Chất lượng đào tạo chương trình cử nhân tài năng: Đánh giá từ mức độ hài lòng của sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế

Nghiên cứu nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ đào tạo chương trình cử nhân tài năng dựa trên mức độ hài lòng của sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế.

ThS. Trần Thị Khánh Linh

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế

Email: tranklinh@hce.edu.vn

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm đánh giá chất lượng dịch vụ đào tạo chương trình cử nhân tài năng dựa trên mức độ hài lòng của sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Với phương pháp định lượng, nghiên cứu đã xác định 5 nhân tố chính ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên gồm: Môi trường học tập, Chương trình đào tạo, Cơ sở vật chất, Chất lượng giảng dạy và Dịch vụ hỗ trợ sinh viên. Phát hiện này không chỉ cung cấp bằng chứng thực nghiệm về thực trạng đào tạo các chương trình cử nhân tài năng tại Trường Đại học Kinh tế mà còn đóng góp vào lý luận về sự hài lòng trong giáo dục chất lượng cao, đồng thời đưa ra khuyến nghị thiết thực cho các nhà quản lý giáo dục. Dựa trên kết quả này, nghiên cứu đề xuất 5 nhóm giải pháp chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo và cải thiện mức độ hài lòng của sinh viên.

Từ khóa: Chất lượng đào tạo, chương trình cử nhân tài năng, sự hài lòng của sinh viên

Summary

This study aims to assess the quality of educational services in the Talented Bachelor’s Program based on student satisfaction at the University of Economics, Hue University. Using a quantitative research approach, the study identifies five key factors affecting student satisfaction: Learning Environment, Curriculum, Facilities, Teaching Quality, and Student Support Services. These findings not only provide empirical evidence on the current state of the Talented Bachelor’s Program at the University of Economics but also contribute to the theoretical framework of satisfaction in high-quality education. Additionally, the study offers practical recommendations for educational administrators. Based on the results, five strategic solution groups are proposed to enhance training service quality and improve student satisfaction.

Keywords: Education quality, talented bachelor’s program, student satisfaction

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình cử nhân tài năng (CNTN), chất lượng cao được thiết kế nhằm bồi dưỡng những sinh viên xuất sắc, có khả năng tư duy đột phá và kỹ năng chuyên sâu. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của các chương trình này, việc đánh giá chất lượng đào tạo từ góc độ người học, cụ thể là mức độ hài lòng của sinh viên, trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, là một trong những cơ sở đào tạo trọng điểm khu vực miền Trung đã và đang triển khai các chương trình cử nhân tài năng CNTN nhằm thu hút và phát triển những cá nhân có năng lực vượt trội. Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng việc hiểu rõ những yếu tố thực sự tác động đến sự hài lòng của sinh viên các chương trình CNTN vẫn còn là một khoảng trống nghiên cứu cần được lấp đầy. Sự hài lòng của sinh viên không chỉ phản ánh chất lượng hiện tại của đào tạo mà còn là chỉ số quan trọng dự báo về uy tín, khả năng thu hút người học và sự phát triển bền vững của nhà trường trong tương lai. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá chi tiết chất lượng đào tạo chương trình CNTN tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế dựa trên mức độ hài lòng của sinh viên. Thông qua việc xác định các nhân tố ảnh hưởng và mức độ tác động của chúng, nghiên cứu sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện và bằng chứng thực nghiệm, từ đó đề xuất các giải pháp khoa học và khả thi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần cải thiện sự hài lòng của sinh viên, đảm bảo mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Kết quả nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật mà còn mang lại giá trị thực tiễn quan trọng cho các nhà quản lý giáo dục trong việc xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho các chương trình đào tạo có chất lượng cao hơn chương trình chuẩn.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Chất lượng dịch vụ đào tạo

Chất lượng dịch vụ đào tạo là khái niệm đa diện, phản ánh mức độ đáp ứng và vượt trội kỳ vọng của sinh viên trong trải nghiệm giáo dục. Khái niệm này phát triển từ lý thuyết chất lượng dịch vụ chung, tập trung vào việc tạo giá trị và sự hài lòng cho người học. Mô hình lý thuyết SERVQUAL thường được dùng để đánh giá chất lượng dịch vụ đào tạo, bao gồm các chiều kích cảm nhận: sự hữu hình (cơ sở vật chất), tin cậy (thực hiện dịch vụ đúng cam kết), năng lực đáp ứng (sẵn lòng giúp đỡ), đảm bảo (năng lực và thái độ đội ngũ) và đồng cảm (thấu hiểu nhu cầu cá nhân) (Parasuraman và cộng sự, 1988). Ngoài ra, chất lượng chương trình, năng lực giảng viên, môi trường học tập và hiệu quả dịch vụ hỗ trợ cũng ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ đào tạo (Elliott và Healy, 2001). Chất lượng dịch vụ đào tạo đóng vai trò then chốt trong việc thu hút, giữ chân sinh viên và nâng cao uy tín cơ sở giáo dục. Do đó, nghiên cứu và đánh giá chất lượng dịch vụ đào tạo đại học mang ý nghĩa thiết yếu cho sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục.

Sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo

Sự hài lòng của sinh viên (SHLSV) là chỉ báo cốt lõi về khả năng đáp ứng kỳ vọng của cơ sở giáo dục (Elliott và Healy, 2001). Với vị thế sinh viên là khách hàng chính trong giáo dục, SHLSV phản ánh việc đáp ứng nhu cầu học thuật và mục tiêu cá nhân, tác động trực tiếp đến danh tiếng của nhà trường. Nghiên cứu của Basheer và Alnaser (2012) cùng các công trình gần đây (Al-Dmour và cộng sự, 2024) đều khẳng định mối tương quan tích cực giữa chất lượng dịch vụ đào tạo và SHLSV. Đây là yếu tố then chốt thúc đẩy sự gắn bó, giữ chân sinh viên và củng cố hình ảnh nhà trường. Sinh viên hài lòng có xu hướng học tập tích cực và trở thành đại sứ thương hiệu tiềm năng. Ngược lại, sự không hài lòng có thể dẫn đến giảm động lực, thay đổi môi trường học tập và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín trường. Do đó, đánh giá và cải thiện liên tục sự hài lòng là chiến lược thiết yếu giúp các cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chất lượng bền vững và thích ứng với yêu cầu của xã hội và thị trường lao động.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên

Các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng, SHLSV đối với chất lượng dịch vụ đào tạo đại học là một chỉ số quan trọng, phản ánh hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng được xem xét khá đa dạng. Trong các nghiên cứu quốc tế, SHLSV được đánh giá dựa trên môi trường học tập, chất lượng giảng dạy và mức độ hỗ trợ từ nhà trường (Babar và Kashif, 2010; Vasiliki và cộng sự, 2015). Tại Việt Nam, một số nghiên cứu gần đây đã tập trung vào việc đo lường SHLSV đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao. Các yếu tố như cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy và các dịch vụ hỗ trợ được xem là quan trọng (Hà Nam Khánh Giao và Trần Thị Mỹ Vân, 2020; Đinh Thị Hồng Vân và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu còn hạn chế trong việc phân tích tác động của từng yếu tố đến sự hài lòng tổng thể và chưa thấy nghiên cứu nào đề cập đến SHLSV tại các chương trình CNTN. Nghiên cứu này sẽ đi sâu phân tích dữ liệu thực tế để cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến SHLSV trong các chương trình này, từ đó đóng góp vào việc phát triển chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Dựa trên các thang đo chất lượng dịch vụ hiện có, nghiên cứu xác định 5 yếu tố chính tác động đến SHLSV, bao gồm: chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, dịch vụ hỗ trợ sinh viên và môi trường học tập.

Những yếu tố này có thể tác động độc lập hoặc tương tác, ảnh hưởng trực tiếp đến SHLSV. Nghiên cứu sẽ định lượng mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố để đề xuất giải pháp cải thiện phù hợp.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Dựa trên phân tích tổng hợp các nghiên cứu hiện có và kết quả khảo sát định tính từ ý kiến chuyên gia, mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên chương trình CNTN tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế được đề xuất như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Chất lượng đào tạo chương trình cử nhân tài năng: Đánh giá từ mức độ hài lòng của sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế

Nguồn: Tác giả đề xuất

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phát triển công cụ khảo sát định lượng

Nghiên cứu thu thập dữ liệu kiểm định giả thuyết bằng bảng hỏi sử dụng thang đo Likert 5 mức độ. Đối với chất lượng dịch vụ, thang đo dao động từ 1 (Hoàn toàn không đồng ý) đến 5 (Hoàn toàn đồng ý). Đối với sự hài lòng, thang đo từ 1 (Hoàn toàn không hài lòng) đến 5 (Hoàn toàn hài lòng).

