
Tổng thống Trump cùng Tổng thư ký NATO Mark Rutte và nhiều quan chức khác tại Phòng Bầu dục hôm 14/7 (Ảnh:NYT).
Theo các quan chức Lầu Năm Góc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ ràng về việc sẽ chuyển vũ khí cho Ukraine đồng thời đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt các đối tác của Nga.
Phát biểu cùng với Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Nhà Trắng hôm 14/7, ông Trump cho biết hệ thống phòng không Patriot và các vũ khí khác sẽ "nhanh chóng" được chuyển giao cho Ukraine, quốc gia đang rất cần thêm vũ khí để chống lại các cuộc tấn công mạnh mẽ của Nga.
Ông Trump cho biết, Mỹ sẽ bán những vũ khí này cho các quốc gia châu Âu, vốn sẽ vận chuyển chúng đến Ukraine hoặc sử dụng chúng để thay thế số vũ khí mà họ gửi đến Ukraine từ kho vũ khí hiện có.
Tổng thống Trump cũng dọa sẽ áp mức thuế quan "nghiêm ngặt" lên tới 100% đối với các đối tác thương mại của Nga nếu không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 50 ngày. "Chúng tôi rất, rất không hài lòng - tôi rất không hài lòng - với Nga, và chúng tôi sẽ áp mức thuế quan rất nghiêm khắc nếu không đạt được thỏa thuận trong khoảng 50 ngày tới", ông Trump tuyên bố.
Tuy nhiên, các đề xuất của ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa rõ ràng về các chi tiết quan trọng. Và các chuyên gia vẫn nghi ngờ về tuyên bố đe dọa áp thuế quan 100% đối với các đối tác thương mại Nga của Tổng thống Trump.
Quy mô thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga - gần 250 tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả lượng dầu nhập khẩu khổng lồ - đồng nghĩa với việc việc thực hiện lời đe dọa sẽ đẩy ông Trump vào một cuộc đối đầu với Bắc Kinh.
Các nhà phân tích cho rằng ông Trump khó có thể mạo hiểm đối đầu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vì Ukraine, một quốc gia mà ông từ lâu đã nói rằng "số phận của họ không quan trọng đối với Mỹ".
Ông Trump cũng nổi tiếng là người hay đặt ra những hạn chót mà ông không thực thi, làm dấy lên câu hỏi về việc liệu ông có hành động hay không nếu thời hạn 50 ngày mà ông đặt ra cho người đồng cấp Putin hết hạn.
Những tuyên bố của ông Trump đã được Ukraine và những người ủng hộ nước này tại Washington, hoan nghênh bởi chỉ vài tháng trước họ đã lo ngại rằng Tổng thống Mỹ sẵn sàng từ bỏ việc bảo vệ Kiev trước Nga.
Nhưng sau nhiều năm "ve vãn" ông Putin như một đồng minh, ông Trump đã coi nhà lãnh đạo Nga là trở ngại chính trong việc thực hiện lời hứa nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen tại bang New Hampshire, thành viên đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại, đã ca ngợi sự thay đổi của ông Trump: "Quyết định hôm nay về việc gửi thêm các tổ hợp Patriot tới Ukraine, được thực hiện thông qua các khoản đầu tư có ý nghĩa của các đối tác châu Âu của chúng tôi, sẽ cứu người dân Ukraine".
Cách tiếp cận mà các nhà lãnh đạo NATO đã hình thành và ông Trump đã chấp thuận vào tuần trước, minh họa cho cách ông Rutte và các đồng nghiệp của ông đã giải mã được Tổng thống Mỹ và tìm ra cách làm việc hiệu quả với ông chủ Nhà Trắng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích NATO và thậm chí còn cân nhắc việc Mỹ rút khỏi liên minh quân sự.
“Tôi phải nói với các bạn rằng, châu Âu rất hào hứng với cuộc chiến này... Khi mới tham gia, tôi thực sự không nghĩ họ sẽ làm vậy, nhưng họ đã làm vậy”, ông Trump phát biểu hôm 14/7.
Kế hoạch này cũng cho thấy nỗ lực đồng bộ của châu Âu nhằm thay đổi thái độ của ông Trump đối với Ukraine và Tổng thống Zelensky, đã thu hút được sự chú ý.
