Ăn phở ở sân bay Việt Nam hết gần 400.000 đồng, khách Tây kêu đắt

() - Theo Hanna, suất phở gà tại sân bay Tân Sơn Nhất được phục vụ rất chu đáo, nhanh chóng với nước dùng nóng hổi tuy nhiên hương vị bình thường và mức giá khá đắt đỏ.

Tháng 4, Hanna (người Ba Lan) làm thủ tục để lên chuyến bay từ TPHCM đi Bangkok tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại phòng chờ ở ga quốc tế, Hanna được hãng hàng không Vietjet thông báo chuyến bay bị trễ so với dự kiến.

Sau vài tiếng chờ đợi mà vẫn chưa được khởi hành, cô bắt đầu cảm thấy đói. Gần khu vực nữ du khách ngồi có một vài cửa hàng bán phở và đồ ăn nhanh,  tất cả các món đều được niêm yết giá bằng USD.

Khảo sát giá một lượt, vị khách người Ba Lan không ăn đồ ăn nhanh vì mức giá đắt đỏ, cô quyết định chọn combo (các gói được kết hợp từ nhiều sản phẩm) trong đó có phở.

Ăn phở ở sân bay Việt Nam hết gần 400.000 đồng, khách Tây kêu đắt - 1Vị khách Ba Lan thưởng thức món phở ở sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Ngoài phở gà, combo của tôi còn có một chai nước suối và một món tráng miệng mát lạnh giá 15 USD (khoảng 390.000 đồng). Theo bảng thực đơn, nếu không gọi theo combo, giá tô phở là 11 USD (khoảng 286.000 đồng)", Hanna nhớ lại.

Theo Hanna, suất phở gà được phục vụ rất chu đáo, nhanh chóng với nước dùng nóng hổi. Hình thức trình bày gọn gàng, sạch sẽ. Trong tô phở có khoảng 10 miếng thịt gà với da vàng ươm, có rau sống ăn kèm.

Nói về cảm nhận khi ăn món phở gà ở sân bay Tân Sơn Nhất, Hanna đánh giá: "Hương vị của tô phở ở mức trung bình. Tôi thấy giống tô phở 50.000 đồng bán ở bên ngoài hơn. Nếu so với giá tiền, tô phở đó có ít thịt gà".

Sau khi ăn xong và thanh toán tiền với nhân viên nhà hàng, Hanna nhận thấy mức giá gần 400.000 đồng (sau khi quy đổi tỷ giá) khá đắt đỏ, cao hơn mức giá ở bên ngoài 2-3 lần.

"Tôi biết chắc chắn tô phở đó giá ở mức cao tuy nhiên ở sân bay tôi không có lựa chọn nào khác", Hanna chia sẻ.

Theo nữ du khách, với mức giá này ở một số sân bay trên thế giới, cô có thể mua được 2 suất ăn kèm tráng miệng.

Ăn phở ở sân bay Việt Nam hết gần 400.000 đồng, khách Tây kêu đắt - 2Cận cảnh bát phở gà ở sân bay có giá gần 400.000 đồng kèm đồ uống (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Ở sân bay các nước khác, khách có nhiều lựa chọn về đồ ăn, giá cả cạnh tranh nên chất lượng ngon hơn", cô tâm sự.

Đánh giá phở là món ăn nổi tiếng của Việt Nam được nhiều du khách biết đến và lựa chọn, Hana cho rằng cần có sự đa dạng về đồ ăn ở sân bay hơn nữa để góp phần quảng bá ẩm thực với khách quốc tế. Theo cô mức giá chỉ nên cao hơn các nhà hàng bên ngoài khoảng 30%.

"Sân bay Tân Sơn Nhất không có quá nhiều lựa chọn về đồ ăn, nơi đây không có sự hiện diện của các chuỗi nhà hàng nổi tiếng của Việt Nam mà chủ yếu là những "thương hiệu sân bay". Theo tôi, Ban quản lý nên bố trí nhiều nhà hàng hơn để khách lựa chọn, tăng sự đa dạng", cô nói.

Trên thực tế, vấn đề về chi phí giá các suất ăn tại những sân bay tại Việt Nam từng nhiều lần trở thành chủ đề được khách nước ngoài quan tâm và bàn luận sôi nổi.

Chia sẻ về trải nghiệm của mình, chị Arina, một du khách người Anh hiện sinh sống và làm việc tại Bangkok (Thái Lan), cho biết từng tới Việt Nam du lịch hồi tháng 1 vừa qua. Khi đáp chuyến bay xuống sân bay Nội Bài ở Hà Nội, vị khách khá bất ngờ vì giá cả đồ ăn tại đây.

"Tôi biết mức giá ở sân bay sẽ cao hơn bên ngoài nhiều lần. Tuy nhiên khi nhìn thấy mức giá các món được niêm yết, tôi vẫn thấy sốc", chị Arina nói.

