Ấn Độ - Pakistan tổn thất lớn sau 4 ngày đối đầu ở điểm nóng Kashmir

12/05/2025 16:13

() - Cuộc xung đột vài ngày qua giữa Ấn Độ và Pakistan không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn gây ra chấn thương tâm lý và trì trệ kinh tế.

Ấn Độ - Pakistan tổn thất lớn sau 4 ngày đối đầu ở điểm nóng Kashmir - 1

Xung đột Ấn Độ - Pakistan leo thang gần đây (Ảnh minh họa: Mehr).

4 ngày căng như dây đàn

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã leo thang đáng kể vào tuần trước với các cuộc giao tranh sau khi Ấn Độ tấn công tên lửa vào "các hạ tầng khủng bố" trong lãnh thổ nước láng giềng.

Pakistan lập tức đáp trả, tuyên bố bắn rơi 5 máy bay tiêm kích của Ấn Độ và tiếp tục pháo kích qua biên giới.

Đáng chú ý trong xung đột lần này giữa Ấn Độ và Pakistan là sự xuất hiện phổ biến của máy bay không người lái. Hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng máy bay không người lái nhằm vào các hạ tầng chiến lược.

Theo giới quan sát, cuộc xung đột vài ngày qua đánh dấu cuộc chiến máy bay không người lái toàn diện đầu tiên ở Nam Á. Ấn Độ triển khai máy bay không người lái để thử nghiệm hệ thống phòng không của Pakistan, trong khi Pakistan đáp trả bằng máy gây nhiễu điện tử và hệ thống tên lửa tầm ngắn. Chiến tranh công nghệ không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn gây ra chấn thương tâm lý và trì trệ kinh tế.

Mặc dù hai nước tuyên bố ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức vào hôm 10/5 thông qua nỗ lực trung gian của Mỹ, nhưng hai bên tiếp tục cáo buộc nhau vi phạm ngừng bắn và cảnh báo đáp trả.

Các cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Ấn Độ tiếp tục đổ lỗi cho Pakistan về một cuộc tấn công chết người vào tháng 4 ở khu vực tranh chấp Kashmir, mặc dù Pakistan đã phủ nhận cáo buộc này. Cuộc tấn công, được gọi là sự cố Pahalgam, đã khiến 26 người thiệt mạng ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.

"Đây chỉ là cuộc xung đột gần đây nhất trong một loạt cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ. Kể từ khi Pakistan thành lập vào giữa đến cuối những năm 40, hai quốc gia này đã không hợp nhau", Đại tá về hưu Stephen Ganyard, một cộng tác viên của ABC News và cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

Với việc cả hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân, mối đe dọa leo thang đặc biệt đáng lo ngại.

Nguồn gốc của các cuộc chiến gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan phần lớn bắt nguồn từ năm 1947, sau khi cả hai giành được độc lập khỏi sự cai trị của Anh. Các quốc gia có chủ quyền, quốc gia chư hầu tại đây được trao quyền lựa chọn gia nhập Ấn Độ hoặc Pakistan, Kashmir là một trong số vùng lãnh thổ không gia nhập. Nhưng cuối cùng, người cai trị Kashmir vào thời điểm đó đã đồng ý gia nhập Ấn Độ đổi lại sự hỗ trợ chống lại các cuộc tấn công vào đây.

Pakistan chưa bao giờ thực sự công nhận sự gia nhập đó bởi Kashmir đã và đang tiếp tục là một khu vực đa số người Hồi giáo, trong khi Ấn Độ là một quốc gia đa số theo đạo Hindu. 

Một cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan đã nổ ra ở khu vực Himalaya và kết thúc vào năm 1949 với việc thiết lập một ranh giới ngừng bắn phân chia Kashmir, nơi được quân sự hóa và giám sát bởi Liên Hợp Quốc. Ngày nay, Ấn Độ kiểm soát nửa phía nam của khu vực Kashmir và Pakistan kiểm soát phần phía bắc và phía tây, mặc dù cả hai đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Kashmir. 

Ông Ganyard cho biết dân tộc và tôn giáo cũng là yếu tố thúc đẩy cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng.

"Đây là hai quốc gia có tình cảm tôn giáo rất mạnh mẽ, tôn giáo đó được đưa vào mối quan hệ giữa hai nước. Xuyên suốt lịch sử nhân loại, những loại xung đột khủng khiếp nhất giữa con người có xu hướng là những xung đột về tôn giáo. Và đó là một phần của những gì khiến điều này trở nên nguy hiểm", ông lập luận.

Thế giới đã nín thở và chờ xem liệu áp lực có được giảm bớt sau lệnh ngừng bắn hay không, vì điều tốt nhất đối với cả hai bên là không để điều này vượt khỏi tầm kiểm soát khi cả hai bên đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Kể từ năm 1998, cả Ấn Độ và Pakistan đều có vũ khí hạt nhân, mỗi nước có từ 160 đến 170 vũ khí. Hai nước này nằm trong số ít quốc gia chưa bao giờ ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, Ấn Độ vẫn có chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, điều mà Pakistan không có.

Một khía cạnh khác có thể làm leo thang xung đột là nước. Sau cuộc tấn công ngày 22/4, Ấn Độ đã đình chỉ một hiệp ước quan trọng về nước với Pakistan liên quan đến sông Indus.

Nếu Ấn Độ hạn chế dòng chảy nước đến Pakistan, đó có thể là cơ sở cho chiến tranh, ông Ganyard nói.

