
Một binh sĩ Thái Lan trên xe quân sự ở tỉnh Buriram khi căng thẳng biên giới leo thang vào ngày 25/7 (Ảnh: Reuters).
Thái Lan và Campuchia tiếp tục giao tranh trong ngày thứ 3 liên tiếp vào ngày 26/7. Xung đột biên giới đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và hơn 170.000 người phải rời bỏ nhà cửa lan rộng khắp biên giới. Đây là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng trong một thập niên qua.
Cả hai bên đều báo cáo một vụ đụng độ trên bờ biển vào lúc 5h ngày 26/7, trong đó Campuchia cáo buộc lực lượng Thái Lan đã bắn "5 quả đạn pháo hạng nặng" vào các địa điểm ở tỉnh Pursat, giáp với tỉnh Trat của Thái Lan.
Bộ Quốc phòng Campuchia xác nhận có 13 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh, bao gồm 8 dân thường và 5 binh sĩ, cùng 71 người bị thương.
Chính quyền Thái Lan cho biết 13 dân thường và 7 binh sĩ bên phía họ đã thiệt mạng, nâng tổng số thương vong ở cả hai quốc gia lên cao hơn con số 28 người thiệt mạng trong đợt giao tranh quy mô lớn gần đây nhất từ năm 2008 đến năm 2011.
Giao tranh đã buộc hơn 138.000 người phải sơ tán khỏi các khu vực biên giới của Thái Lan, trong đó hơn 35.000 người phải rời bỏ nhà cửa ở Campuchia.
Đụng độ cũng nổ ra tại các vùng ven biển của hai nước, cách tiền tuyến chính khoảng 250km về phía tây nam, với những tiếng nổ dữ dội vào chiều 26/7.
"Cảm giác như tôi đang trốn thoát khỏi vùng chiến sự", ông Samlee Sornchai, 76 tuổi, nói với hãng tin AFP tại một nơi trú ẩn trong chùa dành cho người sơ tán ở thị trấn Kanthararom, Thái Lan, sau khi rời bỏ trang trại của mình gần biên giới đang giao tranh.
Trong hai ngày đầu giao tranh, Thái Lan đã điều tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất để tập kích hàng loạt mục tiêu của Campuchia. Trong ngày thứ giao tranh thứ 3, F-16 tiếp tục được Thái Lan triển khai.
Không quân Hoàng gia Thái Lan ngày 26/7 đã điều động 4 máy bay chiến đấu gồm 2 chiếc F-16 do Mỹ sản xuất và 2 chiếc Gripen do Thụy Điển chế tạo để không kích các mục tiêu quân sự của Campuchia tại khu vực Phu Ma Kua và đền Ta Muen Thom. Đây là khu vực mà Thái Lan cho rằng Campuchia đang bố trí hỏa lực.
Thông cáo của Không quân Hoàng gia Thái Lan cho hay, 4 tiêm kích đã hoàn tất nhiệm vụ và trở về căn cứ.
Campuchia cáo buộc Thái Lan cố tình nhắm mục tiêu vào các ngôi làng ở sâu trong lãnh thổ Campuchia trong ngày giao tranh thứ 3.
Nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng
Cả Thái Lan và Campuchia đều tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn trong cuộc giao tranh đang diễn ra bằng máy bay chiến đấu, xe tăng và bộ binh, nhưng cáo buộc bên kia phá hoại các nỗ lực đình chiến.
Căng thẳng ban đầu bùng phát xung quanh các đền thờ cổ vốn đã tranh chấp từ lâu, nhưng giao tranh đã lan rộng dọc theo vùng biên giới của hai nước láng giềng.
Sau phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc Chhea Keo cho biết Campuchia mong muốn một lệnh ngừng bắn.
"Campuchia đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức - vô điều kiện - và chúng tôi cũng kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình", ông nói với các phóng viên.
Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa ngày 26/7 tuyên bố, để bất kỳ lệnh ngừng bắn hoặc đàm phán nào được tiến hành, Campuchia cần thể hiện "sự chân thành thực sự trong việc chấm dứt xung đột". Ông kêu gọi Campuchia chấm dứt giao tranh và “quay trở lại giải quyết vấn đề thông qua đối thoại song phương".
Trong thông báo trên mạng xã hội Truth Social ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Campuchia và Thái Lan “đã đồng ý gặp nhau ngay lập tức và nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, và cuối cùng là hòa bình”.
Chủ nhân Nhà Trắng cho biết, ông đã điện đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai trong nỗ lực khôi phục hòa bình. Ông Trump cảnh báo Mỹ sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với hai quốc gia này nếu giao tranh biên giới còn tiếp diễn.
Vào sáng sớm 27/7 theo giờ địa phương, Thủ tướng Hun Manet đã cảm ơn Tổng thống Trump và cho biết Campuchia đồng ý với “đề xuất về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện giữa Campuchia và Thái Lan”. Ông cũng cho biết trước đó đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn với Thái Lan thông qua Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này mong muốn thấy được “thiện chí thực sự từ phía Campuchia”.
Thông cáo cũng nhấn mạnh quyền Thủ tướng Phumtham đã “yêu cầu Tổng thống Trump chuyển lời rằng Thái Lan mong muốn tổ chức đối thoại song phương sớm nhất có thể để đưa ra các biện pháp và quy trình nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và tiến tới giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình”.