
Nhân viên làm việc tại nhà máy ở Mỹ (Ảnh: Bloomberg).
Tiếp theo việc áp thuế đối với một số quốc gia đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Mỹ từ ngay sau ngày nhậm chức, thuế đối ứng cao kỷ lục do Tổng thống Trump đưa ra ngày 2/4 vừa qua với hơn 180 đối tác kinh tế của Mỹ trên toàn thế giới và các biện pháp trả đũa từ các đối tác chủ chốt khiến cuộc chiến thương mại quốc tế leo thang chưa có hồi kết và đang làm thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu tồn tại suốt 80 năm qua.
Bảo hộ thương mại trở lại
Ngày 22/4/, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất với tựa đề "Thời điểm bước ngoặt giữa thay đổi chính sách". Ông Pierre-Olivier Gourinchas, Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế thế giới của IMF, đã nhấn mạnh: "Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới khi hệ thống kinh tế toàn cầu đã vận hành trong 80 năm qua đang được thiết lập lại".
Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF, đã cảnh báo: "Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt quan trọng, nơi các quyết định hiện tại sẽ định hình triển vọng kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới". Làn sóng thuế quan mới từ chính quyền Trump 2.0 không chỉ làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn làm lung lay nền tảng của hệ thống thương mại quốc tế hậu chiến tranh.
Thực tế là từ cuối tháng 1, một loạt các biện pháp thuế quan mới của Mỹ và các biện pháp đối phó từ các đối tác thương mại đã được công bố và thực hiện, đưa mức thuế quan lên mức chưa từng thấy trong một thế kỷ. Đây là một cú sốc đối với hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã được tự do hóa dần kể từ sau Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) năm 1947.
Chỉ trong vòng ít tuần, thế giới đã chứng kiến thuế quan của Mỹ đối với hàng Trung Quốc tăng lên tới 145%, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế trên 125% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Ảnh hưởng tới tăng trưởng, thương mại quốc tế và lạm phát toàn cầu
Mặc dù chỉ ít ngày sau khi công bố mức thuế đối ứng cao chưa từng có trong hơn một thế kỷ qua, ông Trump đã nhanh chóng tuyên bố tạm dừng áp dụng trong 90 ngày để tìm giải pháp với từng đối tác cụ thể. Tuy nhiên, tác động lên các nền kinh tế là không thể tránh khỏi và vẫn đang diễn biễn tiêu cực rất phức tạp, kể cả với chính nền kinh tế Mỹ.
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống còn 2,8% vào năm 2025 và 3% vào năm 2026, giảm đáng kể từ mức 3,3% dự báo cho cả hai năm trong báo cáo cập nhật WEO tháng 1/2025. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử (2000-19) là 3,7% và đánh dấu một sự suy giảm đáng lo ngại.
Tại các nền kinh tế phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 1,4% vào năm 2025. Đối với Mỹ, kinh tế tăng chậm lại chỉ còn 1,8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Điều này phản ánh rõ tác động ba mặt từ bất ổn chính sách gia tăng, căng thẳng thương mại và đà tăng nhu cầu yếu hơn. Khu vực đồng euro cũng đang hụt hơi với tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 0,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm.
Tại các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ xuống còn 3,7% vào năm 2025 và 3,9% vào năm 2026. Trung Quốc cũng không tránh khỏi vết thương, với dự báo tăng trưởng giảm xuống còn 4,0% vào năm 2025, giảm 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Đáng chú ý, tác động thực sự của thuế quan đối với kinh tế Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn (giảm 1,3 điểm phần trăm), nhưng được bù đắp một phần bởi các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã được công bố kể từ đầu năm. Đây là một minh chứng cho thấy chính sách trong nước có thể giảm nhẹ tác động tiêu cực từ bên ngoài, nhưng không thể triệt tiêu hoàn toàn.
Tác động của thuế quan đến thương mại rõ ràng nhất ở sự sụt giảm dự kiến của thương mại toàn cầu từ mức 3,8% năm ngoái xuống còn 1,7% năm nay, phản ánh sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với hàng nghìn container hàng hóa đang phải chuyển hướng hoặc bị trì hoãn do sự điều chỉnh đột ngột trong chính sách thương mại.
