Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Bài viết đánh giá thực trạng nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đề xuất một số định hướng tiếp tục phát triển nguồn lực này trong thời gian tới.

ThS. Đào Xuân Lộc

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (bao gồm những người tham gia nghiên cứu, sáng tạo, giảng dạy, quản lý và vận hành các hoạt động liên quan đến khoa học và công nghệ) là rất quan trọng. Bài viết đánh giá thực trạng nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đề xuất một số định hướng tiếp tục phát triển nguồn lực này trong thời gian tới.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học và công nghệ, nhân lực khoa học và công nghệ

Summary

Science and technology play a pivotal role in driving industrialization, modernization, and the socio-economic development of the country, particularly in the era of the Fourth Industrial Revolution. Therefore, the development of human resources in science and technology (including individuals engaged in research, innovation, teaching, management, and operation of science and technology-related activities) is of critical importance. This paper assesses the current status of Vietnam’s science and technology workforce in the context of the Fourth Industrial Revolution and proposes several directions for further strengthen this workforce in the coming years.

Keywords: The Fourth Industrial Revolution, science and technology, science and technology human resources

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động nhiều mặt và đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay, dẫn đến một cuộc cách mạng về đào tạo ngành nghề trong xã hội. Do đó, Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng phải hướng đến việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) thích ứng với yêu cầu phát triển và bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt về mọi mặt. Tuy nhiên, quá trình phát triển nguồn lực quan trọng này cũng phải đối mặt với một số hạn chế, thách thức. Trên cơ sở đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển nguồn nhân lực KH&CN ở Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KH&CN, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA

Một số thành tựu

Về số lượng

- Nhân lực KH&CN gia tăng: Tổng số người làm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam đã tăng đều trong những năm gần đây. Cụ thể, vào năm 2018, tổng số nhân lực R&D là khoảng 112.583 người. Theo Sách trắng KHCN và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 do Bộ KH&CN công bố, tính đến hết năm 2022, tổng số nhân lực R&D của cả nước (quy đổi tương đương toàn thời gian - FTE) là 75.148 người, tăng 12% so với năm 2021. Còn theo Tổng cục Thống kê, nay là Cục Thống kê - Bộ Tài chính (2022), nếu tính theo số người thực tế tham gia, con số này đạt 197.887 người vào năm 2021.

- Gia tăng đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao: Số lượng cán bộ có trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) trong lĩnh vực KH&CN đã tăng đáng kể. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong tổng số nhân lực R&D có xu hướng tăng, phản ánh sự đầu tư vào đào tạo chuyên sâu. Năm 2021, số nhân lực R&D có trình độ tiến sĩ là 17.262 người và thạc sĩ là 43.746 người, chiếm 30,8% tổng số nhân lực R&D (Tổng cục Thống kê, 2022).

Đặc biệt, số lượng giáo sư và phó giáo sư cũng có sự gia tăng. Theo Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (2024), tính đến hết năm 2024, Hội đồng đã công nhận khoảng hơn 16.200 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Riêng trong 5 năm qua (2020-2024), cả nước có khoảng 2.329 nhà giáo được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, có 216 giáo sư, 2.113 phó giáo sư (trung bình mỗi năm có khoảng 465 nhà giáo được công nhận đạt chuẩn có chức danh giáo sư, phó giáo sư).

Về chất lượng

- Trình độ học vấn được nâng cao. Tổng số cán bộ nghiên cứu có trình độ từ cao đẳng trở lên tham gia vào hoạt động R&D cũng có sự cải thiện. Trong tổng số nhân lực R&D (tính theo số người), số cán bộ có trình độ từ đại học trở lên đạt 120.370 người vào năm 2021, chiếm 60,8% (Tổng cục Thống kê, 2022). Đến năm 2022-2023, tỷ lệ này ước tăng lên khoảng 55%-60%, cho thấy chất lượng nguồn nhân lực KH&CN đang được cải thiện.

- Năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế được cải thiện. Số lượng bài báo khoa học của Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục Scopus đã tăng vượt bậc. Năm 2023, Việt Nam công bố 18.543 bài báo, xếp thứ 44 trên thế giới (Bộ KH&CN, 2023). Điều này cho thấy, sự hội nhập và nâng cao năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam.

Về số lượng bằng sáng chế được cấp, mặc dù còn khiêm tốn so với các nước phát triển, nhưng Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Năm 2023, số đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam là 1.334 đơn và số bằng độc quyền sáng chế được cấp cho người Việt Nam là 629, tăng 15,4% so với năm 2022 (Cục Sở hữu trí tuệ, 2024).

