
Tham quan các phòng ban của tòa soạn, từ khu vực thư ký tòa soạn, biên tập viên, bộ phận đồ họa cho đến Trung tâm phát triển nội dung số..., ông Tạ Đức Minh bày tỏ ấn tượng với uy tín và chất lượng thông tin mà báo Tuổi Trẻ mang lại cho độc giả trong và ngoài nước - Ảnh: HỮU HẠNH
Chiều 20-5, trong chuyến thăm và làm việc tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, ông Tạ Đức Minh - tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản - đã chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý về xu hướng thương mại song phương
Ông Tạ Đức Minh chia sẻ các thông tin về thương mại giữa hai thị trường - Ảnh: HỮU HẠNH
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản như nông sản, thủy sản, lâm sản và đồ gỗ đều ghi nhận kết quả tích cực trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên theo ông Minh, mỗi nhóm hàng lại có những đặc điểm khác nhau, ảnh hưởng đến tính ổn định trong xuất khẩu.
"Đồ gỗ thường sản xuất theo đơn đặt hàng, có tiêu chuẩn kích thước cụ thể và ít biến động. Trong khi đó nông - thủy sản lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố mùa vụ và thời tiết", ông Minh phân tích.
Ông dẫn chứng trường hợp quả vải, mặt hàng nông sản được ưa chuộng tại Nhật Bản, năm ngoái gặp khó khăn do sản lượng thấp và giá cao, khiến lượng xuất khẩu bị hạn chế và giảm sức cạnh tranh.
Tuy nhiên ông bày tỏ kỳ vọng năm nay tình hình sẽ khả quan hơn, khi hiện nay đã có nhiều tín hiệu tích cực từ phía cầu với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chủ động liên hệ với thương vụ để trao đổi thông tin, chuẩn bị kế hoạch nhập khẩu sớm phục vụ người tiêu dùng Nhật.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tham quan phòng Truyền thống báo Tuổi Trẻ - Ảnh: HỮU HẠNH
Không chỉ có quả vải cần chiến lược dài hơi
Ngoài vải thiều, ông Minh kỳ vọng các loại bưởi Việt Nam, không chỉ riêng bưởi da xanh, sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị phần tại Nhật Bản. Người tiêu dùng Nhật vốn ưa chuộng trái cây nhiệt đới với hương vị đặc trưng, như xoài cát chu đã có mặt tại các siêu thị Nhật.
Tuy nhiên ông nhấn mạnh ngoài trái cây tươi, doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, như xoài sấy khô, sấy dẻo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng quanh năm và mở rộng thị phần sâu hơn.
Tại Nhật, công nghệ bảo quản lạnh tiên tiến cho phép duy trì độ tươi ngon của trái cây trong 6-9 tháng sau thu hoạch. Liệu công nghệ này có thể áp dụng tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh trái cây thường chín rộ theo mùa.
Dù công nghệ này yêu cầu chi phí đầu tư cao và chưa phổ biến ở Việt Nam, ông Minh cho rằng việc chuyển đổi tư duy của người dân và doanh nghiệp, từ trồng theo mùa vụ sang đầu tư vào hậu cần sau thu hoạch là yếu tố quan trọng để tiến xa hơn.
Để không chỉ phục vụ hơn 500.000 người Việt tại Nhật mà còn vươn tới thị trường hơn 120 triệu dân khó tính, ông Tạ Đức Minh khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần đầu tư nhiều hơn vào chất lượng, thương hiệu và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch.
Chỉ khi "tinh hơn về chất lượng, mạnh hơn về công nghệ", nông sản Việt mới có thể phát triển bền vững tại những thị trường đòi hỏi cao như Nhật Bản.
Mùa vải năm nay đang bước vào cao điểm thu hoạch. Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tổng sản lượng toàn quốc ước đạt hơn 303.000 tấn, tăng khoảng 30% so với năm ngoái.
Thời gian thu hoạch chia thành hai giai đoạn: vải sớm (20-5 đến 10-6) và vải chính vụ (10-6 đến 25-7).
Đến nay đã có 469 mã số vùng trồng với diện tích gần 19.400ha và 55 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép cho xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Úc,…
Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã hoàn tất đăng ký và được giám sát thường xuyên, sẵn sàng phục vụ xuất khẩu ngay trong vụ 2025.