Ông Trump từng chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine là "xấc xược và vô ơn" trong một cuộc họp được truyền hình trực tiếp tại Phòng Bầu dục vào tháng 2, nhưng kể từ đó đã hàn gắn mối quan hệ với ông Zelensky.
Ông Trump hài lòng khi Ukraine chấp nhận thỏa thuận chia sẻ nguồn tài nguyên khoáng sản với Mỹ vào tháng 4. Và đến ngày 14/7, ông đã nói về “lòng dũng cảm to lớn” của Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Giống như thỏa thuận khoáng sản, kế hoạch mà ông Trump công bố hôm 14/7 thể hiện tính chất giao dịch của ông và hứa hẹn một khoản lợi nhuận bất ngờ cho Mỹ từ việc châu Âu mua vũ khí của Washington.

Tổng thống Zelensky với hệ thống tên lửa Patriot tại một địa điểm không được tiết lộ ở Đức vào tháng trước (Ảnh: NYT).
Điều này cũng bảo vệ một vị tổng thống, người từ lâu đã đặt câu hỏi về việc chính quyền người tiền nhiệm Joe Biden chuyển giao nhiều vũ khí và tiền bạc cho Ukraine, khỏi những cáo buộc rằng ông đang thay đổi hướng đi và đổ thêm tiền vào chiến tranh.
Truyền thông nhà nước Nga đã phản ứng về mối nguy hiểm chính trị của ông Trump: "Nếu ông Trump nhượng bộ phe Tân bảo thủ về Ukraine, cơ sở MAGA (thuật ngữ chỉ những người ủng hộ mạnh mẽ Donald Trump và phong trào chính trị của ông) sẽ chôn vùi ông ấy như ông Biden phiên bản 2.0", một tiêu đề trên báo Sputnik nêu rõ.
"Hàng tỷ USD thiết bị quân sự sẽ được mua từ Mỹ", ông Trump phát biểu hôm 14/7. "Số thiết bị đó sẽ nhanh chóng được phân phối đến chiến trường. Một số viện trợ mới có thể bắt đầu đến trong vài ngày", ông nói thêm.
Ông Trump cho biết đợt chuyển giao cho Ukraine sẽ bao gồm các hệ thống phòng không Patriot bổ sung do Mỹ sản xuất. Ukraine đã có một số hệ thống Patriot nhưng đã đề nghị được cung cấp thêm.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, có "một vài quốc gia" sở hữu hệ thống Patriot sẽ cung cấp cho Ukraine và sau đó mua hệ thống thay thế từ Washington. Tuy nhiên, ông không nêu tên cụ thể các quốc gia đó. Tuần trước, ông Zelensky cho biết cả Đức và Na Uy đều sẵn sàng mua Patriot và chuyển giao cho Kiev nếu ông Trump chấp thuận.
Chuyên gia Jennifer Kavanagh, thành viên cấp cao tại Defense Priorities, một tổ chức tư vấn ủng hộ chính sách quân sự kiềm chế ở nước ngoài, cho biết ông Putin đã từ chối những lời đề nghị hòa bình của Mỹ vì "ông ấy chưa sẵn sàng ngừng chiến".
"Theo quan điểm của tôi, Tổng thống Putin đánh giá đúng rằng Nga có lợi thế trên chiến trường và Mỹ hay châu Âu không thể làm gì nhiều để gây áp lực hoặc áp đặt những ảnh hưởng đáng kể lên ông ấy", bà nói và nhấn mạnh, "việc viện trợ thêm cho Ukraine khó có thể thay đổi đáng kể cán cân quân sự, và ông Putin đã sẵn sàng chịu đựng những chi phí của các lệnh trừng phạt bổ sung".
Bà Kavanagh, người tin rằng chiến lược vũ trang vô thời hạn cho Ukraine của Mỹ là "không bền vững", nói thêm rằng quy mô kho vũ khí hiện có ở châu Âu và Mỹ hạn chế những gì có thể được chuyển đến Ukraine trong tương lai gần. Châu Âu, với nền tảng công nghiệp quốc phòng nhỏ hơn nhiều so với Mỹ, có thể đặt hàng vũ khí mới, nhưng những lô hàng đó có thể phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm mới đến nơi.