- Đội ngũ nhân lực công nghệ số phát triển: Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ KH&CN), số lượng nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2023, ước tính có khoảng 1,3 triệu đến 1,5 triệu nhân lực trong ngành công nghiệp công nghệ số. Trong đó, tỷ lệ kỹ sư phần mềm, chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) chiếm ngày càng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Về phân bố và cơ cấu

Nhân lực KH&CN tập trung ở các trung tâm lớn. Theo Sách trắng KHCN và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, vùng Đồng bằng sông Hồng (chủ yếu là Hà Nội) và vùng Đông Nam Bộ (chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh - trước sắp xếp đơn vị hành chính) chiếm tới 83,3% tổng số nhân lực R&D của cả nước.

Trong cơ cấu nhân lực R&D, khu vực nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo Sách trắng KHCN và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, khu vực nhà nước (các viện nghiên cứu, trường đại học công lập) vẫn chiếm 75,3% tổng số nhân lực R&D. Khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 14,5% cho thấy, sự liên kết giữa nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Sự quan tâm và đầu tư từ Nhà nước thông qua tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ tăng lên qua các năm

Tổng chi ngân sách nhà nước cho KH&CN năm 2022 là 13.568 tỷ đồng (Tổng cục Thống kê, 2022). Tuy nhiên, tỷ lệ chi cho R&D trên GDP của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo Sách trắng KHCN và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, mặc dù có cải thiện, tỷ lệ này vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra và thấp hơn mức trung bình của thế giới (khoảng 2,23%), các nước OECD (2,71%) và một số quốc gia trong khu vực như: Singapore (1,9%), Malaysia (1,0%).

Một số hạn chế, thách thức

Nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam dù đã gia tăng, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế khi so sánh với khu vực và thế giới, đặc biệt là sự thiếu hụt nhân lực có trình độ cao. Cụ thể:

- Tỷ lệ nhân lực R&D trên dân số còn thấp: Theo Sách trắng KHCN và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ cán bộ nghiên cứu quy đổi toàn thời gian (FTE) trên một vạn dân của Việt Nam chỉ đạt khoảng 8-9 người. Con số này thấp hơn đáng kể so với mục tiêu chiến lược (mục tiêu là 12 người vào năm 2030) và cách biệt lớn so với mức trung bình của thế giới (khoảng 85 người/vạn dân) cũng như các quốc gia hàng đầu khu vực, như Singapore (khoảng 98 người/vạn dân) hay Hàn Quốc (trên 160 người/vạn dân) (World Bank Data, 2025).

- Năng suất lao động chưa cao: Chất lượng nguồn nhân lực một phần được phản ánh qua năng suất lao động chung của nền kinh tế. Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp. Cụ thể, năng suất lao động năm 2024 ước đạt khoảng 218 triệu đồng/lao động (tương đương 9.000 USD). Mức này chỉ bằng 12% so với Singapore, 24% so với Malaysia và 40% so với Thái Lan (tính theo sức mua tương đương - PPP). Mặc dù đây là năng suất chung, nhưng cũng cho thấy thách thức trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của lực lượng lao động, bao gồm cả lĩnh vực KH&CN (Tổng cục Thống kê, 2025; Tổ chức Năng suất châu Á - APO, 2024).

- Khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu thực tiễn: Một thách thức lớn là sự thiếu hụt các kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm. Theo Báo cáo thường niên về Doanh nghiệp Việt Nam của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, 2025), nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh rằng, sinh viên mới tốt nghiệp, kể cả trong các ngành kỹ thuật và công nghệ, thường cần từ 3-6 tháng đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc. Khảo sát trong Báo cáo này cho thấy, trên 60% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng phù hợp.

Mặt khác, hiện nay, một bộ phận không nhỏ nhân lực KH&CN trình độ cao không trực tiếp làm nghiên cứu, do cơ chế bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý hiện nay vẫn dựa trên trình độ chuyên môn cao (học hàm, học vị) nên có tình trạng một số cán bộ lãnh đạo tập trung chủ yếu thời gian cho công tác quản lý, điều hành mà ít tham gia trực tiếp các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trong thời gian tới, Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt nhà khoa học giỏi, nhà khoa học đầu ngành. Mặc dù, số lượng cán bộ KH&CN có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ được nâng lên, nhưng hiện nay tình trạng thiếu hụt đội ngũ kế cận đang diễn ra. Số lượng nhà khoa học có trình độ cao và có kinh nghiệm ngày càng giảm do đến tuổi nghỉ hưu, đặc biệt trong các lĩnh vực KH&CN ưu tiên, lĩnh vực công nghệ cao.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, đổi mới mạnh mẽ đào tạo và phát triển nhân lực khoa học và công nghệ

