Trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4-1/5, ngành du lịch Việt Nam phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước. Công suất buồng phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú đạt trên 70%.
Những ngày đầu nghỉ lễ, tỷ lệ lấp đầy phòng trên 80%. Đáng chú ý, một số điểm đến ven biển và TPHCM đạt tỷ lệ từ 90% đến 95%.
Do thời gian nghỉ dài, thời tiết nắng nóng nên phần lớn du khách lựa chọn những điểm du lịch biển như: Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang, Bình Thuận, TPHCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang hoặc vui chơi, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng có khoảng cách gần các thành phố lớn.

Đặc biệt, khách du lịch từ các tỉnh, thành đến TPHCM để hòa mình vào chuỗi sự kiện đặc biệt trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, hầu hết các điểm du lịch trọng điểm trên cả nước đều ghi nhận tín hiệu tích cực với số lượng khách tăng vọt.
Cụ thể, TPHCM, nơi diễn ra sự kiện lịch sử lớn nhất cả nước đợt này thu hút gần 2 triệu lượt khách. Những tỉnh thành đón lượng khách lớn trên một triệu lượt bao gồm Thanh Hóa (1,6 triệu lượt), Quảng Ninh (1,1 triệu), Khánh Hòa (1 triệu).
Về doanh thu du lịch, TPHCM là địa phương đón lượng khách du lịch cao nhất cả nước, tăng hơn 101% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 120.000 lượt, tăng hơn 122%. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt gần 7.140 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ năm trước.

Đứng vị trí thứ 2 là Thanh Hóa với tổng doanh thu đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước.
Quảng Ninh vẫn giữ vững vị thế là địa phương có khả năng hút khách du lịch cao. Doanh thu dịp này mang về cho ngành du lịch Quảng Ninh hơn 3.120 tỷ đồng.
Khánh Hòa là địa phương đứng thứ 4 cả nước với tổng doanh thu đạt 1.377 tỷ đồng. Con số này tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tỷ lệ lấp đầy phòng của địa phương này đạt 88,1%.
Hà Nội ước đón 875.200 lượt khách, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.150 tỷ đồng, tăng 25,21%. Công suất phòng bình quân đạt 69,67%, tăng 9,27% so với năm ngoái.
Theo đánh giá của các chuyên gia về xu hướng du lịch của khách năm nay, khu vực phía Nam đông hơn mọi năm vì có sự kiện 50 năm thống nhất đất nước nhất là trong 2 ngày đầu nghỉ lễ.
Thay vì chọn những tour ra nước ngoài như mọi năm, nhiều du khách đã ưu tiên hành trình "tour về nguồn" mang dấu ấn lịch sử để cảm nhận không khí tri ân, tưởng nhớ và sống lại những ký ức hào hùng của dân tộc.
Ngay từ trước thời điểm trước và trong dịp nghỉ lễ, các điểm đến như khu vực quảng trường Ba Đình, lăng Bác, bảo tàng Quân sự Việt Nam (Hà Nội), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), chiến trường Điện Biên Phủ (Điện Biên), thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị), dinh Độc Lập, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, địa đạo Củ Chi (TPHCM) đón rất nhiều khách.
Đặc biệt là TPHCM, nơi diễn ra chuỗi các hoạt động, sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.
Cũng trong dịp này, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, các hãng hàng không chủ động tăng cường khoảng 20% chuyến bay vào khung giờ từ 23h tới 5h sáng.
Các cảng hàng không có sản lượng tăng cao trong dịp cao điểm nghỉ lễ là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh, Phú Bài, Liên Khương.
Ngành đường sắt tăng thêm các chuyến tàu từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Đồng Hới, Hải Phòng, Lào Cai và ngược lại từ TPHCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn.
Đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy đôi tàu mang tên Đoàn tàu Thống Nhất với mong muốn lan tỏa niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới của đất nước.