Nga sẽ "xuống thang" nhượng bộ sau tối hậu thư của ông Trump?

() - “Tối hậu thư” của Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi cho Nga đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi cũng như khả năng gây sức ép với Moscow.
Nga sẽ xuống thang nhượng bộ sau tối hậu thư của ông Trump? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Donald Trump ngày 14/7 tuyên bố sẽ tăng cường đáng kể hệ thống phòng không của Ukraine, đồng thời dọa sẽ áp mức thuế "rất nghiêm khắc" đối với Nga cũng như các đối tác của Nga trong nỗ lực mới nhất nhằm ép buộc Moscow ký kết một thỏa thuận hòa bình.

Cảnh báo thuế quan

Trong tối hậu thư mới nhất gửi Nga, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Moscow giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế lên tới 100%.

Ông cũng cảnh báo, Mỹ sẽ áp "thuế thứ cấp", nhắm tới các quốc gia hợp tác với Nga, từ đó làm suy yếu khả năng của Moscow trong việc ứng phó lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo ông Scott Ritter, nhà bình luận địa chính trị và cựu sĩ quan tình báo Thủy quân Lục chiến Mỹ, việc thực hiện những lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Trump là “bất khả thi”. Ông Ritter lấy hai trường hợp là Trung Quốc và Ấn Độ, hai đối tác hàng đầu của Nga.

"Ông Trump vừa mới gỡ bỏ thảm họa mà ông đã gây ra bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt Trung Quốc hồi tháng 4. Việc Trung Quốc trả đũa đối với khoáng sản đất hiếm đã gây tổn thất cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Và chỉ gần đây, ông Trump mới đạt được một thỏa thuận mới với Trung Quốc, theo đó nguồn cung vật liệu từ tính và khoáng sản đất hiếm này sẽ một lần nữa được mở lại. Nhưng sản xuất đã bị gián đoạn”, ông Ritter nhắc lại.

“Bây giờ, nếu áp thuế thêm 100% nữa, trước hết, ngay cả trước khi mức thuế 100% đó được áp dụng, ai dám ký hợp đồng hôm nay, khi họ tin rằng trong 50 ngày nữa, mọi thứ sẽ sụp đổ vì lệnh trừng phạt. Điều này chắc chắn sẽ gây gián đoạn", chuyên gia lý giải.

Chuyên gia cũng cho rằng Ấn Độ sẽ không chấp nhận kịch bản này. Trong khi đó, Brazil đã chỉ ra rằng “nếu Mỹ muốn áp thuế, Brazil sẽ cắt đứt mọi giao dịch thương mại với Mỹ”.

“Nói cách khác, mặc dù lời đe dọa áp thuế và trừng phạt của Trump có thể được đưa ra để làm suy yếu ý chí của Nga... nhưng tất cả những gì có thể xảy ra là tác động nền kinh tế Mỹ, và chính Mỹ sẽ phải nhượng bộ, thể hiện sự yếu kém, chứ không phải Nga hay các đồng minh của Nga", ông Ritter nhận định.

Lời đe dọa trừng phạt của Tổng thống Trump được đưa ra vào thời điểm giá dầu thấp, nhưng bất ổn thương mại ở mức cao. Thiệt hại đối với thị trường năng lượng sẽ rất rõ ràng và Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi giá dầu có khả năng tăng cao.

Mỹ cho rằng lệnh trừng phạt thứ cấp có thể khiến New Delhi và Bắc Kinh tìm cách tách khỏi nguồn năng lượng của Nga hoặc gây sức ép buộc Moscow từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng điều này khó xảy ra do sự phụ thuộc của các nước này vào năng lượng Nga.

Việc gây sức ép với Moscow cũng là một yêu cầu khó khăn đối với Bắc Kinh. Trung Quốc và Nga đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2/2022, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Bắc Kinh, chỉ vài ngày trước khi Moscow đưa hàng chục nghìn binh sĩ vào Ukraine.

Một số chuyên gia cũng hoài nghi về khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ hạ nhiệt xung đột và nhượng bộ sau tối hậu thư của Tổng thống Trump.

