thích ứng với công nghệ mới.

Về bản chất, giá trị cốt lõi của giáo dục đại học không bị thay đổi, CĐS chỉ tập trung vào việc hiện đại hóa các hoạt động thông qua công nghệ và nền tảng số, giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của các cơ sở giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa. CĐS làm giảm bớt lối dạy học truyền thống thiên về thuyết giảng, thúc đẩy năng lực tự học, mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức. Khi được áp dụng và tiến hành phù hợp, CĐS mang lại vô số lợi ích trong lĩnh vực giáo dục đại học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tối ưu hóa hoạt động quản lý và tạo dựng môi trường học tập hiện đại.

Thách thức

Hiện nay, công tác CĐS trong hệ thống giáo dục đại học vẫn đang diễn ra với nhiều nỗ lực, tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn tồn tại một số thách thức. Cụ thể:

- Cơ sở hạ tầng chưa đồng đều giữa các vùng, nhất là ở các cơ sở nhỏ và khu vực khó khăn. Việc thiếu kết nối internet tốc độ cao, trang thiết bị hiện đại và nền tảng công nghệ đồng bộ gây khó khăn trong việc triển khai các chương trình đào tạo trực tuyến, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, hải đảo.

- Năng lực công nghệ số của cán bộ, giảng viên còn hạn chế, thiếu chuyên gia về công nghệ giáo dục. Nhiều giảng viên vẫn quen với phương pháp dạy học truyền thống và chưa được trang bị kỹ năng sử dụng nền tảng số hiệu quả, làm giảm hiệu quả đào tạo khi áp dụng hình thức dạy học trực tuyến.

- Thiếu hụt tài chính đầu tư cho CĐS tại nhiều trường đại học công lập. Các nguồn lực tài chính phân bổ chưa đồng đều và thường phụ thuộc vào ngân sách nhà nước khiến nhiều cơ sở giáo dục khó triển khai các dự án CĐS quy mô lớn.

- Vấn đề bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu chưa được đảm bảo. Hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân, học tập và nghiên cứu khoa học tại nhiều trường chưa đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế, gây nguy cơ rò rỉ thông tin và ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người học.

KẾT LUẬN

CĐS trong giáo dục đại học Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự đổi mới căn bản và toàn diện. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức, cần có chiến lược dài hạn, sự đầu tư đồng bộ về công nghệ, nhân lực và thể chế. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để CĐS trong giáo dục đại học đạt hiệu quả cao và bền vững.

Ngoài ra, quá trình CĐS muốn diễn ra thành công cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cũng như sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, giảng viên và sinh viên để vượt qua những khó khăn, thử thách liên quan đến chính sách, cơ sở vật chất và truyền thông... Vì vậy, tận dụng những cơ hội, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức, thì quá trình CĐS trong giáo dục đại học mới diễn ra thuận tiện và hiệu quả hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022). Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT, ngày 30/12/2022 ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học.

2. Châu An (2019). Chuyển đổi số là gì?, truy cập từ https://vnexpress.net/chuyen-doi-so-la-gi-3921707.html.

3. Nguyễn Hữu Đức (2020). Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, truy cập từ https://nhandan.vn/doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-post624021.html.

4. Nguyễn Thị Ngọc (2022). CĐS trong giáo dục đại học: Những cơ hội và thách thức đối với đội ngũ giảng viên, truy cập từ https://congdankhuyenhoc.vn/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-dai-hoc-nhung-co-hoi-va-thach-thuc-voi-doi-ngu-giang-vien-179221216005911398.htm.

5. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020 ban hành Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

6. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 131/QĐ-TTg, ngày 25/01/2022 phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

7. Trung tâm Truyền thông Giáo dục (2021). Tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, truy cập từ https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7201.

Ngày nhận bài: 20/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 26/5/2025; Ngày duyệt đăng: 27/5/2025