Về lạm phát toàn cầu, bức tranh có phần phức tạp hơn khi được dự báo là sẽ giảm với tốc độ chậm hơn một chút so với dự kiến vào tháng 1, đạt 4,3% trong năm 2025 và 3,6% trong năm 2026. Đặc biệt, lạm phát ở Mỹ dự kiến sẽ duy trì ở mức 3% trong năm 2025, không thay đổi so với năm trước đó, thay vì giảm xuống 2,0% như dự báo trong cập nhật WEO tháng 1. Điều này đặt Cục Dự trữ Liên bang FED vào một tình thế khó khăn, khi phải cân nhắc giữa việc tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng với việc duy trì chính sách thắt chặt để kiểm soát lạm phát.
Đối với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc hay Mexico, thuế quan đã gây giảm sốc về nhu cầu từ bên ngoài, kéo theo sản xuất suy giảm. Tại Tijuana ở Mexico, các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô đã phải sa thải khoảng 5.000 công nhân trong tháng 3 do đơn đặt hàng từ Mỹ sụt giảm. Tại Quảng Đông, Trung Quốc, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm 30% đã buộc hàng trăm nhà máy phải cắt giảm giờ làm việc hoặc đóng cửa tạm thời.
Tác động của thuế quan đến tỷ giá hối đoái cũng diễn ra rộng khá và phức tạp không kém. Trái với kỳ vọng truyền thống rằng thuế quan sẽ làm tăng giá đồng đôla Mỹ, thị trường đang chứng kiến một kịch bản khác: Đồng USD đã mất toàn bộ lợi thế đạt được trong quý cuối năm 2024.
Giáo sư Barry Eichengreen từ Đại học Berkeley nhận định: "Bất ổn chính sách, triển vọng tăng trưởng yếu hơn của Hoa Kỳ, và sự thay đổi trong cấu trúc cầu toàn cầu đối với tài sản đôla đang cùng nhau gây áp lực lên đồng bạc xanh".
Tác động đến đời sống và thị trường lao động
Cuộc chiến thuế quan đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân trên toàn cầu. Tại Mỹ, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp 4,2%, nhưng các dấu hiệu căng thẳng về nhiều mặt cũng đã xuất hiện, kể cả về đời sống và công ăn việc làm.
"Chúng tôi đã bị giảm 15% đơn đặt hàng và đang xem xét sa thải khoảng 50 nhân viên. Chi phí nhập khẩu của chúng tôi tăng 25% chỉ trong hai tháng qua, và chúng tôi không thể chuyển tất cả chi phí đó cho người tiêu dùng", John Martinez, chủ doanh nghiệp nhỏ chuyên cung cấp linh kiện điện tử ở Phoenix, Arizona chia sẻ.
Tại Los Angeles, Jackie Kim, chủ một cửa hàng đồ gia dụng, than thở: "Mọi thứ từ đồ điện tử đến đồ gia dụng đều tăng giá. Khách hàng của tôi đang hoãn mua sắm hoặc tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn. Doanh số của tôi đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái".
Tại thủ phủ sản xuất xe hơi Detroit, giá xe ô tô đã tăng 8-12% chỉ trong vòng hai tuần sau khi thuế quan với ôtô Nhật Bản và Hàn Quốc có hiệu lực, buộc nhiều người tiêu dùng phải hoãn quyết định mua xe mới.
Tại Ohio, một gia đình trung lưu điển hình dự kiến sẽ phải chi trả thêm khoảng 1.500 USD mỗi năm cho hàng hóa tiêu dùng do tác động của các mức thuế quan mới. Tại California, các cảng biển đang chứng kiến lưu lượng container giảm 15% khi các doanh nghiệp tìm cách điều chỉnh chuỗi cung ứng và nhiều lô hàng bị hoãn lại trong bối cảnh không chắc chắn.
Ở phía bên kia Thái Bình Dương, tác động thậm chí còn rõ rệt hơn. Ở thành phố Đông Hoản, một trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc, ông Wang Liwei, quản lý tại một nhà máy sản xuất đồ chơi, cho biết: "Chúng tôi đã mất 40% đơn hàng từ thị trường Mỹ. Đây là thời điểm khó khăn nhất kể từ đại dịch Covid-19".
Tại Mexico, nơi phụ thuộc lớn vào thương mại với Mỹ, tác động đang lan rộng từ khu vực sản xuất sang toàn bộ nền kinh tế. "Mọi người trong cộng đồng của tôi đều cảm nhận được tác động," Maria Gonzalez, chủ một nhà hàng nhỏ ở ngoại ô Monterrey, chia sẻ. "Nhiều khách hàng của tôi làm việc tại các nhà máy và họ đang lo lắng về việc làm của mình. Họ chi tiêu ít hơn, điều đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp của tôi."

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng với các đối tác trên toàn thế giới (Ảnh: Reuters).