Chọn mẫu và thu thập dữ liệu

Nghiên cứu định lượng này được tiến hành trên đối tượng là sinh viên các chương trình CNTN từ Khóa 55 đến Khóa 57 của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Giai đoạn tiền nghiên cứu bao gồm phỏng vấn sâu có cấu trúc bán phần với 1-2 sinh viên đại diện ngẫu nhiên từ mỗi khóa nhằm thu thập thông tin sơ bộ, phục vụ cho việc xây dựng bảng hỏi chính thức. Đối tượng khảo sát chính thức được giới hạn ở sinh viên từ năm thứ hai trở lên với giả định rằng sinh viên đã trải qua tối thiểu 2 học kỳ tại trường sẽ có đủ kinh nghiệm để đưa ra đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn về chất lượng dịch vụ đào tạo so với sinh viên năm thứ nhất.

Tổng thể nghiên cứu (N) bao gồm 243 sinh viên chương trình CNTN từ Khóa 55 đến Khóa 57 (dữ liệu thống kê số lượng nhập học từ Phòng Đào tạo đại học, loại trừ sinh viên thôi học và bảo lưu). Kích thước mẫu tối thiểu (n) cho nghiên cứu được xác định thông qua công thức Yamane (1967):

Chất lượng đào tạo chương trình cử nhân tài năng: Đánh giá từ mức độ hài lòng của sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế

Với sai số tiêu chuẩn (e) là 0,05, tìm được kích thước mẫu tối thiểu cần thiết cho nghiên cứu là 152 sinh viên.

Đã có 200 bảng hỏi được in ra và gửi trực tiếp cho sinh viên các chương trình CNTN từ khóa K55 đến khóa K57 đang học tại trường. Kết quả thu về 178 phiếu trả lời hợp lệ, đạt 89%. Tỷ lệ sinh viên tham gia khảo sát từ các khóa và chuyên ngành tương đối đồng đều so với tổng thể.

Kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Để xác định tầm quan trọng của các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ đào tạo, mô hình hồi quy tuyến tính bội với 5 biến độc lập: (1) Chất lượng giảng dạy; (2) Chương trình đào tạo; (3) Cơ sở vật chất; (4) Dịch vụ hỗ trợ sinh viên; (5) Môi trường học tập và một biến phụ thuộc là Sự hài lòng.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Thông tin chung của mẫu

Trong 178 mẫu đưa vào phân tích, tỷ lệ nữ tham gia khảo sát chiếm 55,6%, còn lại là nam. Trong số đó, sinh viên năm thứ hai (K57) chiếm 22,5%, sinh viên năm thứ 3 (K56) chiếm 44,9%, sinh viên năm thứ 4 (K55) chiếm 33,6%. Tỷ lệ này phù hợp với tỷ lệ sinh viên đã nhập học tại trường. Tỷ lệ sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tham gia khảo sát chiếm 61,8%; sinh viên ngành Kế hoạch đầu tư chiếm 16,9% và sinh viên ngành Kiểm toán chiếm 21,3%.

Kiểm tra độ tin cậy thang đo

Hệ số Cronbach's Alpha của 6 nhân tố được thể hiện trong Bảng 1. Tất cả các nhân tố này đều có giá trị Cronbach's Alpha > 0,7. Các biến đề xuất được đánh giá là đáng tin cậy và phù hợp để sử dụng trong các phân tích tiếp theo.

Bảng 1: Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo

Nhân tố

Kí hiệu

Số biến quan sát

Hệ số Cronbach’s Alpha

Chất lượng giảng dạy

CLGD

6

0,927

Chương trình đào tạo

CTDT

4

0,902

Cơ sở vật chất

CSVC

5

0,902

Dịch vụ hỗ trợ sinh viên

DVHT

4

0,885

Môi trường học tập

MTHT

4

0,880

Sự hài lòng

SHL

6

0,936

Nguồn: Kết quả xử lý từ phần mềm SPSS,2025

Phân tích nhân tố khám phá

Nghiên cứu đã thực hiện phân tích nhân tố khám phá (EFA) để kiểm định tính hội tụ và giá trị phân biệt của các biến quan sát trong từng nhóm nhân tố. Kết quả cho thấy:

Đối với các biến độc lập: Hệ số Kaiser-Meyer-Olkin (KMO) đạt 0,896 (> 0,5), cho thấy dữ liệu phù hợp để thực hiện phân tích nhân tố. Kiểm định Bartlett cho giá trị Sig. bằng 0,000 ( 50%). Những kết quả này xác nhận sự phù hợp thống kê của mô hình EFA và tính liên kết chặt chẽ giữa các nhóm biến.

