
Ông Trần Lưu Quang - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương - phát biểu tại chương trình - Ảnh: T.T.D.
Tối 24-5, Đại học Quốc gia TP.HCM ra mắt chương trình "Nghị quyết số 57: Từ tầm nhìn đến thực thi mô hình hợp tác nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp".
Chương trình nhằm triển khai hiệu quả nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời gắn kết với Đột phá theo nghị quyết 57: Thúc đẩy tinh thần đổi mới và khởi nghiệp khoa học
Ông Quang cho rằng nhà nước phải có cách tiếp cận, giải quyết khác với những gì đã làm để thực thi nghị quyết. Ông Quang chỉ ra thực trạng dù nghị quyết đã có cơ chế vượt trội, nhưng thể chế phục vụ chưa đầy đủ, còn tâm lý e ngại, sợ sai.
Ông đề nghị các cấp dũng cảm hơn, tự tin hơn, bám vào nghị quyết và vận dụng linh hoạt, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm.
Ông Quang gợi ý cần mạnh dạn cắt giảm 50% thời gian, điều kiện, thủ tục trong lĩnh vực liên kết "3 nhà" (so với mục tiêu chung 30% đến cuối 2025), thậm chí có thể có một "làn riêng" như xe ưu tiên cho việc này.

Bà Đặng Huỳnh Ức My - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) và PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, ký kết hợp tác trong mô hình "3 nhà" - Ảnh: T.T.D.
Đối với các nhà khoa học và nhà trường, ông Quang đề xuất cần tập trung vào những vướng mắc nhằm cải thiện sản xuất, mô hình kinh doanh để tăng năng suất lao động, các nghiên cứu gắn với khả năng ứng dụng, thực tiễn và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế khi sinh viên ra trường...
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, ông Quang nhấn mạnh có vai trò trung tâm và mong các doanh nghiệp, doanh nhân là "chịu chơi hơn" trong mô hình liên kết "3 nhà".
Trong mô hình hợp tác này, ông Quang cũng đề xuất cần thành lập quỹ để điều phối các nguồn lực của doanh nghiệp để "xài tiền" hiệu quả, minh bạch và đạt được hiệu quả.
Đáng chú ý, với vai trò là phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện nghị quyết 57, ông Quang cam kết đồng hành với chương trình và công khai số điện thoại cá nhân để sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà trường, nhà khoa học...
Doanh nghiệp cam kết đồng hành với nhà nước, nhà trường

Ông Nguyễn Thanh Nghị - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - nhấn mạnh TP ủng hộ, tạo mọi điều kiện để mô hình "3 nhà" gặt hái các thành quả - Ảnh: T.T.D.
Ông Nguyễn Thanh Nghị - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - cho biết việc triển khai mô hình hợp tác "3 nhà" là bước đi then chốt để thực hiện các mục tiêu của nghị quyết 57, trong đó nhà nước giữ vai trò kiến tạo thể chế, điều phối chiến lược và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nhà trường, tiêu biểu là Đại học Quốc gia TP.HCM, đảm nhiệm vai trò đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Còn doanh nghiệp là chủ thể ứng dụng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, định hướng nhu cầu thực tiễn.
Lấy hình ảnh ví von từ câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - nói mô hình hợp tác "3 nhà" là tam giác chiến lược, cốt lõi trong hệ sinh thái quốc gia đổi mới sáng tạo. Trong đó, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thiết lập khung thể chế, dẫn dắt đầu tư, đảm bảo công bằng và tạo động lực chấp nhận rủi ro để thúc đẩy đổi mới…
Nhà trường là trung tâm sản sinh tri thức, cung cấp nguồn lực trí tuệ, thực hiện các nghiên cứu nền tảng, đồng thời phát triển các giải pháp ứng dụng. Doanh nghiệp giữ vị trí then chốt trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa đổi mới vào thực tiễn và lan tỏa giá trị ra thị trường.
Theo ông Quân, khi tam giác chiến lược này vận hành hiệu quả, quốc gia sẽ có cơ hội "đi tắt, đón đầu", thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên mạnh mẽ.

PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho hay đơn vị này đang chủ động kiến tạo nền tảng cho hợp tác “3 nhà” theo hướng hiệu quả và bền vững - Ảnh: T.T.D.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam) - cho rằng nâng cao năng lực quản trị chuyên nghiệp là yêu cầu ngày càng cấp thiết trong hành trình phát triển hiện nay, không chỉ đối với bản thân các doanh nghiệp, mà còn với bộ máy quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học.
Theo ông Trai, chỉ khi cả "3 nhà" cùng tiến về phía trước với tư duy quản trị hiện đại, hiệu quả và minh bạch, chúng ta mới có thể xây dựng được một hệ sinh thái hợp tác thực chất, đồng bộ và bền vững.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (Pro Việt Nam) - nói mô hình này là cơ hội thiết thực để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn lực mới, khai thác tri thức tốt hơn, và từng bước nâng cao vị thế trong một hệ sinh thái phát triển công bằng, toàn diện và cùng có lợi - Ảnh: T.T.D.
Theo bà Đặng Huỳnh Ức My - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS), trong kỷ nguyên chuyển đổi xanh toàn cầu và hội nhập sâu rộng, mô hình hợp tác chiến lược giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu để tạo ra một hệ sinh thái đổi mới thực chất và bền vững. Mô hình "3 nhà" này được xem là 3 trụ cột, là nền móng cho sự đột phá chiến lược trong chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam.
Việc hợp tác với Đại học Quốc gia TP.HCM là một cột mốc quan trọng để nghiên cứu ứng dụng, kiến tạo mô hình thực nghiệm và chuyển hóa tri thức học thuật thành kết quả trên đồng ruộng, trong nhà máy và ra ngoài thị trường.
Ngoài "3 nhà" kể trên, trong nông nghiệp, TTC Agris còn tích hợp thêm hai lực lượng quan trọng là nhà nông (người trực tiếp tạo ra sự đổi mới) và đối tác tài chính (đồng hành và thúc đẩy tăng trưởng xanh).
"Khi chúng ta bắt đầu bằng tri thức, gắn kết bằng niềm tin và đồng hành bằng sự cam kết, việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp sẽ không còn là khát vọng mà đang từng bước tiến đến gần", bà My nhấn mạnh.
Tại buổi ra mắt chương trình, Đại học Quốc gia TP.HCM đã ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp lớn như Coteccons, TTC AgriS, Tetra Pak, Nestlé, Suntory PepsiCo, ACB, Sunwah… trong 6 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội và xây dựng chính sách, cơ chế phối hợp "3 nhà".
Ngoài khung hợp tác chung, các doanh nghiệp tham gia ký kết còn đồng thuận triển khai một số nội dung hợp tác chuyên biệt căn cứ nhu cầu và lĩnh vực chuyên môn đặc thù của doanh nghiệp.

Robot của Công ty cổ phần xây dựng Coteccons trình diễn tại chương trình - Ảnh: T.T.D

Đại học Quốc gia TP.HCM ký kết hợp tác cùng Nestlé Việt Nam, trong đó sinh viên sẽ có cơ hội tham gia các chương trình tuyển dụng, đào tạo và phát triển tài năng trẻ của Nestlé - Ảnh: T.T.D

Công ty cổ phần xây dựng Coteccons hợp tác với Đại học Quốc gia TP.HCM nhằm hướng đến thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi số trong ngành xây dựng. Hai bên phối hợp nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xanh, công nghệ tiết kiệm năng lượng, đồng thời tổ chức đào tạo, hội thảo chuyên đề về phát triển bền vững... - Ảnh: T.T.D