Ba kịch bản tương lai
Trước tình thế hiện tại, IMF đã vạch ra 3 kịch bản có thể xảy ra trong tương lai gần:
Thứ nhất là "kịch bản cơ sở": Căng thẳng thương mại sẽ duy trì ở mức hiện tại trong 6-12 tháng trước khi các bên đi đến đàm phán, với mức tăng trưởng toàn cầu đạt 2,8% trong năm 2025. Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất từ từ, nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến.
Thứ hai là "kịch bản leo thang" khi Mỹ và các đối tác hàng đầu tiếp tục các vòng trả đũa mới khiến tăng trưởng toàn cầu xuống còn dưới 2,5%, châm ngòi cho suy thoái trước hết tại một số quốc gia như Đức, Hàn Quốc và Mexico... và buộc một số quốc gia phải tạm dừng chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Thứ ba là "kịch bản hòa giải" khi Mỹ và các nước đạt được thỏa thuận thương mại mới trong 3-6 tháng, phục hồi niềm tin kinh doanh và đẩy tăng trưởng lên 3,0-3,2%. Các thị trường tài chính sẽ phản ứng tích cực, và các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất như dự kiến trước đây.
Trong 3 kịch bản trên, những diễn biến mới trong tuần qua cho thấy đã có những dấu hiệu tích cực đầu tiên ủng hộ cho kịch bản thứ 3 khi Tổng thống Trump trước sức ép của thị trường đã buộc phải có một số điều chỉnh về thuế suất cụ thể để làm dịu tình hình trong nước, hòa giải hơn với Trung Quốc và các đối tác chủ chốt khác; và đặc biệt là đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những kết quả bước đầu khả quan.
Quản trị căng thẳng thương mại và bất ổn chính sách
Trong bối cảnh đầy thách thức này, IMF đề xuất một loạt khuyến nghị chính sách để các quốc gia có thể vượt qua cơn bão thuế quan:
Trước hết, các quốc gia cần khẩn cấp giải quyết căng thẳng thương mại và thúc đẩy các chính sách thương mại rõ ràng và minh bạch.
Thứ hai là cần duy trì ổn định giá cả và tài chính khi nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới đang ở trong tình trạng "đi trên dây" - vừa phải kiểm soát lạm phát vừa không làm suy yếu tăng trưởng. Trong bối cảnh thị trường tài chính biến động liên tục, việc cân bằng giữa duy trì kỳ vọng lạm phát ổn định và đảm bảo ổn định tài chính trở nên đặc biệt quan trọng.
Thứ ba là xây dựng lại "bộ đệm tài khóa". Với tăng trưởng thấp hơn và mức nợ công ở mức cao lịch sử hiện nay, nhiều quốc gia sẽ cần những nỗ lực tài chính đáng kể để giữ tỷ lệ nợ trên GDP ổn định; Chính phủ các nước cần đưa ra các kế hoạch hợp nhất tài khóa trung hạn đáng tin cậy, giúp giảm chi phí vay mượn và tạo không gian cho các yêu cầu chi tiêu mới.
Thứ tư là hỗ trợ tạm thời cho các ngành bị ảnh hưởng. "Chúng ta cần một mạng lưới an toàn cho những người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thuế quan," ông Jason Furman, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ, đã lưu ý như vậy và nói thêm: "Nhưng các biện pháp này phải có mục tiêu rõ ràng và thời hạn cụ thể để tránh tạo ra sự phụ thuộc dài hạn."
Thứ năm là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, theo đó cả phía doanh nghiệp và Chính phủ đều cần xem xét chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại toàn cầu hiện nay. Các chính phủ cũng cần tính toán, cân nhắc sớm đưa ra các chính sách công nghiệp có mục tiêu để hỗ trợ sự phát triển của các chuỗi cung ứng trong nước đối với các ngành quan trọng như bán dẫn, năng lượng sạch và dược phẩm.
Kinh tế thế giới đang ở một thời điểm bước ngoặt trong lịch sử. Theo IMF, những lựa chọn chính sách đưa ra hôm nay sẽ định hình nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập niên tới. Bằng cách giải quyết tình hình căng thẳng thương mại hiện nay, tận dụng tiềm năng của lực lượng lao động đa dạng và già hóa, và xây dựng một khung chính sách vĩ mô mạnh mẽ, thế giới có thể vượt qua được những thách thức hiện tại và xây dựng được một hệ thống kinh tế toàn cầu công bằng, bao trùm và bền vững hơn cho các thế hệ tương lai.