Hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển hệ thống phân phối bền vững tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Nghiên cứu xác định cơ sở pháp lý cho việc phát triển hoạt động phân phối theo định hướng bền vững.

ThS. Nguyễn Lê Lý

Khoa Kinh tế và Luật, Trường Đại học Bạc Liêu

Tóm tắt

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc phát triển hệ thống phân phối bền vững tại Việt Nam đã trở thành một yêu cầu cấp thiết. Bài viết này tập trung hệ thống hóa các quy định pháp luật hiện hành, qua đó xác định cơ sở pháp lý cho việc phát triển hoạt động phân phối theo định hướng bền vững.

Từ khoá: Hệ thống phân phối, phân phối bền vững, phát triển bền vững, pháp luật về phân phối

Summary

In the context of increasingly deep international economic integration, the development of a sustainable distribution system in Vietnam has become an urgent requirement. This paper focuses on systematizing current legal regulations to identify the legal foundation for developing distribution activities in a sustainable way.

Keywords: Distribution system, sustainable distribution, sustainable development, legal regulations on distribution

GIỚI THIỆU

Hệ thống pháp luật về phân phối nói chung và phát triển hệ thống phân phối bền vững nói riêng tại Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Quá trình này bao gồm các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát chất lượng hàng hóa, cùng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình bền vững như ứng dụng công nghệ xanh, phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện và thực thi hiệu quả khung pháp lý về phân phối bền vững không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai.

HOẠT ĐỘNG PHÂN PHỐI VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Dưới góc độ kinh tế chính trị Mác-Lênin, phân phối là một mặt của quan hệ sản xuất và là khâu trung gian kết nối sản xuất với tiêu dùng. Dưới góc độ marketing, kênh phân phối thực hiện nhiệm vụ chuyển hàng hoá từ người sản xuất đến người tiêu dùng thông qua các chức năng của thành viên trong kênh. Theo Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS), dịch vụ phân phối bao gồm việc bán hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng hoặc cho người bán lại khác, bao gồm các hình thức như đại lý thương mại, bán buôn, bán lẻ và nhượng quyền thương mại. Ghi chú của Ban thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng định nghĩa ngành dịch vụ phân phối gồm các hoạt động kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng, giữ vai trò trung gian và liên kết chặt chẽ với các dịch vụ khác.

Từ các cách tiếp cận trên, có thể thấy hoạt động phân phối là quá trình lưu thông hàng hóa, bao gồm vận chuyển, bảo quản, lưu trữ và chuyển giao hàng hóa từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng, giúp quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục và hiệu quả. Hoạt động này chiếm một tỷ trọng đáng kể và đóng góp lớn vào GDP của các quốc gia.

Chiến lược phát triển hoạt động phân phối được xác định gắn với mục tiêu phát triển bền vững, xuất phát từ quan điểm sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mục tiêu này nhằm phát triển kinh tế hiệu quả, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, để đạt được mục tiêu này cần phát triển hệ thống phân phối bền vững thông qua các giải pháp đồng bộ như: xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần phân phối xanh, bền vững; xây dựng, tổ chức mạng lưới liên kết bền vững giữa các cơ sở phân phối, bán lẻ với các nhà cung ứng về nguyên liệu, hàng hóa và sản phẩm thân thiện môi trường; thiết kế hình thành khu vực, gian hàng xanh trưng bày các sản phẩm thân thiện môi trường; thúc đẩy phân phối và tiêu dùng bền vững đối với sản phẩm thân thiện môi trường được sản xuất trong nước; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy tại các chợ dân sinh, siêu thị và trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối sản phẩm của doanh nghiệp; xây dựng tiêu chí, hướng dẫn thực hiện chứng nhận doanh nghiệp, cơ sở phân phối bền vững; chứng nhận và dán nhãn công trình thương mại xanh...

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHÂN PHỐI BỀN VỮNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Hiện nay, chính sách và pháp luật về phát triển hệ thống phân phối bền vững Việt Nam được xây dựng nhằm thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Những quy định pháp luật này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hoạt động của doanh nghiệp, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao uy tín và cạnh tranh trên thị trường. Cơ sở pháp lý về phát triển hệ thống phân phối bền vững được ghi nhận chủ yếu tại các văn bản sau:

Luật Thương mại (2005): Điều chỉnh các hoạt động thương mại, trong đó có các quy định về hoạt động phân phối. Luật này đưa ra các nguyên tắc trong hoạt động thương mại, từ đó khuyến khích phát triển phân phối hàng hóa theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Mặc dù không hoàn toàn tập trung vào các vấn đề môi trường, nhưng một số điều khoản có thể hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững như các nguyên tắc trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp nhằm duy trì môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch.

Ngoài ra, các quy định còn điều chỉnh các vấn đề như quyền và nghĩa vụ của thương nhân trong hoạt động thương mại nói chung và hoạt động phân phối nói riêng; quy định chi tiết về hợp đồng mua bán hàng hoá; các hoạt động xúc tiến thương mại... góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động phân phối.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010): Khuyến khích các doanh nghiệp phân phối áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ nhiên liệu và sử dụng năng lượng tái tạo.

Luật Bảo vệ môi trường (2020): Doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực cần đảm bảo rằng các hoạt động không gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, đồng thời khuyến khích sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo và công nghệ xanh trong quá trình vận hành. Trong đó, Luật có những điều khoản cụ thể nhằm đảm mục tiêu đề ra như: quy định về quản lý chất thải; quy định về sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ sạch; quy định về tái sử dụng và tái chế bao bì; bảo vệ môi trường trong hoạt động phân phối; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và báo cáo môi trường.

