
Công an TP.HCM kiểm tra kho hàng chứa mỹ phẩm giả - Ảnh: Đ.THUẦN
40 tỉ đồng là tổng giá trị hàng hóa mà Công an TP.HCM đã thu giữ trong đợt cao điểm đấu tranh chống Sản phẩm với 'hình ảnh mang tính minh họa', có đánh lừa người tiêu dùng?Đừng xem nhẹ dấu hiệu tẩu tán, phi tang hàng hóa
Con số thống kê đáng chú ý, 47.000 là số vụ hàng giả, gian lận được xử lý năm 2024 với xu hướng tăng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội (Tuổi Trẻ Online 21-7-2025).
Những dữ kiện nói trên cho thấy hàng giả, hàng lậu đã âm thầm len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Tại sao những sản phẩm độc hại được sản xuất và vẫn được tiêu thụ?
Câu trả lời đau lòng nằm ở chính người tiêu dùng, những người đang vô tình biến mình thành "con tin" của việc chạy theo giá rẻ mà quên mất kiểm chứng chất lượng thực tế.
Theo nghiên cứu do tác giả trực tiếp hướng dẫn, nhóm sinh viên khoa quản trị kinh doanh, Đại học Tài chính - Marketing (UFM) đã thực hiện khảo sát về hành vi mua sắm bốc đồng trên 400 người dân ở TP.HCM trong năm 2025. Kết quả cho thấy thực tế đáng báo động về thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân.
Có đến 36% người được hỏi thừa nhận họ thường xuyên mua hàng mà không kiểm tra kỹ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Lý do chủ yếu là tâm lý "sợ lỡ deal", sợ bỏ lỡ cơ hội mua hàng giảm giá.
Con số 68% tin tưởng tuyệt đối vào người nổi tiếng quảng cáo càng cho thấy sức mạnh của marketing trong việc chi phối quyết định mua sắm. Đặc biệt, 82% người tiêu dùng chọn sản phẩm dựa trên yếu tố giá cả, thay vì chất lượng, sự phản ánh rõ nét thứ tự ưu tiên sai lệch trong nhận thức.
Một sinh viên năm cuối chia sẻ: "Cảm xúc cao hứng nhất thời và áp lực tài chính cá nhân, đặc biệt với sinh viên, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng của họ".
Coi trọng hàng giá rẻ hơn sức khỏe?
Năm 2018, giữa làn sóng thực phẩm sạch và tiêu dùng xanh, tôi cùng vài người bạn khởi nghiệp với dòng chả lụa thuần khiết, không hàn the, gói bằng lá chuối tự nhiên, buộc bằng lạt tre.
Tuy nhiên, với mức giá 180.000-200.000 đồng/kg, sản phẩm của chúng tôi nhanh chóng thất thế trước nhóm hàng chỉ 80.000-100.000 đồng/kg.
"Khách chỉ nhìn giá thôi em, ai quan tâm sạch hay không sạch", lời của một tiểu thương tại chợ truyền thống khiến tôi nhận ra một sự thật phũ phàng: Một bộ phận người tiêu dùng coi trọng giá rẻ hơn sức khỏe!
Thế là dự án khởi nghiệp của chúng tôi buộc phải dừng lại vì không thể cạnh tranh, trong đó do yếu tố an toàn và chất lượng dường như chưa được người tiêu dùng chú ý.
Việc thay đổi nhận thức người tiêu dùng Việt Nam về an toàn thực phẩm có lẽ cũng cần một cách làm tương tự, thậm chí còn khó khăn và lâu dài hơn.
Lá phiếu tương lai cho sức khỏe và gia đình
Để tạo ra "phép màu" trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, theo tôi, Việt Nam cần triển khai chiến lược toàn diện trên ba vấn đề chính.
Mỗi người tiêu dùng cần được trang bị kỹ năng cơ bản như đọc nhãn mác, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, không tin mù quáng vào quảng cáo… Và quan trọng nhất là dám chấp nhận nguyên tắc "không mua nếu còn nghi ngờ".
Về mặt pháp lý, cần xử phạt nghiêm khắc các doanh nghiệp vi phạm môi trường. Việt Nam cần xử lý hình sự nghiêm minh các hành vi sản xuất thực phẩm độc hại, công khai rộng rãi danh tính người vi phạm trên mọi phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời truy cứu trách nhiệm của những người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật.
Về công nghệ đòi hỏi việc áp dụng những giải pháp hiện đại như blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Phát triển hệ thống QR code thông minh để người dân có thể kiểm tra thông tin ngay tại điểm mua hàng tương tự như các nước sử dụng công nghệ giám sát chất lượng không khí theo thời gian thực.
Tiến sĩ Hoàng Thu Thảo, giảng viên khoa quản trị kinh doanh Trường đại học Tài chính - Marketing, nhận định: "Một số nước đã phải học cách sống với khẩu trang suốt nhiều năm trước khi có được không khí sạch, người tiêu dùng Việt Nam cũng phải học cách 'đeo khẩu trang' cho mình, luôn giữ thái độ cảnh giác với những sản phẩm có giá rẻ bất thường".
Cuộc chiến với hàng giả, độc hại rõ ràng không đơn thuần là vấn đề y tế công cộng, mà còn là cuộc chiến về đạo đức kinh doanh và niềm tin xã hội. Tuy nhiên, cuộc chiến thực sự diễn ra trong từng quyết định mua sắm hằng ngày của hàng triệu người dân Việt Nam.
Chỉ khi nào người tiêu dùng thực sự đặt sức khỏe và chất lượng cuộc sống lên trên yếu tố giá cả, khi đó Việt Nam mới có thể tạo ra "phép màu" về tiêu dùng, góp phần vào cuộc chiến chống hàng giả.
Mỗi quyết định mua hàng hôm nay không chỉ là một giao dịch kinh tế đơn thuần, mà còn là một lá phiếu cho tương lai sức khỏe của chính bạn và gia đình.