Chất lượng đầu ra của hệ thống giáo dục quyết định trực tiếp đến năng lực của nguồn nhân lực KH&CN. Hiện nay, chương trình đào tạo ở nhiều trường còn lạc hậu, nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng và chưa bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu. Do đó, cần rà soát và cập nhật thường xuyên: Các trường đại học cần thành lập hội đồng tư vấn với sự tham gia của chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp để liên tục rà soát, cập nhật giáo trình, môn học.

Thiết kế các chương trình học kết hợp giữa các lĩnh vực, như: Khoa học máy tính với Y tế (Tin học y tế), Kỹ thuật với Kinh tế (Kỹ thuật quản lý công nghiệp), để đáp ứng nhu cầu nhân lực đa năng. Giảm giờ học lý thuyết, tăng cường thời gian thực hành tại phòng thí nghiệm, làm đồ án, dự án thực tế. Khuyến khích sinh viên tự học, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề bằng phương pháp khoa học.

Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - viện nghiên cứu - doanh nghiệp thông qua mô hình đào tạo "đặt hàng" và "kép": doanh nghiệp tham gia từ khâu thiết kế chương trình, cử chuyên gia giảng dạy, tiếp nhận sinh viên thực tập và cam kết tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Mô hình đào tạo kép (học ở trường kết hợp làm việc tại doanh nghiệp) nên được nhân rộng.

Xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu chung giữa trường đại học/viện nghiên cứu và doanh nghiệp để cùng triển khai các dự án nghiên cứu, phát triển sản phẩm thực tế.

Khuyến khích giảng viên, nghiên cứu viên tham gia các dự án của doanh nghiệp, và mời chuyên gia doanh nghiệp tham gia giảng dạy hoặc hướng dẫn đồ án, luận văn.

Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đầu tư mạnh vào các phòng thí nghiệm hiện đại, thư viện số, hệ thống máy tính hiệu năng cao, trung tâm dữ liệu phục vụ nghiên cứu và đào tạo. Cử giảng viên đi học tập, nghiên cứu sinh ở các trường đại học hàng đầu thế giới; tổ chức các khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy hiện đại, cập nhật công nghệ mới; khuyến khích giảng viên tham gia các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia và quốc tế.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài

Thực tế cho thấy, mức lương và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ KH&CN trong khu vực công còn thấp, chưa phản ánh đúng giá trị chất xám và công sức họ bỏ ra. Điều này khiến những người giỏi có xu hướng chuyển sang khu vực tư nhân hoặc ra nước ngoài. Do đó, để thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực có trình độ, cần xây dựng thang lương, phụ cấp đặc thù, cạnh tranh. Không chỉ tăng lương cơ bản, mà còn cần có phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp theo kết quả nghiên cứu, thưởng sáng chế, thưởng ứng dụng công nghệ cao. Mức đãi ngộ này cần được xem xét dựa trên mặt bằng chung của khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học.

Thay vì cấp phát theo định mức cứng nhắc, nên áp dụng cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ, theo sản phẩm khoa học. Điều này cho phép đơn vị nghiên cứu chủ động hơn trong việc phân bổ nguồn lực, bao gồm cả việc trả lương, thưởng xứng đáng cho cá nhân và nhóm nghiên cứu đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, xây dựng các giải thưởng cần có giá trị vật chất và tinh thần lớn, được công bố rộng rãi và xét duyệt minh bạch dựa trên tiêu chí khoa học quốc tế (số lượng công bố, bằng sáng chế, giá trị ứng dụng thực tiễn). Tăng cường đưa tin về các công trình nghiên cứu nổi bật, chân dung nhà khoa học, những câu chuyện về sự cống hiến để tạo cảm hứng và nâng cao vị thế của người làm khoa học trong xã hội.

Ngoài ra, cần rà soát, cập nhật các quy định để phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn phát triển. Đơn giản hóa thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, tạo thuận lợi cho việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trao quyền tự chủ cao hơn về tuyển dụng, sử dụng nhân sự, quản lý tài chính và định hướng nghiên cứu. Điều này giúp các đơn vị chủ động hơn trong việc tìm kiếm, phát triển nhân tài.