Luật Doanh nghiệp (2020): Dù lsuật này chủ yếu tập trung vào quy định về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, nhưng các quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, công khai thông tin và quản lý rủi ro có thể hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững trong hệ thống phân phối. Theo đó, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động; áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Bên cạnh đó, các quy định về công bố thông tin, công khai thông tin, quản lý rủi ro cũng góp phần giúp các bên liên quan nắm bắt được thông tin quan trọng về doanh nghiệp phân phối, góp phần thúc đẩy sự minh bạch và bền vững trong hệ thống.

Luật Đầu tư (2020): Thúc đẩy hệ thống phân phối bền vững thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư và yêu cầu về trách nhiệm của nhà đầu tư như khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có ảnh hưởng tích cực đến môi trường và xã hội như công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và các phương pháp sản xuất, phân phối bền vững.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2023): Liên quan đến phát triển hệ thống phân phối bền vững, Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phân phối hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo chất lượng sản phẩm, quyền được thông tin đầy đủ, minh bạch của người tiêu dùng và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Cơ sở phân phối cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định liên quan về quảng cáo, khuyến mại, trách nhiệm và đạo đức kinh doanh để đảm bảo sự bền vững và uy tín trên thị trường. Những quy định này đảm bảo rằng các hoạt động phân phối diễn ra một cách công bằng, minh bạch và có trách nhiệm với môi trường.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHÂN PHỐI BỀN VỮNG VÀ KHUYẾN NGHỊ

Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho phát triển hệ thống phân phối bền vững tại Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức:

Thứ nhất, nếu xem xét hoạt động phân phối dưới góc độ một ngành dịch vụ, có thể thấy rằng, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh lĩnh vực dịch vụ nói chung rất đồ sộ, rộng lớn, trong đó mỗi nhóm ngành dịch vụ có một hệ thống pháp luật chuyên ngành điều chỉnh, nên phải đặc biệt lưu ý khi kết hợp việc phát triển ngành kinh tế này với mục tiêu phát triển bền vững này để thấy được tính phức tạp của nó. Vì những đặc tính khác biệt của từng ngành dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ, phương thức cung ứng cũng như thụ hưởng dịch vụ là khác nhau, nên những quy định của pháp luật phải bám sát được các đặc tính đó mà có cơ chế điều chỉnh phù hợp, nhất là khi đã xác định mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thứ hai, các khái niệm cốt lõi như "hoạt động phân phối" hay "dịch vụ phân phối" chưa được định nghĩa đầy đủ trong một văn bản pháp lý độc lập. Hiện chưa có một đạo luật chung, dẫn đến các quy định bị phân tán ở nhiều văn bản khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng thống nhất. Các quy định pháp luật về các phân ngành của lĩnh vực này nằm ở nhiều văn bản luật và dưới luật khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và ở các chuyên ngành khác nhau. Do vậy, khi kết hợp với mục tiêu phân phối vì sự phát triển bền vững sẽ có những khó khăn nhất định trong cách hiểu về hoạt động kinh tế này để thống nhất khi vận dụng, tránh sự chồng chéo nhằm đạt được một chiến lược tổng thể vì mục tiêu phát triển bền vững của ngành kinh tế này.

Thứ ba, tồn tại song song 2 hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động phân phối/dịch vụ phân phối là các quy định của pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế cùng với những nguyên tắc của thương mại quốc tế. Những quy định của các văn bản luật và dưới luật trong nước không đủ để điều chỉnh lĩnh vực này khi Việt Nam đã có những cam kết quốc tế trong các hiệp định song phương và đa phương với nhiều đối tác thương mại là quốc gia và các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Những cam kết này trở thành những nghĩa vụ mà Việt Nam phải tuân thủ trong quá trình thực thi cam kết. Do vậy, khi xác định mục tiêu phát triển bền vững cho hoạt động phân phối, cần có sự đối chiếu, rà soát đầy đủ khi nội luật hóa những thỏa thuận đó vào pháp luật trong nước.

Thứ tư, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã làm thay đổi sâu sắc mô hình kinh doanh phân phối, đặc biệt là bán buôn và bán lẻ. Việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ được thực hiện trực tuyến thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, các website bán hàng, các tài khoản mạng xã hội cá nhân, kể cả việc nhập khẩu hàng hóa dịch vụ giờ đây diễn ra hết sức đơn giản. Từ thực tiễn này, hệ thống pháp luật cần được cập nhật, hoàn thiện kịp thời để thích ứng với các phương thức kinh doanh mới, đảm bảo môi trường kinh doanh và tiêu dùng an toàn, bền vững trên không gian mạng.

Tóm lại, cơ sở pháp lý cho hệ thống phân phối bền vững tại Việt Nam đã hình thành nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện để đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch và hiệu quả, đảm bảo hiệu quả thực thi. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể có liên quan. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong phạm vi chức năng và quyền hạn, không chỉ dừng lại ở việc ban hành các quy định, mà cần tạo lập cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc tham gia vào quá trình phân phối bền vững cũng là một yếu tố không thể thiếu.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2003). Giáo trình Kinh tế chính trị Mác-Lênin. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

2. Conference on Trade and Development (2005). Distribution services - Note by the UNCTAD Secretariat.

3. Nguyễn Xuân Quang (2010). Giáo trình Marketing thương mại. Nxb Lao động xã hội.

4. Phạm Quang Phan và Tô Đức Hạnh (2008). Khái lược Kinh tế chính trị Mác-Lênin. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

5. Philip Kotler (2003). Quản trị Marketing. Nxb Thống kê.

6. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 889/QĐ-TTG ngày 24/6/2020 của Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

7. Trần Minh Đạo (2010). Giáo trình Marketing căn bản. Nxb Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngày nhận bài: 8/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 14/7/2025; Ngày duyệt đăng: 16/7/2025