
Bão Wipha khiến cây đổ đè lên một ô tô ở Hong Kong (Ảnh: China Daily).
Cơ quan Phòng chống Lũ lụt và Hạn hán Quốc gia Trung Quốc ngày 20/7 đã nâng mức ứng phó khẩn cấp đối với công tác phòng chống lũ lụt và bão tại hai tỉnh phía Nam là Quảng Đông và Hải Nam lên cấp độ III, nhằm ứng phó với cơn bão Wipha.
Cơ quan này vẫn duy trì mức ứng phó khẩn cấp cấp IV đối với khu tự trị dân tộc Zhuang Quảng Tây.
Theo dự báo khí tượng, bão Wipha sẽ mang theo mưa lớn và mưa rất lớn tại một số khu vực thuộc Hải Nam và Quảng Đông từ ngày 20/7 đến 21/7.
Trong khi đó, một lượng lớn hàng cứu trợ đã được các cơ quan trung ương điều động đến Quảng Đông và Hải Nam, bao gồm Văn phòng Ủy ban Quốc gia Trung Quốc về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, Bộ Quản lý Khẩn cấp và Cục Dự trữ Lương thực và Vật tư Chiến lược Quốc gia. Các vật tư viện trợ bao gồm khoảng 33.000 mặt hàng như giường xếp, chăn mền và đèn chiếu sáng.
Trung Quốc hiện áp dụng hệ thống ứng phó khẩn cấp gồm 4 cấp, trong đó cấp I là mức cao nhất, được kích hoạt trong những tình huống nghiêm trọng nhất.

Ngập lụt do ảnh hưởng ở bão Wipha ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).
Chiều 20/7, bão Wipha đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, buộc khoảng 670.000 cư dân phải sơ tán đến nơi an toàn.
Wipha đổ bộ lần đầu tiên vào thành phố Đài Sơn, Giang Môn, tỉnh Quảng Đông lúc 17h50, mang theo gió mạnh với tốc độ vượt quá 118km/h. Sau khi vào đất liền, bão nhanh chóng suy yếu từ cấp bão xuống thành áp thấp nhiệt đới mạnh.
Lúc 20h15 cùng ngày, Wipha tiếp tục đổ bộ lần hai vào thành phố Dương Giang, tỉnh Quảng Đông với sức gió lên tới 90km/h.
Theo cơ quan chức năng, mưa to và gió giật mạnh do ảnh hưởng của bão đã làm tê liệt giao thông tại các thành phố lớn như Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, những đầu mối kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Đông và được coi là "cửa ngõ phía Nam" của Trung Quốc.
Các sân bay tại Thâm Quyến, Chu Hải và Đặc khu Hành chính Hong Kong đã phải hủy hoặc hoãn hàng loạt chuyến bay kể từ chiều 19/7.

Bão Wipha khiến nhiều cây gãy đổ ở Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Cầu Hong Kong - Chu Hải - Macau và tuyến liên kết Thâm Quyến - Trung Sơn, hai công trình giao thông trọng điểm bắc qua cửa sông Châu Giang, đã tạm thời đóng cửa từ sáng sớm 20/7 để đảm bảo an toàn vận hành.
Ngoài ra, ngành đường sắt cũng tạm ngừng các tuyến tàu liên thành phố giữa Quảng Châu - Thâm Quyến và Quảng Châu - Chu Hải, cùng một số tuyến tàu cao tốc khác tại các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão.
Cầu vượt biển Hoàng Mao Hải (Huangmaohai) tại thành phố Giang Môn cũng bị đóng cửa tạm thời trong ngày 20/7.
Tuyến vận tải qua eo biển Qiongzhou nối tỉnh Quảng Đông với Hải Nam đã bị đình chỉ vào sáng 20/7 và có thể tiếp tục bị gián đoạn cho đến 22/7.
Tại Hong Kong, cơ quan y tế đặc khu cho biết đã có 33 người bị thương liên quan đến bão tính đến tối 20/7, và có tổng cộng 277 người tìm đến 34 nơi trú ẩn tạm thời. Thành phố cũng ghi nhận hơn 700 vụ cây đổ.
Theo dự báo, thành phố Hải Khẩu (thủ phủ tỉnh Hải Nam) có thể đối mặt với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, trong khi tỉnh Quảng Đông được cảnh báo sẽ có dông lốc mạnh, gió giật và sóng lớn trong ngày hôm nay 21/7.