Ba là, tăng cường đầu tư và đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển nhân lực khoa học và công nghệ

Phấn đấu đạt mức 1% GDP trong ngắn hạn và hướng tới 2% trong dài hạn, tương tự các quốc gia có nền KH&CN phát triển. Nguồn kinh phí này cần được ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng có tính đột phá, đào tạo nhân lực trình độ cao và xây dựng hạ tầng KH&CN trọng điểm.

Ngoài chi cho các đề tài, dự án, cần đảm bảo nguồn chi thường xuyên ổn định cho các tổ chức KH&CN, đặc biệt là chi cho con người (lương, phụ cấp, bồi dưỡng).

Cụ thể hóa và tăng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các khoản chi đầu tư vào R&D, đào tạo nhân lực KH&CN. Có thể áp dụng miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị nghiên cứu.

Có cơ chế rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng trích lập và sử dụng quỹ đầu tư cho R&D đào tạo nhân lực KH&CN một cách hiệu quả. Tạo thuận lợi cho các quỹ thu hút vốn từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đầu tư vào các dự án khởi nghiệp công nghệ, nghiên cứu có rủi ro cao nhưng tiềm năng lớn.

Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục tài chính. Rút gọn các quy trình lập dự toán, thanh quyết toán, giảm bớt gánh nặng hành chính cho nhà khoa học. Chuyển sang cơ chế tài chính dựa trên kết quả và hiệu suất nghiên cứu, thay vì chỉ dựa vào quy trình hay định mức đầu vào. Áp dụng các công cụ đánh giá hiệu quả chi tiêu khoa học.

Bốn là, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo

Thay đổi cách đánh giá. Không chỉ đánh giá kết quả thành công mà cách đánh giá cần thay đổi ghi nhận quá trình nghiên cứu, những nỗ lực đổi mới, học hỏi từ thất bại. Tạo không gian cho thử nghiệm, cho phép sai sót có kiểm soát trong nghiên cứu.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Xây dựng các vườn ươm công nghệ, không gian làm việc chung (co-working space) cho các dự án khởi nghiệp KH&CN. Tổ chức các cuộc thi ý tưởng, cuộc thi sáng tạo công nghệ.

Sử dụng đa dạng các kênh truyền thông (truyền hình, báo chí, mạng xã hội) để phổ biến kiến thức khoa học một cách dễ hiểu, hấp dẫn đến mọi tầng lớp nhân dân. Tổ chức các lễ hội KH&CN, triển lãm khoa học.

Xây dựng hình ảnh nhà khoa học gần gũi và truyền cảm hứng, giới thiệu các gương mặt nhà khoa học trẻ, thành công, có đóng góp thực tiễn để tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Khuyến khích thành lập và phát triển các hội, hiệp hội khoa học chuyên ngành. Đây là nơi các nhà khoa học cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu và bảo vệ quyền lợi. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, cập nhật thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Xây dựng các nền tảng, cơ sở dữ liệu quốc gia về chuyên gia, công trình nghiên cứu, thiết bị phòng thí nghiệm để dễ dàng kết nối và chia sẻ nguồn lực.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Khoa học và Công nghệ (2023; 2025), Sách trắng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023; năm 2025.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023). Các báo cáo và phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2023 về tình hình phát triển ngành công nghiệp công nghệ số và nguồn nhân lực.

3. Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (2024). Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

4. Đào Thị Thu Thủy (2020). Chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của Việt Nam: Góc nhìn từ thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu chính sách và quản lý - Đại học Quốc gia Hà Nội, số 2, 32-42.

5. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, 2025). Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2024.

6. Ngân hàng Thế giới (World Bank) (2025). Cơ sở dữ liệu Chỉ số Phát triển Thế giới (World Development Indicators).

7. Nền tảng Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam - BambuUP (2023). Báo cáo Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2023.

8. Tổng cục Thống kê (2024). Niên giám Thống kê 2024, Nxb Thống kê.

9. Tổng cục Thống kê (2025). Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2024.

10. Tổ chức Năng suất Châu Á - APO (2024). Báo cáo Năng suất (APO Productivity Databook) 2024.

11. Viện Thống kê UNESCO (UIS) (2025). Cơ sở dữ liệu về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

12. Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (2024). Các quyết định và thông cáo báo chí về kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024.

13. Viện Thống kê UNESCO (UNESCO Institute for Statistics - UIS). Cơ sở dữ liệu trực tuyến về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của các quốc gia trên thế giới, dùng cho mục đích so sánh quốc tế.

Ngày nhận bài: 22/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 9/7/2025; Ngày duyệt đăng: 16/7/2025