
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Trong cuộc phỏng vấn với ABC News gần đây, Lindsey Graham, thượng nghị sĩ bang South Carolina của Mỹ, cho biết Tổng thống Donald Trump dự định áp thuế 100% đối với các quốc gia mua dầu từ Nga.
Theo ông Graham, biện pháp này nhằm mục đích gia tăng áp lực kinh tế lên Nga, buộc Moscow phải chấm dứt các hành động quân sự ở Ukraine.
Nghị sĩ Mỹ lưu ý rằng Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia mua khoảng 70% lượng dầu của Nga, là mục tiêu chính của các biện pháp áp thuế này. Biện pháp của Tổng thống Trump được thiết kế để làm suy yếu nền tảng tài chính của bộ máy quân sự Nga.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Trump đang sử dụng cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt” với Nga, bao gồm những lời đe dọa trừng phạt nhằm vào Moscow và các đối tác.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện John Thune ngày 15/7 cho biết Thượng viện sẽ tạm ngưng tiến trình bỏ phiếu gói trừng phạt Nga sau khi Tổng thống Trump phát tín hiệu có kế hoạch trừng phạt Moscow độc lập.
Dự luật áp thuế thứ cấp 500% do Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal đồng bảo trợ, nhằm trừng phạt các quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu, khí đốt, uranium và các mặt hàng khác từ Nga.
Tổng thống Trump gần đây tuyên bố ông “rất không hài lòng” với Nga và đưa ra tối hậu thư, dọa áp thuế lên tới 100% đối với các quốc gia tiếp tục giao thương với Moscow, trừ khi đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 50 ngày.
Phản ứng trước các đe dọa áp thuế thứ cấp, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đầu tháng này khẳng định “điều này sẽ không làm thay đổi chính sách của Moscow”.
Nga lâu nay chỉ trích các lệnh trừng phạt phương Tây là bất hợp pháp và khẳng định chúng không gây thiệt hại kinh tế lâu dài.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng tuyên bố các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại cho phương Tây nhiều hơn là cho Nga. “Càng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt, thiệt hại đối với những nước áp đặt chúng càng lớn”, ông Putin nhấn mạnh.
Theo hãng tin Reuters, mức thuế do Mỹ áp đặt có thể ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu dầu của Nga tới các khách hàng năng lượng chủ chốt của Moscow.
Ấn Độ, một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất, dường như bày tỏ sẵn sàng từ bỏ dầu của Nga nếu các lệnh trừng phạt được áp dụng.
Trung Quốc cũng chỉ trích kế hoạch của Mỹ nhằm áp thuế quan thứ cấp lên các đối tác thương mại của Nga, gọi đề xuất áp thuế 500% là "trừng phạt đơn phương bất hợp pháp", làm suy yếu các nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian nhấn mạnh: "Không có bên nào thắng trong một cuộc chiến thuế quan. Đối thoại và đàm phán là cách khả thi duy nhất để chấm dứt xung đột”.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang năm 2022, Mỹ đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Moscow, nhắm vào các thể chế tài chính, thương mại và xuất khẩu năng lượng.
Dù ông Trump từng bày tỏ mong muốn hợp tác đôi bên cùng có lợi với Nga, ông cũng không ngần ngại cảnh báo tăng cường sức ép, bao gồm cả trừng phạt, nếu nhận thấy Moscow không đàm phán thiện chí về Ukraine.