
Phiên thảo luận của khách mời với chủ đề Chuyển mình thành thương hiệu trong ngành công nghiệp mới tại diễn đàn ngày 24-7.
Ngày 24-7, tại diễn đàn "Cơ hội bứt phá chuỗi giá trị ngành cơ khí - chế tạo Việt Nam trong bối cảnh thuế quan và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu" thuộc chuỗi triển lãm METALEX VIETNAM 2025, nhiều chuyên gia đã cùng thảo luận và đề xuất nhiều phương án để doanh nghiệp "chuyển mình", mở khóa TP.HCM thúc đẩy công nghiệp thành trụ cột phát triển đô thị mớiĐỌC NGAY
Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Trần Bình Minh - phó tổng giám đốc CTCP GCool - cho rằng không thể đợi có thị trường rồi mới đầu tư, mà doanh nghiệp cần chủ động phát triển sản phẩm, đề xuất giải pháp, kể cả khi chưa có đơn hàng cụ thể.
Theo ông, yếu tố kiên quyết là chất lượng sản phẩm và chuyển đổi sang tư duy "cung cấp giải pháp", thay vì chỉ bán sản phẩm.
Việc chủ động tham gia vào giai đoạn thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật, tối ưu chi phí cho khách hàng giúp mở rộng biên lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro bị thay thế. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần hiểu và nắm bắt thị trường để điều chỉnh sao cho phù hợp với bối cảnh.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định việc chủ động kết nối với khách hàng và thị trường quốc tế thông qua các hội chợ và triển lãm cũng là phương tiện hiệu quả để các doanh nghiệp gia tăng đơn hàng. Theo đó, doanh nghiệp nên hiện diện trên 3 năm để khẳng định uy tín cũng như gia tăng niềm tin đối với thị trường.
Ngành công nghiệp Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Hồng Quân - giám đốc thương mại, RX Tradex Vietnam - dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2025 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành chế biến - chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tốc độ phục hồi mạnh mẽ, cùng làn sóng đầu tư máy móc và mở rộng xuất khẩu.
Đặc biệt, lĩnh vực này thu hút hơn 12 tỉ USD FDI trong 6 tháng đầu năm, chiếm 55,6% tổng vốn đăng ký, cho thấy sức hút mạnh mẽ từ chuỗi giá trị sản xuất tại Việt Nam.
Theo ông Quân, những dự án lớn như dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành không chỉ nâng cấp hạ tầng kết nối liên vùng mà còn tạo cú huých lớn về nhu cầu thiết bị, máy móc, giải pháp gia công, tự động hóa và sản xuất chính xác, mở ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp.