Nhiều điều cũng chưa rõ ràng về các mối đe dọa kinh tế của ông Trump, bao gồm cả mức độ khả thi của chúng.
Không tác động đáng kể đến Nga
Trong khi ông Trump tuyên bố sẵn sàng áp thuế 100% lên cả Nga và các đối tác thương mại của Nga sau 50 ngày nếu không đạt được thỏa thuận ngừng bắn, thì việc áp thuế trực tiếp lên hàng nhập khẩu từ Nga sẽ không có tác động đáng kể nào đến nền kinh tế nước này.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Washington chỉ nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD hàng hóa Nga vào năm 2024. Phần lớn trong số đó bao gồm hàng xuất khẩu của Nga sang Mỹ được coi là thiết yếu, bao gồm phân bón, sắt, thép và uranium cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ. Hiện chưa rõ liệu ông Trump có ý định hạn chế hoạt động thương mại này hay không.
Lời đe dọa của ông Trump về việc áp thuế "thứ cấp" lên bất kỳ quốc gia nào giao thương với Nga có thể có tác động lớn hơn nhiều, đặc biệt là đối với lĩnh vực năng lượng của Moscow. Nền kinh tế Nga đã vượt qua được các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, phần lớn là nhờ việc tiếp tục xuất khẩu dầu khí sang các quốc gia không nằm trong chế độ trừng phạt do phương Tây dẫn đầu.
Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt, là những "phao cứu sinh" cho nền kinh tế Nga. Ấn Độ có thể còn dư địa để cắt giảm: mặc dù hiện nay nước này nhập khẩu gần 40% lượng dầu từ Nga, nhưng trước năm 2022, con số đó chỉ là 1%. Tuy nhiên, Moscow là đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh, và ngay cả trước năm 2022, Nga đã chiếm hơn 15% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Edward Fishman, cựu quan chức ngoại giao và là chuyên gia về các lệnh trừng phạt Nga, lưu ý rằng ông Trump đã từng một lần rút lại lời đe dọa áp thuế hơn 125% đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
"Nếu mục tiêu ở đây là giảm xuất khẩu năng lượng của Nga, thì sẽ không hiệu quả", ông viết trên mạng xã hội.
Nhiều đồng minh thân cận của Mỹ, bao gồm Nhật Bản và Liên minh châu Âu, cũng có quan hệ kinh doanh đáng kể với Nga.
Ông Trump cũng biết rằng việc xuất khẩu năng lượng của Nga giảm mạnh sẽ đẩy giá dầu toàn cầu lên cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ tại các trạm xăng, làm rung chuyển thị trường và thúc đẩy lạm phát nói chung.
Cam kết viện trợ bổ sung của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh Nga đang tiến hành một cuộc tấn công trên bộ kéo dài và chậm chạp ở miền Đông Ukraine, cùng với các cuộc không kích hàng đêm bằng máy bay không người lái và tên lửa trên khắp đất nước.
Trong những bước tiến gần đây nhất, quân đội Nga đã tiến sâu 10km vào vùng Sumy, đông bắc Ukraine. Nga cũng đã thắt chặt vòng vây với hai thành phố Pokrovsk và Kostiantynivka trong những tháng gần đây.
Moscow còn tăng cường số lượng máy bay không người lái tấn công và mồi bẫy mà họ phóng hàng ngày trong năm nay, khiến Ukraine rất cần máy bay không người lái đánh chặn, tên lửa vác vai như Stingers và tên lửa không đối không cho máy bay chiến đấu F-16 để bắn hạ.
Hệ thống Patriot được thiết kế để chống lại các tên lửa đạn đạo bay nhanh của Nga và là hệ thống phòng thủ duy nhất chống lại tên lửa mà Moscow thường xuyên được bắn vào Kiev và các mục tiêu khác.
Mặc dù bà Kavanagh cho rằng, tối hậu thư của Tổng thống Trump khó có thể thay đổi tính toán của Tổng thống Putin, nhưng bà cho biết thời hạn 50 ngày của ông Trump sẽ trùng với thời điểm mùa thu đến và kết thúc chiến dịch tấn công mùa hè của Nga.
"Tôi nghĩ rằng có thể có một cơ hội đàm phán sau khi chiến dịch tấn công kết thúc", bà nói.