Đơn cử như bánh mì chay 6 USD (156.000 đồng), bánh mì các loại đồng giá 8 USD (207.000 đồng), phở bò hoặc gà giá 12 USD (312.000 đồng), bánh burger 12 USD (312.000 đồng).

Sang quầy gà rán là nơi bán đồ ăn dạng combo (gồm suất ăn chính kèm nước), mỗi phần ăn có giá từ 15 USD (390.000 đồng).

Ăn phở ở sân bay Việt Nam hết gần 400.000 đồng, khách Tây kêu đắt - 3Bát phở bò Wagyu đặc biệt có giá 19,1 USD tương đương với 500.000 đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ghé một quầy bán phở khác ở sân bay Nội Bài, vị khách thấy mức giá khá cao. Trong đó có suất phở bò Wagyu giá 19 USD (500.000 đồng).

Theo chị Arina, nếu so sánh với Thái Lan, khu vực ăn uống ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi tại Bangkok đa dạng, có mức giá hợp lý hơn nhiều.

Vị khách tiết lộ, chỉ cần đi theo bảng hiệu chỉ dẫn ở ngay tại tầng 1 của sân bay, khách dễ dàng tìm thấy Food Court (khu ăn uống).

Tại đây, khách phải có tiền mặt để đổi lấy thẻ. Nếu chỉ cần một bữa ăn vừa đủ, khách đổi khoảng 200 baht (156.000 đồng) là khá thoải mái cho việc ăn uống. Trong trường hợp khách không dùng hết số tiền trong thẻ, lúc quay trở lại quầy sẽ được trả lại tiền thừa.

Ăn phở ở sân bay Việt Nam hết gần 400.000 đồng, khách Tây kêu đắt - 4Khu ăn uống ở sân bay quốc tế tại Bangkok có đồ ăn phong phú và giá cả hợp lý (Ảnh: Trip).

Khu ăn uống tại sân bay Suvarnabhumi rất phong phú. Mức giá tại quầy bánh ngọt chỉ từ 25 đến 75 baht (20.000 đồng - 60.000 đồng). Đi sâu vào bên trong càng nhiều quầy hàng hơn, phục vụ từ món khô tới món nước như cơm chiên, cơm gà, mỳ hoành thánh với giá từ 50 đến 75 baht (40.000 đồng - 60.000 đồng).

Khu vực bán đồ uống, sinh tố nằm ở trong cùng với rất nhiều món để khách lựa chọn. Mức giá cũng hợp lý, từ 30 tới 50 baht (23.000 đồng - 40.000 đồng).

Cũng trong chuyến thăm Hà Nội lần này, vị khách đã ghé qua một tiệm phở được Michelin đề cử nằm trên con phố cổ sầm uất. Đó là một hàng phở gà có tiếng. Bát phở khiến chị rất hài lòng vì hương vị thơm ngon và giá cả hợp lý khoảng 3 USD (80.000 đồng).

"Với trải nghiệm của mình, tôi đã chia sẻ với bạn bè rằng nếu muốn ăn phở hãy thử tới những hàng quán ở khu vực trung tâm Hà Nội, thay vì thưởng thức ở sân bay", chị nói.

Theo khảo sát của phóng viên , vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên khu vực ăn uống ở các sân bay quốc tế tại Việt Nam chưa phong phú đa dạng so với một số nước trong khu vực. Giá cả các món ăn cũng cao hơn 2-3 lần so với mặt bằng chung.

Trong khi đó, tại các sân bay Thái Lan, du khách có nhiều lựa chọn hơn với mức chi phí khá hợp lý. Người Thái luôn biết cách chiều lòng du khách và thấm nhuần chiến lược "thả con săn sắt, bắt con cá rô" (đầu tư một số vốn nhỏ để thu về một nguồn lợi lớn).

Chiến lược hút khách thể hiện từ cách người Thái làm du lịch ở các sân bay. Họ không coi đây đơn thuần là các điểm trung chuyển mà là cơ hội để giới thiệu quảng bá ẩm thực, nét đặc trưng của đất nước mình, lấy lòng du khách "từ những bước chân đầu tiên".

Đơn cử như tại sân bay Suvarnabhumi, khách sẽ bất ngờ như lạc vào thiên đường ẩm thực: Từ các món ăn đường phố truyền thống đến ẩm thực dành cho người sành ăn... Đây cũng là một trong những sân bay hiếm hoi trên thế giới, du khách có thể tìm được các nhà hàng nhận sao Michelin.

Năm 2024, Thái Lan đón 35,32 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu cho du lịch lên tới 46 tỷ USD từ mức chi tiêu của du khách. Rõ ràng để đạt được những con số ấn tượng này không đến từ sự may mắn ngẫu nhiên mà từ chiến lược làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp của người Thái.