Cuộc xung đột gây tổn thất lớn

Ấn Độ - Pakistan tổn thất lớn sau 4 ngày đối đầu ở điểm nóng Kashmir - 2

Một nhà dân ở Ấn Độ bị hư hại do giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan (Ảnh: Reuters).

Trong vòng chưa đầy 100 giờ đồng hồ, một cuộc xung đột căng thẳng đa chiều giữa Ấn Độ và Pakistan đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử Nam Á. Cuộc chiến này vượt xa các chiến thuật quân sự truyền thống.

Cuộc chiến đã làm gián đoạn đầu tư nước ngoài, niềm tin của nhà đầu tư và động lực kinh tế ở cả hai quốc gia. Tổn thất đối với hai bên trở thành một bài học kinh tế sâu sắc lan tỏa khắp khu vực.

Các tổ chức nghiên cứu như Brookings lưu ý rằng, xung đột đã gần như ngăn chặn hoàn toàn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào cả hai nước.

Hoạt động thương mại giữa Ấn Độ và Pakistan gần như tê liệt sau các hành động leo thang gần đây. Ấn Độ đã cấm mọi hoạt động nhập khẩu trực tiếp và gián tiếp từ Pakistan. Biên giới Attari-Wagah, một tuyến thương mại quan trọng xử lý gần 500 triệu USD hàng hóa trong năm 2023-2024, hiện đã đóng cửa.

Về mặt quốc phòng, Ấn Độ ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu USD do các máy bay chiến đấu Rafale bị Pakistan bắn rơi và phải chịu thêm 100 triệu USD chi tiêu quân sự.

Sự gián đoạn về hậu cần và thương mại đã làm tăng mức độ thiệt hại thêm hơn 2 tỷ USD. Từ các cuộc tấn công bằng tên lửa đến hoạt động của máy bay không người lái, cuộc chiến đã chứng kiến việc triển khai vũ khí tiên tiến gây ra thiệt hại về mặt kỹ thuật số và vật lý cho nền kinh tế Ấn Độ.

Pakistan cũng chịu tổn thất đáng kể, lên tới 4 tỷ USD. Riêng Sàn giao dịch chứng khoán Karachi "bốc hơi" khoảng 2,5 tỷ USD.

Mặc dù những con số này thấp hơn Ấn Độ, các nhà phân tích cho rằng nền tảng kinh tế yếu hơn của Pakistan khiến đòn giáng có khả năng gây bất ổn hơn.

Các thương nhân Pakistan đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ và thiếu hụt lớn, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thuốc men và nông sản từ Ấn Độ. Tàu thuyền Pakistan cũng không được phép vào cảng Ấn Độ, khiến hoạt động thương mại càng trở nên khó khăn hơn.

Ấn Độ ít bị ảnh hưởng hơn nhưng có thể sẽ nhập khẩu ít dược phẩm, hóa chất, đường và linh kiện ô tô hơn.

Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, vì người mua quốc tế có thể ngần ngại kinh doanh trong khu vực do rủi ro và bất ổn gia tăng.

Cùng lúc đó, du lịch ở Kashmir đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng chỉ trong vòng vài ngày các yêu cầu đặt phòng khách sạn đã bị hủy hàng loạt. Năm 2024, khu vực này đón 3 triệu lượt khách, nhưng hiện nay lượng khách du lịch giảm mạnh. Các quốc gia như Mỹ, Anh và Nga đã ban hành cảnh báo du lịch không nên đến Jammu và Kashmir, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Ấn Độ cũng ban hành cảnh báo du lịch trên tất cả 28 tiểu bang, yêu cầu mọi người tránh đi lại không cần thiết. Điều này đã gây ra tổn thất lớn cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và doanh nghiệp du lịch. Nhiều người dân ở Kashmir phụ thuộc vào du lịch để kiếm thu nhập, và nỗi sợ hãi do xung đột gây ra đang khiến du khách tránh xa nơi đây.

Ngành hàng không cũng đang trải qua sự gián đoạn trên diện rộng do đóng cửa không phận và sân bay.

Cả Ấn Độ và Pakistan đều đóng cửa không phận của mình đối với các chuyến bay của nhau. Ngoài ra, Ấn Độ đóng cửa 27 sân bay ở các khu vực phía Bắc và phía Tây, dẫn đến việc hủy hơn 430 chuyến bay.

Điều này buộc các hãng hàng không phải định tuyến lại hàng trăm chuyến bay quốc tế, khiến hành trình dài hơn và tốn kém hơn.

Các chuyến bay giữa Ấn Độ và châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông hiện phải đi đường vòng, làm tăng chi phí nhiên liệu và giá vé.

Các hãng hàng không như Air India và IndiGo, cũng như các hãng vận tải toàn cầu, phải đối mặt với những khó khăn về hoạt động và tổn thất tài chính. Một số chuyến bay bị hoãn hoặc hủy hoàn toàn, ảnh hưởng đến hành khách và doanh thu của hãng hàng không.

Ấn Độ - Pakistan tổn thất lớn sau 4 ngày đối đầu ở điểm nóng Kashmir - 3

Vị trí vùng Kashmir (Ảnh: DW).

Khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya có đa số người Hồi giáo được cả Ấn Độ và Pakistan tuyên bố chủ quyền và là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến tranh, nổi loạn và bế tắc ngoại giao.

Ấn Độ và Pakistan đã nổ ra 3 cuộc chiến kể từ khi giành độc lập, trong đó có 2 cuộc chiến về Kashmir vào năm 1947 và 1965.

Bạn đang đọc bài viết "Ấn Độ - Pakistan tổn thất lớn sau 4 ngày đối đầu ở điểm nóng Kashmir" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.