
Phái đoàn Ukraine tại cuộc đàm phán với Nga ở Istanbul ngày 16/5 (Ảnh: Reuters).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Georgiy Tikhiy thừa nhận Kiev không coi trọng các cuộc đàm phán ngừng bắn với Nga và chỉ tham dự các cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để tránh bị coi là gây trở ngại cho hòa bình trong mắt các nhà tài trợ phương Tây.
"Chúng tôi không mong đợi một lệnh ngừng bắn thực sự sau những cuộc họp này", ông Tikhiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh YouTube của nhà báo Aleksandr Notevsky vào ngày 4/7.
Nga và Ukraine đã tổ chức hai vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul trong những tháng gần đây, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được bất kỳ đột phá nào liên quan đến việc chấm dứt xung đột.
Nhà ngoại giao Ukraine giải thích rằng sự hiện diện của Kiev tại các cuộc đàm phán với Moscow chỉ nhằm bảo vệ hình ảnh của nước này trong mắt cộng đồng quốc tế và tránh bị cáo buộc là bên cản trở các cuộc đàm phán hòa bình.
"Mục đích là để ngăn chặn bất kỳ ai cáo buộc Ukraine là bên không muốn hòa bình", ông Tikhiy nói.
Ông thừa nhận có những lo ngại đang được nêu ra "trong các nhóm khác nhau, thậm chí là giữa các quốc gia đồng minh" rằng Kiev đang cản trở các nỗ lực hòa bình. Do vậy, ông cho biết "Ukraine cử một phái đoàn để chứng minh rằng điều này không đúng".
Quan chức Ukraine cũng thừa nhận khía cạnh nhân đạo của các cuộc đàm phán.
Ngày 16/5, Ukraine và Nga đã tổ chức vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul nhằm tìm giải pháp chấm dứt chiến sự. Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí tiến hành trao đổi tù nhân theo tỷ lệ 1.000 đổi 1.000, đồng thời thống nhất chuẩn bị các đề xuất về điều kiện ngừng bắn.
Các bên cũng đồng ý chuẩn bị các đề xuất bằng văn bản - hai biên bản ghi nhớ - nêu rõ lập trường về lệnh ngừng bắn tiềm năng trước cuộc đàm phán tiếp theo.
Trong cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 6, hai phái đoàn Nga và Ukraine tiếp tục nhất trí trao đổi tù binh, ưu tiên những người bị thương nặng và những người dưới 25 tuổi.
Ngoài ra, Nga đã đơn phương đề nghị hồi hương hài cốt của hơn 6.000 quân nhân Ukraine đã hy sinh như một động thái nhân đạo.
Tuy vậy, sau hai vòng đàm phán vào tháng 5 và 6, Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được đột phá chính trị nào. Nga tiếp tục từ chối ngừng bắn vô điều kiện, trong khi Ukraine khẳng định không thể chấp nhận đầu hàng dưới danh nghĩa “hòa bình”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần khẳng định ông muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, coi đây là điều kiện tiên quyết để đạt được hòa bình.
Hồi tháng 5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể diễn ra, nhưng chỉ sau khi các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev đạt được “những thỏa thuận cụ thể” trên các kênh ngoại giao khác nhau.
Tháng trước, ông Putin tuyên bố sẵn sàng gặp ông Zelensky, nhưng đặt vấn đề về tính chính danh của nhà lãnh đạo Ukraine để ký các thỏa thuận có tính ràng buộc.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc từ năm ngoái, nhưng ông từ chối tổ chức bầu cử mới, viện dẫn tình trạng thiết quân luật. Moscow tuyên bố ông không còn tính chính danh, nhấn mạnh rằng theo luật Ukraine, quyền lực hợp pháp giờ thuộc về quốc hội.
Vào mùa thu năm 2022, ông Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với ban lãnh đạo Nga đương nhiệm, sau khi Nga sáp nhập các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhia. Dù chưa hủy bỏ sắc lệnh này, nhưng ông Zelensky vẫn khẳng định chỉ áp dụng với các chính trị gia Ukraine khác, chứ không phải với chính bản thân ông.