Bà Heather Conley, cựu chuyên gia hoạch định chính sách về Nga của Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện làm việc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết ông Trump từng "hứa rằng ông có thể đưa Tổng thống Putin vào bàn đàm phán, nhưng ông đã không làm được điều đó".

“Lời đe dọa áp thuế của ông Trump cho thấy sự thất vọng vì ông ấy đã không làm được điều đó, nhưng tôi không coi đó là một thay đổi lớn về chính sách", bà Conley nói.

Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho rằng tối hậu thư trừng phạt mới nhất của Tổng thống Trump sẽ không ảnh hưởng đến Moscow.

"Nhiều thứ có thể thay đổi trên chiến trường trong 50 ngày, và tâm trạng của giới lãnh đạo Mỹ và NATO cũng có thể thay đổi. Nhưng điều quan trọng nhất là điều đó sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng đến lập trường của chúng tôi", quan chức Nga nhấn mạnh.

Kể từ thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga để gây áp lực lên Moscow. Các biện pháp này nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm năng lượng, tài chính, quốc phòng và công nghệ.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Putin, các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại cho các nước phương Tây hơn là cho Nga. “Càng trừng phạt nhiều, các nước áp đặt trừng phạt lại càng chịu thiệt hại nhiều hơn,” ông nói tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á-Âu ở Belarus tháng trước.

Ông Putin cũng lập luận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã “thay đổi chất lượng nền kinh tế Nga", tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước thích nghi và tiếp quản các thị phần mà doanh nghiệp nước ngoài để lại. Ông khẳng định Nga ngày càng trở nên kiên cường hơn trước làn sóng trừng phạt chưa từng có của phương Tây.

Viện trợ Patriot cho Ukraine

Nga sẽ xuống thang nhượng bộ sau tối hậu thư của ông Trump? - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước hệ thống Patriot trong chuyến thăm Đức (Ảnh: Getty).

Chuyên gia Ritter cho rằng, lời hứa của Tổng thống Trump về việc cung cấp "tối đa 17" hệ thống Patriot cho Ukraine vẫn còn để ngỏ một loạt câu hỏi. Chẳng hạn, liệu các đồng minh của Mỹ có sẵn sàng chi trả hay không, liệu Ukraine có đủ nhân lực cần thiết để vận hành các hệ thống này hay không, và liệu các hệ thống này có thể tồn tại trong quá trình vận chuyển đến đích trong điều kiện Nga gần như chiếm ưu thế hoàn toàn trên không phận Ukraine hay không.

"Hiện tại, Nga đang có hoạt động tương đối áp đảo trên không phận Ukraine khi triển khai các máy bay không người lái và tên lửa. Rõ ràng họ có phạm vi thông tin tình báo rất tốt về Ukraine. Vì vậy, khi các hệ thống Patriot được chuyển giao cho Ukraine, khả năng chúng bị Nga phát hiện và phá hủy trước khi được lắp đặt là rất cao", ông Ritter nói với hãng tin Sputnik.

Ông cho rằng việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine sẽ là "một sự lãng phí tiền bạc khổng lồ", "không giúp ích cho Ukraine", thậm chí còn gây tổn hại cho nước này, kéo dài cuộc xung đột một cách không cần thiết, và có thể khiến "hàng nghìn" người thiệt mạng.

"Đây là một động thái chính trị của Tổng thống Trump vì ông ấy không thể gây sức ép buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải nhượng bộ trước những yêu cầu của Mỹ về cách chấm dứt cuộc xung đột này", ông Ritter nhấn mạnh.

Theo Nikolay Novik, nhà phân tích Nga tại Viện Kinh tế và Chiến lược Quân sự Thế giới thuộc Trường Kinh tế Cao cấp thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia, Tổng thống Trump không đóng cửa đàm phán với Nga và những phát biểu của ông nên được xem là một phần của chiến lược đàm phán rộng hơn.

“Việc cung cấp vũ khí, áp lực trừng phạt, các cuộc thảo luận về việc kiểm soát tài sản bị đóng băng của Nga, những phát biểu gay gắt mang tính cảm xúc - tất cả những điều này đều là một phần trong chiến lược đàm phán của ông Trump mà chúng ta đã thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy", chuyên gia Nga bình luận.