
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Quyết định của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi cử Bộ trưởng Quốc phòng Rustam Umerov đứng đầu phái đoàn để gặp Nga tại Istanbul được xem là một lựa chọn khó khăn với Kiev, theo giới quan sát.
Phái đoàn mà Nga cử đến gồm Trợ lý Tổng thống và là trưởng đoàn đàm phán của Nga, ông Vladimir Medinsky, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Nga Igor Kostyukov.
Chính ông Zelensky cũng thừa nhận là phái đoàn Nga có cấp độ tương đối thấp so với phía Ukraine.
"Bất chấp cấp độ tương đối thấp của phái đoàn Nga, vì tôn trọng Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì tôn trọng phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi vẫn muốn cố gắng thực hiện ít nhất những bước đầu tiên hướng tới một lệnh ngừng bắn. Vì vậy, tôi đã quyết định cử phái đoàn của chúng tôi tới Istanbul ngay lúc này", ông Zelensky nói.
Ban đầu, ông Zelensky muốn đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng Moscow đã không đồng ý.
Nga vẫn duy trì sự bí ẩn về phái đoàn cử đến Istanbul cho tới trước ngày đàm phán dự kiến, 15/5.
Điều này có thể rõ ràng cho thấy, Nga đang thể hiện việc họ trong thế chủ động, đang "nắm đằng chuôi" so với Ukraine.
Việc ông Zelensky chấp nhận cử Bộ trưởng Quốc phòng đi đàm phán với Thứ trưởng Quốc phòng ở phía Nga vào phút cuối được xem là "bắt buộc phải làm", với đối tượng hướng đến chính là ông Trump.
Ukraine buộc phải chứng minh rằng họ sẵn sàng làm mọi điều, dù là nhỏ nhất, để thúc đẩy hòa bình, nếu không, Kiev có nguy cơ khiến ông Trump phật ý, khiến ông sốt ruột với tiến trình hiện tại, hoặc bắt đầu hạn chế viện trợ cho Kiev.
Chính vì vậy, tiến trình đàm phán lại đang diễn ra theo đúng như cách Nga mong muốn: Chậm rãi và do chính Điện Kremlin quyết định luật chơi.
Điều đó thể hiện qua việc Nga tự chọn phái đoàn và Ukraine phải chấp nhận việc đàm phán dù họ chỉ trích động thái của Moscow.
Theo giới quan sát, điều rõ ràng nhất vào lúc này chính là: Điện Kremlin thể hiện rằng họ không e ngại bị áp thêm các lệnh trừng phạt, không nao núng trước sức ép từ châu Âu, và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ đang bị ông Donald Trump lay chuyển.
Ông Zelensky thừa nhận rằng, ông Trump đã gây áp lực lên cả 2 nước, nhưng sức ép lên Ukraine lớn hơn so với Nga, cho thấy Moscow vẫn đang ở tình thế có lợi hơn.
Việc ông Putin từ chối tham gia đàm phán trực tiếp với ông Zelensky trong lần này được đánh giá là một nước cờ đã được tính toán kỹ và có lẽ đang bắt đầu mang lại kết quả.
Sau khi biết thông tin này, ông Trump nói rằng tiến triển trong việc giải quyết xung đột tại Ukraine sẽ chỉ có thể đạt được nếu ông có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Không có điều gì sẽ xảy ra cho đến khi tôi và ông Putin gặp nhau", ông Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một khi đang di chuyển từ Qatar đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Điều đó cho phép ông Putin có thể tính toán bất kỳ hướng đi nào, vì ông hiểu rõ rằng Tổng thống Mỹ hiện tại thực sự tin rằng sẽ không có tiến triển gì nếu hai người chưa gặp mặt trực tiếp.
Trong khi đó, Mỹ được cho đã đề xuất khôi phục Hội đồng NATO - Nga nhằm thúc đẩy giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay. Đây được xem là một nỗ lực của Mỹ nhằm thu hút Nga tìm ra giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến ở Ukraine, cho thấy Moscow vẫn có sự chủ động nhất định.
Điều này là không khó hiểu. Nga vẫn đang đạt lợi thế trên chiến trường và họ có lý do để không phải vội vàng cho một thỏa thuận mà họ cho rằng không đáp ứng được tối đa những mong muốn của Moscow.
Theo các nguồn tin từ Mỹ, Nga dường như đang tập hợp lực lượng gần tuyến đầu phía Đông Ukraine để mở trận đánh lớn, động thái được cho là giúp họ gia tăng thêm lợi thế trên bàn đàm phán trong tương lai.