
Một phần hệ thống phòng không IRIS-T SLM của nhà sản xuất vũ khí Đức Diehl Defence (Ảnh: Reuters).
Đại sứ Ukraine tại Đức Oleksii Makeiev xác nhận Berlin đang chuyển giao hệ thống phòng không IRIS-T thứ 8 cho Ukraine. Theo hãng tin Interfax-Ukraine ngày 24/7, tính đến nay đã có 7 hệ thống được triển khai và hệ thống tiếp theo đang trên đường đến.
Động thái này là một phần trong sáng kiến dài hạn của Đức nhằm củng cố năng lực phòng không cho Ukraine. Từ tháng 9 năm ngoái, Berlin đã cam kết cung cấp tổng cộng 17 hệ thống IRIS-T, trong bối cảnh Ukraine ngày càng đối mặt với các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) từ Nga.
IRIS-T đã chứng minh hiệu quả ấn tượng khi giúp Ukraine bắn hạ hơn 250 tên lửa và UAV của Nga chỉ với 7 hệ thống ban đầu, trở thành một phần cốt lõi trong mạng lưới phòng không phân tầng của Ukraine.
IRIS-T có hai phiên bản: tầm ngắn, có khả năng đánh chặn mục tiêu trong phạm vi 12km và độ cao tối đa 8km, và tầm trung với phạm vi 40km, độ cao tối đa 20km. Cả hai đều sử dụng bệ phóng di động, được đặt trên xe bánh xích hoặc xe tải, giúp linh hoạt triển khai và dễ dàng thay đổi vị trí nhằm tránh bị phát hiện và tấn công.
Điểm nổi bật của IRIS-T nằm ở khả năng phóng tên lửa theo phương thẳng đứng, loại bỏ điểm mù phía trên, cùng với tốc độ lên đến 1.020 mét/giây. Hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại và kiểm soát hướng đẩy giúp tên lửa theo sát mục tiêu kể cả khi mục tiêu sử dụng bẫy nhiệt để đánh lừa hệ thống.
Radar TRML-4D, thành phần then chốt của hệ thống, giúp phát hiện hiệu quả các mối đe dọa bay thấp trong môi trường phức tạp, nơi có nhiều vật thể gây nhiễu như rừng rậm, đô thị hoặc địa hình đồi núi. Nhờ khả năng lọc nhiễu tốt và theo dõi chính xác mục tiêu, IRIS-T được đánh giá là một trong những hệ thống đánh chặn tầm thấp hiệu quả nhất tại Ukraine hiện nay.
Tuy vậy, điểm yếu của IRIS-T là không thể đối phó với tên lửa đạn đạo, loại vũ khí đang được Nga sử dụng với hiệu quả cao. Các tên lửa như Iskander M hoặc Kinzhal thường tấn công từ độ cao hàng chục km và với tốc độ rất lớn, khiến IRIS-T không kịp phản ứng. Để đối phó với nguy cơ này, Ukraine chủ yếu trông cậy vào hệ thống Patriot của Mỹ.
Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 24/7 cho biết Ukraine đã nhận thêm 3 hệ thống Patriot mới và đang vận động để có tổng cộng 10 hệ thống. Phía Đức và Na Uy đã cam kết cấp thêm 3 hệ thống, đồng thời ông Zelensky đang đàm phán tiếp với Hà Lan để nhận thêm tổ hợp này.
Sự hỗ trợ này nằm trong sáng kiến do NATO và EU hậu thuẫn, công bố bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/7, theo đó các nước thành viên sẽ cùng mua vũ khí Mỹ để viện trợ cho Ukraine. Một hệ thống Patriot đầy đủ có thể tiêu tốn hơn 1 tỷ USD, nhưng lại là lựa chọn duy nhất hiện nay để chống lại các đòn tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Nga.
Sự kết hợp giữa IRIS-T, Patriot và các hệ thống khác đang giúp Ukraine xây dựng mạng lưới phòng không đa tầng ngày càng hoàn thiện.