Đối với biến phụ thuộc: Hệ số KMO là 0,883 (> 0,5) và giá trị Sig. của kiểm định Bartlett là 0,000 (> 0,05).

Những kết quả này chứng minh rằng các nhân tố trong mô hình đều có giá trị đại diện và đáp ứng các tiêu chí thống kê cần thiết để tiếp tục phân tích hồi quy.

Kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Bảng 2: Kết quả hồi quy

Mô hình

Hệ số Beta chưa chuẩn hóa

Hệ số chuẩn hóa

t

Sig.

Hệ số phóng đại phương sai (VIF)

B

Sai số chuẩn

Beta

(Constant)

-1,199

0,269

-4,452

0,000

MTHT

0,292

0,071

0,255

4,117

0,000

1,836

CSVC

0,254

0,062

0,228

4,084

0,000

1,494

CTDT

0,218

0,051

0,212

4,269

0,000

1,179

CLGD

0,264

0,063

0,229

4,203

0,000

1,419

DVHT

0,237

0,059

0,210

4,003

0,000

1,314

R2 điều chỉnh: 0,631

Nguồn: Kết quả xử lý từ phần mềm SPSS, 2025

Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến sự hài lòng của sinh viên các chương trình CNTN đối với chất lượng dịch vụ đào tạo, nghiên cứu đã xây dựng mô hình hồi quy tuyến tính bội. Mô hình này bao gồm 5 biến độc lập: (1) Chất lượng giảng dạy, (2) Chương trình đào tạo, (3) Cơ sở vật chất, (4) Dịch vụ hỗ trợ và (5) Môi trường học tập, cùng với biến phụ thuộc là Sự hài lòng. Kết quả kiểm định thể hiện qua Bảng 2. Với giá trị R2 điều chỉnh là 0,631, nghĩa là mô hình hồi quy đã xây dựng phù hợp với tập dữ liệu nghiên cứu và 63,1% sự biến thiên của SHL của sinh viên được giải thích thông qua các nhóm biến CLGD, CTDT, CSVC, DVHT, MTHT. Hệ số phóng đại phương sai (VIF) đều

Từ kết quả phân tích hồi quy ta có phương trình:

SHL = 0,255*MTHT + 0,229*CLGD + 0,228*CSVC + 0,212*CTDT + 0,210*DVHT

Các hệ số trong mô hình hồi quy được sử dụng để xác định mức độ ảnh hưởng, mức độ phụ thuộc của SHL vào các yếu tố CLGD, CTDT, CSVC, DVHT, MTHT. Theo Bảng 2, các hệ số hồi quy (Beta) đều có giá trị dương, khẳng định 5 nhân tố nghiên cứu đều có ảnh hưởng trực tiếp và cùng chiều đến Sự hài lòng của sinh viên.

Thảo luận

Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy có thể giải thích đến 63,1% sự biến thiên của SHLSV các chương trình CNTN thông qua 5 nhân tố Chất lượng giảng dạy, Chương trình đào tạo, Cơ sở vật chất, Dịch vụ hỗ trợ sinh viên, Môi trường học tập. Kết quả nghiên cứu phù hợp với kết quả phân tích về các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và SHLSV của Vasiliki và cộng sự (2015), Nguyễn Minh Tân và cộng sự (2023), Nguyễn Trung Kiên (2025). Điều này làm tăng sức mạnh và tính thuyết phục của mô hình đánh giá SHLSV đối với các chương trình đào tạo các CNTN. Theo đó, SHLSV các chương trình CNTN phụ thuộc nhiều nhất vào nhân tố Môi trường học tập, sau đó đến các yếu tố Chất lượng giảng dạy, Cơ sở vật chất, Chương trình đào tạo và Dịch vụ hỗ trợ sinh viên.

KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết luận

Nghiên cứu đã xác định 5 nhân tố cốt lõi ảnh hưởng đến SHLSV các CNTN. Việc triển khai các giải pháp được đề xuất một cách đồng bộ và chiến lược trên các khía cạnh này là yếu tố then chốt. Bằng cách tập trung vào xây dựng môi trường học thuật ưu việt, thiết kế chương trình đào tạo chuyên sâu và linh hoạt, nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, phát triển đội ngũ giảng viên xuất sắc và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, cơ sở đào tạo không chỉ đáp ứng mà còn vượt xa kỳ vọng của nhóm sinh viên ưu tú. Điều này không chỉ nâng cao đáng kể mức độ hài lòng của họ mà còn góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường lao động.

