Thái Lan - Campuchia tiếp tục giao tranh sau tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn

() - Quân đội Thái Lan và Campuchia tiếp tục giao tranh trong ngày thứ 4, bất chấp tuyên bố sẵn sàng đàm phán ngừng bắn.
Thái Lan - Campuchia tiếp tục giao tranh sau tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn - 1

Người dân tập trung để nhận nguồn nước cứu trợ tại tỉnh Oddar Meanchey, Campuchia vào ngày 26/7 giữa lúc căng thẳng biên giới leo thang (Ảnh: Reuters).

Tính đến hôm nay 27/7, xung đột giữa hai nước láng giềng Thái Lan và Campuchia bước sang ngày thứ 4.

Các cuộc đấu pháo tiếp tục nổ ra vào sáng nay gần hai ngôi đền cổ ở khu vực biên giới giữa miền bắc Campuchia và đông bắc Thái Lan, nơi diễn ra phần lớn các cuộc giao tranh.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata cáo buộc quân đội Thái Lan bắt đầu tấn công các khu vực xung quanh các ngôi đền cổ vào lúc 4h50.

Theo hãng tin AFP, tiếng pháo nổ liên tục làm rung chuyển các cửa sổ ở thị trấn Samraong của Campuchia, cách tiền tuyến khoảng 20km.

Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết Thái Lan đã pháo kích và tấn công trên bộ vào sáng nay tại một số vị trí, bao gồm cả Phnom Kmoach, giáp ranh với tỉnh Trat ven biển của Thái Lan.

"Lực lượng của chúng tôi đã phản công tích cực và mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia tuyên bố.

Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia, pháo hạng nặng đã được bắn vào các khu vực đền cổ.

Thái Lan - Campuchia tiếp tục giao tranh sau tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn - 2

Hỏa hoạn bùng phát do các cuộc đấu pháo ở biên giới Thái Lan - Campuchia (Ảnh: The Nation).

Trong khi đó, Phó Phát ngôn viên Quân đội Thái Lan Ritcha Suksuwanon cáo buộc lực lượng Campuchia bắt đầu nã pháo vào khoảng 4h, khi hai bên giao tranh giành quyền kiểm soát các vị trí chiến lược.

Theo báo cáo của quân đội Thái Lan, lực lượng Campuchia đã bắn pháo vào một số khu vực, bao gồm cả khu vực gần nhà dân, vào sáng sớm hôm nay.

Thống đốc tỉnh Surin nói với hãng tin Reuters rằng đạn pháo đã được bắn vào tỉnh này, làm hư hại các ngôi nhà và giết hại một số gia súc.

Tại tỉnh Sisaket của Thái Lan, các phóng viên của Reuters đã nghe thấy tiếng pháo kích vào sáng nay và cho biết hiện chưa rõ tiếng pháo kích nằm ở phía nào của biên giới.

Theo trang tin The Nation, vào sáng nay, đạn pháo của Campuchia đã bắn trúng nhà dân Thái Lan, gây thiệt hại đáng kể do đám cháy. 

The Nation đưa tin, căng thẳng biên giới bùng phát trở lại với những tiếng nổ lớn phát ra từ phía Campuchia và hỏa lực bắn vào gần chùa Ta Kwai ở Surin. Tiếng súng vẫn nổ ra rải rác ở cả hai bên và sau đó lan sang khu vực Chong Chom.

Báo Thái Lan cho biết, vào khoảng 5h30, vũ khí hạng nặng - được cho là bao gồm cả hệ thống pháo phản lực BM-21 - đã được bắn từ Campuchia vào lãnh thổ Thái Lan. Lực lượng Thái Lan cũng đáp trả bằng vũ khí hạng nặng. Tính đến 7h, giao tranh vẫn tiếp diễn, và tình hình vẫn căng thẳng.

Xung đột biên giới đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và hơn 170.000 người phải rời bỏ nhà cửa lan rộng khắp biên giới. Đây là cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng trong một thập niên qua.

Trong hai ngày đầu giao tranh, Thái Lan đã điều tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất để tập kích hàng loạt mục tiêu của Campuchia. Trong ngày thứ giao tranh thứ 3, F-16 tiếp tục được Thái Lan triển khai.

Các cuộc giao tranh của Thái Lan và Campuchia diễn ra bất chấp nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng của các bên trung gian.

Cả Thái Lan và Campuchia đều tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn trong cuộc giao tranh đang diễn ra bằng máy bay chiến đấu, xe tăng và bộ binh, nhưng cáo buộc bên kia phá hoại các nỗ lực đình chiến.

Sau phiên họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc Chhea Keo cho biết Campuchia mong muốn một lệnh ngừng bắn.

"Campuchia đã yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức - vô điều kiện - và chúng tôi cũng kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình", ông nói với các phóng viên.

Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa ngày 26/7 tuyên bố, để bất kỳ lệnh ngừng bắn hoặc đàm phán nào được tiến hành, Campuchia cần thể hiện "sự chân thành thực sự trong việc chấm dứt xung đột". Ông kêu gọi Campuchia chấm dứt giao tranh và “quay trở lại giải quyết vấn đề thông qua đối thoại song phương".

Trong thông báo trên mạng xã hội Truth Social ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Campuchia và Thái Lan “đã đồng ý gặp nhau ngay lập tức và nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, và cuối cùng là hòa bình”.

Chủ nhân Nhà Trắng cho biết, ông đã điện đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai trong nỗ lực khôi phục hòa bình. Ông Trump cảnh báo Mỹ sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với hai quốc gia này nếu giao tranh biên giới còn tiếp diễn.

Vào sáng sớm 27/7 theo giờ địa phương, Thủ tướng Hun Manet đã cảm ơn Tổng thống Trump và cho biết Campuchia đồng ý với “đề xuất về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện giữa Campuchia và Thái Lan”. Ông cũng cho biết trước đó đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn với Thái Lan thông qua Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.

Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này mong muốn thấy được “thiện chí thực sự từ phía Campuchia”.

Thông cáo cũng nhấn mạnh quyền Thủ tướng Phumtham đã “đề nghị Tổng thống Trump chuyển lời rằng Thái Lan mong muốn tổ chức đối thoại song phương sớm nhất có thể để đưa ra các biện pháp và quy trình nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và tiến tới giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình”.