Một số hàm ý quản trị

Dựa vào kết quả nghiên cứu, để nâng cao SHLSV về chất lượng dịch vụ đào tạo các chương trình CNTN của nhà trường, nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị cụ thể sau:

Nâng cao chất lượng môi trường học tập: Xây dựng không gian học thuật cạnh tranh, kích thích sáng tạo và tự học (khu vực học nhóm, phòng thực hành tiên tiến, không gian nghiên cứu cá nhân), đồng thời khuyến khích tham gia câu lạc bộ học thuật và dự án nghiên cứu.

Tối ưu hóa chương trình đào tạo: Thiết kế và cập nhật liên tục chương trình chuyên sâu, liên ngành, định hướng quốc tế, tập trung phát triển kỹ năng nghiên cứu, tư duy phản biện và thích ứng toàn cầu. Khuyến khích học phần tự chọn linh hoạt, thực tập và tham vấn chuyên gia.

Cải thiện cơ sở vật chất: Đầu tư vượt trội vào cơ sở vật chất và công nghệ hiện đại (phòng học thông minh, thư viện điện tử phong phú) nhằm tạo không gian học tập và nghiên cứu đẳng cấp, truyền cảm hứng.

Phát triển chất lượng đội ngũ giảng dạy: Thu hút và phát triển giảng viên là chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghiên cứu xuất sắc. Thực hiện chính sách thu hút giảng viên có học vị cao, kinh nghiệm quốc tế; khuyến khích nghiên cứu và công bố quốc tế; tăng cường bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tương tác và cố vấn chuyên sâu.

Nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ sinh viên: Chuyên biệt hóa và tối ưu hóa các dịch vụ hỗ trợ (tư vấn học thuật, cố vấn nghề nghiệp, hỗ trợ học bổng, trao đổi sinh viên, hỗ trợ tâm lý và kết nối cựu sinh viên) để đáp ứng nhu cầu đặc thù của sinh viên các chương trình CNTN.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này sẽ tạo hệ sinh thái giáo dục toàn diện, nâng cao đáng kể sự hài lòng của sinh viên và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người học. Điều này không chỉ đáp ứng mà còn vượt xa mong đợi của sinh viên, từ đó góp phần nâng cao đáng kể sự hài lòng của họ đối với chất lượng dịch vụ đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

1. Al-Dmour, R. H., Salameh, M. H., & Al-Quraan, Z. (2024). The impact of university service quality on student satisfaction: The mediating role of perceived value. Journal of Higher Education Policy and Management, 46(1), 11-28.

2. Babar, Z. B., & Kashif, U. R. (2010). A study examining the student satisfaction in higher education. Article in Procedia - Social and Behavioral Sciences, 2(2), 5446-5450.

3. Basheer, A., & Alnaser, A. S. M. (2012). Assessing the relationship between higher education service quality dimensions and student satisfaction, Australian Journal of Basic and Applied Sciences, 6(1), 156-164.

4. Định Thị Hồng Vân và cộng sự (2021). Vietnamese Students’ Satisfaction toward Higher Education Service: The Relationship between Education Service Quality and Educational Outcomes. European Journal of Educational Research, Volume 10, Issue 3, 1397-1410.

5. Elliott, K. M. và Healy, M. A. (2001). Key factors affecting student satisfaction with their initial experience at a university. Journal of Marketing for Higher Education, 10(4), 1-16.

6. Hà Nam Khánh Giao, Trần Thị Mỹ Vân (2020). Sự hài lòng của sinh viên đại học về chất lượng dịch vụ đào tạo các môn Khoa học cơ bản tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn. Tạp chí Công thương, Số 4, tháng 3/2020, 114-119.

7. Nguyễn Minh Tân, Trần Hoàng Phúc và Phan Thanh Tùng (2023). Đánh giá sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ đào tạo tại Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật, (6), 55-65.

8. Nguyễn Trung Kiên (2025). Tác động của chất lượng dịch vụ đào tạo đến sự hài lòng của sinh viên tại Trung tâm Công nghệ Phần mềm Đại học Cần Thơ. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 6/2025.

7. Parasuraman, A., Zeithaml, V. A., và Berry, L. L. (1988). SERVQUAL: A multiple-item scale for measuring consumer perceptions of service quality. Journal of Retailing, 64(1), 12-40.

8. Vasiliki Vrana, George J. Karavasilis, Sotirios G. Dimitriadis (2015), , Int. J. Decision Sciences, Risk and Management, Vol. 6, No. 1. 80-102.

Ngày nhận bài: 26/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 01/7/2025; Ngày duyệt đăng: 03/7/2025